Đề bài: Cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp hình tượng Tấm
Phần 1: Dàn ý Cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp hình tượng Tấm
Phần 2: Bài văn mẫu Cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp hình tượng Tấm
Bài mẫu số 1:
Có lẽ mỗi khi nhắc tới người con gái hiền lành, nết na, chịu thương chịu khó, người ta hẳn sẽ nghĩ ngay tới nàng Tấm. Nàng là một hình tượng người con gái với vẻ đẹp trong sáng vô ngần. Vẻ đẹp hình tượng Tấm xuyên suốt tác phẩm truyện cổ tích “Tấm Cám”, là hiện thân của cái chân – thiện – mỹ. Cùng với những biến đổi và những bước phát triển tính cách đã tạo nên một nàng Tấm là hình mẫu lý tưởng cho bất cứ người con gái nào trong xã hội.
Truyện cổ tích dân gian thường được viết lên và truyền miệng bởi nhân dân xưa. Những câu chuyện đó chứa đựng ước vọng, khát khao sâu kín của người xưa. Quả vậy, Tấm Cám cũng được viết lên khi trong xã hội đã nảy sinh những mâu thuẫn khó giải quyết. Những mâu thuẫn ấy được dệt lên bởi một bên là cái thiện, cái lành và một bên là cái ác, cái xấu. Hình tượng Tấm được dựng lên là một người con gái dịu dàng, chăm chỉ, dịu hiền, trong sáng và thiện lành. Nàng là biểu trưng cho những gì tốt đẹp, cho cái thiện của nhân dân ta. Đối lập với nàng là mẹ con Cám, tượng trưng cho những gì xấu xa, độc ác nhất, đáng bị ghét bỏ nhất. Câu chuyện “Tấm Cám” được phát triển từ lúc Tấm là một cô gái hiền lành, thường bị mẹ con Cám bắt nạt, thường phải khóc thương cho thân phận mình cho đến khi nàng trở lên mạnh mẽ, dám vùng lên chống lại những điều xấu xa, hiếp đáp nàng. Đến cuối cùng, nàng cũng chiến thắng cái ác, tiêu diệt được cái xấu xa và có được hạnh phúc riêng cho mình. Ngoài ra, yếu tố thần kì của câu chuyện cũng là một yếu tố quan trọng đóng vai trò phản ánh ước mơ của nhân dân ta. Đó là ước mơ cái thiện sẽ luôn được giúp đỡ, được che chở bởi thần linh. Từ câu chuyện, chúng ta cũng nhận ra được yếu tố nhân sinh mà các tác giả dân gian muốn gửi gắm qua hình tượng nàng Tấm: Đó là nàng Tấm thảo hiền, lương thiện sẽ được hưởng hạnh phúc, nàng sẽ giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh với cái ác để giành lại hạnh phúc cho chính mình. Hình tượng cô Tấm được xây dựng đã phản ánh thật rõ cái tư tưởng cũng như quan niệm nhân sinh cao cả mà ông cha ta muốn nói tới.
Khi đọc những dòng đầu của câu chuyện, chúng ta có thể thấy rõ hình ảnh nàng Tấm hiện lên thật chân thực. Nàng hiện lên là một người con gái giàu tình yêu thương, chịu thương chịu khó, lại hiền lành lương thiện. Thế nhưng, nàng lương thiện bao nhiêu thì lại bị ức hiếp, đối xử tàn nhẫn bấy nhiêu. Nàng hiền lành nên bị người ta lừa mất cái yếm đỏ, bị bắt mất người bạn thân thiết mà chỉ biết “òa khóc nức nở” một mình. Nàng nhẫn nhục một cách đáng thương, một cách thụ động. Những lần đó, nàng chỉ biết tìm đến sự che chở của những thế lực siêu nhiên. Hình tượng Tấm của những buổi ban đầu thật đáng thương biết mấy. Nàng thương thân mình mà chẳng biết làm gì ngoài ngoài khóc một mình “úp mặt khóc nức nở”. Những lần hoạn nạn ấy chỉ có Bụt – yếu tố thần kì, thế lực siêu nhiên giúp đỡ nàng mà thôi. Ở thời điểm này, nàng thực sự rất yếu đuối, rất thụ động trong việc giành lấy hạnh phúc cho mình.
