Đề bài: Trong truyện Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi có nêu lên quan niệm: Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, “mà biển thì rộng lắm (…), rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”. Anh (chị) có cho rằng, trong thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau: chị em Chiến, Việt?
I. Dàn ý Thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước cho đến lớp người đi sau
1. Mở bài
– Nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 và sự nở rộ của các nhà thơ, nhà văn tài năng trong đề tài chiến tranh.
– Nổi bật trong số đó là tác giả Nguyễn Thi với nhiều tác phẩm xuất sắc, đặc biệt với Những đứa con trong gia đình, ông đã nêu lên một quan niệm rất hay, rất sâu sắc rằng: “Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, mà biển thì rộng lắm (…), rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”.
→ Thể hiện một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau.
2. Thân bài
a. Ý nghĩa của dòng sông truyền thống trong tác phẩm:
– Mỗi con người chỉ có tên trong cuốn gia phả, trong cái dòng chảy của gia đình khi họ lập được những công lao, tự viết nên cho mình một khúc trong cái dòng sông truyền thống của dòng họ, phải ý thức được rằng họ không chỉ tiếp nối huyết thống của cha ông mà quan trọng hơn nữa là họ phải kế thừa và phát huy dòng chảy truyền thống của gia đình.
– Dòng sông truyền thống là của cả một thế hệ góp chung nào mà làm nên những dòng chảy giàu có, thế nên khi khai thác một nhân vật, một khúc sông nào đó trong gia đình, ta cần phải nắm rõ cả cái truyền thống tốt đẹp đã sinh ra những con người ấy.
b. Lớp người đi trước:
* Chú Năm:
– Thượng nguồn của dòng sông truyền thống gia đình.
– Cuộc đời trải qua nhiều đau thương, chứng kiến tất thảy các tội ác của giặc thù trên quê hương, gắn bó tha thiết với đất nước và cách mạng.
– Chú Năm có cuộc đời luôn gắn bó với truyền thống, hướng về truyền thống và các giá trị văn hóa của dân tộc.
→ Ông đóng vai trò là người lưu giữ, đại diện cho truyền thống bởi những điệu hò, với những câu chuyện cũ.
– Là người ghi lại tất tần tật những chuyện “thỏn mỏn” của các thành viên trong gia đình trong cuốn sổ tay, những chiến công, những sự tích của từng thành viên trong gia đình, và cả tội ác man rợ mà chúng giặc đã gây ra cho gia đình ông.
– Cách ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ, những lời văn dông dài, không trau chuốt ấy đã thể hiện rất rõ cái tính cách thuần hậu, chất phác cùng với tấm lòng tha thiết, sắt son với truyền thống của gia đình, sự tự ý thức về trách nhiệm gìn giữ, tiếp nối và truyền lửa cho các thế hệ đi sau như là Chiến và Việt của chú Năm.
* Má của Chiến và Việt:
– Hình tượng của một người phụ nữ xốc vác, mạnh mẽ, chịu nhiều gian khó vất vả, có tấm lòng trung trinh tuyệt đối với cách mạng, hy sinh hết mình vì gia đình, chiến đấu hết mình vì đất nước.
– Khả năng nén chịu đau thương mất chồng để che chở cho bầy con thơ được khôn lớn. Là sự gan góc, lì lợm khi đối mặt với họng súng của giặc, là sự kiên cường, tranh đấu, bảo vệ gia đình, khi bồng con chạy theo thằng giặc hết ấp này đến ấp kia để đòi lấy đầu chồng trở về.
– Là một người lính dũng cảm, chị không tham gia bộ đội thế nhưng chị đã sống và chiến đấu như một người lính (dẫn chứng).
– Hy sinh vì mảnh đạn của giặc => Mở ra một trang sử mới và Chiến và Việt sẽ là những con người tiếp bước má mở rộng và duy trì dòng sông truyền thống của gia đình.
