Đề bài: Nêu cảm nhận của em về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Tiếng đàn ghi ta của Lor-ca
Văn mẫu nêu cảm nhận của em về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Tiếng đàn ghi ta của Lor-ca
Bài làm:
Nếu chúng ta đã từng tìm hiểu về phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu qua Việt Bắc, cũng tìm hiểu về phong cách thơ trữ tình chính luận của Chế Lan Viên qua Tiếng hát con tàu hay qua Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Thì Thanh Thảo lại mang một phong cách thơ khác biệt hơn hẳn đó là phong cách thơ trữ tình tượng trưng, siêu thực, hơi hướng phương Tây, điều đó thể hiện trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca với hình tượng người nghệ sĩ anh hùng Federico García Lorca, tài hoa nhưng bạc mệnh.
Thanh Thảo sinh năm 1946, tên khai sinh là Hồ Thành Công, quê ở huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi, từng tốt nghiệp khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chính vì vậy ông có một nền tảng kiến thức rất dày dặn và nhà thơ từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước năm 1975, Thanh Thảo thuộc vào hàng những nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến, xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ khi đất nước gần được độc lập, thể hiện một tiếng thơ sôi nổi trẻ trung của một thế hệ trẻ tự giác cầm súng xông pha vì độc lập dân tộc. Thanh Thảo đê lại một khói lượng tác phẩm rất đồ sộ: Những người đi tới biển (trường ca), Dấu chân trên trảng cỏ (thơ), Khối vuông ru bíc (thơ),… Nội dung thơ ông là tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư trăn trở về các vấn đề của xã hội thời đại, về nghệ thuật ông khước từ những thể thức thơ dễ dãi, luôn đi đầu trong việc cách tân thơ Việt, bởi ông cho rằng những kiểu mẫu thơ truyền thống không thể nào chứ đựng hết nội dung trong thơ của ông.
Đàn ghi ta của Lor-ca nằm trong tập thơ Khối vuông ru bíc xuất bản năm 1985, đây là tập thơ đánh dấu sự trưởng thành của Thanh Thảo trong con đường cách tân thơ Việt. Bài thơ là kết quả của sự ấn tượng và nhận thức sâu sắc về cuộc đời và số phận của người nghệ sĩ Lor-ca, tất cả đều đẹp và cao cả, thể hiện sự ngưỡng mộ, niềm cảm thông thấu hiểu và thương xót trước bi kịch của người nghệ sĩ này.
Nói về Federico García Lorca, ông là một người nghệ sĩ cũng là một người chiến sĩ, nhưng trước hết ông là một người nghệ sĩ, một người nghệ sĩ thiên tài trên rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ông là một nhà thơ, một nhạc sĩ, một ca sĩ, một nhà hoạt động sân khấu và là một họa sĩ xuất sắc. Lor-ca được xem là một biểu tượng sáng chói của nền thi ca Tây Ban Nha, thậm chí là cả nhân loại, được ví như chú chim họa mi trên bầu trời thi ca Tây Ban Nha. Lor-ca cũng là một người chiến sĩ. Người chiến sĩ ấy đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh, trước hết là đấu tranh với nền nghệ thuật già nua cũ kỹ của đất nước Tây Ban Nha, để đề xướng một nền nghệ thuật mới mẻ cách tân, Lor-ca còn đấu tranh với chế độ độc tài phát xít Frăng-cô, một chế độ tù túng bó buộc, để giành lại quyền sống chính đáng, quyền tự do dân chủ cho người dân Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ông đã bị chính chế độ độc tài ấy bắt giữ và sát hại một cách tàn khốc, nhưng cũng chính sự kiện này đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới, khởi xướng sự đấu tranh chống phát xít của toàn nhân loại.
Lor-ca vẫn luôn tồn tại sự ám ảnh khôn nguôi về cái chết của chính bản thân mình ngay cả khi ông vẫn còn sống, vẫn còn một lòng ôm cây đàn ghi ta để đấu tranh cho nghệ thuật và dân tộc. Chính vì vậy trong lời đề từ của bài thơ, Thanh Thảo đã để vào đó di nguyện của Lor-ca: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”, điều đó đã thể hiện sự trân trọng và gắn bó với cây đàn ghi ta – biểu tượng nghệ thuật của đất nước Tây Ban Nha của Lor-ca, đồng thời cũng là hình ảnh tượng trưng cho tư tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ yểu mệnh.
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Thanh Thảo đem so sánh “tiếng đàn” với “bọt nước”, một hình ảnh lạ và độc đáo vừa thẻ hiện được cái sôi nổi, phập phù cũng thể hiện được sự mong manh, trong trẻo của tiếng đàn, đây là hình ảnh ẩn dụ cho thân phận và cuộc đời của người nghệ sĩ, Lor-ca cũng như tiếng đàn ấy, trong trẻo cao đẹp nhưng lại chóng tan biến, đây là dự báo về bi kịch số phận của người nghệ sĩ thiên tài. Bóng dáng anh hùng của Lorca hiện lên thông qua hình ảnh “chiếc áo choàng đỏ gắt” vốn là một trong những biểu tượng của Tây Ban Nha, với những trận đấu bò gay cấn hấp dẫn và ông là người kỵ sĩ dũng cảm, thân khoác vào màu áo đỏ rực rỡ sẵn sàng đương đầu với lũ bò tót mọi rợ, hung hãn (hiện thân của bè lũ phản động). Nhưng đáng buồn thay, người anh hùng thường phải chịu sự đơn độc, bởi ông quá tài giỏi, quá thiên tài, thế nên nhân dân thường nhìn ông bằng một ánh mắt ngưỡng mộ, còn lũ độc tài thì nhìn ông bằng ánh mắt căm ghét. Ông bước “đi lang thang về miền đơn độc”, làm bạn với ông chỉ có “vầng trăng chếnh choáng” và “yên ngựa mỏi mòn”, dường như người nghệ sĩ ấy sau những nỗ lực đấu tranh hết mình đã bắt đầu mỏi mệt cả về thể xác lẫn tâm hồn, ông cô độc trong chính nơi mà ông dành cả tuổi trẻ để đấu tranh, ông thở dài và định ngừng lại nghỉ ngơi một lát, đây là một phần trong bi kịch cuộc đời của Lor-ca.
