Đề bài: Phân tích truyện Số phận con người
Phân tích truyện Số phận con người
I. Dàn ý Phân tích truyện Số phận con người
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
2. Thân bài:
a. Hoàn cảnh của Xô-cô-lốp và bé Vania sau chiến tranh:
– Xô-cô-lốp là một người lính từng trải qua hai cuộc chiến tranh và phải chịu nhiều đau khổ:
+ Chiến tranh đã cướp đi của Xô-cô-lốp tất cả: người thân, quê hương, gia định, vợ và những đứa con. Trong tận cùng đau khổ, anh dường như chẳng còn gì để mất.
+ Anh trở thành một kẻ cô độc sau chiến tranh: không quê nhà, không người thân, anh lang thang và sống nhờ nhà người bạn cũ ở Uriupinxco.
+ Anh tìm một công việc lái xe để nuôi song bản thân và quên đi những đau khổ, không muốn trở thành gánh nặng của xã hội.
– Bé Vania: Em cũng là một nạn nhân của chiến tranh:
+ Mới năm sáu tuổi nhưng em đã mất hết người thân “bố chết trận”, mẹ “bị đánh … tàu” => em trở thành một đứa trẻ mồ côi do bom đạn chiến tranh, không người thân, quê nhà.
+ Trở thành một đứa trẻ lang thang, đói rách “ai cho …nấy” “bạ đâu…đó”
=> Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi tuổi thơ, cha mẹ của những đứa trẻ, biến chúng trở thành những kẻ lang thang của cuộc đời=>chiến tranh đã gây ra quá nhiều đau khổ cho con người.
b. Cuộc sống của Xô-cô-lốp và bé Vania sau khi gặp nhau:
– Hoàn cảnh gặp gỡ: Tại một quán giải khát nơi mà Xô-cô-lốp hay vào “nhấm nháp”, ” uống … người”.
– Diễn biến tâm trạng của mọi người khi hai người nhận làm cha con:
+ Xô-cô-lốp: Xúc động tới nghẹn ngào khi nghe những lời Vania thủ thỉ “Bố yêu …gặp bố”…
=> Niềm hân hoan nghẹn ngào trong lồng ngực người lính đã từng trải qua bao nhiêu mất mát, hy sinh.
+ Bé Vania: Được Xô-cô-lốp nhận làm con, chú đã “nhảy chồm …lái” =>Niềm vui sướng của một đứa trẻ rất đỗi chân thành và đáng yêu, vui sướng tới độ “ríu tít …lái”.
=> Sự gắn bó của Vania và Xô-cô-lốp là sự gắn bó của những con người mất mát sau chiến tranh. Đối với trẻ con, những mất mát ấy càng hằn sâu vào tâm hồn ngây thơ của chúng, để đến khi được yêu thương, chúng càng gắn bó, càng quyến luyến hơn.
c. Cuộc sống của hai cha con: cuộc sống của Xô-cô-lốp từ khi có bé Vania thì khó khăn và vất vả hơn nhưng anh vẫn luôn yêu thương thằng bé hết lòng :
– Việc chăm sóc một đứa trẻ với người đàn ông làm nghề lái xe như anh hết sức khó khăn nhưng anh vẫn luôn luôn cố gắng.
– Thể chất của anh bị suy kiệt “quả tim …mặt mũi”.
– Nỗi ám ảnh việc mất người thân luôn khiến anh day dứt hàng đêm “hầu như đêm …quá cố” khiến anh thức giấc “gối ướt …mắt”.
– Sức mạnh tinh thần to lớn từ tình yêu thương , lòng nhân hậu, bản lĩnh kiên cường đã giúp anh vượt qua hết thảy.
=> Xô-cô-lốp và bé Vania là những con người tiêu biểu đại diện cho nhân dân Nga. Họ vừa kiên cường, dũng cảm lại giàu lòng thương người. Nó cũng làm sống dậy một thời bi tráng trong lịch sử Liên Xô khi đấu tranh chống Phát xít Đức.
d. Thái độ của người viết:
– Sự cảm thông, đồng cảm trước những hoàn cảnh đau thương, những số phận con người cùng cực sau chiến tranh.