Đến khi nàng bước lên vị trí hoàng hậu, một vị trí xứng đáng với con người, với bản chất của nàng. Tuy nhiên, mẹ con Cám chẳng tha cho nàng mà còn tìm cách hãm hại nàng nhiều lần hơn nữa. Thế nhưng, giờ đây, nàng Tấm của chúng ta đã khác. Nàng đã có một bước phát triển vượt bậc trong tính cách, bản chất của mình. Nàng đã hiểu rõ tâm địa đen tối của mẹ con Cám, thế nên nàng quyết đứng lên chống lại chúng. Mỗi lần chúng hãm hại nàng là một lần nàng lại vùng lên thật mạnh mẽ hơn trước. Nếu lúc trước nàng chỉ biết khóc môt mình thì hôm nay, nàng có thể hiên ngang mà móc mỉa chúng:
“Kẽo cà kẽo kẹt
Lấy tranh chống chị, chị khoét mắt ra”
Nàng Tấm đã chẳng phải là một người thụ động như trước. Nàng sẵn sàng tuyên chiến với kẻ thù của mình. Hình tượng Tấm ở giai đoạn này là một sự quyết liệt, một sự mạnh mẽ đến cùng để bảo vệ hạnh phúc cho mình. Thêm nữa, sự hóa thân của nàng sau mỗi lần bị hại cũng là niềm hi vọng, là sức mạnh niềm tin của nhân dân đối với nàng -đại diện của cái thiện.
Lần hóa thân cuối cùng, nàng biến trong quả thị – một loài quả dân dã nhưng lại có hương thơm lạ kỳ. Hương thơm ấy cũng là biểu trưng cho vẻ đẹp thiện lương của nàng tỏa ngát ra bên ngoài, được người đời yêu quý, mến mộ. Đó cũng là biểu trưng cho nàng, cho sự thiện lương tốt đẹp tỏa ra từ con người nàng. Sự trở về của người con gái thảo thơm bằng miếng trầu thắm đượm tình yêu tha thiết. Sự trở về của nàng cũng là sự kết thúc của mẹ con Cám – của cái ác, cái xấu xa. Sự trừng phạt đối với mẹ con Cám là tất yếu, bởi cái ác không thể tồn tại chung cùng với cái thiện được. Sự trừng phạt ấy xứng đáng với những gì chúng đã gây ra cho Tấm.
Hình tượng cô Tấm có lẽ là hình tượng đẹp nhất trong những tác phẩm dân gian. Bởi hình tượng ấy chứa đựng tất cả những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất với lòng mong mỏi của người dân. Hình tượng của nàng đại diện cho cái thiện, cho tinh thần lạc quan, yêu đời cảu người xưa.
Mỗi biến cố xảy ra trong cuộc đời của Tấm chỉ là yếu tố tác động để làm phát triển hơn tính cách của nàng. Và cũng để nàng nhận ra rằng, hạnh phúc không phải là thứ có thể đến một cách thụ động hay do người khác ban cho mà phải do bản thân mình nắm bắt và giữ gìn lấy nó. Kết thúc câu chuyện, cái ác bị trừng trị một cách thích đáng, đó như lời cảnh tỉnh của nhân dân ta đối với những kẻ ác rằng cái ác sẽ nhận lấy kết cục đau khổ nhất, chỉ có cái thiện mới có được hạnh phúc lâu dài mà thôi.
Câu chuyện kết thúc nhưng dư âm mãi trong lòng người đọc là vẻ đẹp hình tượng của Tấm. Cuộc đấu tranh của Tấm cũng chính là triết lý dân gian mà người xưa muốn gửi gắm: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”, cái thiện tất sẽ chiến thắng trước cái tà ác, hạnh phúc phải do tự mình nắm bắt và giữ gìn. Đồng thời hình tượng ấy cũng thể hiện sự lạc quan, niềm tin yêu của nhân dân vào công lý, công bằng.
Bài mẫu số 2:
Tuổi thơ chúng ta, chắc ai cũng lớn lên bên những câu chuyện cổ tích của bà và những lời ru của mẹ. Đó là những câu chuyện kể về chàng Thạch Sanh nghèo khó nhưng lương thiện, giết chằn tinh cứu công chúa và con vua thủy tề. Là chàng Sọ Dừa với ngoại hình dị dạng vẫn mang trong mình những phẩm chất đẹp đẽ và thông minh. Và chắc hẳn chúng ta cũng chẳng thể nào quên hình ảnh nàng tấm dịu hiền, xinh đẹp bước ra từ quả thị.
