Lớp 10

Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

Đề bài: Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

ve dep nhan cach cua thuy kieu qua doan trich trao duyen

Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên

I. Dàn ýVẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả và tác phẩm

2. Thân bài:

a. Nguyên nhân trao duyên:
– Vương ông bị vu oan, bị bắt vào ngục, gia sản bị tịch thu, Thuý Kiều quyết bán mình lấy tiền cứu cha và em trai.
– Kiều trao lại mối duyên của mình cho em gái để Thuý Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

b. Vẻ đẹp nhân cách của Kiều:

* Sự thông minh, sắc sảo, khôn khéo của Kiều:
– Mở lời nhờ em, Kiều đã dùng những lời lẽ hết sức thông minh:
+ “Cậy”: nhờ vả, nhưng mang âm sắc nặng, thể hiện trọng trách cũng như sự đau đớn.
+ “Lạy, thưa”: hành động dùng cho bậc bề trên, nhưng Kiều dùng với Vân để thể hiện sự biết ơn với người mình nhờ cậy…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên tại đây.

II. Bài văn mẫuVẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên (Chuẩn)

1. Phân tíchVẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, mẫu 1 (Chuẩn)

Nguyễn Du là một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông khá đồ sộ ở cả mảng thơ Nôm và thơ chữ Hán, trong đó nổi tiếng nhất là Truyện Kiều. Tác phẩm là câu chuyện về cuộc đời nàng Thuý Kiều thông minh, xinh đẹp, tài hoa nhưng lại đầy truân chuyên, bất hạnh. Vẻ đẹp nhân cách của nàng được thể hiện xuyên suốt tác phẩm Truyện Kiều nhưng nổi bật nhất thì phải kể tới đoạn trích Trao duyên.

Đoạn trích Trao duyên bao gồm ba mươi ba câu thơ, là những dòng thơ đầu của phần hai mang tên Gia biến và lưu lạc. Đoạn trích là những lời lẽ cậy nhờ, những tiếng lòng đau xót của Kiều khi phải trao lại mối duyên đầu sâu đậm của mình cho em gái trước khi bán mình để cứu cha và em. Có lẽ vì vậy mà ở đoạn trích này chứa đựng tất cả những vẻ đẹp trong nhân cách và tâm hồn của nàng.

Cơn gia biến xảy ra bất ngờ, để làm tròn chữ hiếu, Thuý Kiều đã quyết bán mình lấy bốn trăm lạng vàng cứu cha và em trai. Còn mối duyên tình của mình thì nàng đành nhờ Thuý Vân đền đáp cho Kim Trọng. Ở thời điểm đó, Kiều mới chỉ là một thiếu nữ khuê các mười lăm tuổi, vậy nhưng, nàng vẫn bộc lộ ra sự thông minh, sắc sảo và khôn khéo của mình khi cậy nhờ em gái trả nghĩa tình duyên nợ cho chàng Kim.

Kiều đã mở lời với Vân bằng những lời nói, thái độ, sự rào trước đón sau đầy cẩn trọng. Nàng nói với em rằng:

“Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Hai câu thơ này đã bộc lộ hoàn toàn sự sắc sảo, sự thông minh trong lời nói của Kiều. Việc trao duyên vốn là một việc xưa nay hiếm, vậy nên nàng đã nói với em hai tiếng “cậy em”. Một từ “cậy” ấy thôi đã trao gửi bao nỗi niềm của nàng Kiều. “Cậy” tức là nhờ vả nhưng lại dường như là đang trao cho người em trọng trách mang sắc thái rất nặng nề, và trọng trách này, Thuý Vân không thể từ chối. Thuý Kiều cũng dùng những hành động tôn kính dành cho bậc bề trên như “lạy, thưa” để mở lời câu chuyện với Vân bởi lẽ sau việc này, nàng biết rằng mình sẽ phải mang ơn Vân suốt cuộc đời.

Mỗi câu nói, hành động của Kiều đều mang sự chân thành, khẩn thiết vô cùng. Bởi nàng hiểu Thuý Vân còn nhỏ, nàng cũng hiểu rằng nếu Vân thay mình kết duyên cũng chàng Kim Trọng cũng sẽ là một thiệt thòi lớn cho Vân và có lẽ nếu bị ép, Thuý Vân sẽ phải chịu uất ức vì không hiểu được căn nguyên của mọi chuyện. Đây là cách nói chuyện rất thông minh, nhưng cũng rất tinh tế và chân thành của Kiều. Một cách mở lời mà khiến cho Vân khó lòng từ chối.

