Giáo Dục

Cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu

Cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu – Tham khảo hướng dẫn làm bài và các bài văn mẫu hay nêu cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên được nhà thơ Hữu Thỉnh thể hiện qua tác phẩm.

Đề bài: Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên lúc gần giao mùa trong bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Hướng dẫn làm bài cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu

1. Phân tích đề

– Yêu cầu đề bài: Nêu cảm nhận của bản thân về bức tranh thiên nhiên giao mùa mà tác giả Hữu Thỉnh thể hiện trong bài thơ Sang thu

– Phương pháp làm bài: phân tích, cảm nhận

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Các tín hiệu chuyển mùa từ mơ hồ đến rõ nét

Luận điểm 2: Bức tranh thiên nhiên quê hương lúc thu về được cảm nhận bằng nhiều giác quan

Luận điểm 3: Tâm trạng của nhà thơ trước sự chuyển mình của thiên nhiên

3. Lập dàn bài

Xem dàn ý chi tiết: Dàn ý cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa trong Sang thu

4. Sơ đồ tư duy 

Sơ đồ tư duy cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu

Xem thêm các bài văn mẫu hay cảm nhận bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu để có thêm ý tưởng làm bài em nhé.

Văn mẫu tham khảo cảm nhận về bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu

Bài văn mẫu 1

:

Mùa thu là nguồn cảm hứng thơ bất tận cho các thi sĩ. Nhà thơ nào cũng muốn vẽ được một bức tranh thu cho riêng mình. Và Hữu Thỉnh đã có được một cái tứ rất riêng đó là thời khắc lúc giao mùa. Bài thơ “Sang Thu” là những cảm nhận, những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước sự biến đổi kì lạ trong thời khắc giao mùa của đất trời trong ngưỡng thu.

Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc, Hữu Thỉnh không còn lạ lẫm gì với mùa thu đất Bắc. Thế nhưng, khi cảm nhận tín hiệu thu mến yêu, ông cũng không khỏi ngỡ ngàng. Đối với ông, thu đến với những cảm giác mơn man khó tả:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Như một quy luật tuần hoàn của tạo hóa, dường như thu đã lại sang. Có vẻ bức tranh thu đã được điểm những nét đầu tiên: hương ổi phả nhè nhẹ, thoang thoảng đưa vào trong gió se – gió đã nhẹ lại chứ không còn là “nồm nam cơn gió thốc” nữa rồi. Theo trong gió chính là làn hương mộc mạc của làng quê nhỏ. Lớp sương chùng chình khắp nơi dường như cũng chẳng muốn rời. Sương cũng mang đầy tâm trạng, bước đi chầm chậm theo nhịp điệu của mùa thu. Cái tín hiệu mùa thu đó là hương, là gió hay là sương? Chẳng lẽ là tất cả. Cái cảm giác bất ngờ thể hiện trong từ “bỗng” đầu tiên lan tỏa vào không gian rất đỗi thân quen, xao xuyến vô cùng. Chính thế mà thi sĩ còn đang ngỡ ngàng vẫn còn tự hỏi mình: Trong khi đất trời bắt đầu có những chuyển biến nhẹ nhàng, hình như thu đã về?… Nhận thấy đó mà chưa tin hẳn, vì lòng yêu say mùa thu quá.

