Đề bài: Từ cảm nhận về nhân vật ông lái đò hãy bình luận những ý kiến sau: “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Ông lái đò là một người lao động bình thường”.
Phần 1: Dàn ý từ cảm nhận về nhân vật ông lái đò hãy bình luận những ý kiến sau
Phần 2: Bài văn mẫu Từ cảm nhận về nhân vật ông lái đò hãy bình luận những ý kiến sau
Bài làm:
Đối với mỗi con người Việt Nam, văn Nguyễn Tuân dường như đã trở nên quen thuộc bởi lẽ Nguyễn Tuân đã gợi được tâm hồn của đất nước mình, của quê hương mình vào những trang viết bằng ngòi bút hết sức uyên bác, tài hoa và độc đáo. Tùy bút Người lái đò sông Đà là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân, được viết nhân một chuyến ngược dòng tìm về Tây Bắc của tác giả. Trong tác phẩm, hình tượng con sông Đà hiện lên vừa mang những vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội lại cũng mang cả những nét thơ mộng, hiền hòa. Cùng với hình tượng con sông Đà, hình tượng người lái đò trên sông cũng hiện lên thật nổi bật với đức tính can trường, dũng cảm qua cái nhìn của tác giả, trong công cuộc tìm kiếm kế sinh nhai. Có những ý kiến nhận xét về hình tượng ông lái đò rất khác nhau, có người cho rằng”Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”, nhưng cũng có người lại nhấn mạnh “Ông lái đò là một người lao động bình thường”. Theo tôi, hình tượng ông lái đò trong tác phẩm không nghiêng hẳn về một ý kiến nào cả mà nó là sự tổng hòa tinh tế, vi diệu của cả hai luồng quan điểm ấy.
Với ý kiến “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”, người nghệ sĩ tài hoa là những con người có sự nhạy cảm, những phát hiện độc đáo mới lạ về một khía cạnh nào đó, đôi khi nhắc đến nghệ sĩ người ta thường liên tưởng đến các ngành nghề đòi hỏi về phương diện cảm xúc như điện ảnh, âm nhạc, hội họa,… Vốn là một nghệ sĩ, trong tác phẩm của mình Nguyễn Tuân luôn muốn khai thác, tìm sâu vào cái chất tài hoa nghệ sĩ tồn tại trong mỗi con người. Ở hình tượng ông lái đò, cái chất tài hoa nghệ sĩ ấy thể hiện ở sự thuần thục, điêu luyện đến đỉnh cao trong nghề nghiệp, đặc biệt ẩn sâu trong con người ấy là một thế giới tâm hồn phong phú, ưa thử thách, ưa mạo hiểm, thích tìm tòi cái mới của một người nghệ sĩ. Về ý kiến “Ông lái đò chỉ là một người lao động bình thường”, hiểu một cách khái quát thì người lao động ở đây chỉ những con người hằng ngày vẫn cố gắng bươn chải, làm lụng mưu sinh, chẳng ai nhớ mặt gọi tên, vẫn hằng ngày cống hiến và xây dựng đất nước. Đối với người lao động, nghề nghiệp là nơi kiếm kế sinh nhai, là công việc gắn bó lâu dài và có vô số những người lao động như vậy.
Trước hết, ta phân tích hình tượng ông lái đò trong tư cách là một người lao động bình thường, tuyệt nhiên chẳng ai có thể chối cãi được sự thật này. Thử nghĩ xem với con sông Đà dữ dội và hung hăng, ghềnh thác, mỏm đá mai phục khắp nơi, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống bất kì kẻ nào đi ngang qua đấy. Thì việc một ông lão đã đến tuổi thất thập cổ lai hy, gần đất xa trời tung tăng chèo đò đi dạo trên sông là việc chẳng thể nào xảy ra, mà vốn dĩ đây là công việc kiếm cơm hằng ngày của ông lái đò, ông phải lao động và phải làm một công việc vất vả nguy hiểm như thế là vì cuộc sống. Ông lái đò sinh ra và lớn lên bên bờ sông Đà, ngay từ nhỏ, cuộc đời ông đã gắn bó với miền sông nước dữ dội, rồi theo bước cha anh ông cũng lại buôn ba suốt mấy chục năm trời trong cái nghề chèo đò hung hiểm ấy. Những chi tiết miêu tả hình dáng của một người lao động vất vả, dáng dấp phong sương, cơ thể đẫm mùi sông nước, vẻ khắc khổ hiện lên thật rõ nét “tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó,…”.
Lái đò, chuyển hàng vốn dĩ đã trở thành công việc thân thuộc, “cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác,…”, chẳng bao giờ ông lái đò đi khoe hay nói gì nhiều về những lần vượt thác chèo ghềnh gian nan ấy, bởi “nó cũng không có gì hồi hộp đáng nhớ”. Vượt sông Đà xong, những người lái đò lại quay về với cuộc sống bình thường, giản dị, “nướng ống cơm lam, bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ như mìn bộc phá cá túa ra tràn đầy ruộng…” , cuộc sống tiếp diễn suốt mấy chục năm trời như vậy, bởi suy cho cùng đều là người lao động, nghề lái đò cũng chẳng ghê gớm hơn bao nghề khác, cũng là kiếm kế sinh nhai cả.