Thế nhưng, sự thông minh của Kiều còn được thể hiện qua những lí lẽ mà nàng dùng để thuyết phục Thuý Vân. Đầu tiên, nàng kể về mối tình sâu nặng của mình với Kim Trọng với tất cả sự tha thiết, thế nhưng “sự đâu sóng gió bất kỳ” khiến cho mối tình đẹp như mơ ấy từ nay “đứt gánh giữa đường”. Kiều đã dùng những lời lẽ hết sức bi thương để kể về mối tình của minh đồng thời nàng cũng nói cho em về hoàn cảnh hiện tại của mình. Là người chị cả trong nhà, hai người đàn ông trụ cột bị bắt đi mất, tình lang chẳng gần bên, tất cả đều đặt lên vai nàng trọng trách to lớn. Giờ đây, nàng phải đứng giữa lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tình, và nàng đã chọn chữ hiếu. Lựa chọn ấy với nàng thật đau đớn khôn cùng bởi tình yêu của nàng dành cho Kim Trọng vô cùng sâu đậm, nhưng giờ đây, nàng đành trao đi trong sự đau xót. Hơn thế, nàng mong Thuý Vân, vì tình máu mủ ruột rà với người chị này mà đồng ý nhận lời giúp mình. Chỉ cần như vậy thì có chết Kiều cũng cam lòng. Những câu nói của Kiều chứa chan không chỉ sự chân thành mà còn là nỗi đau xót tột cùng nữa. Thế nhưng, mỗi câu nói đều là những lý lẽ rất thấu tình đạt lý, khiến cho Thuý Vân không thể mở lời mà từ chối chị mình được:

“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.

Qua từng lời nói và lý lẽ của Kiều, có thể thấy nàng là một người con gái vừa khéo léo, vừa tinh tế lại thông minh hơn người. Mỗi lời nàng nói ra đều khiến người nghe cảm thấy vô cùng thấu đáo, vô cùng sắc sảo.

Không chỉ là người con gái “thông minh vốn sẵn tính trời” mà nàng còn là một người con hiếu thảo với cha mẹ, chung thuỷ với người yêu của mình. Khi cơn hoạn nạn ập đến bất ngờ, cha và em trai bị bắt đi trong oan uổng, gia sản bị tịch thu chẳng còn gì. Vậy nên, đứng trước hoàn cảnh như thế, nàng đã phải đưa ra lựa chọn, một bên là chữ hiếu, bán mình lấy tiền cứu cha và em, hai là chữ tình, những lời hẹn ước và tình cảm sâu đậm với tình lang. Trong hoàn cảnh ấy, nàng đã quyết tâm chọn chữ hiếu, mặc dù trong lòng nàng tái tê vô cùng, Nàng hi sinh tình cảm, tình yêu của mình, bán thân mình lấy tình chuộc cha và em, để gia đình lại được êm ấm trở lại.

Song hành với điều đó, nàng cũng là người con gái trọn tình chung thuỷ với tình yêu của mình. Bởi lẽ, nàng chưa bao giờ quên đi lời hẹn ước “khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề” với chàng Kim, chưa bao giờ nàng rời xa những kỉ vật “chiếc thoa với bức tờ mây” của hai người. Để đến khi gia đình gặp biến cố, nàng buộc lòng phải ra đi, thế nhưng, nàng không ra đi trong im lặng mà đã nhờ Thuý Vân – em gái mình thay nàng trả duyên cho Kim Trọng. Trong giờ phút trao duyên ấy, nàng trao đi những tín vật của tình yêu, những tín vật ấy sẽ trở thành món chung của ba người. Thế nhưng, tình cảm của Kiều dành cho chàng Kim thì vĩnh viễn sẽ mãi còn trong trái tim nàng:

“Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung”

Trao đi kỷ vật, trao đi mối duyên nhưng trong lòng Kiều luôn nhớ nhung khôn nguôi tình yêu của mình, và nàng nghĩ rằng, có lẽ, tới lúc chết, những lời thề nguyền trong đêm trăng khuya kia vẫn sẽ còn theo nàng sang thế giới bên kia:

“Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”

Chỉ ngày mai thôi, nàng đã phải rời xa tình yêu của đời mình, thế nên, trong lòng Kiều trào dâng lên sự xót xa khi nhắc tới Kim Trọng:

“Bây giờ trâm gãy bình tan
Kể sao cho xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”

Lời thơ bật lên những tiếng kêu đau xót của Kiều, thế mới hiểu, Kiều trân trọng tình lang của mình đến thế nào, chung thuỷ, giàu ân nghĩa với Kim Trọng đến thế nào!

Kiều thông minh, sắc sảo là thế, hiếu thảo, thuỷ chung là thế, nhưng cũng chẳng thoát khỏi những tai ương, biến cố ở đời. Và với trọng trách một người chị lớn trong nhà, Kiều đã đưa vai gánh lấy tất cả những khó khăn, những thiệt thòi. Nàng hi sinh tất cả cho gia đình, cho cha mẹ, hi sinh cả tình yêu sâu nặng của mình, nàng không dám giữ lại một chút cho bản thân, thế nhưng, nàng chưa một lần oán trách. Quả thật, Kiều là người con gái có đức hi sinh cao cả và một tấm lòng giàu sự vị tha. Liệu có người con gái nào có thể chấp nhận hoàn cảnh đau đớn như nàng, bỏ ra nhiều hơn nàng hay chăng? Chỉ một chi tiết phải bán mình để lấy bạc vàng cứu người thân, phải trao đi tình yêu của mình cũng đủ thấy Kiều đã hi sinh đến nhường nào!

