Giáo Dục

Giải thích câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng

Đề bài: Giải thích câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng

giai thich cau tuc ngu hum chet de da nguoi ta chet de tieng

Giải thích câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng

 

I. Dàn ý giải thích câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng

1. Mở bài

– Khi sống người ta quan tâm đến danh dự của bản thân, khi chết người ta vẫn rất quan tâm đến cái “tiếng” mà bản thân để lại cho đời, thế mới có câu tục ngữ mà bao đời nay ông cha ta vẫn truyền miệng: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”.
– Đó là quan niệm sống đẹp và sống có ích mà mỗi con người cần phải lưu tâm.

2. Thân bài

* Giải thích câu tục ngữ:
– Hổ dù chết đi rồi nhưng vẫn còn để lại được tấm da quý có ích cho cuộc đời.
– Con người khi sống quan tâm đến danh dự, nhân phẩm của bản thân, sống làm sao cho tốt đời đẹp đạo, được người người yêu mến kính trọng. Có như vậy khi mất đi rồi, tuy thân xác sớm trở thành cát bụi, nhưng những hình ảnh đẹp, những giá trị về một tâm hồn cao quý vẫn luôn tồn tại mãi trở thành tấm gương cho người ở lại học tập, tôn thờ…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý giải thích câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng tại đây

 

II. Bài văn mẫu Giải thích câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng

Phàm là người trong thiên hạ, có ai mà không quan tâm đến danh dự và nhân phẩm của bản thân, đó là cái “tôi” cá nhân, là lòng tự trọng; giữ gìn phẩm giá của mỗi một con người trong xã hội, chân lý ấy từ trước đến nay vẫn chưa từng thay đổi. Khi sống đã vậy, khi chết người ta vẫn rất quan tâm đến cái “tiếng” mà bản thân để lại cho đời, thế mới có câu tục ngữ mà bao đời nay ông cha ta vẫn truyền miệng: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Đó là quan niệm sống đẹp và sống có ích mà mỗi con người cần phải lưu tâm.

Câu tục ngữ “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, ý chỉ những giá trị còn tồn tại sau khi con người ta trở về cõi vĩnh hằng. Dẫu là một con hổ, khi sống đã oan hùng, làm chúa sơn lâm, uy phon bốn cõi, thì khi chết đi dẫu xương, thịt nhục rữa, tan biến về với đất mẹ muôn đời, thì cái mà nó để lại ấy là là tấm da quý, đẹp đẽ được người đời hết sức nâng niu trân trọng. Như vậy, con hổ tuy đã chết đi nhưng nó vẫn để lại cho đời một cái gì đó thật đẹp chứ không hoàn toàn về với cõi hư vô. Tương tự con người cũng như vậy, khi sống phải chăng con người quan tâm đến danh tiếng, đến nhân phẩm của bản thân, sống làm sao cho tốt đời đẹp đạo, được người người yêu mến kính trọng. Có như vậy khi mất đi rồi, tuy thân xác sớm trở thành cát bụi, nhưng những hình ảnh đẹp, những giá trị về một tâm hồn cao quý vẫn luôn tồn tại mãi trở thành tấm gương cho người ở lại học tập, tôn thờ. Cái đó người ta vẫn thường gọi nôm na là cái “tiếng”, ở đây nghĩa tích cực thì là tiếng thơm, tiếng vang về một tấm lòng, một nhân cách đẹp. Còn ngược lại, khi còn sống, mà ăn ở thất đức, bị người đời ghét bỏ, thì khi mất đi, cái “tiếng” xấu vẫn đeo bám mãi không rời, trở thành nỗi xấu hổ của con cháu.

Câu tục ngữ là một bài học quý giá, cũng là lời nhắc nhở đầy sâu cay về lẽ sống ở đời. Dẫu biết rằng, sinh tử của vạn vật vốn đã là quy luật của tạo hóa, không một ai có thể thoát khỏi cái quy luật nghiệt ngã ấy. Thế nên, khi còn sống chúng ta dù ở danh vị nào, vị trí nào, dù giàu, nghèo, sang, hèn nhưng cũng không được đánh mất đi cái bản chất tốt đẹp của tâm hồn, luôn sống đúng đắn hướng thiện, chớ nên vì một vài phút hư vinh mà quên đi cả đạo đức nhân phẩm. Bởi âu số phận, ai cũng sẽ về với miền cực lạc, hơn nhau chỉ vài ba năm sống trên cuộc đời mà thôi, cuối cùng khi thân xác đã không còn thì cái danh tiếng mà chúng ta gây dựng, có được ở cõi nhân gian mới là cái trường tồn với thời gian, là cái vẫn sống mãi trong tâm trí những người ở lại. Trí nhớ của con người là cuốn nhật ký kỳ diệu nhất, lời nói của con người cũng là vũ khí lợi hại nhất. Người nào khi sống mà được mọi người yêu quý, tôn trọng, nhân cách cao thượng, thì khi mất đi rồi tiếng thơm vẫn lưu mãi muôn đời, được người người tiếc thương, ghi nhớ. Còn kẻ nào khi sống, ăn ở có nhiều khuất tất lỗi lầm, thì khi chết đi rồi bia miệng của người đời cũng chẳng tha cho, cái danh xấu ấy vẫn cứ lưu truyền, thậm chí là ảnh hưởng đến cả đời con, đời cháu. Có câu ca dao phản ánh rất rõ điều này ấy là:

“Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Lấy một vài ví dụ trong lịch sử dân tộc, có những vị anh hùng, những vị lãnh tụ vĩ đại mà khiến cho ngàn đời sau người người vẫn ghi nhớ công ơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là tấm gương sáng, là tượng đài trong lòng con dân Việt Nam, là vị Cha già kính yêu của dân tộc. Những lời dạy, những tư tưởng phong cách sống của Người đã trở thành chuẩn mực cho lớp lớp thanh niên Việt Nam ngày ngày noi gương, học tập, cả dân tộc Việt Nam chưa một giây một phút nào quên những gì Người đã cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc. Ngày Bác ra đi, nhân dân cả nước đồng loạt khóc thương, trời cũng đổ cơn mưa như tiếc thương cho một nhân tài kiệt xuất. Ngoài ra, những vị anh hùng khác trong cuộc chiến chống quân xâm lược, bảo vệ quê hương cũng là những tấm gương sáng, những con người dù đã mất đi rồi nhưng tiếng thơm vẫn lưu danh muôn đời trong sử sách, trong trí nhớ của người ở lại, họ thật đáng kính trọng và ngưỡng mộ biết bao. Ngược lại, có những kẻ tham sống sợ chết, chẳng màng đến an nguy xã tắc, dân tộc bán nước cầu vinh như Lê Chiêu Thống hay Nguyễn Ánh, đều là những kẻ tội đồ của dân tộc, dù đã yên bề dưới lòng đất, nhưng tên tuổi vẫn ngàn đời bị mỉa mai, bêu xấu, chịu sự căm ghét của nhân dân vì những hành động đáng xấu hổ mà họ đã làm ra lúc còn sống.

Ngày nay, vẫn có một số người trong xã hội chưa có nhận thức sâu sắc về vấn đề danh dự cá nhân, về nhân cách, đạo đức của bản thân, họ coi đó là những thứ tầm phào, vô nghĩa. Họ chỉ tập trung vào những giá trị vật chất, giữa những cái xô bồ trong xã hội, mải mê chạy theo những cái hư ảo, tầm thường, thậm chí tự bóp méo, biến dạng nhân cách của mình lúc nào không hay. Xã hội dần xuất hiện những thành phần vô đạo đức, không coi trọng những giá trị nhân văn, nhân bản; nạn cướp, hiếp, chém giết lẫn nhau dần trở nên càng ngày càng phổ biến và phức tạp. Con người không còn sống với nhau bằng tình nghĩa mà sống với nhau bằng những mối quan hệ cho nhận, giao kèo, lợi dụng trống rỗng, khiến những giá trị nhân bản nhân văn trong xã hội dần bị mai một. Đó là một điều hết sức nguy hiểm và cần phải loại trừ. Với mỗi chúng ta việc sống trong một xã hội phức tạp là điều phải chấp nhận, thế nhưng chúng ta phải kiên định với những giá trị nhân cách đúng đắn, sống tốt đẹp, không bị những cám dỗ tầm thường xô ngã. Để sao cho khi sống chúng ta được mọi người tôn trọng, yêu quý, khi mất đi chúng ta vẫn được mọi người nhớ đến bởi nhân cách và những phẩm chất đạo đức cao quý mà chúng ta giữ vững lúc còn tại thế, để không phải hổ thẹn với con cháu, khiến con cháu có thể ngẩng cao đầu mà nói chuyện với người khác. Có như vậy, cuộc sống mới thực sự có những ý nghĩa tốt đẹp. Hãy nhớ rằng chết không phải là chấm dứt tất cả, bởi vậy đừng chỉ biết buông thả và hưởng thụ nhất thời!

Câu tục ngữ của ông cha là một bài học sâu sắc và bổ ích cho mỗi chúng ta, răn dạy chúng ta cách sống trên đời, sống sao cho khi còn tại thế thì có ích cho đất nước cho xã hội, khi mất đi rồi thì để lại tiếng thơm lưu truyền, là niềm tự hào của con cháu. Đó là một phong cách, một chân lý sống rất đúng đắn và có giá trị mãi về sau.

———————HẾT———————–

Trên đây là nội dung bài Giải thích câu tục ngữ: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, bên cạnh đó các em có thể tham khảo nhiều bài văn mẫu đặc sắc khác như: Giải thích câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công, Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, Giải thích câu tục ngữ Có công mài sắt, có ngày nên kim, Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên để khám phá thêm nhiều câu tục ngữ hay trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button