* Ông nội, cha của Chiến và Việt:
– Đều chiến đấu và hy sinh dưới sự tàn ác của quân thù, khơi nguồn cho dòng sông truyền thống cách mạng của cả gia đình, tạo nên một nền tảng vững chắc, củng cố tinh thần cho những thế hệ tiếp nối trong mối nợ nước thù nhà sâu sắc.
c. Lớp người đi sau:
* Chiến:
– Thừa hưởng rất nhiều những đặc tính của mẹ, gan dạ, kiên cường, dũng cảm, sức vóc cũng tương tự với người mẹ đã mất, tỏ ra là một người chín chắn, hiểu chuyện, khả năng tính toán, đảm đương các công việc nhà, lòng căm thù giặc sâu sắc của cô cũng y như má của mình.
– Nếu như má Chiến là khúc sông ngắn ở vùng thượng lưu, thì Chiến chính là khúc sông nối tiếp sau đó, cuộc đời của Chiến còn chảy dài và có nhiều cơ hội vươn mình ra biển lớn hơn má. Chiến đã được bước ra chiến trường, được trực tiếp cầm súng giết giặc.
* Việt:
– Tính tình còn trẻ con và hồn nhiên.
– Thế nhưng trong chiến đấu Chiến lại là một người lính dũng cảm và can trường, dù chết cũng phải chiến đấu với kẻ thù
– Mang nặng mối thù của gia đình, có lòng căm thù giặc sâu sắc, có cơ hội được tòng quân, cầm súng ra chiến trường giết giặc.
=> Là những khúc sông mạnh mẽ và sôi nổi nhất trong dòng sông truyền thống cách mạng liên tục trôi chảy trong thiên truyện của Nguyễn Thi. Ở hai con người trẻ này ta thấy có một sự kế thừa rất sâu sắc truyền thống của gia đình, từ những lớp người đi trước, đặc biệt không chỉ kế thừa ở họ còn là sự phát huy, mở rộng dòng chảy cách mạng của gia đình.
3. Kết bài
– Nêu cảm nhận cá nhân.
II. Bài văn mẫu Thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước cho đến lớp người đi sau
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã sản sinh ra nhiều thế hệ các tác giả với ngòi bút mang đậm khuynh hướng sử thi anh hùng như Tố Hữu, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Quang Dũng,… Mỗi nhà văn, nhà thơ khi nói về đề tài “lực lượng vũ trang – chiến tranh cách mạng” lại có những góc nhìn khác nhau. Ví như Quang Dũng với góc nhìn về một chiến trường Tây Bắc xa xôi, gian khổ và người lính với vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn, thì Nguyễn Trung Thành lại tập trung vào mảnh đất Tây Nguyên với những người anh hùng dân tộc mang phẩm chất của loài xà nu bất khuất kiên cường. Còn với Nguyễn Thi, ông nhìn về miền Nam Bộ, với những người dân chân chất, hồn nhiên, thẳng thắn, có tấm lòng căm thù giặc sâu sắc cùng với truyền thống chống giặc cứu nước đã ăn sâu vào tận xương máu của mỗi con người. Những đứa con trong gia đình là một trong những thiên truyện xuất sắc nhất của Nguyễn Thi khi viết về người dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Trong đó Nguyễn Thi đã nêu lên một quan niệm rất hay, rất sâu sắc rằng: “Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, mà biển thì rộng lắm (…), rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”. Và quả thực đọc Những đứa con trong gia đình của ông ta hoàn toàn thấy rõ được điều ấy qua truyền thống cách mạng của gia đình Chiến và Việt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nếu ví gia đình Chiến là một dòng sông truyền thống đong đầy tình yêu thương đất nước, dân tộc, căm thù quân giặc đến tận xương tủy thì chú Năm được xem là cội nguồn của con sông ấy. Chú Năm đã có một câu nói rất triết lý bao hàm toàn bộ những nội dung tư tưởng của cả tác phẩm rằng: “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó”. Ta có thể hiểu rằng mỗi con người chỉ có tên trong cuốn gia phả, trong cái dòng chảy của gia đình khi họ lập được những công lao, tự viết nên cho mình một khúc trong cái dòng sông truyền thống của dòng họ. Và những người con trong gia đình phải ý thức được rằng họ không chỉ tiếp nối huyết thống của cha ông mà quan trọng hơn nữa là họ phải kế thừa và phát huy dòng chảy truyền thống của gia đình. Thêm vào đó, dòng sông truyền thống là của cả một thế hệ góp chung nào mà làm nên những dòng chảy giàu có, thế nên khi khai thác một nhân vật, một khúc sông nào đó trong gia đình, ta cần phải nắm rõ cả cái truyền thống tốt đẹp đã sinh ra những con người ấy.