Trong xã hội xưa, chữ trung chữ hiếu đặt lên hàng đầu, vậy nên, chẳng có gì lạ khi Kiều quyết định chọn chữ hiếu thay vì chữ tình. Thế nhưng, Kiều lại khác, nàng chọn chữ hiếu và điều đó làm nàng cảm thấy vô cùng có lỗi với Kim Trọng. Nàng cho rằng tất cả mọi lỗi lầm đều là của mình, nàng đã phụ chàng rồi, Nỗi dày vò, xót xa vì mối tình tan vỡ cứ dâng tràn lên trong lòng Kiều:

“Bây giờ trâm gãy bình tan
Kể sao cho xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”

Kiều như đang tỏ bày cùng Kim Trọng, nàng đang kể ra những đau xót chất chứa trong lòng mình. Tơ duyên của họ đẹp là vậy mà “ngắn ngủi” quá đỗi, sao cho hết những “ái ân” nên đành “trăm nghìn gửi lạy tình quân” để tạ lỗi cùng chàng. Nghe sao mà day dứt, sao mà xót xa tới vậy! Cuối cùng, trong tuyệt vọng, Kiều đã thốt lên trong câm lặng:

“Ôi Kim lang, hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”

Đó là tiếng khóc xé lòng trong câm lặng của Kiều khi phải tự tay cắt đứt mối tơ duyên sâu năng để bắt đầu một kiếp sống truân chuyên, lênh đênh tột cùng của kiếp hồng nhan.

Trao duyên là đoạn trích nổi bật thể hiện nhân cách của Kiều một cách trọn vẹn nhất. Không chỉ là những cử chỉ, lời nói đầy thông minh, sắc sảo mà còn là sự hiếu thảo, thuỷ chung, lòng vị tha và đức hi sinh đầy cao cả. Bao trùm đoạn trích là lối ứng xử khéo léo, thấu tình đạt lý của một người con gái trong xã hội xưa. Qua đó, ta cũng thấy được tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du dành cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ, đó là tấm lòng với sự trân trọng, ngợi ca hết mực!

2.Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, mẫu 2 (Chuẩn)

Văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay viết về hình ảnh người phụ nữ. Đó là nàng Tấm dịu hiền, nết na trong Tấm Cám, đó là nàng Vũ Nương xinh đẹp, giàu đức hạnh trong Chuyện người con gái Nam Xương. Bước ra từ Truyện Kiều, người con gái thông minh, tài sắc- Thúy Kiều đã khiến không biết bao thế hệ đọc giả thổn thức, yêu quý và thương cảm. Đặc biệt, qua đoạn trích Trao duyên, người đọc càng thêm quý mến Kiều bởi nàng không chỉ thông minh, tài sắc mà còn quá đỗi phẩm hạnh, cốt cách của nàng thật đáng ngợi ca, trân trọng.

Là chị cả trong gia đình, Kiều luôn ý thức được bản thân phải là chỗ dựa tin cậy cho gia đình, là điểm tựa của các em. Cuộc đời nàng vốn êm đềm, bình yên, trong buổi du xuân, nàng gặp Kim Trọng, vì cảm mến nhau mà nên duyên đôi lứa. Những tưởng sẽ được hạnh phúc, nhưng nào ngờ gia đình gặp phải án oan sai, cha và em trai bị bắt, nàng đành chấp nhận hi sinh hạnh phúc của bản thân để cứu gia đình. Kim Trọng là mối tình đầu của nàng, cũng là người mà nàng yêu say đắm, nhưng để vẹn tròn chữ “Hiếu”, Kiều đã quyết định bán mình chuộc cha và em.

Hơn ai hết, Kiều khao khát hạnh phúc đến nhường nào, đặc biệt là khi gặp Kim Trọng, nhưng khi đứng giữa hạnh phúc đời mình và bình yên của gia đình Kiều đã lựa chọn gia đình, đó là điều khổ đau nhất nhưng nàng vẫn chấp nhận. Bởi nàng nào có thể hạnh phúc, vui vầy bên Kim Trọng khi người thân mình đang phải chịu khổ cực, trái ngang:

“Phận làm con trước phải đền ơn sinh thành”

Đạo lý con cái phải hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ có từ ngàn đời, Kiều cũng không đi ngoài đạo lý ấy, hành động bán mình chuộc cha đã là minh chứng rõ cho một người con rất mực hiếu thảo, yêu gia đình.

