Giáo Dục

Phân tích những câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Đề bài: Phân tích những câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

phan tich nhung cau tuc ngu ve thien nhien va lao dong san xuat

Phân tích những câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất
 

I. Dàn ý Phân tích những câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

1. Mở bài:

– Giới thiệu những câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất.

2. Thân bài

a. Những câu tục ngữ về thiên nhiên:

– “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

+ Phản ánh quy luật của thiên nhiên do cha ông ta trong quá trình quan sát sự luân phiên ngày đêm qua một thời gian dài mà đúc kết được. Đêm tháng năm (âm) ngắn hơn, trời nhanh sáng hơn và tương tự thì ngày tháng mười (âm) ngắn hơn bình thường, trời mau tối.
+ Câu tục ngữ là một phát hiện hay và có ích giúp nhân dân ta trong việc lên kế hoạch sinh hoạt, làm việc và giữ gìn sức khỏe sao cho hợp lý.

– “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”:

+ Nếu buổi đêm xuống nhìn lên thấy trời nhiều sao, thì tức là hôm đó trời ít mây che phủ, ngày hôm sau trời có khả năng nắng rất cao và ngược lại nếu trời ít sao thì tức là bầu trời có nhiều mây, ngày hôm sau, hoặc thời gian sau đó trời dễ mưa.
+ Việc mưa hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào mây mà còn nhiều yếu tố khác như gió, nhiệt độ, độ ẩm,… => Kinh nghiệm này có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng không hoàn toàn chính xác.
+ Có ích trong việc tính toán sắp xếp thời gian gieo mạ, tưới nước, bón phân, trồng cây,…

– “Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”

+ “ráng mỡ gà” tức là để chỉ màu sắc của mây trời, đặc biệt là phía chân trời khi chiều xuống, mà mây có màu hơi vàng ngả hồng thì dễ có mưa bão lớn.
+ Đây là một dấu hiệu báo trước để người dân có tính toán, sắp xếp, gia cố lại nhà cửa, thu hoạch hoa màu, bảo vệ vật nuôi tránh thiệt hại.

– “Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt”:
+ Nếu thấy kiến bò dời tổ đi chỗ khác, thì khả năng năm nay mưa lớn gây lụt lội cao.
+ Câu tục ngữ trên không chỉ là kinh nghiệm và ngày nay nó còn được coi là một hiện tượng khoa học đầy thú vị và độc đáo, hữu ích cho người dân trong việc sắp xếp sinh hoạt, chuẩn bị ứng phó với sự thay đổi của thời tiết.

b. Tục ngữ về lao động sản xuất:

– “Tấc đất tấc vàng”

+ Chân lý trong cuộc sống lao động sản xuất chỉ ra rằng đất đai quý như vàng bạc, có đất tức là có vàng trong tay.
+ Ông cha ta lấy cái nhỏ (tấc đất) để so sánh với cái có giá trị lớn (tấc vàng), nhằm mục đích nhấn mạnh, khẳng định giá trị của đất đai đối với muôn đời, thế hệ con cháu sau này.
+ Có mảnh đất, trên đó họ tự do, miệt mài cặm cụi canh tác, tạo ra nhiều hoa màu, thành phẩm của mảnh đất ấy còn có thể đem bán gom góp rồi cuối cùng cũng thành tài sản tích lũy, vàng bạc, thậm chí một tấc đất có thể đẻ ra nhiều tấc vàng, chứ không phải một.
=> Câu tục ngữ không chỉ có giá trị khuyên dạy con cháu về giá trị của đất đai mà còn là lời dạy sâu sắc về việc giữ gìn đất đai canh tác, biết tận dụng từng tấc đất để tạo ra giá trị chứ không được để lãng phí, bỏ hoang.

– “Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền”:

+ Đây là một câu tục ngữ thể hiện cái nhìn của nhân dân ta thời xưa về việc phân tầng giá trị các loại công việc của người nông dân.
+ Trong đó theo quan niệm cũ “canh trì” – nuôi cá là công việc đứng hạng nhất, sau đó là “canh viên” – tức là làm vườn, cuối cùng là “canh điền” – làm ruộng.
+ Tuy nhiên cho đến hôm nay câu tục ngữ này đã không còn đúng nữa, ở mỗi nơi mỗi nghề lại có sự phát triển và thế mạnh riêng cùng đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nên không thể đánh giá, phân biệt cao thấp.

– “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”:

+ Chỉ ra thứ tự quan trọng của 4 yếu tố nước, phân bón, sức lao động và giống trong quá trình trồng lúa.
+ Câu tục ngữ được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như là một bài học kinh nghiệm giúp nhân dân ta canh tác vụ mùa được tốt hơn, cải thiện được cuộc sống.

