Đề bài: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội
Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội
I. Dàn ý Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội
1. Mở bài
– Giới thiệu danh lam thắng cảnh Hồ Gươm.
2. Thân bài
a. Hồ Gươm:
– Tên gọi khác là hồ Hoàn Kiếm, hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, ngoài ra dưới thời Lê mạt còn có tên là hồ Tả Vọng, Hữu Vọng.
– Thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, diện tích bề mặt khoảng 12 ha, là hồ nước ngọt tự, độ sâu trung bình từ 1- 1,4 m, chiều dài tối đa 700m, chiều rộng tối đa là 250m, chu vi nằm vào khoảng 1750 m.
– Là một phân lưu lớn của sông Hồng.
– Trong truyền thuyết xưa, hồ Hoàn Kiếm gắn liền với sự tích vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần.
b. Các công trình kiến trúc gắn liền với hồ Gươm:
* Tháp Rùa:
– Được dựng trên một mỏm nhất nhô lên giữa lòng hồ trong xanh.
– Tháp Rùa được xây theo lối kiến trúc Pháp, khởi công xây dựng vào năm 1884 và hoàn thành năm 1886, bao gồm bốn tầng tháp, tầng thứ 3 có đề mấy chữ “Quy Sơn tháp”, tầng thứ bốn thì có hình thức giống một vọng lâu.
– Nơi đây đã từng là nơi chôn cất vợ của một vị tướng Pháp.
* Đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc:
– Nằm về hướng Bắc của hồ Hoàn Kiếm.
– Vốn xưa kia có tên là Tượng Nhĩ (tai voi), đến thời Lý thì được vua Lý Thái Tổ đặt lại thành đền Ngọc Tượng, đến đời Trần đổi lại thành Ngọc Sơn.
– Dùng để thờ vị thần Văn Xương và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
– Tổng thể công trình kiến trúc này có sự phối hợp hài hòa giữa Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo.
– Gắn liền với đền Ngọc Sơn chính là cầu Thê Húc nổi tiếng với dáng cong cong như “con tôm” và màu sơn đỏ chói như son dẫn vào đền. Tên gọi cầu Thê Húc có ý nghĩa tượng trưng rất hay ấy là “nơi đậu ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sớm”.
* Tháp Bút và Đài Nghiên;
– Được xây dựng vào năm 1865. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, mang ý nghĩa biểu tượng to lớn, khuyến khích và đề cao việc học hành bút nghiên
– Tháp Bút cao 28m, bao gồm năm tầng, đỉnh tháp có hình ngọn bút hướng lên trời cao, thân tháp đề mấy chữ Hán lớn “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh) màu đỏ, ngoài ra còn khắc một bài Bút Tháp chí của Nguyễn Văn Siêu.
– Đài Nghiên, hình như một cái nghiên mực lớn, được tạc từ một tảng đá xanh lớn có hình quả đào, sau đó đặt ngay ngắn lên ba con thiềm thừ (cóc) cũng bằng đá. Trên thân nghiên mặt trước có đề một bài Minh, gồm 64 chữ hán của Nguyễn Văn Siêu, phía sau là hai câu đối lấy từ điển tích của Tô Đông Pha và Trang Tử.
* Các công trình khác:
– Tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu (thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc nữ), Thủy Tạ, đền thờ vua Lê, tượng đài vua Lý Thái Tổ và vườn hoa,…
3. Kết bài
Nêu cảm nhận.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội
Nếu ai đã một lần về với mảnh đất ngàn năm văn hiến là kinh đô của đế vương muôn đời – thủ đô Hà Nội, thì có lẽ cũng đôi lần được dạo bước bên hồ Gươm, ngắm nhìn tháp Rùa cổ kính, hoặc cầu Thê Húc đỏ son, xem nó có cong như con tôm giống sách giáo khoa đã từng nói, hoặc nghía qua tháp Bút, non Nghiên tượng trưng cho nền giáo dục cổ xưa của dân tộc. Hoặc rằng chưa một lần ghé Hà Nội, có lẽ người ta cũng loáng thoáng nghe về một tích Lê Lợi hoàn kiếm cho rùa thần tại hồ Gươm, gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nói như thế để thấy rằng hồ Gươm dường như là một cụm di tích, cảnh quan quen thuộc và đã đi vào nếp sống của người dân thủ đô, cũng như tiềm thức của nhân dân Việt Nam ta từ lâu đời. Không chỉ mang giá trị cảnh quan mà còn mang giá trị lịch sử văn hóa vô cùng sâu sắc.
