Đề bài: Lí tưởng sống của thanh niên thời chống Mĩ qua hai nhân vật Tnú và Việt
Bài văn mẫu Lí tưởng sống của thanh niên thời chống Mĩ qua hai nhân vật Tnú và Việt
I. Dàn ý Lí tưởng sống của thanh niên thời chống Mĩ qua hai nhân vật Tnú và Việt
1. Mở bài
– Rừng xà nu (1965) của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình (1966) của Nguyễn Thi là hai trong số những tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam được viết vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất.
– Tnú và Việt là nhân vật tiêu biểu đại diện cho lý tưởng sống và chiến đấu của thanh niên Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
2. Thân bài
a. Khái quát về cảm hứng của chung của hai tác giả:
– Đều là nhà văn bước ra từ chiến trường, có những trải nghiệm thực tế về cuộc tranh ác liệt, hiện thực chiến tranh tàn khốc với sự ngã xuống của biết bao đồng đội và tinh thần anh dũng, bất khuất gia nhập chiến trường của nhiều thanh niên trẻ tuổi đã trở thành nguồn cảm hứng sáng của cả hai tác giả.
– Nhân vật trong tác phẩm toát lên sức trẻ, sức chiến đấu mãnh liệt, với lý tưởng cách mạng sâu sắc.
b. Lý tưởng sống xuất phát từ truyền thống cách mạng của cộng đồng, gia đình.
– Tnú sinh ra và lớn lên trong sự bảo bọc của làng Xô Man, ngôi làng có truyền thống đánh giặc lâu đời.
– Gia đình Việt có bố là cán bộ cách mạng, mẹ hi sinh trong đấu tranh,
=> Thừa hưởng tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí quyết tâm chống giặc sâu sắc, khơi nguồn lý tưởng sống và chiến đấu cho Tổ quốc.
c. Lý tưởng sống và chiến đấu cho tổ quốc của Tnú và Việt càng trở nên sâu sắc hơn khi trải qua những đau thương mất mát, to lớn nhất trong cuộc đời.
– Đặc trưng của chủ nghĩa anh hùng thời chiến.
– Tnú phải chứng kiến vợ con chết thảm, mình bị giặc đốt mất 10 đầu ngón tay.
– Việt chứng kiến bố bị chặt đầu, mẹ chết dưới đạn giặc.
=> Nợ nước, thù nhà sâu sắc đã trở thành ngọn lửa nóng hun đúc tâm hồn và lý tưởng sống của cả hai nhân vật, họ xem việc đánh giặc là chân lý sống, giết giặc trả nợ nước thù nhà là mục tiêu cuối cùng, họ quyết sống chết vì đất nước, vì nhân dân, kể cả khi Tnú với bàn tay không lành lặn, kể cả Việt một chàng trai còn vô tư, hồn nhiên, chưa từng biết đến chiến trường.
=> Tình cảm với gia đình với quê hương chính là cơ sở vững chắc cho lý tưởng của thanh niên Việt Nam: Sống và chiến đấu.
d. Lý tưởng cách mạng được hun đúc trong quá trình đấu tranh cách mạng:
– Tinh thần bất khuất, kiên cường, sự anh dũng trong chiến đấu, đó là một Tnú bị giặc đốt 10 đầu ngón tay cũng không rên lấy một tiến, đó là Việt bị thương, lạc đồng đội nhưng vẫn ôm khẩu súng sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.
=> Đại diện cho sức chiến đấu mãnh liệt và lý tưởng cách mạng cao đẹp của thanh niên Việt Nam.
3. Kết bài
– Tổng kết lại nội dung.