– Từ đó, ông muốn nhắc nhở mọi người về sự phi nghĩa của chiến tranh, những hậu quả nó để lại và nhắc nhở chúng ta về sự quan tâm, trách nhiệm đối với những số phận đau khổ, nhất là những đứa trẻ.
e. Kết luận chung:
– Nội dung: Kể về những con người Nga và số phận của họ sau chiến tranh, làm sống dậy vẻ đẹp tâm hồn của những con người Nga trung dũng, kiên cường, giàu lòng nhân hậu và cũng làm sống dậy thời đại bi tráng trong lịch sử của Liên Xô khi chống phát xít Đức.
– Nghệ thuật:
+ Giọng văn hết sức tự nhiên, chân thành, giản dị.
+ Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật đặc sắc, miêu tả những con người đứng lên từ đau thương của chiến tranh, làm nổi bật tâm hồn con người Nga cùng bản lĩnh và khát vọng vươn lên của họ.
3. Kết bài:
– Khẳng định vấn đề.
II. Bài văn mẫu Phân tích truyện Số phận con người
Sô-lô-khốp là một nhà văn rất đỗi nổi tiếng của văn học Nga, đặc biệt là sau thành công của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Sông Đông êm đềm. Thế nhưng, Sô-lô-khốp còn nổi tiếng với những tác phẩm truyện ngắn vô cùng đặc sắc viết về những con người Nga, một trong số đó là truyện ngắn Số phận con người. Tác phẩm là câu chuyện về những số phận con người lao động của nước Nga sau chiến tranh với những vẻ đẹp tâm hồn sâu sắc cùng tấm lòng vị tha, nhân hậu, đồng thời cũng là lời ca ngợi về thời đại bi hùng của cả dân tộc nước Nga.
Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra vào năm 1939, kết thúc năm 1945 khi phe Phát xít đầu hàng quân đội Đồng minh và Hồng quân Liên Xô. Thế nhưng, dù nó đi qua, kết thúc rồi, nó vẫn để lại những nỗi đau đớn khôn cùng cho những con người ở lại. Chiến tranh đã tàn phá không chỉ nhà cửa, ruộng vườn mà còn cướp đi cả những người thân yêu trong gia đình của nhiều người khác, biến vô số những đứa trẻ trở thành những kẻ mồ côi, lang thang khắp chốn. Và sau chiến tranh, những người lính Hồng quân trở về cuộc sống thường ngày, thoát khỏi hiểm họa Phát xít, thế nhưng, họ lại phải đối mặt với những khó khăn, những thách thức mới, thử thách ý chí và lòng nghị lực của họ. Và Xô-cô-lốp trong tác phẩm Số phận con người của nhà văn Sô-lô-khốp cũng là một người như vậy. Anh là một người lính, trở về từ chiến tranh và giờ đây, anh bắt đầu gây dựng lại cuộc sống thường ngày của mình bằng bản lĩnh của một người lính, trở về từ khói lửa, từ cái chết hồi sinh.
