Giáo Dục

Cảm nhận nhân vật An Dương Vương

Đề bài: Cảm nhận nhân vật An Dương Vương

cam nhan nhan vat an duong vuong

Cảm nhận nhân vật An Dương Vương

I. Dàn ý Cảm nhận nhân vật An Dương Vương (Chuẩn)

1. Mở bài:
– Giới thiệu chung về truyền thuyết.
– Giới thiệu truyền thuyết An Dương Vương-Mị Châu-Trọng Thủy và nhân vật An Dương Vương.

2. Thân bài

a. An Dương Vương – vị vua anh minh, trách nhiệm:
– Sau khi lên ngôi Vua, An Dương Vương đã quyết định xây thành Cổ Loa.
– Trong quá trình xây thành, gặp phải trắc trở, An Dương Vương vẫn kiên trì xây thành vì sự an nguy và ổn định của nhân dân.
– Lập đàn trai giới cầu đảo bách thần, vua đã được cụ già từ phương Đông báo sẽ có sự Thánh Giang đến giúp đỡ xây thành=> hợp lòng trời, thuận ý người.
– Chỉ nửa tháng sau khi được sứ Thanh Giang giúp đỡ, thành Cổ Loa được hoàn thiện với sự kiên cố vững chắc=> Thành quả của vua tôi u Lạc.
– Bày tỏ nỗi lo lắng với sứ Thanh Giang: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”.
– Được Rùa Vàng tặng vuốt, nỏ thần được chế tạo thành công: cái nhìn lâu dài và sự chuẩn bị chu đáo trong việc chống giặc ngoại xâm.
– Đội quân u Lạc đã giành thắng lợi trước quân Triệu Đà.
– Khi Triệu Đà- kẻ thù đem quân xâm chiếm nước ta, hắn dùng mưu đưa con trai là Trọng Thủy vào xin làm rễ để giữ tinh thần hòa hiếu cho hai bên, lúc này vua cũng vui vẻ chấp nhận.
=> Là vị vua đứng đầu một quốc gia, ông đã có công lao to lớn trong việc lo cho dân cho nước.

b. An Dương Vương và bài học giữ nước:
– Trọng Thủy vào xin làm rễ, An Dương Vương vui vẻ chấp nhận không mảy may nghi ngờ.
– Chủ quan, đặt hết niềm tin vào chiếc nỏ thần kỳ.
=> Cơ đồ u Lạc “đắm biển sâu”.
– Rời bỏ thành chạy trốn cùng con gái, An Dương Vương tìm đường cầu cứu thần Kim Quy, tự tay mình rút đao gươm giết đi người con gái hết mực yêu quý => gia đình tan vỡ.
=> Bi kịch nước mất, nhà tan.
– Bài học về sự cẩn trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

3. Kết bài

Khẳng định bức thông điệp rút ra từ nhân vật.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận nhân vật An Dương Vương (Chuẩn)

Truyền thuyết là một trong những thể loại tiêu biểu của dòng văn học dân gian Việt Nam. Mỗi câu chuyện truyền thuyết không chỉ chứa đựng những yếu tố kì ảo với cốt truyện hấp dẫn mà qua đó còn thể hiện tình cảm, thái độ của nhân dân ta về những nhân vật lịch sử. Tác phẩm An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết hay cho thấy rõ nhất điều đó. Trong truyền thuyết, nhân vật An Dương Vương đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc về một vị vua anh minh, có tầm nhìn xa trông rộng nhưng lại có những sai lầm trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Trong phần đầu của truyện, An Dương Vương hiện lên là một vị vua anh minh, sáng suốt, có lòng yêu nước, thương dân. Tinh thần trách nhiệm cao cả của ông không thể hiện qua lời nói, suy nghĩ mà được chứng minh qua những hành động cụ thể. Sau khi lên ngôi vua, An Dương Vương đã quyết định xây thành Cổ Loa nhằm tạo thành trì vững chắc phục vụ cho nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm, giữ thái bình, yên ổn cho dân. Trước đó, các thế hệ tiền nhân chưa ai nghĩ đến việc xây thành để phòng thủ, An Dương Vương bằng tầm nhìn của một bậc minh quân đã quyết định thực hiện nó, đó là một quyết định đúng đắn, cho thấy tầm nhìn xa hiểu biết rộng của ông.

Trong quá trình xây thành, gặp phải trắc trở, An Dương Vương vẫn kiên trì xây thành vì sự an nguy và ổn định của nhân dân lập đàn trai giới cho thấy được sự tin tưởng của nhà vua trong chiến lược xây thành của mình là hợp ý trời, thuận lòng người. Bởi vậy mà khi lập đàn cầu đảo, vua đã được cụ già từ phương Đông báo sẽ có sứ giả Thanh Giang đến giúp đỡ xây thành.

