Giáo Dục

Trình bày ý kiến về câu nói: Sự thoả hiệp là một cái ô tốt nhưng cũng là một mái nhà tồi

Đề bài: Trình bày ý kiến về câu nói: Sự thoả hiệp là một cái ô tốt nhưng cũng là một mái nhà tồi

trinh bay y kien ve cau noi su thoa hiep la mot cai o tot nhung cung la mot mai nha toi

 

Phần 1: Dàn ý trình bày ý kiến về câu nói: Sự thoả hiệp là một cái ô tốt nhưng cũng là một mái nhà tồi

Xem chi tiết Dàn ý trình bày ý kiến về câu nói: Sự thoả hiệp là một cái ô tốt nhưng cũng là một mái nhà tồi tại đây

 

Phần 2: Bài văn mẫu Trình bày ý kiến về câu nói: Sự thoả hiệp là một cái ô tốt nhưng cũng là một mái nhà tồi

Bài làm:

Trong cuộc sống vốn dĩ nhiều xô bồ và phức tạp, người ta thường tránh đi cái rắc rối, phiền nhiễu mà tìm đến với những thứ giản đơn, hiền hòa, dường như con người đã dần mất đi cái gọi là quan điểm cá nhân, ai ai cũng muốn im lặng cho qua chuyện, chấp nhận cả những chuyện vốn đi ngược lại ý muốn của bản thân, thậm chí là những chuyện sai trái, họ mặc cho số phận sắp đặt. Lowei có một câu nói rất đáng suy ngẫm là: “Sự thỏa hiệp là một cái ô tốt nhưng cũng là một mái nhà tồi”.

Thỏa hiệp là sự nhượng bộ, nhún nhường, hạ thấp cái “tôi” của bản thân để dàn xếp, hòa hoãn, kết thúc những cuộc tranh luận đang hồi ngang tài ngang sức, hoặc là những mâu thuẫn, xung đột mà không một cá nhân nào chịu nhượng bộ. Sự thỏa hiệp buộc phải có một bên hy sinh cái “tôi” cá nhân, từ bỏ một phần quan điểm, chấp nhận cho đối thủ được hưởng phần lợi lớn hơn với mục đích “dĩ hòa vi quý”, vì không muốn mâu thuẫn đi xa thêm làm mất hòa khí.

Sự thỏa hiệp xuất hiện trong mọi mối quan hệ, đó là liều thuốc để xoa dịu và cân bằng các mối quan hệ, nếu người ta hy vọng một mối quan hệ được dài lâu. Đôi khi sự thỏa hiệp còn gặp trong việc con người tự thỏa hiệp với bản thân, tự hài lòng, không muốn phải lựa chọn hay cố gắng điều gì đó, họ thường lựa chọn việc thỏa hiệp. Hình tượng “cái ô” và “mái nhà” đều để chỉ những vật có khả năng che mưa gió bão bùng là những tác động ngoại cảnh đến con người, tuy nhiên có sự khác biệt về độ che chắn, độ vững chãi.

Ở đây nó là hình ảnh ẩn dụ chỉ về hai mặt xấu và tốt của việc thỏa hiệp trong cuộc sống của mỗi con người. Điều Lowei muốn nói ở đây là sự thỏa hiệp chỉ có tác dụng hòa hoãn sự căng thẳng nhất thời, để chúng ta cùng có thời gian nhìn nhận lại vấn đề. Nhưng chúng ta cứ thỏa hiệp mãi cũng không phải là cách tốt nhất, bởi vì lâu dần sự thỏa hiệp sẽ trở thành một thói quen mặc định, chúng ta sẽ không còn bày tỏ được quan điểm, bị mất vị thế, lợi ích chính đáng,… Sự thỏa hiệp với bản thân còn khiến chúng ta trở nên lười biếng, chậm phát triển, kém sự sáng tạo và lòng quyết tâm dẫn tới khó có thể thành công. Lowei muốn truyền tải một thông điệp rằng chúng ta biết thỏa hiệp tạm thời nhưng về lâu dài cũng cần phải đấu tranh một cách tích cực và mạnh mẽ để giành lấy những lợi ích, bảo vệ quan điểm, khẳng định năng lực của bản thân.

