Giáo Dục

Cảm nghĩ bài thơ Khe chim kêu

Đề bài: Cảm nghĩ bài thơ Khe chim kêu của Vương Duy

cam nghi bai tho khe chim keu

Cảm nghĩ bài thơ Khe chim kêu 

 

I. Dàn ý Cảm nghĩ bài thơ Khe chim kêu
 

1. Mở bài

Giới thiệu Vương Duy và Khe chim kêu.
 

2. Thân bài

a. Vài nét về tác giả và bối cảnh của tác phẩm:

b. Hai câu thơ đầu:

– Cảnh người “nhàn”: Trạng thái thảnh thơi, thư thái, tĩnh tại cả về thể xác lẫn tinh thần của thi sĩ.
– “Quế hoa lạc”: Sự tinh tế của nhà thơ trong việc nhận thức hoa quế rụng, từ đó gợi ra vẻ yên tĩnh của bóng đêm và sự thanh tịnh trong tâm hồn tác giả.
– “Dạ tĩnh xuân sơn không”: Nhấn mạnh sự tĩnh lặng tuyệt đối của màn đêm.

b. Hai câu thơ sau:

– “Nguyệt xuất kinh sơn điểu”: Sự xuất hiện chậm rãi, yên lặng của trăng cũng làm kinh động loài chim => Nhấn mạnh không gian tĩnh lặng tuyệt đối, một chuyển động nhỏ cũng trở nên rõ nét dù nó không có âm thanh.
– “Thời minh tại giản trung”: Tiếng chim kêu gợi ra không gian yên tĩnh như tờ, bóng đêm lặng lẽ.
=> Sự thanh tao, cao nhã trong tâm hồn thi nhân, tất cả đều quy vào một chữ “nhàn”, không có yếu tố nào có thể làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh trong lòng thi nhân.

3. Kết bài

Nhận định về bài thơ.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nghĩ bài thơ Khe chim kêu

Đối với lịch sử Trung Hoa cổ đại, thời Đường có thể xem là thời đại thịnh thế với sự phát triển tột bậc trên tất cả các phương diện bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là văn hóa. Trong đó phải kể đến sự nở rộ rực rỡ của thi ca với sự xuất hiện một loạt các nhà thơ lớn cùng thể thơ Đường luật trứ danh. Nổi tiếng nhất là tứ trụ của thơ Đường bao gồm Thi tiên – Lý Bạch tài hoa, lãng mạn, Thi thánh – Đỗ Phủ khắc họa hiện thực đỉnh cao, Thi quỷ – Lý Hạ, với lối thơ kỳ dị, khó hiểu, còn Thi Phật – Vương Duy lại tạo riêng cho mình lối thơ điền viên và thiền tịnh. Có thể nói Vương Duy là nhà ngôn ngữ hội họa tài ba, thơ ông không tả nhiều mà chủ yếu chỉ gợi, vẻ đẹp trong thơ ông cũng mang đậm phong thái thủy mặc sơn thiền, trang nhã, đạm mạc, ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc của chốn thiền môn. Khe chim kêu là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông với, hầu như mang trong mình đầy đủ phong cách thơ của tác giả.

Vương Duy tài hoa thế nhưng cuộc đời cũng lắm gian truân, cả đời làm quan thế nhưng đường quan lộ không mấy suôn sẻ, nên càng về sau ông càng mất đi chí tiến thủ, quay về với cuộc sống dân dã, gần gũi thiên nhiên, viết thơ vẽ tranh, niệm Phật. Sáng tác của ông có hai giai đoạn bao gồm giai đoạn đầu tích cực với cuộc đời, với sự nghiệp, giai đoạn sau thì xa lánh trần thế, ưa thích gần gũi thiên nhiên, sáng tác theo trường phái “điền viên-sơn thủy”. Bài thơ Khe chim kêu chính là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của giai đoạn sau này. Không chỉ là một nhà thơ tài năng mà Vương Duy còn là một họa sĩ nổi tiếng đời Đường, Tô Đông Pha đã nhận xét: “Thưởng thức thơ Ma Cật, thấy trong thơ có họa, xem họa Ma Cật, thấy trong họa có thơ”. Bài thơ với vẻ bề ngoài chỉ đơn thuần họa cảnh thế nhưng sâu xa lại bộc lộ tâm trạng của tác giả, sự thanh thản, tĩnh lặng trong tâm hồn khi giao hòa với thiên nhiên vạn vật, thể hiện sự tinh tế, cùng với chất thiền trong thơ Vương Duy.