Kể về Xô-cô-lốp mà không kể về hoàn cảnh của anh thì thật là một thiếu sót lớn, bởi anh là một con người, là một người lính chống Phát xít nhưng cũng đồng thời là một nạn nhân của thảm họa ấy. Anh là một người lính, phục vụ trong Hồng quân Liên Xô, trong cuộc nội chiến ở đất nước này. Nội chiến qua đi, anh trở lại quê hương nhưng tất cả người thân, cha mẹ, anh chị đã chẳng còn ai sống sót. Đây là nỗi đau đầu tiên trong đời của Xô-cô-lốp, những tưởng, đó là nỗi đau đớn nhất mà anh phải chịu đựng, và đã vượt qua khi anh có gia đình và có được ba người con. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến với người lính ấy cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và anh lại một lần nữa gia nhập vào đội quân Hồng quân vinh dự ấy. Nhưng cuộc đời chẳng thể nào cho anh được bình yên bởi khi nhập ngũ, anh bị thương đến hai lần rồi bị bọn Phát xít bắt làm tù binh. Nhờ lòng dũng cảm, anh đã trốn thoát rồi chạy về phía Hồng quân, nhưng đến lúc ấy, anh mới biết rằng, vợ và hai người con gái của anh đã bị bom đạn của Phát xít giết chết. Nỗi đau lại một lần nữa xâm chiếm lấy tâm hồn anh, anh chỉ còn lại duy nhất một đứa con trai và nó là niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời anh. Cho đến ngày 9-5-1945, khi hai cha con cùng nhau tiến vào Berlin – sào huyệt của bọn Phát xít thì đứa con trai An-na-to-li – niềm hy vọng cuối cùng của anh bị một tay thiện xạ Đức giết chết. Tất cả hy vọng của anh trong phút chốc chợt vỡ tung hết “trong người tôi như có cái gì đó vỡ tung ra”, chẳng còn một chút ánh sáng nào le lói cho cuộc đời anh bởi anh “đã chôn trên đất người, đất Đức, niềm vui sướng và niềm hi vọng cuối cùng của tôi”. Chiến tranh đã cướp đi của anh tất cả, quê hương, gia đình, cha mẹ, người thân, biến anh trở thành một kẻ cô độc. Không còn quê hương, không còn người thân, anh phiêu bạt với cuộc sống đơn độc với một trái tim kiệt quệ đau đớn. Anh đến ở nhờ nhà một người bạn ở U-riu-pin-xcơ, bắt đầu cuộc sống của một kẻ cô độc. Xô-cô-lốp tìm một công việc để nuôi sống bản thân mình, cũng là để quên đi những nỗi đau trong tim và không trở thành một gánh nặng cho xã hội. Thế nhưng, một kẻ cô độc, đau đớn ấy luôn phải tìm quên trong cuộc sống và rượu chính là thứ khiến cho Xô-cô-lốp có thể vơi đi nỗi buồn. Và có lẽ chỉ chút nữa thôi, anh đã biến thành một kẻ nghiện rượu khi “quá say mê cái món nguy hại ấy”.
Có thể nói, Xô-cô-lốp là một trong những nạn nhân đau đớn nhất của chiến tranh, không chỉ về mặt thể xác khi anh bị bắt làm tù binh ở những trại tập trung Đức, bị thương hai lần trên mặt trận mà còn ở mặt tâm hồn. Nó đã cướp đi của anh gần như tất cả mọi thứ thân yêu!
Không chỉ những người lính như Xô-cô-lốp phải hứng chịu những mất mát, đau thương mà chiến tranh gây lên, những người khác, đặc biệt là những đứa trẻ cũng là những số phận phải trở thành nạn nhân của cuộc chiến ấy, và bé Vania chính là một nhân vật đại diện cho chúng.
Bé Vania có một cuộc sống bất hạnh hơn bất cứ trẻ em nào khác, em phải chịu nỗi đau mất cả gia đình khi mới chỉ năm, sáu tuổi: Bố “chết ngoài mặt trận”, “mẹ bị bom chết trên tàu hỏa khi mẹ con cháu đang đi tàu”. Còn gì đau đớn hơn khi phải tận mắt chứng kiến người mẹ của mình bị giết chết bởi bom đạn, với người lớn còn là một nỗi đau quá lớn, huống chi Vania mới chỉ là một đứa trẻ? Chiến tranh đã biến Vania thành một đứa trẻ lang thang, đói rách, không nhà, không gia đình, không quê hương “ai cho gì ăn nấy” và “bạ đâu ngủ đó”. Chiến tranh quá đỗi khốc liệt, bởi nó đã cướp đi của trẻ em cả bầu trời tuổi thơ, cướp đi cha mẹ, người thân của chúng, cướp đi cả tương lai phía trước của chúng nữa, rồi biến chúng thành những kẻ lang thang, đầu đường xó chợ.