Nói rằng sự thỏa hiệp là một cái ô tốt, bởi trong một số trường hợp nhất định, khi tình hình quá căng thẳng, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, mà chúng ta lại không muốn gây chia rẽ, muốn bảo vệ mối quan hệ tốt đẹp, giữ gìn tiếng nói chung, để cho những lần hợp tác hoặc làm việc chung sau này được thoải mái. Việc chịu nhượng bộ, lùi lại một bước, kiềm quan điểm cá nhân lại một chút vì toàn cuộc, vì tập thể là một chuyện hợp lý, thể hiện sự thông minh và khéo léo trong cung cách giao tiếp, ứng xử của con người.

Thế nhưng, bên cạnh những mặt lợi, sự thỏa hiệp cũng là một căn nhà tồi bởi, một khi bạn cứ lùi bước, cứ nhượng bộ mãi thì hậu quả là lợi ích của bạn bị ảnh hưởng, bạn bị mất đi quan điểm ban đầu, không có tiếng nói trong tập thể , cuối cùng là quên luôn cả mục tiêu mình đã đặt ra ban đầu. Thỏa hiệp lâu dài chính là biểu hiện của sự thất bại, hèn nhát và không có lòng quyết tâm. Đặc biệt thỏa hiệp với bản thân lại càng đáng báo động, con người có hai thói quen rất xấu ấy là thói quen “trì hoãn” và cái thứ hai chính là vấn đề đang nói đến trong bài – thói quen “thỏa hiệp” với bản thân. Sự thỏa hiệp với bản thân khiến chúng ta trở nên lười biếng, không có chí tiến thủ, hài lòng với cuộc sống tĩnh tại, không có quan điểm, không có mục tiêu sống, rồi cuộc đời sẽ đi về đâu nếu cứ mãi sống như thế.

Cuộc sống chúng ta không ít lần gặp khó khăn, tôi ví dụ một vài sự thỏa hiệp với bản thân cho các bạn thấy. Thuở học sinh, gặp một bài toán khó, con người có hai lựa chọn một là cố gắng tìm tòi giải bằng được dù mất bao nhiêu thời gian, lựa chọn còn lại là đợi thầy cô giải cho, và đa phần chúng ta chọn vế số hai, như vậy lâu dần chúng ta tự mặc định bản thân không thể giải được loại toán ấy, tự cho phép mình lười biếng, không sáng tạo, và ta cứ mãi dậm chân tại chỗ mà không thể tiến bộ được. Thêm một ví dụ nữa, một cô gái thừa cân, quyết tâm ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân, thế nhưng chế độ ăn kiêng khiến cô thấy đói cồn cào, chế độ tập luyện khiến cô thấy mệt mỏi, cuối cùng cô thỏa hiệp và buông bỏ hết các chế độ, chấp nhận sống với thân hình phì nhiêu của mình đến hết đời. Qua hai ví dụ như vậy bạn đã thấy được phần nào tác hại của việc thỏa hiệp với bản thân chưa? Mới chỉ vài ba việc cỏn con mà con người đã dễ dàng thỏa hiệp như thế, thì cuộc đời liệu còn biết bao nhiêu thử thách gian lao, chúng ta vượt qua như thế nào đây các bạn?

Như vậy trong cuộc sống chúng ta cần biết thỏa hiệp đúng lúc, khi mà sự thỏa hiệp đó đem lại những kết quả tốt đẹp, khiến tập thể cùng được vui vẻ, cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến quan điểm và lợi ích chính đáng của bản thân. Nếu bản thân chúng ta không biết mềm dẻo, mà cứ khăng khăng một là một hai là hai, không chịu xê dịch thì rất khó có thể tìm thấy tiếng nói chung trong công việc, cuộc sống, khó có thể giải quyết những vấn đề nan giải. Chúng ta đấu tranh không thỏa hiệp khi quan điểm của chúng ta mang lại lợi ích cho cả tập thể, đấu tranh chống lại cái xấu, những quan điểm lệch lạc gây hại, vụ lợi cá nhân,… Chúng ta đấu tranh phải lấy lợi ích chung của tập thể làm đầu, sau đó là lợi ích của chúng ta cũng được bảo toàn.

Trong cuộc sống chịu thỏa hiệp hay đấu tranh đều cần phải linh hoạt, lúc nào cần giữ vững lập trường, lúc nào cần buông xuống quan điểm để cho các mối quan hệ được tốt đẹp, giữ gìn hòa khí. Không phải lúc nào cố gắng tranh luận cũng là tốt, bởi nhiều lúc nó chỉ đem đến cho chúng ta sự mệt mỏi, căng thẳng, lâu dần sẽ hình thành bản tính cố chấp, cứng đầu. Hãy là một người thông minh khéo léo, co được duỗi được trong cuộc sống phức tạp này bạn nhé.

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button