Giáo Dục

Tìm hiểu nội dung và tóm tắt truyện Bức tranh của em gái tôi – lớp 6

Tìm hiểu nội dung và tóm tắt truyện Bức tranh của em gái tôi – lớp 6

Bức tranh của em gái tôi trong chương trình văn học lớp 6 là câu chuyện về tình cảm trong sáng và lòng nhân hậu của người em gái có tài năng đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế của mình và vượt lên lòng tự ái, trở thành người tốt hơn. Từ đó hình thành cho các em thái độ và cách ứng xử đúng đắn, biết thắng được sự ganh tị trước tài năng hay thành công của người khác. Bài viết sau đây Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội sẽ giúp các em tìm hiểu nội dung chính và tóm tắt truyện Bức tranh của em gái tôi ngắn gọn nhất.

Bức tranh của em gái tôi

1. Đọc hiểu văn bản truyện Bức tranh của em gái tôi

Tác phẩm này kể về một câu chuyện khá gần gũi trong đời sống bình thường của lứa tuổi thiếu niên nhưng đã gợi ra những điều sâu sắc về mối quan hệ, thái độ, cách ứng xử giữa người này với người khác. Trong truyện, cả Kiều Phương và người anh trai đều hiện diện trong tác phẩm nên đều là nhân vật chính.

Nhưng người anh có vai trò quan trọng hơn trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm rằng truyện không nhằm đề cao những phẩm chất tốt đẹp của cô em gái mà là hướng người đọc đến sự thức tỉnh của nhân vật người anh qua việc trình bày diễn biến tâm trạng của nhân vật này suốt cả truyện. Do đó người anh là nhân vật trung tâm, khi các em xác định được nhân vật chính và nhân vật trung tâm sẽ giúp nhận thức đúng nội dung, đề tài của tác phẩm.

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất bằng lời của nhân vật người anh, nó có tác dụng: miêu tả tâm trạng một cách tự nhiên qua lời nhân vật. Ở đây người kể tự mình có những diễn biến tâm lí, tự mình soi xét ý nghĩ, tình cảm, tự mình vượt lên chính mình nên tác phẩm lại càng có ý nghĩa về sự tự đánh giá, tự nhận thức.

Nhân vật người anh được miêu tả chủ yếu ở đời sống tâm trạng, tâm ấy diễn biến qua các thời điểm như sau:

+ Khi phát hiện em gái chế thuốc vẽ.

+ Khi tài năng của em được phát hiện.

+ Khi lén xem những bức tranh mà em gái đã vẽ.

+ Khi đứng trước bức tranh đoạt giải của em trong phòng trưng bày.

Khi phát hiện người em chế thuốc vẽ từ nhọ nồi, người anh đã nghĩ: “Trời ạ! Thì ra nó chế thuốc vẽ”. Ý nghĩ ấy đã nói lên thái độ coi thường của người anh đối với em gái (vì tưởng em làm gì to lớn lắm).

Khi mọi người phát hiện ra tài vẽ của em gái “như một thiên tài hội hoạ”, người anh “cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài”, gục xuống khóc và không thể thân với em, gắt um lên và lén xem tranh của em rồi thở dài. Người anh thở dài vì thấy em thực sự có tài “Mặc dù nó vẽ bằng những nét to tướng…vô cùng dễ mến” còn trong khi đó mình lại kém cỏi.

Khi em bộc lộ tình cảm muốn anh chia vui vì bức tranh đoạt giải, người anh đã có cử chỉ đẩy em ra vì không chịu được sự thành đạt của em. Đây là tâm lí dễ gặp, nhất là ở lứa tuổi thiến niên.

Đứng trước bức tranh đoạt giải của em, người anh đã có tâm trạng ngỡ ngàng vì không ngờ em vẽ mình, sau đó là hãnh diện vì mình là nhân vật chính trong bức tranh. Cuối cùng người anh thấy xấu hổ vì đã có thái độ không tốt đối với em, cảm thấy mình không xứng đáng được như vậy trong bức tranh của em.

Cuối truyện, người anh muốn nói với mẹ: “Không phải con đâu…của em con đấy”. Câu nói đó cho thấy người anh đã là người biết tự nhận ra thói xấu của mình, tự nhận ra tình cảm của em, đã biết xấu hổ nên chắc chắn người anh có thể thành người tốt như bức tranh của em gái.

Chính nhờ bức tranh chứ không phải là một cái gì khác đã có sức cảm hoá người anh vì tranh là nghệ thuật, sức mạnh của nghệ thuật là đi tìm cái đẹp, là làm đẹp cho con người, nâng con người lên bậc thang cao nhất của cái đẹp, đó là chân – thiện – mỹ.

Bức tranh của em gái tôi

2. Tóm tắt ngắn gọn truyện Bức tranh của em gái tôi

Câu truyện kể về hai anh em Kiều Phương (tên thường gọi là Mèo) qua lời kể của người anh. Mèo là một cô bé rất hay nghịch ngợm nhưng lại có năng khiếu vẽ vô cùng đặc biệt. Sau một thời gian theo dõi em gái, nhất là khi nghe chú Tiến Lê khen về tranh vẽ của em gái mình, người anh đã rơi vào trạng thái mặc cảm đôi lúc đố kỵ. Trạng thái tâm lý này đã khiến người anh thường hay gắt gỏng với Mèo mặc dù cô bé chẳng làm gì nên tội. Nhưng kết quả thật bất ngờ, bức tranh đạt giải của Kiều Phương lại là bức tranh cô bé vẽ về người anh thân yêu của mình. Đứng trước bức tranh, người anh đã nhận ra tấm lòng nhân hậu của em gái mình và hối hận vì đã có lúc mình đã đối xử không đúng với em.

Trên đây, Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội vừa giúp các em phân tích nội dung chính và tóm tắt truyện Bức tranh của em gái tôi ngắn gọn nhất. Với những nội dung trên hy vọng sẽ giúp các em dễ dàng nắm được nội dung chính của bài học. Chúc các em học tốt!

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

One Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button