– “Nhất thì, nhì thục”:

+ Đề cập đến hai yếu tố trọng yếu trong việc trồng trọt nói chung đó là thời vụ và đất đai.
+ Gieo trồng thì cần chọn đúng thời điểm thích hợp, khi ấy cả khí hậu, lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm đều tương thích cho cây trồng sinh trưởng và phát triển một cách thuận lợi, giúp cây trồng phát triển tốt, sức đề kháng mạnh, năng suất, sản lượng cao.
+ Yếu tố thứ hai chính là đất đai, không phải nơi nào cũng thích hợp để trồng một loại cây. Thêm vào đó, không chỉ đất đai thích hợp mà người nông dân cần phải lưu ý cải tạo đất, làm đất kỹ trước khi trồng cây để loại trừ các bệnh hại ẩn chứa trong đất có thế cây trồng mới khỏe mạnh và phát triển tốt được.

3. Kết bài

Nêu nhận xét chung.

II. Bài văn mẫu Phân tích những câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Nền văn học dân gian Việt Nam ta từ xưa đến nay vốn rất phong phú và đa dạng với nhiều thể loại ăn sâu vào tâm hồn cũng như lối sống của con người từ ngàn đời. Khi còn ở trong nôi ta êm ấm giấc nồng với đàn cò trắng phau vỗ cánh từ trong những lời ru ngọt ngào của bà của mẹ, rồi những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết dần nâng bước ta vào đời, những câu ca dao lục bát dân tộc cho ta thấm thía những tình cảm sâu sắc của cha ông. Và dĩ nhiên cũng không thể thiếu được những câu tục ngữ ngắn gọn, có vần có nhịp đúc rút nhiều kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt, trong đó nổi bật nhất là những câu Tục ngữ về thiên và lao động sản xuất.

“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

Đây là một kinh nghiệm phản ánh quy luật của thiên nhiên do cha ông ta trong quá trình quan sát sự luân phiên ngày đêm qua một thời gian dài mà đúc kết được. Lưu ý rằng tháng 5 và tháng 10 trong câu tục ngữ là dựa theo lịch âm, tính theo chu kỳ mặt trăng. Ông cha ta đã phát hiện ra một quy luật thú vị đó là thông thường đêm tháng năm ngắn hơn, trời nhanh sáng hơn so với các tháng khác, và tương tự thì ngày tháng mười ngắn hơn bình thường, trời mau tối. Tức là có sự thay đổi độ dài của buổi sáng và buổi tối chứ không có nghĩa là có sự thay đổi về thời gian. Câu tục ngữ là một phát hiện hay và có ích giúp nhân dân ta trong việc lên kế hoạch sinh hoạt, làm việc và giữ gìn sức khỏe sao cho hợp lý. Ví dụ như vào mùa hè, vì trời nhanh sáng người nông dân có thể ra đồng sớm hơn thường ngày, kèm với đó ban trưa khi trời nắng gắt thì họ sẽ trở về nhà sớm hơn, vừa đảm bảo sức khỏe, cũng lại đảm bảo công việc nhà. Còn đối với tháng mười đã vào mùa đông, thời tiết khá lạnh lẽo và độc hại, việc gieo cấy không thuận lợi, người nông dân nên thao tác nhanh nhẹn để hoàn tất công việc và về nhà sớm hơn vào buổi chiều để nghỉ ngơi, tránh sương giá, đồng thời thu xếp tắm rửa, nấu ăn sớm trước khi trời tối.

“Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”

Tương tự đây cũng là một kinh nghiệm dựa trên sự quan sát thiên nhiên trong thời gian dài của con người mà hình thành, ý muốn nói nếu buổi đêm xuống nhìn lên thấy trời nhiều sao, thì tức là hôm đó trời ít mây che phủ, ngày hôm sau trời có khả năng nắng rất cao và ngược lại nếu trời ít sao thì tức là bầu trời có nhiều mây, ngày hôm sau, hoặc thời gian sau đó trời dễ mưa. Thực tế rằng kinh nghiệm này nếu xét theo khoa học thì có một phần đúng, bởi các ngôi sao luôn luôn sáng, chỉ “chết” và tắt lịm khi cháy hết hoàn toàn, vì vậy lý giải cho việc nhiều hay ít sao là do mây hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên việc mưa hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào mây mà còn nhiều yếu tố khác như gió, nhiệt độ, độ ẩm,… Chính vì vậy kinh nghiệm này có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng không hoàn toàn chính xác. Đối với người nông dân dân, khi còn chưa có các phương tiện dự báo thời tiết như hiện nay thì việc gieo cấy mùa màng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm trông trời nhìn đất, chính vì thế câu tục ngữ khá có ích trong việc tính toán sắp xếp thời gian gieo mạ, tưới nước, bón phân, trồng cây,… Đến ngày hôm nay câu tục ngữ này vẫn có giá trị với một số người nông dân trồng cây công nghiệp, quan sát trời thấy ít sao, khả năng mưa lớn thì ngày hôm sau họ sẽ đi bón phân hoặc đi trồng cây để đợi mưa, tiết kiệm rất nhiều công sức tưới tắm.

“Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”

Trong dân gian xưa, người dân thường có thói quen quan sát trời đất, bởi nhân dân Việt Nam ta từ bao đời nay đã quen chống chọi với thiên tai lụt lội, thế nên tất cả những dị tượng bất thường của trời đất đều trở thành những cứ liệu khá tin cậy để dự đoán thời tiết, mưa nắng. Với câu tục ngữ này “ráng mỡ gà” tức là để chỉ màu sắc của mây trời, đặc biệt là phía chân trời khi chiều xuống, mà mây có màu hơi vàng ngả hồng thì dễ có mưa bão lớn. Đâu là một dấu hiệu báo trước để người dân có tính toán, sắp xếp, gia cố lại nhà cửa, thu hoạch hoa màu, bảo vệ vật nuôi tránh thiệt hại.

“Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt”

Ai cũng biết rằng tháng 7 vốn là mùa mưa bão, thế nhưng nếu thấy kiến bò dời tổ đi chỗ khác, thì khả năng năm nay mưa lớn gây lụt lội cao. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kiến và một số loài sinh vật khác như chuồn chuồn có khả năng nhận biết mưa bão, do sự nhạy cảm của chúng với sự thay đổi của thời tiết. Chính vì vậy câu tục ngữ trên không chỉ là kinh nghiệm và ngày nay nó còn được coi là một hiện tượng khoa học đầy thú vị và độc đáo, hữu ích cho người dân trong việc sắp xếp sinh hoạt, chuẩn bị ứng phó với sự thay đổi của thời tiết.

“Tấc đất tấc vàng”

Dẫu chỉ có bốn chữ ngắn gọn nhưng câu tục ngữ này cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị như một chân lý trong cuộc sống lao động sản xuất. Ở đây câu tục ngữ muốn chỉ ra rằng đất đai quý như vàng bạc, có đất tức là có vàng trong tay. Thế nhưng ta không thể chỉ cứng nhắc nghĩ rằng 1 tấc đất (2,4 mét vuông) có thể đem bán để đổi lấy 1 tấc vàng được, mà thực ra ông cha ta lấy cái nhỏ (tấc đất) để so sánh với cái có giá trị lớn (tấc vàng), nhằm mục đích nhấn mạnh, khẳng định giá trị của đất đai đối với muôn đời, thế hệ con cháu sau này. Suy rộng ra, dù có nhiều vàng bạc đến đâu mà không biết sử dụng, miệng ăn núi lở mãi rồi cũng trắng tay, ngược lại nếu con người ta có mảnh đất, trên đó họ tự do, miệt mài cặm cụi canh tác, tạo ra nhiều hoa màu, thì không những chỉ nuôi sống được con người, mà thành phẩm của mảnh đất ấy còn có thể đem bán gom góp rồi cuối cùng cũng thành tài sản tích lũy, vàng bạc, thậm chí một tấc đất có thể đẻ ra nhiều tấc vàng, chứ không phải một. Câu tục ngữ không chỉ có giá trị khuyên dạy con cháu về giá trị của đất đai mà còn là lời dạy sâu sắc về việc giữ gìn đất đai canh tác, biết tận dụng từng tấc đất để tạo ra giá trị chứ không được để lãng phí, bỏ hoang, hoặc bán đi vào những mục đích không cần thiết.

“Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền”