Đáp đền chữ “hiếu” nàng chấp nhận hi sinh tình yêu của chính mình. Biết bản thân mình đang phụ lòng chàng Kim, người cùng nàng thề nguyền hẹn ước, lòng Kiều không khỏi xót xa. Điều duy nhất Kiều có thể làm để báo đáp ân tình cũng như bù đắp đi phần nào thiệt thòi cho chàng Kim là trao duyên, nàng đành chọn cách ngỏ lời nhờ em gái thay mình trả nghĩa Kim Trọng:

“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”

Có nỗi đau nào bằng nỗi đau hạnh phúc chia lìa, phải san sẻ hạnh phúc cho người khác đã xót xa lắm rồi, nhưng ở đây Thúy Kiều lại phải trao đi hạnh phúc mình đang có thì nỗi xót xa, đau đớn tăng lên gấp bội. Thế nhưng đứng trước nghịch cảnh, Kiều đành phải nhận nỗi đau về mình để vẹn toàn “hiếu”, “tình”. Lời nhờ cậy của Thúy Kiều với Thúy Vân đầy tha thiết, chân thành. Nàng đã dùng thái độ nhún nhường của một người mang ơn với em gái của mình. Sau từng hành động “lạy”, “thưa”, trong từng lời nói “cậy”, “chịu” vì “đứt gánh tương tư”, “mối tơ thừa mặc em” là cả một nỗi đắng cay xâm chiếm trái tim Kiều. Nàng trao kỉ vật cho em trong tiếng nấc nghẹn ngào. Kỉ vật vốn là minh chứng cho tình yêu đôi lứa, khi trao kỉ vật cho em cũng là lúc Kiều chấp nhận từ biệt tình yêu vừa chớm nở của mình:

“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.”

Phải là người hết mực trân trọng tình yêu, Kiều mới đau đớn như thế, mâu thuẫn giằng xé giữa lý trí và tình cảm, vừa muốn níu giữ lại vừa muốn dứt khoát trao mối duyên dang dở. Biết bao đau đớn, uẩn khuất, bi ai dồn nén, Kiều rơi vào bi kịch đến mực nỗi đau như vỡ òa thành trăm nghìn mảnh:

“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.”

Trong tương lai mịt mờ mà Kiều nghĩ đến, vẫn luôn có bóng dáng cùng lời thề nguyện của mình với chàng Kim. Kiều không kể cho Vân nghe đau đớn, tuyệt vọng trong lòng mình nhưng trong từng câu chữ đều như rỉ máu, từng lời nói như kim châm vào lòng đến tê tái khôn nguôi. Cuối cùng, trong viễn cảnh tang thương của đời mình, Kiều vẫn chưa một lần nghĩ đến bản thân, luôn sống vì người khác, nghĩ cho người khác. Điều đó, thật đáng trân trọng.

“Ôi Kim lang! hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”

Không chỉ là một người con hiếu thảo, sống trách nhiệm với gia đình, chung thủy trong tình yêu, Thúy Kiều còn là hiện thân của những người phụ nữ mạnh mẽ, dũng cảm, dám sống hết mình với những giá trị mà mình theo đuổi. Trong Thề nguyền, Kiều đã vượt qua những lễ giáo phong kiến hà khắc, chủ động nắm lấy hạnh phúc. Những trói buộc phong kiến không ngăn được khao khát tự do, khát khao hạnh phúc trong trái tim nàng.

“ Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.”

Đến với Trao duyên, Kiều cũng dũng cảm đưa ra quyết định cho chính cuộc đời mình, dù biết phía trước là một tương lai mịt mù, tăm tối. Kiều sống hết mình vì tình yêu ngay cả lúc khổ đau nhất. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, trong trái tim nhỏ bé của người con gái ấy vẫn luôn hiện hữu khao khát mãnh liệt về một tình yêu tự do. Với Kiều, mất đi tình yêu, mất đi tri kỉ thì cuộc sống trở nên tầm thường, vô nghĩa, “sống như không sống”. Đó là một thái độ sống quyết liệt mà ít ai có được trong thời đại lúc bấy giờ.

Qua đoạn trích Trao duyên, vẻ đẹp phẩm hạnh của Kiều một lần nữa được ngời sáng. Có thể nói Kiều là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam được kế thừa, tiếp nối và phát huy bao đời: can đảm, thủy chung, hiếu thảo và giàu đức hi sinh.