Cái cảm giác “hình như” đó gần như bị xóa tan bởi những tín hiệu chuyển mùa dần hiện ra rõ hơn:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Bức tranh thu dường như đã đậm màu hơn bởi cảnh vật ngày càng nhiều thay đổi: những con sông đã không còn gấp gáp, mà lững lờ trôi, chầm chậm, “dềnh dàng” khi dành nước cho mùa thu. Phải chăng chúng đã thả hồn mình vào các khoảnh khắc giao mùa này? Trái ngược với sự “lặng lẽ” đó là biểu hiện có vẻ gấp gáp của những cánh chim trời. Chúng đang vội vã làm gì? Làm tổ, tích trữ thức ăn cho mùa đông giá lạnh hay đang rục rịch chuẩn bị cho chuyến hành trình xa xứ tránh rét về một chân trời xa xôi nào đó? Hai câu thơ đã vẽ nên những nét đối lập: đâu phải mùa thu lúc nào cũng “lặng lẽ” bởi vạn vật xung quanh ta đều chuyển biến kì lạ theo cách riêng của chúng. Thiên nhiên đầy bí mật, cũng giống như cuộc sống chúng ta – một xã hội với nhiều tầng: có người giàu, có người nghèo, người đang hạnh phúc tận hưởng cuộc sống này, người đang tất tả mưu sinh. Đúng là đầy biến động! Nhưng hiện lên trong tất cả điểm sáng, có lẽ long lanh nhất chính là đám mây vẫn vương chút nắng hạ:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Đám mây đó chắc còn lưu luyến chút gì của mùa hạ đang qua? Cũng có thể nó là kỉ niệm của “hạ” dành cho “thu”. Nó dường như là chiếc cầu nối hữu tình dành cho đôi bờ kì lạ. Cái khoảnh khắc thiêng liêng này đang đậu trên đám mây như là chứng tích của giao mùa. “Vắt” – đang đặt ngang trời hay chẳng biết đang ở chốn nào. Đám mây cứ nhè nhẹ trôi để rồi thời gian cũng chảy qua. Bức tranh thu đang chứa đựng cái nét hữu hình để gợi nên cái cảnh vốn vô hình!

Thu đã gần sang, đất trời cũng đang đứng lại, nó không còn bất chợt đến, rồi lại bất chợt đi như mùa hạ nữa rồi:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Có thể nói rằng: Cái dáng hạ vẫn còn đó mà cái hồn hạ đã bay đi đâu rồi. Vẫn là cái nắng, mưa, sấm, chớp vương lại nhưng cái dữ dội, khắc nghiệt của nắng, tính “đỏng đảnh” của mưa hay sự vội vàng của sấm thì đã nhạt dần theo từng phút giao mùa. Bức tranh sang thu càng lộ rõ thì những ý nghĩ về nhân tình thế thái cũng theo đó hiện lên.

Qua phép ẩn dụ ở hai dòng thơ cuối, người đọc cảm nhận sau tiếng “sấm” là những giông bão của cõi đời, cõi người. Hữu Thỉnh đã điểm nét chính vào bức tranh – đó là hình bóng con người. Hạ qua, thu đến, con người ta dường như đã già hơn một chút. Chính thế mà những kinh nghiệm đường đời đã dày thêm một ít trong hành trang của họ, giúp họ vững vàng hơn trước những phong ba của cuộc sống đầy biến động. Hữu Thỉnh đã cảm nhận được sâu sắc cuộc sống con người. Và thi nhân đã gửi vào thu lời nhắn nhủ con người sống phải biết chấp nhận và vững vàng vượt qua thử thách. Như thế, bài thơ vừa là một bức tranh thiên nhiên đẹp vừa là một phác họa đầy ám ảnh về con người – một phần diệu kì của thiên nhiên kì diệu.

Hình ảnh thơ đẹp, ngôn từ sắc sảo, giàu hàm nghĩa đã tạo nên những rung động, dấu ấn khó quên cho người đọc. Hữu Thỉnh đã trải lòng qua tuyệt tác lúc giao mùa: Sang thu!