“Thị ơi thị rụng bị bà
Bà để bà ngửi
Chứ bà không ăn”
Nàng Tấm vốn hiền lành, nết na, lại là người chăm chỉ, hay làm. Cũng như bao nhiêu người khác, nàng khát khao có mái ấm, hạnh phúc gia đình . Nhưng số phận trêu ngươi, giữa bao nhiêu người được sống sum vầy bên ba mẹ, thì Tấm phải mất mẹ từ nhỏ. Cha nàng lấy vợ mới, từ đó nàng sống với dì ghẻ – mẹ con Cám-tình vốn không mấy lương thiện, thậm chí là vô cùng độc ác. Như dân gian xưa từng có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương . Mấy đời dì ghẻ lại thương còn chồng”. Tấm vốn đã thiệt thòi, lại chịu sự chèn ép của mẹ con Cám nên ngày càng khổ sở. Hết lần này đến lần khác bị sự toan tính mưu mô của mẹ con Cám hãm hại. Chỉ vì muốn nhận phần quà là cái yếm đào mà bao nhiêu công sức của Tấm bị Cám lừa dối rồi cướp phần, tranh công. Đến cả người bạn thân thiết nhất của Tấm là Bống được Bụt giúp đỡ cũng bị mẹ con Cám rình bắt giết hại.
Được sự giúp đỡ của Bụt và bằng chính ý thức vươn lên, bản lĩnh trong con người nàng đã giúp Tấm vượt qua những thách thức, mưu mô của kẻ độc ác và tàn nhẫn. Tấm rất thật thà, hết mực tin tưởng người thân nên mẹ con Cám dễ bề lợi dụng. Chúng rắp tâm hại Tấm không biết bao nhiêu lần, là những kẻ ghen ăn tức ở, sống thiếu tình người. Song, sâu thẳm trong con người Tấm là ý thức đấu tranh mạnh mẽ, Tấm đã trải qua nhiều kiếp hồi sinh từ biến thành con chim sẻ, cây xoan đào, khung cửi,… để lên án, tố cáo, đấu tranh trước sự tàn nhẫn của mẹ con Cám.
Sự phản kháng rất quyết liệt đã cho thấy được mong ước, quyết tâm dành lấy sự sống, sự tự do, vươn tới hạnh phúc của nàng. Tấm thật thà, cam chịu, chịu nhiều mất mát đắng cay trong cuộc đời. Sự tàn nhẫn của mẹ con Cám đã làm cho Tấm mạnh mẽ hơn, quyết liệt, và dứt khoát hơn. Từ sự giúp đỡ của bụt, Tấm đã mạnh mẽ tự mình đứng lên dành lấy những gì vốn thuộc về nàng, đó là sự phản kháng tất yếu khi con người bị dồn đến đường cùng. Bao nhiêu lần chịu đựng lời cay nghiệt và những hành động đầy tội lỗi của mẹ dì ghẻ. Những tưởng họ sẽ ăn năn hối lỗi mà trở về lương thiện. Nhưng chính phần con trong họ đã làm mất đi tính người của mẹ con Cám. Cuối cùng, kẻ ác phải gặp ác, người lương thiện tất sẽ được hạnh phúc sau bao tủi nhục đắng cay. Mẹ con Cám phải chịu hình phạt đích đáng cho những tội lỗi mình gây ra. Hình phạt cuối cùng Tấm dành cho Cám không phải là tàn nhẫn mà đó như là một điều tất yếu. Kẻ ác ắt phải đền tội, đó là quy luật của cuộc sống. Tấm – một cô gái với trái tim đầy yêu thương dù cho đó những loài vật nhỏ bé, một cô gái sống lương thiện lại phải chịu nhiều đắng cay sau cùng cũng được hưởng hạnh phúc tốt đẹp, viên mãn bên nhà vua.
Nàng Tấm bước ra từ câu chuyện cổ tích đã dạy cho chúng ta bài học về đạo lí ở đời, ở hiền gặp lành, bài học về sự yêu thương sẻ chia, bài học về nghị lực, vươn lên thoát khỏi những nghịch cảnh của cuộc sống. Biết đấu tranh trước những điều xấu xa vươn tới những chân giá trị của cuộc sống. Hãy sống như một nàng Tấm hiện đại của thế kỉ XXI, lương thiện, chăm chỉ, nỗ lực hết mình để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, yêu thương và trân trọng sự giúp đỡ của mọi người.
Củng cố kiến thức về truyện Tấm Cám, bên cạnh bài Cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp hình tượng Tấm, các em có thể tìm hiểu thêm nhiều bài học đặc sắc khác như: Phân tích truyện Tấm Cám, Đóng vai Cám và kể lại câu chuyện Tấm Cám, Phân tích mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám trong Tấm Cám, Vai trò của yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)