Mà trong Những đứa con trong gia đình dòng sông truyền thống bắt nguồn từ nhân vật chú Năm, người được xem là thượng nguồn kết tinh truyền thống của cả một gia đình. Đó là một người đàn ông đã đi gần hết đời người, với chất giọng cá tính đậm nét của một người dân Nam Bộ. Cuộc đời chú Năm trải qua nhiều đau thương mất mát, phải lần lượt chứng kiến những thằng Tây, thằng Mỹ, bọn tay sai lần lượt giày xéo trên mảnh đất quê hương, cướp đi những người thân thương ruột thịt nhất. Những đau thương ấy đã hằn sâu vào trái tim của một người nông dân Nam Bộ với bản tính hiền lành, thật thà chất phác, hay mơ mộng để rồi tạo nên một con người với khuôn mặt đa cảm với đôi mắt mở to và mọng nước, bản tính trầm ngâm ít nói. Chú Năm được nhắc đến trong truyện là một người ham đi đây đi đó, cả cuộc đời lăn lộn với sông nước, ruộng vườn để mưu sinh và đặc biệt chú Năm lại nổi lên với hình tượng một con người rất ham đạo nghĩa. Chú Năm ít nói thế nhưng lời nào nói ra cũng khiến chị em Chiến, Việt phải nhớ mãi, bởi nó là những triết lý sâu sắc của cả một đời người đã chứng kiến biết bao nhiêu bể dâu. Ở ông ta còn nhận thấy có một nét gì đó rất văn vẻ, đạo lý mà có lẽ như nhiều người dân Nam Bộ, ông vẫn còn tha thiết mãi cái tinh thần Đồ Chiểu vang danh một thời miền lục tỉnh. Người ta nhận ra đầy ấy bởi từ những câu nói ít ỏi của chú Năm trong tác phẩm như: “Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non” hay “Chú Năm nói mầy với ta đi kì nầy là ra chân trời mặt biển…”. Những câu chữ tuy ngắn ngủi nhưng lại phảng phất hơi thở đạo lý của cả nghìn năm văn hiến đất nước. Nói nhân vật chú Năm là thượng nguồn của dòng sông truyền thống là bởi cái vai trò thú vị mà Nguyễn Thi đã xây dựng cho ông – cuốn gia phả sống của cả gia tộc. Trong toàn thiên truyện nếu để ý kỹ thì ta thấy rằng chú Năm có cuộc đời luôn gắn bó với truyền thống, hướng về truyền thống và các giá trị văn hóa của dân tộc. Ông đóng vai trò là người lưu giữ, đại diện cho truyền thống bởi những điệu hò với khuôn “giọng hò đã đục và tức như gà gáy”, với những câu chuyện cũ, “Chú hay kể sự tích của gia đình và cuối câu chuyện thế nào chú cũng hò lên mấy câu… những câu nói về cuộc đời cơ cực của chú và những chiến công của đất này”. Bấy nhiêu đó cũng đủ để thấy chú tha thiết với truyền thống và mảnh đất Nam Bộ này đến nhường nào. Và cuối cùng ấn tượng nhất chính là hình ảnh cuốn sổ tay ghi chép tất tần tật những chuyện từ to lớn đến “thỏn mỏn” của gia đình. Trong ấy quả thực mỗi một con người đều có riêng cho mình một khúc sông, rất chi tiết và cặn kẽ tỉ như hiện trạng cái chết của thím Năm khi đi rọc lá chuối, của ông nội khi đang nắm giàn bò, rồi cả chuyện bà nội bị giặc đánh ba roi,… Rồi những chiến công, những sự tích của từng thành viên trong gia đình, và cả tội ác man rợ mà chúng giặc đã gây ra cho gia đình ông. Cách ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ, nhưng lời văn dông dài, không trau chuốt ấy đã thể hiện rất rõ cái tính cách thuần hậu, chất phác cùng với tấm lòng tha thiết, sắt son với truyền thống của gia đình, sự tự ý thức về trách nhiệm gìn giữ, tiếp nối và truyền lửa cho các thế hệ đi sau như là Chiến và Việt của chú Năm. Không chỉ cuốn sổ trong tay chú Năm, mà ngay cả bản thân chú cũng chính là một trang sử sống, là tấm gương, là người đã chứng kiến mọi sự hy sinh mất mắt, mọi tội ác của giặc thù trên mảnh đất quê hương, từ đó những lời chú Năm dặn dò, chỉ dạy chị em Chiến đều trở nên đáng giá và vô cùng triết lý.
