Đề bài: Anh/chị hãy So sánh bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu và và Sóng của Xuân Quỳnh để thấy được khát vọng tình yêu, khát vọng sống của các nhà thơ.
So sánh Vội vàng và Sóng để thấy được khát vọng tình yêu, khát vọng sống của các nhà thơ
Tình yêu và khát vọng luôn là những “nguyên tố” cần thiết trong cuộc đời mỗi con người. Bởi chỉ khi khao khát yêu và được yêu, khát khao khát sống và trân quý cuộc sống thì đó mới chính làm nên giá trị của cuộc sống. Và có lẽ vì vậy, hơn ai hết, mỗi nhà thơ, những con người thiết tha với cuộc đời và nhạy cảm trước thời cuộc lại càng hiểu rõ hơn điều đó. Bởi vậy, mà có những vần thơ được viết ra như thay lời muốn nói cho bao kiếp người, bao tình cảm thiết tha và mãnh liệt của con người muốn được thể hiện. “Sóng” và “Vội vàng” là những bài thơ như thế, những bài thơ của khát vọng tình yêu, khát vọng sống và cống hiến.
Cả Xuân Quỳnh và Xuân Diệu đều ý thức rất lớn về sự chảy trôi của thời gian, dù muốn nhưng vẫn không thể ngưng lại sự chảy trôi ấy.
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi quá”
Cuộc đời có dài thật, nhưng thời gian nào có chậm, vẫn lặng lẽ vụt qua rút ngắn cái hữu hạn của đời người. Đó là nỗi lo âu trước thời gian, nỗi ngậm ngùi trước năm tháng cuộc đời, vừa lo sợ, lại vừa luyến tiếc.
“Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Biển kia có rộng và bao la vô tận cũng không thể ngăn cản được mây bay, cả hai vẫn chẳng thể nào gặp gỡ.
Và Xuân Diệu cũng thế, cũng lo sợ trước thời gian, cũng vội vàng, cuống quýt:
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,”
Ông lo sợ trước tuổi trẻ rồi sẽ dần qua đi, sau tất thảy còn lại sự luyến tiếc, ngậm ngùi mà thôi. Thời gian vốn vẫn vậy, cứ chảy dài, mùa xuân vẫn vậy, cứ tuần hoàn, tới rồi đi, để rồi người chợt nhận ra thanh xuân không còn mãi, tuổi tác ngày một lớn thêm và khi xuân hết nghĩa là tôi cũng mất. Càng nhận ra thời gian không chờ đợi ai, càng nhận ra sự ngắn ngủi của cuộc đời của tuổi trẻ. Tác giả lại càng ý thức được việc sống của mình hơn, lại càng khát khao yêu và khát khao sống để không phải hối tiếc cuộc đời, hối tiếc về những năm tháng đã qua. Xuân Quỳnh mang mối tình đằm thắm, chân thành, một mối tình mãnh liệt của một người con gái vốn e dè, ngại ngùng, nhưng vẫn thể hiện được sự dũng cảm trong tình yêu:
” Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Của biển lớn tình yêu
Để ngàn năm vẫn vỗ”
Một con sóng thôi làm sao có thể làm nên đại dương bao la, mà con sóng ấy phải hoà cùng nhịp điệu của biển sóng, của muôn ngàn con sóng mãnh liệt, vỗ bờ đến biển lớn. Sóng được hoà mình du ngoạn giữa đại dương để mãi mãi trường tồn, bất tử, ngàn năm sóng vẫn vỗ, vẫn đến bên bờ. Cũng như tình yêu của em dành cho anh, không thể giữ cho riêng mình được, phải là tình yêu lớn như biển cả kia, mênh mông như đại dương kia, phải là tình yêu của hai ta, của nhân loại, của người người trên thế gian. Đó không chỉ là biển của thiên nhiên mà còn là biển của tình yêu, là đại dương của tình yêu và tình yêu ấy mãi mãi trường tồn, bất tử, không hữu hạn như đời người, kiếp người. Một khát khao yêu thật cao đẹp và đầy phi thường. Tình yêu dường như là một khát vọng vĩnh hằng, rất đỗi mãnh liệt, thổn thức trong trái tim mỗi con người, trong trái tim tuổi trẻ.
Và Xuân Diệu cũng như thế, ông càng lo sợ thời gian, càng nhận ra đời người ngắn ngủi, hữu hạn lại càng cuống quýt, hối hả, thúc giục con người sống vội hơn để chạy đua với thời gian, để tận hưởng những tinh túy, tươi đẹp của đất trời. Để tận hưởng hương sắc tuyệt mỹ của cuộc đời. Đó là khát khao được thực hiện những điều kì lạ, những ước muốn lạ lùng để giữ trọn vẹn nhất vẻ đẹp của tạo hóa để nắng không thể tàn và hương hoa chẳng vội mất đi:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Và đây nữa, những khao khát được đã đầy tận hưởng, khát khao chiếm hữu tất cả dư vị thân yêu:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn chiều
….
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Nỗi cuồng nhiệt cháy bỏng, thiết tha trỗi dậy trong lòng tác giả, muốn được sống, được yêu, được “thâu”, được “ôm”, được “riết” lấy tất thảy để giữ trọn cho riêng mình một mùa xuân căng tràn sức sống, mùa xuân ấy là mùa xuân của đất nước, mùa xuân của tuổi trẻ, mùa xuân của tình yêu.
Nếu trong “Sóng” khát vọng tình yêu đôi lứa trở nên lý tưởng và đẹp đẽ, khát khao dâng hiến mãnh liệt nhưng cũng đầy dịu dàng thiết tha, thì trong “Vội vàng” của Xuân Diệu là khát khao sống và tận hưởng vì thời gian không chờ đợi ai bao giờ. Và cả hai bài thơ đều đã bộc lộ, thể hiện một cái tôi cá nhân muốn được giải thoát, được tận hưởng những dư vị yêu và sống của cuộc đời. Đó là một cái tôi lớn hòa chung trong cái ta của cộng đồng, của thời đại, nói lên niềm khát khao của muôn người.
———————–HẾT———————-
Ngoài bài làm văn So sánh Vội vàng và Sóng để thấy được khát vọng tình yêu, khát vọng sống của các nhà thơ còn rất nhiều những bài văn mẫu nghị luận văn học các bạn có thể tham khảo như So sánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai tác phẩm Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình, Hình tượng sóng và em trong bài thơ Sóng, Hình ảnh mùa xuân tuổi trẻ tình yêu trong Vội Vàng- Mùa Xuân Chín, Tâm trạng đắm say bồng bột của một lòng ham sống mãnh liệt đã được thể hiện như thế nào trong bài thơ Vội vàng rất nhiều những bài làm văn hay khác, hãy cùng tìm hiểu và ứng dụng cho quá trình làm văn, trau dồi kiến thức văn học tốt nhất cho bản thân.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)