3.Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, mẫu 3 (Chuẩn)

Nguyễn Du là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của thế kỷ XVI, trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho nền văn học nước nhà. Truyện Kiều được xem là tác phẩm nổi tiếng và có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất của Nguyễn Du. Tác phẩm hướng đến phản ánh sự bất công của chế độ phong kiến, bộc lộ sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc đối với những số phận bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ, vốn dĩ bị xem thường trong chế độ cũ. Không chỉ vậy ông còn dùng đôi mắt tài hoa, tinh tế để nhìn nhận được những vẻ đẹp tiềm ẩn của nhân vật bao gồm tài năng, mỹ mạo, nhân cách, từ đó đề cao giá trị của người phụ nữ, dù rằng trong xã hội phong kiến những giá trị ấy không thực sự được coi trọng. Mà ở trong Truyện Kiều, Trao duyên chính là đoạn trích tiêu biểu nhất bộc lộ những vẻ đẹp nhân cách, sự khéo léo trong lối ứng xử của Thúy Kiều khi phải đối mặt với tình thế trái ngang của số phận.

Thúy Kiều và Thúy Vân vốn dĩ là con gái của nhà viên ngoại, có một cuộc đời tưởng chừng như êm ấm, hạnh phúc, thì không may cha Thúy Kiều là Vương ông bị vu oan, phải chịu cảnh tù đày cùng với em trai Thúy Kiều là Vương Quan. Tất cả gia sản trong gia đình đều bị tịch thu, không còn cách nào khác, Thúy Kiều buộc phải bán mình làm vợ lẽ cho Mã Giám Sinh để chuộc cha và em, làm tròn chữ hiếu, đồng thời từ bỏ mối tình đang đẹp với Kim Trọng. Vì đã trót lỡ phụ lòng người yêu, thế nên Thúy Kiều chỉ còn cách nhờ Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng để trả người yêu hết phần nghĩa bấy lâu, cũng chính thức khép lại mối lương duyên tốt đẹp giữa nàng và Kim Trọng, mở ra một cuộc đời hồng nhan lắm truân chuyên đằng đẵng suốt 15 năm trời chìm trong bể khổ của Thúy Kiều.

Trong cơn gia biến, để vẹn tròn chữ hiếu và chữ tình, Thúy Kiều đã nhờ Thúy Vân thay mình làm tròn nốt chữ tình còn dang dở với chàng Kim. Thúy Kiều bị buộc phải trưởng thành và chứng kiến những biến cố khi nàng còn quá trẻ, thế nhưng Kiều vẫn bộc lộ được sự thông minh và khéo léo khi dàn xếp mọi chuyện trong nhà, đặc biệt là cảnh trao duyên cho em gái. Nàng hiểu rõ rằng việc nhờ Thúy Vân đồng ý giúp mình nối duyên với Kim Trọng là một việc hết sức khó khăn, đặc biệt là khi Thúy Vân còn quá trẻ, chưa thực sự hiểu những sự bất đắc dĩ của người chị là nàng. Từ đó cách gợi chuyện của Thúy Kiều lại càng thêm cẩn thận, rào trước đón sau rằng:

“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Dù là chị nhưng Thúy Kiều đã phải dùng đến những từ “cậy”, “chịu” cùng hành động “lạy” đầy khẩn khoản, thành kính để mở lời với Thúy Vân, mong Vân thấy được sự chân thành, tha thiết trong lời nhờ cậy của mình. Thúy Kiều là người thông minh và sâu sắc, nàng hiểu rõ rằng nhờ Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng sẽ khiến em bị thiệt thòi, nàng cũng hiểu rằng nếu bắt ép có lẽ Thúy Vân sẽ có nhiều uất ức trong lòng, bởi lẽ Vân không hiểu căn nguyên sự việc. Chính vì vậy, Kiều đã nhanh chóng giãi bày nỗi lòng của mình, kể về mối lương duyên của nàng với Kim Trọng vốn tốt đẹp như thế nào, rồi cũng giải thích chuyện biến cố gia đình, tất thảy đã đưa Kiều đến những nỗi day dứt, khó xử “Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.

Thúy Kiều cũng tỏ ra là người thấu hiểu lý lẽ, đồng thời thông cảm với hoàn cảnh của em gái rằng:

“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”

Kiều biết Thúy Vân hãy còn son trẻ, cuộc đời có lẽ chưa biết đến tình yêu là gì, nay lại phải chấp nhận lấy một người mình không thương, chấp nhận trở thành người trả nghĩa cho chị là điều vô cùng khó khăn. Nhưng tính đi cũng phải tính lại chẳng lẽ ngày xuân của Thúy Vân còn dài còn Thúy Kiều thì không. Nỗi xót xa trong lòng người hồng nhan bộc lộ thực rõ trong câu thơ này, bởi có lẽ rằng tự do và hạnh phúc của Kiều đã kết thúc kể từ lúc nàng chấp nhận bán thân làm vợ lẽ, từ lúc nàng phụ Kim Trọng mất rồi. Thế nên Thúy Kiều đứng ở vị trí một người chị thông cảm cho Thúy Vân, nhưng đồng thời cũng muốn em gái thấu hiểu và xót thương cho người chị là nàng, bởi lẽ một mai đây nàng đi xa, nhưng chỉ cần được trọn tình, trọn hiếu thì dù đớn đau khổ cực, thịt nát xương mòn hay thậm chí là về nơi chín suối cũng cảm thấy an lòng. Cũng có thể thấy rằng trong những dòng thơ trên, ngoài việc Kiều thuyết phục trao duyên cho em gái, thì phải chăng ngay từ lúc này đây, Kiều đã có những dự cảm không lành về một tương lai nhiều bão tố, trắc trở của bản thân.