» Xem thêmCảm nhận về thiên nhiên trong bài Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu

Bài văn mẫu 2:

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942 quê ở Tam Dương – Vĩnh Phúc, ông thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, hiện nay ông là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Bài thơ Sang Thu được Hữu Thỉnh sáng tác gần cuối năm 1977 in lần đầu trong báo Văn nghệ. Bài thơ thể hiện những cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, nhưng hai mùa rõ rệt nhất là mùa hạ và mùa đông. Còn sự giao mùa nó hiện ra một cách rất tinh tế. Nhưng với tình yêu thiên nhiên và sự cảm nhận cũng rất tinh tế, nhà thơ Hữu Thỉnh đã phát hiện thấy sự giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu. Trước hết, tác giả đã cảm nhận thấy sự chuyển biến của cảnh vật ở một không gian rất gần:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Vào một buổi sớm thức dậy, mở tung cửa và bước ra sân nhà, tác giả phát hiện ra mùi hương thơm rất quen thuộc “bỗng nhận ra hương ổi”. Ở làng quê Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ hầu như nhà nào cũng trồng ổi. Không ít thì nhiều bởi vậy mùi hương ổi rất thân quen, không thể lẫn vào đâu được. Khi mùa hạ sắp qua, mùa thu chuẩn bị về thì đó cũng là mùa ổi chín. Mùi ổi thơm phức, ngòn ngọt rất khuyến rũ. Theo làn gió thổi, hương ổi bay khắp nơi. Nhà thơ dùng động từ “phả” đặt ở đầu câu vừa có tác dụng gợi hương ổi đang lan tỏa trong không gian vừa có tác dụng tạo hình về sự chuyển động của gió. Nhưng là “gió se”, nghĩa là gió đã mang hơi lành lạnh, tạo cảm giác khô khô, không phải gió mùa hè (gió mùa hè mang hơi ẩm). Và làn sương ở đầu ngõ đã có hình khối lờ mờ trôi ở ngõ. Nhà thơ rất sáng tạo khi sử dụng biện pháp nhân hóa để diễn tả sự chuyển động của sương: “sương chùng chình qua ngõ” làm cho sương như đang mang tâm trạng của con người lưu luyến, dùng dằng, nửa muốn đi, nửa muốn ở lại. Chỉ trong khoảnh khắc rất ngắn, nhà thơ đã phát hiện ra ba dấu hiệu mới lạ từ giác quan: ban đầu là hương ổi, gió se, rồi đến sương đầu ngõ, không phải là dấu hiệu của mùa hạ mà là dấu hiệu của mùa thu. Nhà thơ như reo lên khe khẽ trong lòng: “hình như thu đã về”. Tuy nhiên chỉ mới có ba dấu hiệu thì chưa đủ, nhà thơ tiếp tục đưa tầm mắt của mình ra xa và cao hơn, và ông đã phát hiện thêm những dấu hiệu mới nữa:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Dòng sông giờ đây thật êm ả, hiền hòa, không còn ngoi lên dữ dội như mùa hạ nữa và cánh chim sao vội vã, phải chăng nó đã cảm nhận được cái lạnh đang về để bay đến phương Nam tìm nơi tránh rét. Lại một lần nữa nhà thơ Hữu Thỉnh sử dụng phép nhân hóa kết hợp với cặp câu thơ đối xứng tương phản: “sông” đối với “chim”, “được lúc” đối với “bắt đầu, “dềnh dàng” đối với “vội vã” để diễn tả một cách sinh động sự chuyển biến của dòng sông và những cánh chim. Tuy đối lập nhau nhưng lại thống nhất trong khoảng khắc thu về. Hai câu thơ: “Có đám mây mùa hạ – vắt nửa mình sang thu” được xây dựng bằng bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình và bút pháp liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Những đám mây mùa thu thường xốp nhẹ hơn nên nó bay bổng lên cao. Cách miêu tả của nhà thơ đã có tác dụng diễn tả sự chuyển động tinh tế của những đám mây vào lúc giao mùa từ lúc cuối hạ sang đầu thu. Như vậy những cảm nhận tinh tế từ nhiều giác quan, nhà thơ Hữu Thỉnh đã phát hiện sự chuyển biến của cảnh vật lúc giao mùa. Những dấu hiệu của mùa thu về cứ dần dần rõ nét: ở tầm gần có hương ổi, gió se, sương chùng chình, ở tầm xa có dòng sông, ở tầm cao có cánh chim, làn mây. Tất cả đã tạo nên một bức tranh sang thu phóng khoáng, êm dịu, tươi mới và cũng rất thơ mộng. Thật là bức tranh đặc sắc của sang thu.