Chỉ nửa tháng sau khi được sứ Thanh Giang giúp đỡ, thành Cổ Loa được hoàn thiện với sự kiên cố vững chắc “thành rộng hơn ngàn thước, xoắn như hình trôn ốc”- một thành luỹ to lớn bảo vệ đất nước được dựng lên nơi vùng đất rộng lớn, màu mỡ. Có thể nói, An Dương Vương đã rất tâm huyết với việc xây thành, đó là thành quả xứng đáng cho những gì nhà vua đã tận tâm xây dựng. Không chỉ vậy, An Dương Vương còn rất mực cẩn trọng, lo cho an nguy của xã tắc, khi chia tay sứ Thánh Giang, nhà vua không quên bày tỏ nỗi lo lắng: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Đó là nỗi băn khoăn của một vị vua có trách nhiệm với đất nước. Ngay sau khi được Rùa Vàng tặng vuốt, một chiếc nỏ thần được chế tạo thành công thể hiện ý chí, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm của vua và nhân dân u Lạc lúc bấy giờ. Chính nhờ cái nhìn lâu dài và sự chuẩn bị chu đáo ấy, mà đội quân u Lạc đã giành thắng lợi vinh quang trước quân ác chiến Triệu Đà.

Trong phần đầu truyện, ta thấy công đức mà An Dương Vương đã làm cho con dân u Lạc là điều đáng trân trọng và cảm phục. Là vị vua đứng đầu một quốc gia, ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc lo cho dân cho nước, công lao đó được nhân dân và con cháu đời sau ngợi ca và ghi nhớ.

Không chỉ là một vị vua thương dân, yêu nước mà An Dương Vương còn là một bậc anh hùng tin vào công lý, yêu chuộng hoà bình. Khi Triệu Đà, kẻ thù đem quân xâm chiếm nước ta, hắn dùng mưu đưa con trai là Trọng Thủy vào xin làm rễ để giữ tinh thần hòa hiếu cho hai bên, lúc này vua cũng vui vẻ chấp nhận. Lòng khoan dung, tinh thần chuộng hoà bình của dân tộc được An Dương Vương kế thừa và tiếp nối, ông là đại điện tiêu biểu cho phẩm chất nhân ái của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, hành động đồng ý gả con gái cho con trai kẻ thù mà không mảy may chút nghi ngờ cho thấy sự chủ quan, tự mãn nơi An Dương Vương.

“Một đôi kẻ Việt người Tần
Nửa phần ân ái nửa phần oán thương”

Vì trọng nghĩa hoà yếu, yêu con gái và tự tin vào sức mạnh của Nỏ thần, An Dương Vương đã không lường trước được âm mưu xâm lược thâm độc của Triệu Đà. Chủ quan, khinh địch, quá phụ thuộc vào chiếc nỏ thần là nguyên nhân khiến cơ đồ u Lạc “đắm biển sâu”. Vì giây phút “ngủ quên” trên chiến thắng, tự mãn vì cậy có nỏ thần, mất cảnh giác khi tin vào con kể thù mà An Dương Vương đã phải đánh đổi cả sự nghiệp to lớn bấy lâu gây dựng, đánh đổi cả mạng sống và sự bình yên của nhân dân. Rời bỏ thành chạy trốn cùng con gái, An Dương Vương tìm đường cầu cứu thần Kim Quy, khi Rùa Vàng bảo “kẻ sau lưng chính là giặc”, vua bàng hoàng hiểu ra mọi chuyện, đau đớn trăm phần. Tự tay mình rút đao gươm giết đi người con gái hết mực yêu quý, còn điều gì đau đớn hơn? Nhưng đứng trên lập trường của công lý, Mị Châu là kẻ có tội, kẻ có tội với đất nước, với nhân dân không thể không trừng trị.

Bi kịch nước mất, nhà tan của An Dương Vương là bài học quý giá cho thế hệ sau trong quá trình dựng và giữ nước. Cuối truyện, An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc được Rùa Vàng đưa trở về với biển cả. Chi tiết kì ảo ấy đã thể hiện sự khoan dung và niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân về một vị anh hùng đã có công dựng nước.

Nhân vật An Dương Vương được các tác giả dân gian xây dựng không theo hình thức lý tưởng hóa tuyệt đối mà được dựng lên như một chân dung đời thực, có điểm đáng khen cũng có điểm đáng chê trách. Thông qua các hành động, tính cách và phẩm chất nhân vật được bộc lộ rõ nét. Qua hình tượng An Dương Vương, cha ông ta cũng muốn gửi gắm bức thông điệp đến thế hệ mai sau về tinh thần cảnh giác cao độ trong công việc, đặc biệt là khi phải đối mặt với vận mệnh, an nguy dân tộc.

—————–Tổng kết——————

Qua bài phân tích trên, các em có thể hiểu thêm về chân dung và ý nghĩa của hình tượng nhân vật An Dương Vương trong truyền thuyết. Bên cạnh đó, các em đọc tham khảo thêm một số bài văn mẫu hay như: Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ, Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ, Cảm nghĩ về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy, Phân tích nhân vật Mị Châu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy.

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button