Sau một hồi giải thích, khuyên nhủ có lẽ Thúy Vân cũng đã chịu xuôi lòng, nhận mối “duyên thừa” của chị, Kiều bắt đầu trao lại tất cả những tín vật định tình giữa nàng và Kim Trọng cho Thúy Vân, xem như là lời gửi gắm, hy vọng em gái và Kim Trọng tiếp tục mối lương duyên tốt đẹp thay mình.

“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

Đó là “chiếc vành”, “bức tờ mây”, “phím đàn với mảnh hương nguyền” tất cả đều là chứng nhân cho mối duyên tình đẹp đẽ, sắt son của Kiều và Kim Trọng, giờ đây nhìn vật ấy Kiều dù không nỡ nhưng cũng đành phải trao lại hết cho em gái, bởi nàng đã không còn tư cách để tiếp mối lương duyên này nữa. Đọc kỹ từng câu thơ, người ta cũng có thể tinh tế nhận ra rằng dù một bên Thúy Kiều trao lại tín vật cho Thúy Vân nhờ em kết duyên với Kim Trọng hộ mình, mong rằng em gái và chàng Kim sẽ có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm thuận hòa. Nhưng một mặt, trong thâm tâm Thúy Kiều cũng có những mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm, khi bản thân nàng thốt ra câu dặn dò “Duyên này thì giữ, vật này của chung”, ý rằng dù mai này duyên phận vợ chồng đã là của em, thế nhưng kỷ vật này vẫn là của chung ba người. Kiều chấp nhận đời bạc mệnh nhưng vẫn ích kỷ hy vọng rằng cả Vân và Kim Trọng khi nhìn thấy những vật ngày xưa ấy mà luôn nhớ về mình. Sự mâu thuẫn ấy của Kiều càng làm nổi bật lên sự đau đớn và xót xa trong lòng người hồng nhan, nàng hi sinh tất cả vì gia đình, không dám giữ lại cho mình chút gì, chỉ dám hi vọng những người ở lại còn nhớ đến sự tồn tại của nàng. Qua dòng suy nghĩ của nàng, ta thấy Thúy Kiều thực có tấm lòng rộng lớn và bao dung biết bao, liệu thế gian này được bao nhiêu người chấp nhận thực cảnh đớn đau về mình, để người khác được hạnh phúc? Sau khi trao duyên, Kiều cũng lại dặn dò Thúy Vân về chuyện tương lai rằng:

“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ gió cây,
Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.”

Những lời dặn dò, dường như lời trăn trối đầy ai oán, xót xa, Kiều nghĩ đến viễn cảnh tương lai khi Thúy Vân và Kim Trọng êm đềm bên nhau cùng đốt hương, đánh đàn, liệu có còn nhớ tới người bạc mệnh này không. Thế nên nàng đành dặn dò trước, cũng như chính Thúy Kiều dường như thấy trước những dự cảm chẳng lành trong tương lai, mà tủi khổ, đau đớn, thốt ra những lời như từ biệt vĩnh viễn. Sau khi đã dặn dò sắp xếp ổn thỏa mọi sự, còn lại một mình Thúy Kiều mới càng thêm thấm thía những nỗi xót xa dày vò trong lòng, đặc biệt là sự nuối tiếc trong mối tình tan vỡ với Kim Trọng.

“Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Thúy Kiều dường như đang thỉnh tội với Kim Trọng, cũng kể ra những nỗi khổ sở trong lòng, chuyện nhân duyên nay đã như “trâm gãy, bình tan”, vốn thực tốt đẹp ấy mà trong phút chốc lại đổ bể không thể cứu vãn, nhưng tấm lòng của nàng với Kim Trọng vẫn chưa từng một lần thay đổi “kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”. Nhưng đứng trước thực cảnh trái ngang Kiều không có thể còn cách nào khác, đành “Trăm ngàn gửi lạy tình quân” để tạ lỗi, nàng đau đớn mà rằng “tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi” thể hiện nỗi tiếc nuối, xót xa cùng cực khi phải chịu cảnh chia cắt bất hạnh. Từ trong những nỗi đau đớn và biến cố cuộc đời, Thúy Kiều dường như đã trưởng thành và nhìn thấu cuộc đời và số kiếp phận đàn bà trong xã hội cũ, nàng xót xa cho thân phận mình “sao bạc như vôi”. Đồng thời cũng bộc lộ những cảm xúc bất lực, phó mặc cho số phận trong hình ảnh “nước chảy hoa trôi lỡ làng”, cùng với đó là tiếng khóc than đau đớn, đoạn trường, là tiếng thét đầy tuyệt vọng trong câm lặng của người con gái trẻ tuổi bạc mệnh “Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” khi buộc phải tự tay cắt mối duyên tơ, chấm dứt cuộc đời nhiều hi vọng, chính thức mở ra một cuộc đời đầy sóng gió, truân chuyên lưu lạc đớn đau đến tột cùng của một kiếp hồng nhan.