Đối với người yêu thiên nhiên như thế là chưa đủ để khắc họa một bức tranh sang thu, nhà thơ lại phát hiện ra nhiều nét mới về sự biến chuyển của thời tiết lúc giao mùa:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Ở hai câu đầu nhà thơ lại sáng lập một cặp quan hệ từ “vẫn còn” và “đã” có tác dụng diễn tả những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt của mùa hè chưa hết hẳn như nắng mưa, nhưng sấm đang thay đổi theo từng bước đi của mùa hè vơi dần đi. Hai câu thơ trên bổ sung thêm cho bức tranh tươi sáng nhưng đã trong lành, thanh thoát hơn. Đó chính là bức tranh mang cảm giác em dịu của thu sang. Tuy nhiên ở khổ thơ này, đặc biệt là hai câu: “Sấm cũng bớt bất ngờ – Trên hàng cây đứng tuổi”. Ở đây tác giả đã có ý vừa tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng. Vì tả thực như trên đã nói khi mà thời tiết sang cuối hạ đầu thu thì sấm cũng thưa dần, không còn chất chứa như mùa hè. Dẫu không có sấm làm rõ nét hơn tiết trời hạ qua thu tới. Nhưng có lẽ nhà thơ đã tập trung và phản ánh ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng “sấm” tượng trưng cho những biến động của cuộc sống đến với con người, “hàng cây đứng tuổi” biểu tượng cho những con người từng trải. Về hai câu thơ này, tác giả muốn dựng ra những suy ngẫm có tính triết lí của mình về con người, về dân tộc: khi đã từng trải, con người sẽ vững vàng hơn trước những tác động ngoại cảnh của cuộc đời. Đây cũng là những suy ngẫm có tính triết lí về con người, cuộc đời.

Tóm lại, bằng sự phát hiện và chọn lọc cũng như khắc họa được những hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm, đặc sắc về thời điểm giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Sáng tạo trong việc sử dụng những từ ngữ như: bỗng, nhận, phả, hình như, phép nhân hóa, phép ẩn dụ, bài thơ Sang thu đã thể hiện cảm nhận tinh tế và tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng của nhà thơ khi nhận ra những tín hiệu báo thu sang. Đồng thời, thời gian cũng bộc lộ những suy ngẫm sâu sắc mang tính triết lí về con người và cuộc đời để làm nên cái tôi trữ tình sâu sắc trong bài thơ.

Sang thu của Hữu Thỉnh là một bài đặc sắc viết về thời khắc giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu. Bài thơ là một bức tranh đẹp, mới mẻ, thơ mộng, êm dịu về thời khắc chuyển mùa từ cuối hạ sang đầu thu. Bài thơ truyền cảm hứng cho chúng em về thái độ trân trọng tình yêu thiên nhiên, đặc biệt là thiên nhiên lúc giao mùa.

» Tham khảo thêm: Phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế qua bài thơ Sang thu

Bài văn mẫu 3:

    Sang Thu của nhà thơ Hữu Thỉnh là sự miêu tả khoảnh khắc giao mùa giữa mùa hạ và mùa thu. Đây có lẽ chính là khoảnh khắc tự nhiên đẹp nhất, vạn vật tự nhiên bắt đầu khoác lên mình những sắc màu mùa thu dịu nhẹ. Bài thơ Sang thu miêu tả một bức tranh mùa thu vô cùng tinh tế, sâu sắc làm cho người đọc cảm thấy rung động về bức tranh thiên nhiên ấy hơn.

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Vào cuối năm 1977, khi chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình lập lại, trong một buổi chiều thu, ra ngoại thành Hà Nội, đến thăm một vườn ổi chín, hương vị dịu dịu… một chút ngỡ ngàng, một chút xao xuyến, Hữu Thỉnh tức cảnh sinh tình. Trong ánh nắng hoàng hôn vàng óng, bài thơ Sang thu ra đời.

Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ, cô đọng, súc tích. Cả bài thơ là giọng điệu nhẹ nhàng, đôi lúc trầm lắng suy tư. Bài thơ là sự rung động của hồn thơ trước thiên nhiên khi đất trời sang thu, một bức tranh giao mùa tuyệt đẹp.

Mở đầu bài thơ với hai câu thơ miêu tả tiết trời mùa thu vô cùng tinh tế:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”.

Từ” bỗng” ở câu thơ mở đầu thể hiện sự đột ngột, bất chợt khi mùa thu đến. Nhưng cái đột ngột ấy tạo nên một bức tranh thu thật khiến cho người ta động lòng. Đứng giữa vườn ổi chín vàng, giữa tiết trời cuối hạ đầu thu, ông nhận ra hương vị chua chua, ngòn ngọt của những quả ổi chín vàng ươm. Hương vị ấy đơn sơ, mộc mạc, đồng nội, rất quen thuộc với quê hương. Thế mà ít ai nhận ra sự hấp dẫn của nó. Bằng cảm nhận thật tinh tế, bằng khứu giác, thị giác, nhà thơ đã chợt nhận ra những dấu hiệu của thiên nhiên khi mùa thu lại về. Chúng ta thật sự rung động trước cái “bỗng nhận ra” ấy của tác giả. Chắc hẳn nhà thơ phải gắn bó với thiên nhiên, với quê hương lắm, nên mới có được sự cảm nhận tinh tế và nhạy cảm như thế?

Sự chuyển mùa sang thu được nhà thơ thể hiện qua ngọn gió se mang theo hương ổi chín. Một chút lạnh, một chút gió xen lẫn hương ổi chín tạo thành một bức tranh sang thu vô cùng nhẹ nhàng và tinh tế. Cảnh vật vào thu vô cùng xao xuyến và dịu êm. Từ “phả” là một trong những cách dùng từ vô cùng độc đáo, nó có thể diễn tả được tốc độ của gió, vừa thể hiện sự bất chợt trong cảm nhận của hương ổi. Chỉ có những tâm hồn tinh tế như nhà thơ Hữu Thỉnh thì mới có thể nhận ra đúng không nào.

Hai câu thơ tiếp:

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

“Chùng chình” là một cụm từ gợi lên nhiều liên tưởng khác nhau. Tác giả nhân hóa làn sương nhằm diễn tả sự cố ý đi chậm chạp của nó khi chuyển động. Nó bay qua ngõ, giăng mắc vào giậu rào, hàng cây khô trước ngõ xóm đầu thôn. Nó có cái vẻ duyên dáng, yểu điệu của một làn sương, một hình bóng thiếu nữ hay của một người con gái nào đấy. Đâu chỉ có thế, cái hay của từ láy “chùng chình” còn là gợi tâm trạng. Sương dềnh dàng hay lòng người đang tư lự hay tâm trạng tác giả cũng “chùng chình”?

Khổ thơ thứ nhất khép lại bằng câu thơ: “Hình như thu đã về”. “Hình như” thể hiện một sự không chắc chắn. Phải chăng sự chuyển mình của cảnh vật khiến con người không thể nắm bắt được. Khoảnh khắc giao mùa bằng đôi mắt tinh tế và tâm hồn nhạy cảm, Hữu Thỉnh đã tạo nên những vần thơ thu thật kiệt tác, thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu mùa thu của tác giả.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Khổ thơ thứ hai thể hiện sự chắc chắn hơn khi mùa thu tới, đó là sự miêu tả về dòng sông, về đàn chim, đám mây…Những từ ngữ giàu sức biểu cảm, đúng với thực tế nhưng với tâm hồn thi sĩ của Hữu Thỉnh trở nên mượt mà hơn, yểu điệu hơn. “Sông được lúc dềnh dàng” vì sang thu sông bắt đầu cạn, chảy chậm lại, không cuồn cuộn ào ạt như mùa hè, rất thư thả và chuyển động chậm rãi.