Hồ Gươm còn có tên gọi khác là hồ Hoàn Kiếm (chiếu theo sự tích Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần), hay vì màu nước xanh ngắt nên gọi là hồ Lục Thủy, cũng được dùng để duyệt binh thời xưa nên gọi là hồ Thủy Quân, ngoài ra dưới thời Lê mạt còn có tên là hồ Tả Vọng, Hữu Vọng. Hiện nay hồ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, diện tích bề mặt khoảng 12 ha, là hồ nước ngọt tự nhiên và duy nhất trên địa bàn quận. Với độ sâu trung bình từ 1- 1,4 m, chiều dài tối đa 700m, chiều rộng tối đa là 250m, chu vi nằm vào khoảng 1750 m. Về lịch sử hình thành, hồ Hoàn Kiếm trước kia là một phân lưu lớn của sông Hồng, vốn dĩ chảy đổ về nhánh chính của sông. Tuy nhiên qua thời gian kiến tạo hàng vài thế kỷ, mực nước sông dần thấp đi, địa hình lòng sông được nâng lên, tạo nên những khu đất bao quanh nhánh sông này, cuối cùng phần trũng nhất trở thành hồ Gươm, dần dà dân cư tập trung sinh sống và phát triển ven hồ tạo nên quang cảnh như ngày hôm nay. Thực tế rằng trong lịch sử, hồ Hoàn Kiếm vốn có diện tích rộng gần gấp đôi hiện tại, được chúa Trịnh cho ngăn làm hai phần đặt tên là hồ Tả Vọng và Hữu Vọng, trong đó hồ Hữu Vọng được dùng để duyệt quân, luyện thủy binh. Sau này khi thực dân Pháp xâm lược nước ta chúng đã cho lấp hồ Hữu Vọng để phục vụ cho việc xây dựng các công trình khác, thế nên chỉ còn lại hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm ngày nay mà ta vẫn thấy. Trong truyền thuyết xưa, có một tích liên quan đến việc Lê Lợi đánh thắng quân Minh xâm lược. Chuyện kể lại rằng, Lê Lợi trong những ngày tháng xây dựng nghĩa quân, đã được Long Quân cho mượn một thanh đao chuôi nạm ngọc, giúp đánh thắng giặc ngoại xâm, sau Lê Lợi lên ngôi vua, một lần cưỡi thuyền rồng ngắm cảnh ở hồ này, thì bỗng có một con rùa Vàng ngoi lên nói tiếng người xin nhà vua trả lại gươm. Nhà vua sực nhớ chuyện năm xưa bèn tháo gươm đem trả, rùa ngậm gươm rồi lặn mất, từ đó hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là hồ Gươm.
Đi cùng với hồ Gươm là một loạt các di tích lịch sử có giá trị lâu đời, gắn liền với tên tuổi của hồ và của thủ đô Hà Nội. Đầu tiên ấn tượng và dễ thấy nhất đó chính là tháp Rùa được dựng trên một mỏm nhất nhô lên giữa lòng hồ trong xanh, mang đến cảm giác độc lập, lặng lẽ. Bên cạnh đó những nét rêu phong cổ kính phủ đầy tháp còn khiến người ta không khỏi hoài niệm nhớ thương những ký ức một thời mà ngọn tháp sừng sững đã im lìm chứng kiến cả trăm năm. Tháp Rùa được xây một các đơn giản theo lối kiến trúc Pháp, được khởi công xây dựng vào năm 1884 và hoàn thành năm 1886, bao gồm bốn tầng tháp, hai tầng dưới cùng lớn và bố trí cửa vòm 4 mặt, hai tầng tháp trên nhỏ hơn, tầng thứ 3 có đề mấy chữ “Quy Sơn tháp”, tầng thứ bốn thì có hình thức giống một vọng lâu. Vốn dĩ đỉnh tháp còn có một tượng bà đầm xòe, nhưng vì một lý do nào đó mà mất đi hoặc bị phá hủy do chiến tranh. Nơi đây đã từng là nơi chôn cất vợ của một vị tướng Pháp, có thể suy đoán được người vợ quá cố rất yêu thích phong cảnh hồ Gươm và người chồng thì hết lòng chiều chuộng vợ, có lẽ họ đã có một tình yêu đẹp.