Nếu chú Năm là thượng nguồn, thì má của Chiến và Việt chính là vùng trung lưu của dòng sông truyền thống ấy, cái truyền thống một lòng trung trinh với cách mạng đã thấm sâu vào tâm hồn của một người phụ nữ tần tảo, hy sinh vì gia đình hết mình, và chiến đấu hết mình. Bà không hiện lên với vẻ đẹp mảnh mai, dịu dàng mà thay vào đó là hình tượng của một người phụ nữ xốc vác, mạnh mẽ, đôi vai lực lưỡng, người lúc nào cũng đẫm mùi mồ hôi, mùi thóc lúa, thứ mùi của nhọc nhằn, đồng áng mang lại. Người đàn bà ấy còn nổi lên một cách ấn tượng với khả năng nén chịu đau thương mất chồng để che chở cho bầy con thơ được khôn lớn. Là sự gan góc, lì lợm khi đối mặt với họng súng của giặc, là sự kiên cường, tranh đấu, bảo vệ gia đình, khi bồng con chạy theo thằng giặc hết ấp này đến ấp kia để đòi lấy đầu chồng trở về. Quả thật chưa thấy một hình tượng người mẹ, người vợ nào lại đặc sắc và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả như thế. Không chỉ trong kiên cường, bất khuất trong việc chăm lo cho gia đình mà má của Chiến và Việt cũng là một người lính dũng cảm, chị không tham gia bộ đội thế nhưng chị đã sống và chiến đấu như một người lính. Trong lần bị giặc đuổi bắn, mắt nhìn thấy một trái lựu đạn rớt xuống nhưng không nổ “bà đến dòm dòm rồi rồi bỏ luôn vào rổ cắp về”, cái gan dạ, bình tĩnh và sự tranh thủ ấy hiếm ai có thể sánh bằng. Nhưng cuộc chiến nào rồi cũng có những mất mát, má của Chiến và Việt đã hi sinh vì trúng mảnh đạn giặc khi đang bơi thuyền, tuy nhiên đó không phải là kết thúc mà lại mở ra một trang sử mới và Chiến và Việt sẽ là những con người tiếp bước má mở rộng và duy trì dòng sông truyền thống của gia đình.
Ngoài chú Năm và má của Việt và Chiến, thì bố và ông nội cũng là những con người đại diện cho cội nguồn của dòng sông truyền thống cách mạng trong gia đình. Họ đã ghi tên mình vào gia phả bằng những chiến tích, bằng sự hy sinh vì cách mạng, vì đất nước. Là người đã khơi nguồn cho dòng sông truyền thống cách mạng của cả gia đình, tạo nên một nền tảng vững chắc, củng cố tinh thần cho những thế hệ tiếp nối trong mối nợ nước thù nhà sâu sắc.
