Đề bài: Em hiểu gì về đại thi hào Nguyễn Du?
Phần 1: Dàn ý em hiểu gì về đại thi hào Nguyễn Du?
Phần 2: Bài văn mẫu Em hiểu gì về đại thi hào Nguyễn Du?
Bài làm:
Nguyễn Du, một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam được nhân dân ta kính trọng tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc”. Có thể nói Nguyễn Du không chỉ là một nhân vật kiệt xuất của thơ ca nước nhà mà còn là danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du để lại cho đời khối lượng tác phẩm tuy không đồ sộ nhưng mang giá trị đặc biệt, trở thành di sản văn học và văn hóa dân tộc.
Tiểu sử Nguyễn Du:
Nguyễn Du sinh năm 1766 mất năm 1820, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, nguyên quán ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh – mảnh đất từ lâu đã được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt. Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, học vấn uyên bác lại là gia đình quý tộc đương thời rất có thế lực, cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm làm quan Tể tướng dưới triều Lê, mẹ là Trần Thị Tần quê ở Bắc Ninh.
Cuộc đời và con người:
Thời thơ ấu được sống trong gia đình gia giáo lại giàu sang nhưng cuộc sống trong nhung lụa kéo dài chưa tròn mười năm. Năm 10 tuổi ông mất cha, 3 năm sau ông mất mẹ, cuộc đời của anh em Nguyễn Du nói chung và của Nguyễn Du nói riêng bắt đầu trải qua sóng gió và chìm nổi trong biến động thời đại. Năm 1783, Nguyễn Du tham gia thi Hương ở trường Sơn Nam và đậu Tam trường, lấy con gái của Đoàn Nguyên Thục làm vợ và giữ chức quan võ nhỏ. Năm 1786, quân Tây Sơn đánh ra Bắc Hà, Nguyễn Du chạy theo vua Lê Chiêu Thống nhưng không kịp nên trở về quê vợ ở huyện Quỳnh Côi – Thái Bình. Sau đó Nguyễn Du về Nghệ An, tại đây ông bị quân Tây Sơn bắt giữ, giam ba tháng, trải qua cuộc sống chật vật tại Hà Tĩnh mãi đến năm 1802 khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được gọi ra làm quan dưới triều Nguyễn, nhận chức Tri huyện huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu – Hưng Yên). Kể từ năm đó, Nguyễn Du giữ nhiều chức quan như Đông Các điện học sĩ, Giám khảo trường thi Hải Dương, Cai bạ dinh Quảng Bình, Cần Chánh điện học sĩ, Chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1814, ông đi về được thăng chức Hữu tham Tri Bộ Lễ, đến năm 1820 khi vua Gia Long mất, ông tiếp tục đi sứ Trung Quốc nhưng chưa kịp lên đường đã đột ngột qua đời tại kinh đô Huế. Nguyễn Du được an táng tại Huế sau đó được cải táng đưa về quê nhà Hà Tĩnh. Nhà thơ trải qua những năm tháng sóng gió và lận đận của cuộc đời nên vô cùng thấm thía mọi nỗi đau của con người đặc biệt là kiếp người lao động bần hàn, thấp kém, chính điều đó đã tạo nên lòng nhân đạo lớn trong con người Nguyễn Du. Sống giữa giai đoạn lịch sử đầy biến động cũng ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Nguyễn Du, tư tưởng ấy có phần phức tạp và khá mâu thuẫn, tuy nhiên dù ở thời nào trong ông vẫn luôn có những hoài bão, lý tưởng lớn.
Sự nghiệp thơ ca:
Nguyễn Du là người tài cao học rộng, sớm tiếp cận với nền văn học, thơ ca từ gia đình và dòng họ nên có thể nói Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác. Các sáng tác của Nguyễn Du được lưu hành ngay từ thời ông còn sống, giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Các sáng tác thơ ca của Nguyễn Du được chia thành hai mảng bao gồm thơ sáng tác bằng chữ Hán và thơ sáng tác bằng chữ Nôm. Thơ chữ Hán của ông gồm có 249 bài thơ được chia thành ba tập thơ lớn là: Thanh Hiên thi tập (78 bài viết trước khi làm quan triều Nguyễn), Nam Trung tạp ngâm (40 bài viết khi làm quan), Bắc hành tạp lục (131 bài viết trong những chuyến đi sứ). Thơ chữ Nôm của Nguyễn Du gồm có: Đoạn trường tân thanh (gồm 3254 câu thơ lục bát), Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh – 184 câu song thất lục bát), Thác lời trai phường nón (48 câu lục bát), Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ (98 câu lối văn tế). Về mặt tư tưởng, các tác phẩm của Nguyễn Du đi theo khuynh hướng hiện thực, tức là ghi chép một cách chân thực và sinh động những diễn biến lịch sử, số phận con người trong xã hội đương thời. Bên cạnh đó là tư tưởng nhân đạo xuyên suốt, vừa có cảm thông sâu sắc, vừa ca ngợi trân trọng lại có sự phê phán, tố cáo. Về mặt nghệ thuật, những sáng tác của Nguyễn Du đóng góp quan trọng của sự phát triển văn học, văn hóa dân tộc. Thơ chữ Hán tài hoa lỗi lạc, thơ chữ Nôm đạt đến đỉnh cao rực rỡ.
Kết luận
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du đã trở thành di sản về tư tưởng và nghệ thuật của cả dân tộc Việt Nam. Ông là một nhà thơ lỗi lạc, kiệt xuất, hết mình và hết đời vì nghệ thuật. Trải qua thời gian, bức tượng đài của Đại thi hào dân tộc ngày càng ngời sáng.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)