Chiến tranh thật sự đã gây ra quá nhiều đau thương, đã làm biến đổi số phận của hàng triệu con người mà Xô-cô-lốp và bé Vania là hai đại diện cho những số phận mất mát, đau thương vì chiến tranh ấy. Và có lẽ, chính sự đau thương ấy đã khiến cho họ đồng cảm mà đến bên nhau, để sưởi ấm cho trái tim đã gần như kiệt quệ của Xô-cô-lốp.
Xô-cô-lốp và bé Vania có một sự gặp nhau rất tình cờ, có lẽ đó là món quà mà Thượng Đế đã sắp tâm dụng ý để dành cho những số phận đau thương trong cuộc đời ấy được tìm thấy nhau. Như mọi lần, sau chuyến chạy xe, Xô-cô-lốp lại vào quán giải khát để uống rượu và ở đó, qua tấm kính, lần đầu tiên anh nhìn thấy bé Vania “rách bươm như xơ mướp” đang ở gần đó. Và mặc dầu, thằng bé rách rưới, bẩn thỉu “mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩm như ma lem, đầu tóc rối bù”, nhưng Xô-cô-lốp lại bị ấn tượng bởi “cặp mắt – cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm”. Và thế là trong lòng anh dâng lên một niềm yêu thích lạ lùng với nó, anh “bắt đầu thấy nhớ nó, cố chạy xe thật nhanh để được gặp nó”. Phải chăng, có một sự đồng cảm gần như ngay lập tức giữa những trái tim cô đơn, thiếu vắng sự yêu thương? Xô-cô-lốp mất đi cả gia đình, con cái còn Vania lại mất đi cha mẹ của mình, hai trái tim thiếu thốn hơi ấm, và chính điều đó đã khiến Xô-cô-lốp đã gần như ngay lập tức có cảm tình, đồng cảm, xót thương cho số phận của một đứa bé lang thang?
Và trái tim của anh đã chẳng thể chịu đựng lâu hơn ngày thứ tư, khi nhìn thấy Vania “ngồi ở bậc thềm, hai bàn chân nhỏ xíu đung đưa, và nom có vẻ như đang đói”, anh đã “thò đầu ra ngoài cửa buồng lái và hét gọi” tên của chú bé con ấy. Anh đưa nó lên xe, hỏi han về cuộc sống của nó, và khi nhận ra, nó mồ côi cả cha lẫn mẹ, Xô-cô-lốp đã có một quyết định gần như ngay lập tức rằng mình phải trở thành cha của thằng bé. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên gương mặt đã từng trải của anh, và anh đã nghẹn ngào trả lời khi được Vania hỏi: “Ta là bố của con”. Xô-cô-lốp đã đưa ra cái quyết định ấy bằng tất cả tình yêu thương, lòng thương xót, đồng cảm chân thành của một số phận đau khổ, mất mát với một số phận khác tương tự bản thân mình. Anh đã hành động bằng một trái tim của một con người với tấm lòng yêu thương chan chứa và có lẽ quyết định ấy đã thay đổi cuộc đời còn lại của anh theo một hướng mới, tích cực và tràn đầy yêu thương hơn “tâm hồn tôi bỗng nhẹ nhõm và bừng sáng lên”.
Xô-cô-lốp nhận bé Vania làm con nuôi, sau cái quyết định ấy, tâm trạng của anh, của Vania hay của mọi người đều có những biến chuyển mới, tươi sáng và màu sắc hơn giữa những u tối, buồn đau ngày trước. Và những biến chuyển ấy bắt đầu từ Xô-cô-lốp.