Bàn về chất nghệ sĩ tài hoa của ông lái đò, có nhiều điểm để khai thác hơn cả, xung quanh một công việc thường ngày của ông lái đò, bằng đôi mắt tinh tường, độc đáo và tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã khai thác triệt để hình tượng của một người lái đò nghệ sĩ tài hoa ngày ngày viết nên những bản hùng ca lao động đẹp đẽ can trường trên con sông Đà dữ dội. Chất tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò trong nghề nghiệp được thể hiện qua cái bản tính ham chiến đấu, thích khám phá thử sức với những cái mạo hiểm, hơn là cuộc sống êm đềm, ông bảo “Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dạy, chân tay dễ buồn ngủ”.
Như vậy, chất chứa trong một thân hình già nua là một tâm hồn trẻ khỏe và sung sức đến lạ, công việc lái đò bỗng trở thành niềm đam mê, niềm vui sống tựa như một họa sĩ ưa vẽ vời, một nhà văn ưa viết lách vậy. Trong suy nghĩ của ông lái đò, sông Đà tựa như một bản trường ca dữ dội và hùng vĩ, mà ông lái đò là một người nghệ sĩ chân chính đã dày công nghiên cứu, lật lại biết bao lần đến mức thuộc nằm lòng, thuộc đến “từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng”, sự nghiêm túc và tỉ mẩn ấy được Nguyễn Tuân tinh tế ví von rất sắc bén bằng mấy từ “đóng đanh vào lòng”. Sự tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò còn thể hiện ở sức chiến đấu bền bỉ tựa như một người chiến sĩ anh hùng trên sông Đà, ở ông lái đò ta thấy toát lên vẻ đẹp của sự dũng cảm, can trường, vẻ đẹp của nghệ thuật chèo đò, với những am hiểu về “binh pháp của thần sông, thần núi”, am hiểu tường tận về địch thủ tựa như một vị tướng tài hiếm có. Trên mặt trận sóng nước ấy quả thật ông lái đò xứng đáng được gọi là người nghệ sĩ tài hoa với tấm lòng kính trọng cái nghiệp lái đò mà ông theo đuổi, tích lũy kinh nghiệm suốt mấy chục năm trời.
Những cuộc vượt thác băng ghềnh đầy cam go, vất vả càng khẳng định sự tài hoa nghệ sĩ chất chứa trong hình tượng ông lái đò, của một “tay lái ra hoa” đầy ngoạn mục. Nguyễn Tuân đã đặt tên cho những cửa ải mà người lái đò phải vượt qua bằng một cái tên nghe đậm chất nghệ thuật, cũng đậm màu binh pháp là “trùng vi thạch trận”1,2,3, rồi thì những cửa sinh, cửa tử, những quy luật phục kích chặt chẽ của sông nước, thác ghềnh. Tuy nhiên với sự hiểu biết tường tận, sự nhạy cảm, tinh thần kiên cường, tự tin, ông lái đò lần lượt vượt qua hết những cửa ải khó khăn ấy. Ở trùng vi thạch trận thứ nhất, có những lúc bị sông Đà tung những đòn hiểm làm ông đau đớn “khuôn mặt méo bệch đi”, nhưng tinh thần kiên cường của người nghệ sĩ – người chiến sĩ không cho phép ông lùi bước, ông phải nắm chặt hơn mái chèo, tiến về phía trước, thế là qua khỏi một ải.
Đến ải thứ hai, sông Đà như một kẻ gian xảo đã thay đổi chiến thuật ngay được, nhưng đó có nhằm nhò gì với một người đã “nắm rõ những quy luật của thần sông, thần đá”, “đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”, ông lái đò tựa như một ca sĩ kỳ cựu hát lại biết bao lần một bài hát làm nên tên tuổi, chỗ nào lên tông chỗ nào xuống giọng sao cho tròn cho mượt, ông biết cả. Với cái trùng vi thạch trận thứ hai, có tiếng là nhiều cửa tử để lừa mấy người lớ ngớ bơi vào, nhưng ông lái đò đã biết tỏng cái cửa sinh ấy ở phía hữu ngạn rồi, cứ thế ông chèo lái qua một cách điệu nghệ như vẽ một đường trước đôi mắt giận dữ của con sông Đà dữ dội. Còn ải thứ ba nữa, ải này “ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác”, nghe thì khó khăn và rắc rối, ấy thế nhưng, với cái tay lái điệu nghệ quen thuộc, ông lái đò chẳng ngại ngần mà “phóng thẳng thuyền, chọc thủng giữa cửa đó” ,”thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”. Thế là hết ải thứ ba.
Chung quy lại, hình tượng ông lái đò trong tác phẩm được Nguyễn Tuân xây dựng với nhiều góc nhìn, tiêu biểu nhất là góc nhìn về một người nghệ sĩ tài hoa và người chiến sĩ can trường, ngoài ra góc nhìn về hình ảnh một con người lao động giản dị cũng được khai thác, để làm nổi bật và phụ trợ thêm cho cái chất tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)