II. Bài văn mẫu Lí tưởng sống của thanh niên thời chống Mĩ qua hai nhân vật Tnú và Việt
Giai đoạn 1945-1975 là giai đoạn có sự xuất hiện của nhiều những tác phẩm văn học viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ với khung hướng sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến hai tác phẩm Rừng xà nu (1965) của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình (1966) của Nguyễn Thi, cả hai tác phẩm đều viết trong giai đoạn kháng chống Mỹ ác liệt nhất, hình tượng nhân vật chính của tác phẩm được khắc họa sâu sắc và rõ nét, Tnú và Việt đều là những người con anh hùng, một người đại diện cho miền núi rừng Tây Nguyên, một người người đại diện cho miền sông nước miền Tây. Và cả hai đều mang trong mình những vẻ đẹp đáng quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc sẵn sàng xả thân vì đất nước, là đại diện cho lý tưởng sống và chiến đấu của thanh niên Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đều tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, được chứng kiến sự ác liệt của chiến trường những năm 1960, những ấn tượng khó phai về hiện thực chiến tranh tàn khốc với sự ngã xuống của biết bao đồng đội và tinh thần anh dũng, bất khuất gia nhập chiến trường của nhiều thanh niên trẻ tuổi đã trở thành nguồn cảm hứng sáng của cả hai tác giả. Những trang sách, những nhân vật từ hai ngòi bút ấy đều mang chất sử thi đậm đà, nhân vật mang hơi thở của thời đại, bước vào văn học bằng tất cả những xúc cảm thực tế, những trải nghiệm trên chiến trường ác liệt, giữa tiếng súng nổ, bom dội, chân thực và sinh động vô cùng. Đọc cả hai tác phẩm ta đều thấy toát lên ở nhân vật chính là sức trẻ, sức chiến đấu mãnh liệt, mà nền tảng là mối nợ nước thù nhà sâu sắc, cùng với tình yêu thương từng tấc đất con người quê hương, tấm lòng đau đớn xót xa khi nhìn thấy quê hương bị chà đạp, tất cả những điều trên đã hội tụ lại ở Tnú và Việt những thanh niên tiêu biểu của Việt Nam một lý tưởng sống cao đẹp, sống và chết cho Tổ Quốc.
Cả hai nhân vật chính đều được sinh ra vào thời chiến, lớn lên trong truyền thống chống giặc bất khuất của gia đình, thôn xóm. Tnú là đứa trẻ mồ côi được sinh ra giữa núi rừng Tây Nguyên và lớn lên trong sự bảo bọc của bà con làng Xô Man, một ngôi làng có truyền thống đánh giặc lâu đời, bởi vì lớn lên trong cái nôi của cộng đồng dân tộc thế nên Tnú cũng hội tụ trong mình những vẻ đẹp có tính cộng đồng cao quý. Mà tiêu biểu nhất chính là sự thừa hưởng tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống giặc sâu sắc, thế nên Tnú đã sớm giác ngộ cách mạng trở thành chiến sĩ nuôi cán bộ từ những ngày còn thơ bé. Còn Việt thì gia đình đã có truyền thống làm cách mạng, bố làm cán bộ, mẹ đã chiến đấu kiên cường chống lại giặc thì rồi hy sinh, bản thân Việt cũng là đứa trẻ gan dạ khi dám xông vào đá thằng giặc đã giết cha mình, chính những điều đó đã gieo vào tâm hồn Việt một lý tưởng cao đẹp là tiếp bước cha, má lên đường phụng sự vì Tổ quốc.