Ngay từ lúc nhận Vania làm con trên buồng lái của chiếc xe cũ, anh đã dường như xúc động tới nghẹn ngào, những giọt nước mắt lại càng thi nhau mà rơi xuống nóng hổi khi anh nghe những lời thủ thỉ của đứa con mới nhận: “Bố yêu của con ơi! Con biết mà! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà! Thế nào cũng tìm thấy mà! Con chờ mãi mong được gặp bố!”. Tiếng thủ thỉ của chú chim non trong lòng đã khiến anh xúc động “mắt tôi thì cứ mờ đi, cả người cũng run lên, hai bàn tay lẩy bẩy”. Có lẽ, đó là niềm xúc động vui sướng nhất trong đời anh kể từ ngày anh mất đi niềm hy vọng cuối cùng của đời mình. Dâng lên trong lòng anh lúc này, niềm vui sướng, hi vọng lại chợt bừng cháy thêm một lần nữa, cái mà anh những tưởng đã chôn ở đất Đức rồi. Và anh quyết định quay xe trở về nhà “đến kho thóc làm gì nữa, khi mà tôi không còn bụng dạ nào để đi đến đó”. Bởi giờ đây, trong trái tim đã chai sạn về khổ đau của anh được thổi bùng lên một tình yêu thương mới, niềm vui sướng nghẹn ngào trong lồng ngực người lính già đã từng trải qua bao nhiêu đau thương, mất mát. Trở về căn nhà của hai người bạn, anh đã giới thiệu đứa con nuôi của mình “một cách phấn khởi” và nhận được sự chia sẻ từ hai người bạn của mình. Phải, những trái tim cô đơn bao giờ cũng thấu hiểu nhiều điều và làm lan tỏa cái niềm vui sướng ấy ra rộng khắp. Còn Xô-cô-lốp. bao nhiêu năm trời nay, đây là hôm đầu tiên, anh “được ngủ một giấc yên lành” với một niềm vui “không lời nào tả xiết”. Đêm hôm đó, anh “không dám trở mình để nó khỏi thức giấc”, thế rồi “không nén được”, anh “nhẹ nhàng ngồi dậy đánh diêm ngắm nhìn nó ngủ”. Có lẽ, niềm vui sướng lan tỏa trong tâm hồn anh, khiến cho anh cảm thấy không biết liệu đây là sự thật hay là một giấc mơ nữa, và Vania có lẽ chính là món quà đã lấp đầy “trái tim đã suy kiệt, đã bị chai sạn vì đau khổ” của anh, khiến nó “trở nên êm dịu hơn”?
Có thể nói rằng, tình yêu thương, sự đồng cảm đã kéo những con người bất hạnh lại gần nhau hơn! Nó xoa dịu đi cả những vết thương tưởng chừng như chẳng thể nào lành lại được, xoa dịu cả những trái tim đã chai sạn nhất!
Nếu nói về sự thay đổi, biến chuyển thì không thể nào không nhắc tới bé Vania! Chú bé là mình chứng cho việc yêu thương một đứa trẻ sẽ nhận được niềm vui sướng đến nhường nào!
Lúc Vania được Xô-cô-lốp nhận làm con, người ta đã thật bất ngờ khi cái chú bé với dáng vẻ im lìm, “lặng thinh, tư lự” ấy lại đột nhiên “nhảy chồm lên cổ hôn vào má, vào môi, vào trán và như con chim chích, nó ríu rít líu lo vang rộn cả buồng lái”. Cái niềm vui của một đứa trẻ rất đỗi giản dị, rất đỗi chân thành và đáng yêu đến thế! Dường như nó vui sướng đến tột cùng khi nhận ra người bố đã tìm được mình. Thế rồi, niềm vui ấy biến thành sự nghẹn ngào “nó áp sát người tôi, toàn thân cứ run lên như ngọn cỏ trước gió”. Phải chăng đó là sự run rẩy của một tâm hồn thơ dại mỏng manh giờ đây được bao bọc trong tình yêu to lớn của người cha của mình, vậy nên mới xúc động và nghẹn ngào tới thế? Trẻ con không cần điều gì cao sang, phú quý, điều chúng cần nhất có lẽ là tình yêu thương của cha mẹ, và Vania giờ đây đã nhận được cái điều mà nó mong mỏi nhất. Chắc có lẽ vì vậy mà nó quyến luyến người bố nuôi không rời “không sao dứt khỏi chú con trai”, rồi theo bố trên những chuyến xe chở hàng. Đến khi không được theo bố đi nữa, nó “cứ khóc suốt từ sáng cho đến tối, chiều tối chuồn ra kho thóc tìm tôi. Nó thường đợi tôi ở đó đến khuya”. Có lẽ niềm bất an trong lòng Vania còn quá lớn, khiến chú không thể yên tâm rời xa người bố của mình dù là trong giây phút, vậy mới biết, những mất mát gây ra cho con trẻ khiến chúng phải tổn thương tới nhường nào!