“Nhân nhàn quế hoa lạc”
(Người nhàn, hoa quế rụng)

Trong bối cảnh của bài thơ hẳn là tác giả đang chờ trăng lên, với tư thái “nhàn” ở đây nhàn không chỉ biểu lộ trạng thái nghỉ ngơi của thể xác mà quan trọng hơn đó là trạng thái “nhàn” của tinh thần. Tâm hồn nhà thơ hoàn toàn buông lỏng, thảnh thơi và tĩnh tại​. Chính bởi có cái tư thái tĩnh lặng trong tâm hồn nên một chuyển biến nhỏ nhoi của nhiên nhiên cũng có thể đánh động tâm hồn của thi sĩ. Hoa quế, không phải là loài hoa to lớn, nhiều hương sắc như hoa sen, hoa hồng cũng không rực rỡ kiều diễm như phù dung, mẫu đơn mà trái lại, nó nhỏ li ti nên dường như hiếm người có thể cảm nhận được sự biến đổi của nó. Ngoại trừ Vương Duy, trong đêm khuya tịch mịch, rõ ràng cảm nhận bằng thị giác là điều khó khăn, thế nhưng tác giả vẫn nhận biết được cảnh hoa quế rơi rụng đầy sân bằng thính giác. Đó thực sự là tuyệt đỉnh trong phong thái “nhàn” tịnh tâm của nhà thơ, bởi tâm có yên, lòng có trong sạch thì mới có thể nghe được tiếng hoa quế đáp xuống sân nhà trong một đêm thanh vắng, tối tăm như vậy.

Khung cảnh đêm khuya thanh vắng lại càng được tác giả làm rõ trong câu thơ tiếp theo.

“Dạ tĩnh xuân sơn không”
(Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không.)

Vương Duy đã họa nên một buổi đêm vắng lặng và tịch mịch bằng cách thêm vào một nét “xuân sơn không”. Rõ ràng đêm vốn đã khuya vắng, nay lại càng thêm phần yên tĩnh tuyệt đối bởi cái chữ “không” ấy, không có gì, không tiếng động, không có sự biến chuyển đáng kể. Ngoại trừ hoa quế, một loài hoa tí ti, nấp trong những cành lá xum xuê, những đóa hoa trắng cứ lặng lẽ rơi rụng trong đêm tối, tưởng chừng không ai phát giác. Chính vì phát hiện tiếng động của hoa quế rơi, mà Vương Duy đã gợi ra một bóng đêm đã yên tĩnh lại càng thêm tịch mịch và cô đọng bằng bút pháp “lấy động tả tĩnh”. Đồng thời tự họa nên bức chân dung tâm hồn tinh tế, trang nhã, thanh tịnh, một lòng hướng Phật, khơi gợi ra chất thiền tu trong thơ của bản thân.

“Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh tại giản trung”

(Trăng lên làm chim núi giật mình
Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe suối)

Cuối cùng thì cái bóng trăng thơ mộng, thanh bình mà thi nhân hằng mong đợi cũng chịu xuất hiện. Ở câu thơ này trái lại cái tĩnh xuất hiện trước, hình ảnh trăng lên là biểu hiện cho sự chậm rãi, yên bình, nhưng thú vị ở chỗ có lẽ vì không gian quá tĩnh lặng thế nên trăng dẫu có lên từ từ, không tiếng động cũng đủ làm lũ chim sắp yên giấc giật mình. Bởi nỗi chúng đã quá quen với sự tịch mịch tuyệt đối trăng lên dẫu vô thanh, vô thức nhưng cũng lại là một thay đổi lớn đối với chúng, mà thực tế là đối với thi nhân điều ấy lại càng nhấn mạnh cái sự yên tĩnh của màn đêm. Tiếng chim kêu, cùng với tiếng hoa quế rụng chính là những âm thanh được Vương Duy tinh tế cài vào để màn đêm của ông càng trở nên tĩnh tại. Và đặc biệt rằng những âm thanh rời rạc và nhỏ bé như thế lại càng nhấn mạnh, tô đậm nên cái tính “nhàn” của người thi sĩ. Tác giả chờ trăng, lại nghe được hoa quế rụng, trăng lên chậm rãi chẳng những không làm cho màn đêm sáng rực mà lại vẫn giữ cái vẻ tao nhã, đậm chất thiền, không gian lặng như tờ được gợi lên bằng mấy tiếng chim thảng thốt vọng từ khe núi. Đêm đã yên lại càng yên, lòng người vốn đã thanh tịnh lại càng thêm thanh tịnh tựa như một vị Phật tử, thấu hiểu hồng trần, thấu hiểu vạn vật sinh sôi.

Khe chim kêu vẻn vẹn chỉ gồm 23 chữ cả tiêu đề, tuy không tả nhiều cảnh, không chứa đựng nhiều nội dung, nhưng bằng phong cách sáng tác “thi trung hữu họa”, Vương Duy đã họa ra hai bức tranh tuy đơn giản nhưng đầy trang nhã. Trước là cảnh màn đêm tịch mịch, thanh nhã, hai là bức tranh tâm hồn thanh tịnh, trong sạch và tinh tế với khả năng nắm bắt cảm nhận thiên nhiên một cách trọn vẹn và tuyệt đối.

———————HẾT———————–

Bên cạnh bài Cảm nghĩ về bài thơ Khe chim kêu, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 10 khác như: Phân tích bài thơ Khe chim kêu, Phân tích bài thơ Hai-cư của Ba-sô, Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài Khe chim kêu, Phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, 

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button