Còn những đàn chim vội vã vì mùa hè chim trú mưa, ít có cơ hội kiếm mồi. Bây giờ sang thu khô ráo hơn, chúng tranh thủ đi kiếm mồi và trú rét ở phương Nam khi trời ấm áp. Hai hoạt động dường như có vẻ đối lập nhau, nhưng với lối nhân hóa, Hữu Thỉnh đã phả hồn người vào vật, tác giả đã làm cho con sông trở nên duyên dáng, gần người hơn, thể hiện một không gian đẹp, khơi gợi hồn thơ.

Hiện tượng mùa thu còn được miêu tả rõ nét hơn qua hai câu thơ sau:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Hai câu thơ thể hiện sự liên tưởng độc đáo của nhà thơ. Cái thời khắc giao mùa giữa mùa hạ và mua thu cũng được tác giả chú ý và miêu tả đến độc đáo. Không chỉ sự vật, con người mới cảm nhận được mùa thu sang mà ngay cả đám mây, một sự vật vô tri, vô giác cũng cảm nhận được cái khoảnh khắc giao mùa này. Hình ảnh đám mây đang “vắt nửa mình” trên không trung làm cho người đọc cảm nhận không gian và thời gian lúc chuyển mùa mới đẹp làm sao!

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Hai câu thơ sử dụng đại từ phiếm chỉ “bao nhiêu” để diễn tả số nhiều, không đếm được của ánh nắng. Ánh nắng của mùa hè đã vơi dần đi sự gắt gỏng, oi bức, đã vơi dần đi ngay cả những cơn mưa mùa hạ.

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Hai câu cuối của bài thơ là sự miêu tả đến chi tiết hiện tượng tự nhiên đó chính là “Sấm”. Chẳng còn những trận sấm của những buổi chiều mùa hè.

Sang thu – một khúc giao mùa nhẹ nhàng, đằm thắm mang đến một bức tranh thu thật đẹp thật nên thơ. Qua hình ảnh sang thu nhà thơ muốn nói đến vẻ đẹp của quê hương, đất nước Việt Nam. Những khổ thơ ngắn gọn, với những lời thơ mộc mạc nhưng mang nặng một tâm hồn thi sĩ yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước thiết tha.

Bài văn mẫu 4:

Mùa thu là một mùa mang trong mình bao nhiêu xúc cảm. Đó chính là nguồn cảm hứng vô tận dành cho các văn nghệ sĩ, trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh. Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh được ra đời năm 1978 sau khi đất nước ta giải phóng được 2 năm. Bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế về những biến chuyển nhẹ nhàng của khoảnh khắc giao mùa:

“Bỗng nhận ra hương ổ

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về” 

Đầu thu, hương ổi thơm nồng nàn. Động từ “phả” gợi hương thơm đậm như sống lại nó sánh bởi sương một phần, bởi hương ổi mà gió se mang đến một phần. Động từ “bỗng” để chỉ sự bất ngờ, ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi tác giả nhận ra mùa thu. Gió đầu thu se lạnh, hơi khô, gió đưa hương ổi tạo lên vẻ đẹp của mùa thu. Cùng với hương và gió là sương. Sương được nhân hóa qua từ láy “Chùng chình” gợi sự giăng mắc, nhẹ nhàng, như có hồn cố ý chậm lại, vừa mơ hồ, vừa chuyển động. Tác giả còn sử dụng ẩn dụ “ngõ”. Ngõ là những ngõ xóm nhỏ mà ấm áp tình cảm, vừa gợi cửa ngõ thời gian giữa hai mùa. Từ bất ngờ thi sĩ đã mở lòng đón nhận mùa thu. Hữu Thỉnh đã cảm nhận và chính mùi hương ổi là chìa khóa vàng mở vào tâm hồn mỗi người. Cảm nhận khá đột ngột lên nhận ra những dấu hiệu của mùa thu thì kết luận thu chỉ “hình như” đã về thôi. Câu thơ như lời thầm hỏi, ngỡ ngàng chưa thể tin. Qua đó ta thấy Hữu Thỉnh là người yêu quê hương tha thiết và sự cảm nhận tinh tế.