Chiến và Việt có thể xem là những khúc sông mạnh mẽ và sôi nổi nhất trong dòng sông truyền thống cách mạng liên tục trôi chảy trong thiên truyện của Nguyễn Thi. Ở hai con người trẻ này ta thấy có một sự kế thừa rất sâu sắc truyền thống của gia đình, từ những lớp người đi trước, đặc biệt không chỉ kế thừa ở họ còn là sự phát huy, mở rộng dòng chảy cách mạng của gia đình. Chiến là con gái nên thừa hưởng rất nhiều những nét tính cách của mẹ, gan dạ, kiên cường, dũng cảm, sức vóc cũng tương tự với người mẹ đã mất. Đặc biệt dù còn trẻ tuổi thế nhưng cô đã tỏ ra là một người chín chắn, hiểu chuyện, khả năng tính toán, đảm đương các công việc nhà, lòng căm thù giặc sâu sắc của cô cũng y như má của mình. Ở Chiến ta còn thấy những nét tính cách của một cô gái mới lớn, trẻ trung, yêu đời, sự trưởng thành trước tuổi cũng không làm cô mất đi những vẻ nữ tính, đặc biệt là rất thương em, điều ấy làm cho Chiến khác so mẹ mình một chút. Nếu như má Chiến là khúc sông ngắn ở vùng thượng lưu, thì Chiến chính là khúc sông nối tiếp sau đó, cuộc đời của Chiến còn chảy dài và có nhiều cơ hội vươn mình ra biển lớn hơn má. Chiến đã được bước ra chiến trường, được trực tiếp cầm súng giết giặc với câu nói quyết đoán mạnh mẽ “Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”, còn má Chiến thì kể từ lúc mất chồng, rồi hy sinh đã không còn có cơ hội cầm cây súng bước ra chiến trường nữa.
Cuối cùng là Việt, Việt chỉ nhỏ hơn Chiến có một tuổi tuy nhiên tính tình của cậu có phần ngây thơ và vô tư hơn chị mình rất nhiều. Thế nhưng trong chiến đấu Chiến lại là một người lính dũng cảm và can trường, dù chết cũng phải chiến đấu với kẻ thù, dù bị thương đau đớn khắp người nhưng chưa lúc nào Việt biết cái gì gọi là khuất phục, câu nói “Trên trời có mày, dưới đất có mày, khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày”, khiến độc giả có một ánh nhìn cảm phục về chàng trai trẻ tuổi, tồ tệch, bước vào chiến trường với chiếc ná thun này. Cũng như truyền thống gia đình, cũng như chị của mình Việt có lòng căm thù giặc sâu sắc, tư tưởng ấy đã in sâu vào tâm hồn cậu từ những lúc thơ bé khi thấy thằng giặc chặt đầu cha mình, ngay từ khi ấy cậu đã quyết tâm phải cầm súng báo thù cho cha, và sau cái chết của má lòng quyết tâm ra trận của cậu lại càng trở nên mạnh mẽ hơn tất cả. Thế nên mới có cảnh chị em Chiến và Việt giành nhau ghi danh tòng quân, ta thấy rõ ràng trong huyết quản của hay chị em đang chảy trôi một dòng máu nhiệt huyết, căm thù, khao khát được bước ra chiến trường trả nợ nước, thù nhà để tiếp nối truyền thống gia đình.
Như vậy thông qua thiên truyện của Nguyễn Thi ta nhận thức ra được rằng có một dòng sông truyền thống đã chảy trôi qua nhiều thế hệ – đó là dòng sông của truyền thống cách mạng luôn chảy mạnh mẽ trong trái tim mỗi con người trong gia đình. Nó khởi nguồn từ những thế hệ đi trước như ông nội, cha của hai chị em, được kết tinh trong tâm hồn của chú Năm, chảy trôi trong hình bóng của người mẹ và cuối cùng được kế thừa và phát huy mạnh mẽ bởi hai chị em Chiến và Việt. Và dĩ nhiên rằng dòng sông ấy sẽ còn tiếp tục chảy mạnh mẽ để vươn ra biển lớn, cùng với các dòng chảy khác trong đất nước này như lời chú Năm đã nói: “Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, mà biển thì rộng lắm (…), rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”.
————————-HẾT—————————–
Cùng với đề số 1, bài tập làm văn số 6, Ngữ văn lớp 12 Thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước cho đến lớp người đi sau, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 12 khác như: Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Màu sắc Nam Bộ trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong Những đứa con trong gia đình.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)