Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt
Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt
I. Dàn ý Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu về bài thơ Bếp lửa
2. Thân bài
– Hình ảnh bếp lửa chờn vờn, ấp iu gợi nhớ đến người bà nhóm bếp trong lòng tác giả
– Bà trải qua nhiều lo toan, vất vả, nhọc nhằn qua bao năm tháng
– Bếp lửa gắn với tuổi thơ của cháu cùng bà:
+ 8 năm cùng bà nhóm bếp, khói hun nhèm mắt, sống mũi cay
+ Được bà dạy cho làm, chăm cho học
+ Được bà thấy ba mẹ chăm bẵm lớn khôn từng ngày
+ Tiếng tu hú gọi khát khao được trở về bên bà
– Tình cảm của cháu ở phương xa:
+ Dù nơi ở mới có những tiện nghi, đủ đầy nhưng cháu không thể quên những năm tháng vất vả bên bà xưa kia.
+ Nỗi nhớ bà vẫn luôn thường trực trong tim cháu mỗi ngày, mỗi sớm mai.
+ Nỗi nhớ nhà hòa trong nỗi nhớ quê hương, đất nước mình.
3. Kết bài
Cảm nghĩ về bài thơ
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (Chuẩn)
Trong những năm tháng chiến tranh, bên cạnh những bài văn, bài thơ cổ vũ tinh thần chiến đấu của dân tộc còn có những lời thơ da diết viết về tình thân, về quê hương mình. Một trong số đó phải kể đến bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, tác phẩm đã gợi lại cho người thưởng thức những cảm xúc dạt dào về gia đình, về những kí ức thân thương bên bà.
” Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Mở đầu bài thơ là hình ảnh bếp lửa chờn vờn trong sương mai, nó như vừa mới đây cũng vừa như trong kí ức xa xôi mà tác giả chợt nghĩ đến hay khắc khoải trong phút giây chợt nhớ về. Bếp lửa ấy được nhen nhóm từ đôi bàn tay gầy, được nâng niu trọn vẹn nhất, vị nồng đượm của khói bay trên bếp vẫn còn đó, trong miền kí ức của cháu thơ. Và sâu trong hình ảnh ấy chính là bóng dáng của người bà kính yêu, nghĩ về bếp lửa cháu nhớ đến bà, cháu thương những năm tháng bà tần tảo, hy sinh.
“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Bao kỉ niệm tuổi thơ bỗng sống dậy trong trái tim đong đầy nỗi nhớ trong cháu.
” Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”
Cuộc sống khốn khó những năm tháng ấy có lẽ là điều mà cháu không thể nào quên dù lúc ấy vừa lên bốn. Cái đói, cái nhọc nhằn vất vả được thể hiện qua hình ảnh “khô rạc ngựa gầy”, mùi khói trở thành thứ hương vị quen thuộc lúc ấy. Khói hun nhèm lên mắt, vị khói khiến sống mũi cháu cay cay hay chính những khó khăn, đói khổ của năm tháng xưa khiến khi nghĩ về mà lòng nôn nao vừa xúc động, vừa xót xa.
“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế”
Cháu cùng bà trải qua bao năm tháng, cùng bà sống bên cánh đồng quê hương, cùng bà nhen nhóm yêu thương mỗi ngày bên bếp lửa thân thuộc. “Tám năm”- khoảng thời gian đủ dài để cháu khắc cốt ghi tâm những lời bà dạy, những câu chuyện kể của bà về ngày ở Huế, về những kỉ niệm xưa. Tiếng tu hú vang vọng trong bài thơ như gọi quá khứ trở về, khơi dậy những câu chuyện xưa. Những vần thơ lúc này đây chứa chan những yêu thương, thấm đẫm nỗi niềm xúc động:
” Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi, chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa!”
Có lẽ phải xa cha mẹ từ bé, sống bên bà bao năm mà tình cảm của cháu dành cho bà luôn lớn lao như thế. Cháu luôn trân trọng công dạy dỗ của bà, những ngày bà dạy cháu làm, bà ân cần chỉ cháu học. Cả những lần bà dặn cháu viết thư đừng kể ra những khó nhọc nơi quê nhà khiến ba mẹ phải để tâm lo lắng. Bà vẫn vậy, luôn lắng lo cho con cho cháu, dẫu có vất vả, có nhọc nhằn vẫn chẳng lời kêu than, trách oan. Hình ảnh tú hú vẫn kêu xa trên những cánh đồng, lại chẳng thế đến cùng bà phải chăng chính là hình ảnh của cháu lúc này, nỗi nhớ bà đã diết, tiếng gọi bà vọng về nhưng chẳng thể trở về bên bà, chỉ có thể gửi gắm nỗi nhớ qua từng lời thơ.
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Chiến tranh không những khiến bao gia đình phải chia xa mà nó còn tàn phá sự yên bình của bao làng quê, thôn xóm. Hai bà cháu người trẻ nhỏ, người già yếu được hàng xóm giúp đỡ dựng lại túp lều nhỏ, có chỗ che mưa, che nắng. Bao khốn khổ là thế mà bà có bao giờ chịu phó mặc, luôn vững lòng, đinh ninh.
” Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”.
Qua từng dòng thơ, ta càng cảm nhận được hình ảnh người bà kiên cường, chẳng quản ngại hy sinh, vẫn luôn tin yêu vào ngày gia đình sum vầy, ngày đất nước hoà bình, thống nhất.
“Giờ cháu đã đi xa.
Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”
Những dòng thơ cuối nghe sao xúc động đến lạ thường. Cháu nay đã lớn, trên hành trình cuộc đời cháu phải xa bếp lửa, xa bà, xa quê hương mình. Cháu đến một nơi mới, nơi ấy có tiện nghi, những niềm vui mới, nhưng trong tim cháu vẫn luôn hướng về bà, về quê hương mình. Nơi ấy có làm lũ, có nhọc nhằn, gian nan và có tất thảy sự yêu thương suốt năm tháng tuổi thơ. Chính quê hương, chính tình thân đã nâng đỡ tâm hồn cháu, nâng đỡ cuộc đời cháu trong mỗi bước đường đời.
Bằng lời thơ nhẹ nhàng, tâm tình, hình ảnh giàu giá trị biểu tượng cùng lối viết kết hợp giữa tự sự, trữ tình và biểu cảm, tác giả đã sáng tạo nên một bài thơ đầy xúc cảm. Đọc bài thơ, em mới thêm hiểu cảm giác của những người con xa quê mồng ngóng ngày sum họp, thêm trân trọng những khoảnh khắc lao động , sum vầy bên gia đình mình, thêm yêu quê hương, đất nước, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn mình qua bao khoảnh khắc thời gian.
——————HẾT——————
Bếp lửa là những tình cảm thiết tha, cảm động của Bằng Việt dành cho người bà của mình, bên cạnh bài Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Phân tích hình ảnh người bà và ngọn lửa qua đoạn thơ: “Rồi sớm rồi chiều… thiêng liêng – bếp lửa”, Cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt để cho thấy tình yêu quê hương đất nước
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)