Sự gắn bó của Xô-cô-lốp và bé Vania là sự gắn bó, gắn kết của những con người đau khổ, mất mát vì chiến tranh. Họ đến với nhau rất mộc mạc, rất giản dị, nhưng lại rất chân thành và gắn bó. Đối với một đứa trẻ như Vania, những vết thương từ quá khứ sẽ còn hằn sâu vào trong tâm hồn thơ ngây của nó, khiến nó lo sợ, bất an và quyến luyến người bố của mình nhiều hơn bình thường, và chỉ có sự yêu thương mới khiến chúng cảm thấy an toàn hơn!
Và người ta không chỉ nhận ra những diễn biến tâm trạng thật sâu sắc ở trong tâm hồn của cha con bé Vania mà còn cả trong tâm hồn của ông bà chủ nhà nữa. Bởi khi Xô-cô-lốp dẫn bé Vania về và giới thiệu “Đây, tôi tìm được cháu Va-niu-ska của tôi rồi!” thì cả hai người dường như “lập tức hiểu ngay câu chuyện, cứ lăng xăng tíu tít”. Và rồi khi nhìn Vania nhìn Vania “ăn ngấu nghiến” món súp bắp cải, bà đã bật khóc “nước mắt ròng ròng”. Bà khóc bởi bà vừa vui mừng vừa xót thương cho số phận của hai con người ấy. Bà vui bởi cả Vania và Xô-cô-lốp tìm được một nơi nương tựa cho bản thân mình, lại vừa xót thương cho cả hai cha con, bởi số phận khổ đau của họ. Bà còn cảm phục trước tấm lòng của Xô-cô-lốp, một tấm lòng rộng lượng, nhân hậu và tràn đầy yêu thương. Thế nhưng, nhìn cha con họ, bà còn cảm thấy xót thương cho số phận của vợ chồng mình khi hai người không thể có được người con.
Đó là niềm cảm thương sâu sắc nhất của những con người đã từng trải qua đau khổ khi chứng kiến cuộc gặp gỡ của hai bố con Vania. Và đó cũng là sự đồng cảm, thương xót của tác giả dành cho những người có số phận đau thương như Xô-cô-lốp, như Vania.
Liệu trong chúng ta có ai tự hỏi rằng cuộc sống của hai bố con sau đó như thế nào không nhỉ? Cuộc sống của Xô-cô-lốp liệu đã đổi thay những gì chăng?