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy”
Kinh hoàng nhất đó là cái chết đầy bi thảm của người nghệ sĩ, ông bị bắt một cách bất ngờ, khi giấc mơ và mọi nỗ lực của ông vẫn còn chưa có kết quả, người kỵ sĩ đấu bò vẫn còn chưa chiến thắng được con bò tót hung hãn. Lúc này đây, chính bản thân Lor-ca cũng trở nên bàng hoàng, ông đã linh cảm trước về cái chết của bản thân, nhưng không nghĩ điều đó lại tới sớm như vậy, ông vẫn còn bao dự định ấp ủ, nay đây chỉ một lúc nữa thôi nó đều sẽ tiêu tan hết, tiêu tan cùng với sự ra đi của ông như “tiếng đàn bọt nước” vỡ tan cả rồi. Lor-ca bước đi như người mất hồn, bởi ông đang mải chìm đắm trong cái suy tư về cuộc đời và những đấu tranh còn dang dở, những tiếc nuối đầy day dứt, cái chết đối với người anh hùng chẳng qua chỉ là cát bụi, nhưng chết khi chưa hoàn thành sự nghiệp đấu tranh cho đất nước thì đó là một niềm đau đớn khôn nguôi. Tiếng ghi ta cứ lặp đi lặp lại như nhắc nhở về tâm hồn hồn của người nghệ sĩ, đó là một tâm hồn với màu “nâu” đầy suy tư chất chứa, một niềm ước mong sống trong bầu trời xinh đẹp, hạnh phúc, để tiếng ghi ta của tâm hồn dược phiêu lưu rộng mở như lá xanh mọc mơn mởn trên cành. Nhưng chao ôi, tàn ác làm sao, xót thương làm sao khi tiếng ghi ta ấy như bọt nước vỡ tan, “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”, Lor-ca đã chết, một cái chết đầy máu và nỗi tiếc nuối vô cùng.
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Nhưng tiếng đàn tưởng từ đây đã dứt, không còn vang vọng trong trời đất Tây Ban Nha nữa lại bất ngờ như cỏ mọc hoang, nhanh chóng sinh sôi nảy nở, điều đó chứng tỏ Lor-ca đã chết nhưng tâm hồn nghệ thuật của ông vẫn còn đó, dấy lên trong dư luận một làn sóng mạnh mẽ, đấu tranh giành lại công bằng từ bè lũ phát xít tà ác, đồng thời đây cũng là lòng xót thương vô tận của nhân dân giành cho Lor-ca trong hình ảnh siêu thực “giọt nước mắt vầng trăng/long lanh trong đáy giếng”. Cái chết của Lor-ca là sự mất mắt to lớn đối với người dân Tây Ban Nha và cả nhân loại, chính vì thế ngay cả vầng trăng cũng phải xót thương mà rớt nước mắt, phủ lên tấm thân lạnh lẽo của người nghệ sĩ đang cô độc nơi đáy giếng tối tăm, lạnh lẽo.
“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…”
Lor-ca chết đi nhưng tâm hồn ông mãi mãi là trường tồn bất diệt, ông lại tiếp tục phiêu du ở một thế giới khác, ông vẫn ôm lấy linh hồn nghệ thuật của mình đó là chiếc ghi ta. Ông chấp nhận từ bỏ hết tất cả ở thế giới tăm tối này, kể cả tình yêu với cô giá di-gan xinh đẹp, người luôn ngự trị trong trái tim vĩ đại ấy. Có lẽ ông đã chấp nhận số phận ở kiếp này, ông đành buông bỏ tất cả để tìm tới một thế giới khác, đẹp hơn, thanh thản hơn, một thế giới có thể bao dung người nghệ sĩ thiên tài, thấu hiểu được niềm khao khát tự do, cùng bao hoài bão đẹp của ông.
Lor-ca là hình tượng tiêu biểu của những con người anh hùng dám đứng lên đấu tranh vì lý tưởng cao đẹp, vì tự do trong nghệ thuật, vì sự công bằng, quyền được sống của nhân dân. Thanh Thảo viết bài thơ trong sự thấu hiểu và đồng cảm với người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh Lor-ca, nhưng bao trùm lên tất cả những cảm xúc ấy vẫn là sự ngưỡng mộ sâu sắc của nhà thơ dành cho tâm hồn cao đẹp và nhân cách vĩ đại của người nghệ sĩ. Qua đó, tác giả ngợi ca khao khát được sống tự do, ý chí đấu tranh mạnh mẽ, sự dũng cảm của Lor-ca khi phải một mình đương đầu với chế độ thân phát xít độc tài, tàn ác.
———————————
Đàn ghi ta của Lor-ca là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 12. Ngoài bài làm văn nêu cảm nhận của em về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Tiếng đàn ghi ta của Lor-ca, thầy cô và học sinh có thể tham khảo thêm các bài văn hay lớp 12 khác như Ý nghĩa nhan đề Đàn ghi-ta của Lor-ca, Tìm hiểu bài Đàn Ghi-ta của Lor-ca, Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, Phân tích cảm hứng từ cái chết bi thảm của Lor-ca trong bài thơ Đàn Ghi ta của Lor-ca, hay cả những phần Soạn bài Đàn ghi ta của Lor-ca,…