Nổi bật thứ hai chính là cụm di tích đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, nằm về hướng Bắc của hồ Hoàn Kiếm. Đền Ngọc Sơn vốn xưa kia có tên là Tượng Nhĩ (tai voi), đến thời Lý thì được vua Lý Thái Tổ đặt lại thành đền Ngọc Tượng, đến đời Trần đổi lại thành Ngọc Sơn và được duy trì cho đến hôm nay. Ngôi đền trước kia dùng để thờ vị thần Văn Xương, chuyên cai quản việc học hành, khoa cử của nhân gian, sau còn thờ thêm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tổng thể công trình kiến trúc này có sự phối hợp hài hòa giữa Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo. Gắn liền với đền Ngọc Sơn chính là cầu Thê Húc nổi tiếng với dáng cong cong như “con tôm” và màu sơn đỏ chói như son dẫn vào đền. Cảnh bóng cầu in trên mặt nước trong xanh đã tạo nên một bức tranh tuyệt diệu, hài hòa, làm vui lòng du khách ghé thăm. Tên gọi cầu Thê Húc có ý nghĩa tượng trưng rất hay ấy là “nơi đậu ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sớm”.
Gần với đền Ngọc Sơn tại hướng Đông Bắc, có lẽ để bổ sung cho ngôi đền thờ vị thần Văn Xương, người ta đã dựng lên tháp Bút và đài Nghiên được xây dựng vào năm 1865. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, mang ý nghĩa biểu tượng to lớn, khuyến khích và đề cao việc học hành bút nghiên. Tháp Bút cao 28m, bao gồm năm tầng, đỉnh tháp có hình ngọn bút hướng lên trời cao, thân tháp đề mấy chữ Hán lớn “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh) màu đỏ, ngoài ra còn khắc một bài Bút Tháp chí của Nguyễn Văn Siêu. Toàn bộ tháp dựng trên một gò đá hộc, gọi là Độc Tôn. Gắn liền với tháp Bút là đài Nghiên, hình như một cái nghiên mực lớn, ứng với tháp Bút, được tạc từ một tảng đá xanh lớn có hình quả đào, sau đó đặt ngay ngắn lên ba con thiềm thừ (cóc) cũng bằng đá. Trên thân nghiên mặt trước có đề một bài Minh, gồm 64 chữ hán của Nguyễn Văn Siêu rất ý tứ và hàm súc, phía sau lại được khắc thêm hai câu đối lấy từ điển tích của Tô Đông Pha và Trang Tử, mang đậm màu sắc Đạo giáo.
Ngoài ra tại khu vực hồ Hoàn Kiếm còn có Tháp Hòa Phong, hay đền Bà Kiệu (thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc nữ), Thủy Tạ, đền thờ vua Lê, tượng đài vua Lý Thái Tổ và vườn hoa là một số những điểm tích khá hấp dẫn mà nếu có cơ hội ghé thăm Hồ Gươm du khách cũng nên đến một lần.
Hồ Gươm là một địa điểm tham quan, một thắng cảnh hấp dẫn đối với nhiều du khách, không chỉ mang trong mình những vẻ đẹp thẩm mỹ bởi cảnh quan nhiều màu sắc, mà nó còn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Trải qua nhiều thế kỷ hồ Gươm đã ghi dấu trong lòng mình biết bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu biến cố của đất nước, của dân tộc, chứng kiến lẽ hưng phế của nhiều triều đại, trở thành một nhân chứng lịch sử có tuổi thọ lâu đời của Việt Nam ta, cần được bảo tồn và giữ gìn cẩn thận, chặt chẽ.
-Hết-
Trong bài Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội, chúng tôi đã giới thiệu đến các em không chỉ 1 danh thắng mà 1 cụm danh thắng nổi tiếng nhất của Hà Nội gồm: Hồ Gươm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Nghiên. Bên cạnh đó, để khám phá về vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến và luyện tập viết văn thuyết minh lớp 8, các em không nên bỏ qua nền ẩm thực độc đáo của Hà Nội qua bài Thuyết minh về món Phở Hà Nội hay khám phá về làng nghề truyền thống ở Hà Nội qua bài Thuyết minh về một làng nghề truyền thống – làng gốm Bát Tràng.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)