Và đúng là như vậy, cuộc sống của anh đổi thay rất nhiều sau khi nhận nuôi Vania. Nếu trước đây, anh chỉ phải nuôi một bản thân mình thì giờ đây, anh lại phải chăm lo cho một đứa trẻ nữa. Điều ấy ngày càng khó khăn khi mà thể chất của anh ngày càng yếu đi “quả tim của tôi đã rệu rã lắm rồi, đến phải thay pít-tông thôi… có khi tự nhiên nó nhói lên, thắt lại, và giữa ban ngày mà tối tăm mặt mũi”. Khó khăn lại càng thêm khó khăn, bởi việc chăm sóc một đứa trẻ không hề đơn giản, cái ăn, cái mặc của nó đều trên vai của Xô-cô-lốp. Thế nhưng, anh chưa bao giờ than phiền, chưa bao giờ thôi cố gắng để chú con trai của anh có được cuộc sống tốt hơn. Ấy vậy, cuộc sống cứ ngày một khốn khó hơn với cha con anh, không chỉ là những giấc mơ ám ảnh về người thân quá cố mà còn là sự mất việc, bị thu hồi bằng lái khi anh đâm phải một con bò. Người cha già ấy vẫn gắng gượng vượt qua hết thảy những nỗi đau ấy, dù nó đã từng thấm sâu vào tâm hồn anh, khiến cho anh có một vết thương lòng ghê gớm. Mỗi ngày, anh cố gắng hơn “không một tiếng thở dài, một lời than vãn” để bé Vania có được một chỗ dựa để lớn lên.
Tình yêu thương đã cho anh sức mạnh mà vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, cùng với tấm lòng nhân hậu, bản lĩnh kiên cường, lòng dũng cảm là nguồn động lực to lớn để xô-cô-lốp cố gắng từng ngày.
Xô-cô-lốp và Vania là hai đại diện tiêu biểu cho lớp những số phận con người Nga sau chiến tranh. Họ mang số phận đau thương là thế, nhưng luôn kiên cường, dũng cảm, giàu lòng yêu thương người cùng cảnh ngộ. Họ là lớp những con người Nga với vẻ đẹp tâm hồn cao cả. Đồng thời, người ta cũng thấy được ở sau đó là một thời đại bi tráng của Liên Xô trong công cuộc chống lại chủ nghĩa Phát xít.
Sô-lô-khốp đã viết lên một thiên tuyệt tác về số phận của những con người nước Nga sau chiến tranh. Ở đó, người ta thấy được những niềm cảm thông sâu sắc của ông trước những hoàn cảnh đau thương, những số phận con người cùng khổ mà chiến tranh để lại. Cũng từ số phận của họ, đặc biệt là số phận của bé Vania, ông muốn nhắc nhở mọi người về sự quan tâm, về trách nhiệm của xã hội đối với những đứa trẻ – chúng cần được quan tâm, yêu thương và trân trọng.
Về phần nghệ thuật, Sô-lô-khốp đã sử dụng một giọng văn hết sức dung dị, tự nhiên, với những từ ngữ chân thành, giàu sắc thái, tự thuật bằng lời của nhân vật. Ông cũng xây dựng lên hình tượng nhân vật người chiến sĩ Hồng quân sau chiến tranh với những nỗi đau, mất mát và sự đứng dậy mạnh mẽ của họ. Ông đã làm nổi bật lên tinh thần quật cường của những con người Nga đầy bản lĩnh với khát vọng vươn lên làm chủ cuộc đời.
Tác phẩm Số phận con người đã cho chúng ta thấy được toàn cảnh của những người lao động của nước Nga sau chiến tranh. Họ là những người Nga bình thường với vẻ đẹp tâm hồn kiên cường, giàu lòng nhân hậu, đồng thời cũng làm dậy lên một thời đại hào hùng của dân tộc Nga. Truyện ngắn này là một thành tựu xuất sắc của Sô-lô-khốp cũng như của nền văn học Nga.
———————-HẾT———————-
Tác phẩm Số phận con người đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều cảm xúc, những hình tượng ám ảnh về sự mất mát, hy sinh mà chiến tranh đã gây nên. Những đứa trẻ bơ vơ, những người thân mất hết là những nỗi đau khổ thể nào nguôi ngoai. Hãy cùng nhau Soạn bài Số phận con người, Tóm tắt truyện Số phận con người, Phân tích nhân vật Xôcôlốp trong Số phận con người, Từ tác phẩm Số phận con người, suy nghĩ về nghị lực và tuổi trẻ để hiểu rõ thêm về tác phẩm đặc sắc này!
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)