Đây là một câu tục ngữ thể hiện cái nhìn của nhân dân ta thời xưa về việc phân tầng giá trị các loại công việc của người nông dân. Trong đó theo quan niệm cũ “canh trì” – nuôi cá là công việc đứng hạng nhất, sở dĩ nói vậy bởi công việc này xưa nay đc xem là tao nhã, hơn thế nữa giá trị tạo ra lớn (cá từng là một loại hàng hóa đắt đỏ), sau nữa là đến việc “canh viên” – tức là làm vườn, trồng các loại cây ăn trái, công việc gì không phải là nhàn hạ nhưng cũng từng được coi là một cái thú trong quan niệm xưa, cuối cùng mới đến “canh điền” – làm ruộng, cha ông ta không đánh giá cao công việc này bởi vì nó là công việc cực khổ vất vả, năm hai lần xuống ruộng một là mùa nóng nhất, hai là mùa lạnh nhất, chân lấm tay bùn, thức khuya dậy sớm, lao động vất vả thế nhưng giá trị thu được lại không có bao nhiêu. Chưa kể ngày xưa người nông dân không phải ai cũng có ruộng đất, mà chủ yếu đi làm thuê cho bá hộ, địa chủ người ta gọi là “tá điền”, tầng lớp thấp kém, nghèo khổ nhất trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Tuy nhiên cho đến hôm nay câu tục ngữ này đã không còn đúng nữa, bởi cả ba nghề này đều có những hướng phát triển mới, dựa vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự phân vùng khí hậu, thổ nhưỡng, ở mỗi nơi mỗi nghề lại có sự phát triển và thế mạnh riêng cùng đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nên không thể đánh giá, phân biệt cao thấp.

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

Nhân dân ta vốn khởi nguồn cuộc sống từ nền văn minh lúa nước, thế nên ông cha ta đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong công cuộc canh tác, mà câu tục ngữ trên là một ví dụ. Nó chỉ ra thứ tự quan trọng của 4 yếu tố nước, phân bón, sức lao động và giống trong quá trình trồng lúa. Nước quan trọng nhất bởi trong cấu tạo của thực vật nước chiếm nhiều nhất, hơn thế nữa trồng lúa nước thì lẽ tất yếu phải có nước, đây là đặc tính sinh trưởng của loài. Bên cạnh đó phân cũng không kém phần quan trọng, cây có thể sống được nếu có nước, nhưng muốn đậu được nhiều trái thì vẫn cần được bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên không chỉ cần có nước và phân mà trong quá trình canh tác vẫn còn làm rất nhiều những công việc khác như nhổ cỏ, cày bừa thu hái chính vì vậy cần thêm sức lao động, sự chăm chỉ của con người, bởi trong nông nghiệp ai siêng năng hơn thì người đó tạo ra nhiều của cải là vậy. Cuối cùng là giống, giống lúa quyết định xem hạt gạo người nông dân làm ra ngon hay dở, thơm hay không thơm, cây kết được nhiều trái hai không chính vì vậy ngoài các yếu tố trên thì việc chọn giống cũng quyết định khá nhiều trong năng suất. Câu tục ngữ được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như là một bài học kinh nghiệm giúp nhân dân ta canh tác vụ mùa được tốt hơn, cải thiện được cuộc sống.

“Nhất thì, nhì thục”

Cũng tương tự giống như câu trên, thì câu này đề cập đến hai yếu tố trọng yếu trong việc trồng trọt nói chung đó là thời vụ và đất đai. Gieo trồng thì cần chọn đúng thời điểm thích hợp, khi ấy cả khí hậu, lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm đều tương thích cho cây trồng sinh trưởng và phát triển một cách thuận lợi, giúp cây trồng phát triển tốt, sức đề kháng mạnh, năng suất, sản lượng cao. Yếu tố thứ hai chính là đất đai, không phải nơi nào cũng thích hợp để trồng một loại cây, mà mỗi nơi lại có thổ nhưỡng thích hợp để trồng các loại cây khác nhau, ví dụ như đồng bằng thì thích hợp trồng lúa nước, cây ăn trái, vùng cao thích hợp cho cây công nghiệp lâu năm là thế. Thêm vào đó, không chỉ đất đai thích hợp mà người nông dân cần phải lưu ý cải tạo đất, làm đất kỹ trước khi trồng cây để loại trừ các bệnh hại ẩn chứa trong đất có thế cây trồng mới khỏe mạnh và phát triển tốt được.

Như vậy thông qua các câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất chúng ta đã phần nào hiểu được hình thức lưu lại những kinh nghiệm hiểu biết của cha ông ta bao đời nay. Mặc dù đến nay những kinh nghiệm ấy có thể không còn được chính xác, thế nhưng nó vẫn mang những giá trị văn học, văn hóa, truyền thống quý cần được gìn giữ và lưu truyền để nhớ đến một nét đẹp độc đáo trong đời sống nhân dân ta từ ngàn đời.

————————-HẾT—————————

Tìm hiểu về ý nghĩa cúa những câu tục ngữ thường được sử dụng trong hoạt động giao tiếp hàng ngày, bên cạnh Phân tích những câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích những bài Ca dao hài hước,  Phân tích bài ca dao Ơn trời mưa nắng phải thì…,Phân tích một bài ca dao dân ca những câu hát về tình cảm gia đình, Phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai…

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button