Lý tưởng sống và chiến đấu cho tổ quốc của Tnú và Việt càng trở nên sâu sắc hơn khi trải qua những đau thương mất mát, to lớn nhất trong cuộc đời, đó là một trong những đặc điểm của chủ nghĩa anh hùng, nhân vật thường phải trải qua những khổ đau để trưởng thành và củng cố những lý tưởng ban đầu thêm sáng rõ và sâu sắc. Với Tnú chính là nỗi đau vợ con bị giết dã man dưới tay giặc, bản thân phải chịu trơ mắt đứng nhìn, đó là nỗi đau mất đi 10 ngón tay vì trò tra tấn độc ác của quân giặc. Với Việt là nỗi đau chứng kiến ba bị giặc chặt đầu, má bị giặc bắn chết. Chính những đau thương mất mát tột cùng của hai nhân vật, cũng là đại diện cho những nỗi đớn đau mà cả dân tộc Việt Nam đang gánh chịu. Nợ nước, thù nhà sâu sắc đã trở thành ngọn lửa nóng hun đúc tâm hồn và lý tưởng sống của cả hai nhân vật, họ xem việc đánh giặc là chân lý sống, giết giặc trả nợ nước thù nhà là mục tiêu cuối cùng, họ quyết sống chết vì đất nước, vì nhân dân, kể cả khi Tnú với bàn tay không lành lặn, kể cả Việt một chàng trai còn vô tư, hồn nhiên, chưa từng biết đến chiến trường. Có thể nói rằng cơ sở vững chắc cho lý tưởng sống cao cả ấy chính là tình yêu thương gia đình, sau đó mở rộng ra là tình yêu thương nhân dân, yêu thương đất nước sâu sắc. Từ những tình cảm thiêng liêng, đáng quý như vậy đã khiến Tnú và Việt nhận thức được một chân lý sâu sắc rằng muốn bảo vệ cho gia đình, quê hương, bảo vệ những gì trân quý nhất thì chỉ có một con đường duy nhất chính là cầm súng bước ra chiến trường chiến đấu hết mình. Bởi chúng ta càng nhân nhượng, mềm yếu thì giặc càng lấn tới, chỉ có trở nên lớn mạnh, cường thế thì mới đẩy lui được bước quân thù. Từ đây lý tưởng sống của Tnú và Việt mới chính thức trưởng thành và thấm đẫm chân lý thực tiễn, trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của hai chàng trai trẻ, đại diện cho lý tưởng sống của cả thế hệ các thanh niên Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến.
Hơn thế nữa lý tưởng sống và chiến đấu của cả Tnú và Việt chưa bao giờ vì những gian nan thử thách trên chiến trường mà hoen ố, nó chỉ ngày một lớn mạnh, càng đi chiến đấu nhiều họ lại càng có niềm tin vào chiến thắng, niềm tin vào một ngày đất nước được độc lập tự do, trên mảnh đất quê hương không còn bóng quân thù, họ có thể rửa sạch được mối nợ nước thù nhà. Ở họ ta luôn thấy một bừng sáng lên vẻ đẹp của lý tưởng cao đẹp, mang khuynh hướng cách mạng anh hùng, dẫu cả Tnú và Việt chỉ là những con người bình thường trong hàng vạn thanh niên Việt Nam lên đường ra chiến trận. Thế nhưng họ mang trong mình những phẩm chất rất mực cao quý của người chiến sĩ cách mạng, đó là tinh thần bất khuất, kiên cường, sự anh dũng trong chiến đấu, đó là một Tnú bị giặc đốt 10 đầu ngón tay cũng không rên lấy một tiến, đó là Việt bị thương, lạc đồng đội nhưng vẫn ôm khẩu súng sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Tinh thần thép và tấm lòng kiên trung với cách mạng, thủy chung với Tổ quốc ấy xứng đáng là tấm gương sáng, là ngọn cờ đầu cho lý tưởng cách mạng soi sáng tâm hồn của hàng triệu thanh niên Việt Nam trong những năm kháng chiến ác liệt. Và một Việt Nam với một dân tộc anh hùng mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp ấy đã làm nên chiến thắng vĩ đại những trang sử vẻ vang của dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập và tự do.
Lý tưởng sống và chiến đấu của Tnú và Việt cũng chính là lý tưởng chung của thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ lắm đau thương, mất mát nhưng cũng nhiều vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Khơi nguồn cho lý tưởng cao đẹp ấy chính là lòng yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước tha thiết cùng với lòng căm thù giặc sâu sắc, để rồi lớp lớp những người con, người cha, người anh lên đường mang theo lý tưởng sống vững chắc trong tim, với một niềm tin bất diệt kháng chiến nhất định thắng lợi, phản ánh chính xác không khí sôi nổi của thời đại, một thời đại anh hùng của dân tộc.
—————– Hết —————–
Sau khi tìm hiểu xong bài Lí tưởng sống của thanh niên thời chống Mĩ qua hai nhân vật Tnú và Việt, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình, Phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình, Phân tích điểm giống và khác nhau giữa hai chị em Việt – Chiến trong truyện Những đứa con trong gia đình, Vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua nhân vật Tnú trong Rừng Xà Nu và nhân vật Việt trong Những đứa con trong gia đình, Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)