Sau giây phút ngỡ ngàng, bâng khuâng, nhà thơ say sưa cảm nhận những biến chuyển trong không gian lúc sang thu:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Hai câu thơ đầu đối nhau tạo lên không gian vừa rộng, vừa cao vời vợi, với những hành động ngược nhau mà rất đặc trưng của mùa thu thiên nhiên như có hồn, có tình cảm. Dòng sông sang thu không cuồn cuộn, gấp gáp như mùa mưa lũ mà “dềnh dàng” thong thả lững lờ trôi như lắng lại, ngẫm ngợi. Đối lập với hình ảnh đó là cảnh “chim bắt đầu vội vã” chuẩn bị chuyến di cư tránh rét vì đã chớm lạnh hoặc vội vã về tổ lúc chiều hôm, nhưng chỉ là cái “vội vã” mới chớm bắt đầu thôi. Không khí thu vẫn thư thái êm ả, lâng lâng, dịu dịu thu đang ở nơi cửa ngõ của mùa thu, vì thế đám mây mùa hạ mới “vắt nửa mình sang thu”. Đám mây được nhân hóa qua từ “vắt” trở lên sinh động, nó như tấm khăn của người thiếu nữ duyên dáng. Hữu Thỉnh quả là người có trí tưởng tượng phong phú.

Ở khổ thơ cuối, bức tranh thu trở lên hoàn thiện hơn, có hồn hơn:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Vẫn là nắng, là mưa, vẫn còn sấm, còn chớp như mùa hạ nhưng mức độ đã khác, lắng dần và ổn định. Nắng cuối hạ còn nồng còn sáng nhưng nhạt dần, bớt chói trang, nóng bức, gắt hơn. Những cơn mưa ào ạt, bất ngờ cũng đã vơi dần và những tiếng sấm bất ngờ đi cùng cơn mưa rào ngày hạ cũng đã bớt đi. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ. “Sấm” là những vang động bất thường của điều kiện ngoại cảnh. Đó còn là những khó khăn, chông gai, thử thách, bão tố cuộc đời con người, còn “hàng cây đứng tuổi” là cách nói nhân hóa cây và cũng là ẩn dụ chỉ con người đã từng trải qua biết bao chông gai thử thách, họ đã có kinh nghiệm, vững vàng hơn trước bão tố. Vẻ chín chắn điềm tĩnh của cây trước sấm chớp, bão giông lúc sang thu hay đó chính là sự chín chắn điềm đạm của con người đã trải qua bão giông của cuộc đời con người khi đã từng trải thì cũng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời, ta thấy được Hữu Thỉnh có cảm nhận tinh tế.

Bài thơ sử dụng thể thơ năm chữ thích hợp với việc giãi bày tâm tư, cảm xúc. Hình ảnh bài thơ tinh tế mang đậm vẻ “sang thu”, giàu sức biểu cảm lung linh, đa nghĩa, gợi chiều sâu suy nghĩ. Ngôn ngữ trong sáng giàu sắc thái biểu cảm. Cùng với các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, sử dụng từ láy đã thể hiện những cảm nhận tinh tế của nhà thơ và sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, qua đó đã bộc lộ tình yêu thiên nhiên thiết tha, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ.

Tham khảo thêm:

  • Biện pháp tu từ trong bài thơ Sang thu – Hữu Thỉnh
  • Cảm nhận về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

***

   Trên đây là những bài văn hay cảm nhận vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang thu. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình được hoàn thiện và hay hơn.

Chúc các bạn làm bài tốt và đạt điểm cao !

Những bài văn hay lớp 9 / Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội

 

[Văn mẫu 9] Tuyển chọn những bài văn hay cảm nhận về bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh.

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button