Có thể thấy rằng ở những câu thơ cuối đoạn trích, Nguyễn Du không chỉ bộc lộ tình yêu sâu sắc của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng dù rằng đã lỡ hẹn, mà còn thể hiện sự tự nhận thức về số phận nghiệt ngã của Thúy Kiều, để nàng tự xót thương cho số phận mình, đẩy bi kịch nhân vật lên cao nhất, cũng như khắc họa tấm lòng sắt son, sự thông minh, nhạy bén hiếm có của nhân vật. Đồng thời khắc họa rõ nét số phận đau thương của Thúy Kiều, thể hiện tấm lòng đồng cảm sâu sắc của tác giả đối với nhân vật này, cũng như đối với nhiều thân phận phụ nữ khác trong xã hội cũ.

Trao duyên là trích đoạn nổi bật trong Truyện Kiều thể hiện được những vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều một cách toàn diện nhất, từ việc bán mình chuộc cha để làm tròn đạo con, đến việc tìm cách trọn nghĩa với chàng Kim, đồng thời cũng là tình yêu sâu sắc thủy chung mà nàng dành cho người yêu. Cuối cùng bao trùm lên toàn bộ đoạn trích chính là vẻ đẹp của lối ứng xử, khéo léo, thấu hiểu nhân tình thế thái, cũng như sự tự ý thức được nỗi đau thân phận của Thúy Kiều, làm nổi bật lên giá trị nhân đạo chung mà Nguyễn Du muốn hướng tới: Thấu hiểu và cảm thông cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

4. Bài vănVẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, mẫu 4 (Chuẩn)

Nguyễn Du là một cây đại cổ thụ, một tác giả tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam với nhiều tác phẩm xuất sắc, có sức sống bền lâu với thời gian bằng cả chữ Nôm và chữ Hán, “Truyện Kiều” là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Đọc “Truyện Kiều” nói chung, đoạn trích “Trao duyên” nói riêng người đọc sẽ cảm nhận được rõ nét vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều.

Trước hết, trong đoạn trích “Trao duyên” Thúy Kiều hiện lên là một người phụ nữ khôn khéo, thông minh và sắc sảo. Sự thông minh, sắc sảo ấy của Thúy Kiều trước hết được thể hiện ở lời nói, hành động của Thúy Kiều khi nhờ vả Thúy Vân thay mình nối duyên với Kim Trọng:

Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Có thể thấy, trong lời nói của mình, Kiều đã sử dụng những từ ngữ giàu ý nghĩa. “Cậy” chính là sự nhờ vả, trông chờ, dựa dẫm tất cả vào người đối diện. “Lạy” và “thưa” là những từ dùng để diễn tả thái độ, hành động của người bề dưới đối với người bề trên. Và với cách sử dụng những từ ngữ như vậy cho thấy Kiều đang nhận mình ở vị thế dưới Thúy Vân. Theo lẽ thường, trong đời sống văn hóa của người Việt, việc Thúy Kiều là chị nhưng lại “lạy”, “thưa” em mình là Thúy Vân là điều vô lí, nhưng trong hoàn cảnh của Thúy Kiều lúc này ta thấy đó là một điều hết sức phù hợp, bởi Thúy Kiều đang muốn nhờ em mình nối duyên thay mình và Kiều chính là người mang ơn Thúy Vân, với hành động đó của Kiều Thúy Vân sẽ khó lòng có thể từ chối. Hành động, lời nói nhờ vả của Thúy Kiều đã chứng tỏ sự thông minh, tinh tế của nàng.

Không dừng lại ở đó, sự thông minh, sắc sảo của Thúy Kiều còn được thể hiện rõ nét qua những lí lẽ Kiều đưa ra để thuyết phục em. Trong lời thuyết phục ấy, đầu tiên, Thúy Kiều nói về mối tình của mình với Kim Trọng. Mối tình đẹp như mơ ấy đang độ mặn nồng ấy vậy mà “giữa đường đứt gánh tương tư”, bao hẹn thề chỉ còn lại “mối tơ thừa”, tình cảm ấy đứt gánh từ đây. Thêm vào đó, Thúy Kiều còn nói với em về hoàn cảnh hiện tại của bản thân, khi phải đứng giữa sự lựa chọn đầy khó khăn giữa hiếu và tình. Và cuối cùng, Thúy Kiều thuyết phục em bằng tình cảm chị em ruột thịt máu mủ và những dự cảm về cái chết, về tương lai của mình.

Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Có lẽ hơn ai hết, Thúy Kiều biết Vân đang còn trẻ, còn nhiều thời gian và cả tương lai rộng mở phía trước, vì vậy, Kiều mong Vân vì tình cảm chị em, máu mủ ruột rà mà chấp nhận lời khẩn cầu của Kiều, kết duyên với Kim Trọng. Thêm vào đó, Kiều còn nói về cái chết của mình – một cái chết đầy sự mãn nguyện thông qua việc sử dụng hàng loạt các thành ngữ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”.

Như vậy, qua những hành động và lời lẽ mà Thúy Kiều sử dụng để thuyết phục Thúy Vân thay mình nối duyên với Kim Trọng có thể thấy Kiều là một cô gái tinh tế, khôn khéo, thông minh và sắc sảo. Không chỉ là một cô gái thông minh, Kiều còn là một người con gái hiếu thảo với cha mẹ và thủy chung, giàu ân tình với người yêu.

Cơn gia biến ập đến gia đình của Kiều, điều đó đã được gợi đến một cách khéo léo qua việc sử dụng từ ngữ “sóng gió bất kì”, Kiều đứng trước sự lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tình.

Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Lựa chọn giữa hiếu và tình là một sự lựa chọn đầy khó khăn của Kiều nhưng là con gái lớn trong nhà, Kiều không thể làm khác được, Kiều chọn chữ hiếu, chọn bán mình để chuộc cha và em. Sự lựa chọn ấy của Thúy Kiều xét đến cùng là biểu hiện của một người con hiếu thảo, nàng sẵn sàng hi sinh bản thân, hi sinh tình yêu của mình những mong gia đình được êm ấm.

Là người con hiếu thảo nhưng đồng thời Kiều cùng là một người tình thủy chung và rất giàu ân tình với người yêu. Sự thủy chung của Thúy Kiều được thể hiện trước hết ở việc Kiều luôn nhớ đến những “quạt ước, chén thờ” – những lời hò hẹn, thề nguyền của cả hai. Và để rồi, khi gia đình gặp tai biến, nàng không có sự lựa chọn nào khác thì vẫn nhờ em thay mình nối duyên với Kim Trọng và trao lại kỉ vật cho em. Trao lại kỉ vật, minh chứng tình yêu cho em gái mình, Thúy Kiều không quên dặn em:

Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung.

Những kỉ vật tình yêu của Kiều, Kim nay đã trở thành “của chung” song “duyên này” – tình yêu của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng sẽ còn mãi trong trái tim của Thúy Kiều, không bao giờ mất đi. Lời thơ vang lên vừa thể hiện nỗi đau của Thúy Kiều nhưng hơn hết, qua đó giúp chúng ta cảm nhận được Kiều là một người thủy chung và giàu ân nghĩa đối với người yêu.

Cuối cùng, trong đoạn trích “Trao duyên” có thể thấy Thúy Kiều là một con người giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Bán mình chuộc cha và em, nhờ em thay mình nối duyên với Kim Trọng trước gia biến đầy bất ngờ của gia đình, thế nhưng, Thúy Kiều đã nhận hết lỗi về mình, tự nhận mình là người phụ bạc khiến cho tình yêu của nàng và Kim Trọng tan vỡ – “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Thêm vào đó, hành động “gửi lạy tình quân” của Thúy Kiều chính là cái “gửi lạy” với mong muốn được tạ lỗi với Kim Trọng.

Tóm lại, qua đoạn trích “Trao duyên” đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của Thúy Kiều – một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, giàu đức hi sinh và lòng hiếu thảo với cha mẹ. Qua đó cũng cho thấy tấm lòng của tác giả Nguyễn Du đối với những người phụ nữ trong xã hội xưa.

———————-HẾT———————–

Trao duyên là một trong những đoạn trích đặc sắc và hay nhất trong Truyện Kiều thể hiện rõ nét những vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều từ đó thể hiện tấm lòng nhân đạo, yêu thương trân trọng con người của Nguyễn Du, đồng thời là tấm lòng cảm thông, thấu hiểu sâu sắc cho những đớn đau bất hạnh mà nhân vật Thúy Kiều phải chịu đựng. Để tìm hiểu rõ hơn về đoạn trích mời các em tham khảo thêm các bài viếtNghị luận văn học đoạn trích Trao duyên, Cảm nhận về 8 câu thơ cuối bài Trao duyên,Phân tích đoạn trao kỷ vật trong trích đoạn Trao Duyên, Phân tích 12 câu thơ đầu trong bài thơ Trao duyên.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button