Giáo Dục

Suy nghĩ của anh chị về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết…

Đề bài: Suy nghĩ của anh chị về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…

suy nghi cua anh chi ve cau noi su song nay sinh tu trong cai chet

I. Dàn ý: Suy nghĩ của anh chị về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Vấn đề nhân sinh được đặt ra trong câu nói của nhà văn Nguyễn Khải.

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề nhân sinh được đặt ra trong câu nói của Nguyễn Khải

– Giải thích các phạm trù: “sự sống”, “cái chết”, “hạnh phúc”, “gian khổ, hy sinh”.

– Giải thích ý kiến của nhà văn Nguyễn Khải: Khái quát quy luật của cuộc sống và là lời khuyên con người cần phải nỗ lực, cố gắng và mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, thử thách.

b. Bàn luận vấn đề nhân sinh được đặt ra trong câu nói của Nguyễn Khải:

– “Sự sống nảy sinh từ cái chết”: Mặc dù sự sống và cái chết là hai trạng thái hoàn toàn đối lập và không thể tồn tại song song nhưng:

+ Từ trong cái chết, sự sống sẽ được tái lập.

+ Cái chết chính là môi trường để gieo mầm, ươm mầm sự sống.

– “Hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ”: Trong cuộc đời, không có niềm vui, hạnh phúc nào là trọn vẹn.

+ Cuộc sống của con người xen kẽ, đan cài giữa hạnh phúc và hy sinh, gian khổ.

+ Trong đau khổ, con người cũng có thể tìm thấy những niềm vui, hạnh phúc dù là nhỏ nhoi và còn le lói.

– Con người cần mạnh mẽ vượt qua những đau khổ, mất mát, hy sinh để đạt tới hạnh phúc và duy trì sự sống.

c. Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức được cuộc sống luôn chứa đựng những giá trị tưởng chừng như đối lập nhưng lại có mối quan hệ tương sinh.

– Rèn luyện tinh thần mạnh mẽ đối diện với khó khăn.

3. Kết bài

Khẳng định lại ý nghĩa nhân sinh được đặt ra trong câu nói của nhà văn Nguyễn Khải.

II. Bài mẫu: Suy nghĩ của anh chị về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết

“Sinh, lão, bệnh, tử” là hành trình mà mỗi một con người cần trải qua kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Trong quá trình đó, con người luôn muốn đạt đến bến bờ của niềm vui, hạnh phúc. Bàn về những phạm trù có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc này, nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” (trích “Mùa lạc”). Câu văn đã thể hiện một cách nhìn nhận, đánh giá về ranh giới của sự sống – cái chết, hạnh phúc – hy sinh, gian khổ và đề cao nỗ lực, cố gắng của con người.

Sự sống là một khái niệm vô cùng phức tạp và là phạm trù nghiên cứu chính của lĩnh vực sinh học. Trong cuộc sống thực tại của con người, sự sống bao hàm ý nghĩa về mặt vật chất và tinh thần, thể hiện qua việc con người tồn tại như một cá thể độc lập, đồng thời đó còn là sự sống trong tâm hồn. Còn “cái chết” là trạng thái hoàn toàn đối lập với sự sống. “Hạnh phúc” là vạch đích mà con người luôn muốn chạm tay tới trong cuộc đời; ngược lại, “hy sinh, gian khổ” là những điều không tốt đẹp, những gian nan, thử thách, buồn đau mà con người mong muốn không bao giờ gặp phải trong cuộc đời. Vậy thì tại sao trong quan niệm của mình, nhà văn Nguyễn Khải lai đặt những khái niệm mang ý nghĩa đối lập ở cạnh nhau trong mối quan hệ tương đồng gần gũi: sự sống – cái chết, hạnh phúc – hy sinh, gian khổ. Là một nhà văn với những triết lí nhân sinh quan sâu sắc, ông cho rằng sức mạnh, sự nỗ lực sẽ giúp con người làm nên những điều kì diệu.

“Sự sống nảy sinh từ cái chết” – quan niệm cho thấy quy luật vận động, phát triển và bản chất tồn tại của sự vật, hiện tượng. Trong “Mùa lạc”, trên mảnh đất Điện Biên anh hùng trải qua biết bao mưa bom bão đạn, sự hủy diệt của kẻ thù và tưởng chừng như nó đã hóa thành “mảnh đất chết” đầy đau thương lại có biết bao cây cỏ và niềm vui của con người lao động sinh sôi. Trong thực tế, sự tồn tại của sự vật hiện tượng cũng vậy, trên những cành cây trơ trọi, héo tàn của mùa đông, khi xuân sang, những chồi non lộc biếc lại nảy nở. Còn trong cuộc sống của con người, những hy sinh xương máu về tuổi xuân, tuổi đời của thế hệ cha anh đi trước – những vị anh hùng chống ngoại xâm, các thương binh, liệt sĩ chính là nền tảng để chúng ta được tận hưởng bầu không khí của ngày hòa bình hôm nay. Như vậy, mặc dù sự sống và cái chết là hai trạng thái hoàn toàn đối lập và không thể tồn tại song song nhưng từ trong cái chết, sự sống sẽ được tái lập; hay nói cách khác, cái chết chính là môi trường để gieo mầm, ươm mầm sự sống.

Tương tự như vậy, “hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ” thể hiện quy luật mang tính tất yếu: Trong cuộc đời, không có niềm vui, hạnh phúc nào là trọn vẹn. Cuộc sống của con người xen kẽ, đan cài giữa hạnh phúc và hi sinh, gian khổ. Khi trải qua những hy sinh, gian khổ không có nghĩa là chúng ta chịu sự thiệt thòi, mất mát; mà đó chính là cơ sở để tạo nên hạnh phúc. Đồng thời, trong đau khổ, con người cũng có thể tìm thấy những niềm vui, hạnh phúc dù là nhỏ nhoi và còn le lói.

Như vậy, trong cuộc sống, con người cần nhận thức luôn chứa đựng những giá trị tưởng chừng như đối lập nhưng lại có mối quan hệ tương sinh để mạnh mẽ đối diện, dũng cảm để vượt qua ranh giới của những gian khổ, hi sinh, của sự sống và đặt chân đến bến bờ hạnh phúc, giống như Bác Hồ đã từng nói:

“Ví không có cảnh đông tàn
Thì sao có cảnh huy hoàng hôm nay”

(Trích “Tự khuyên mình”)

Bởi thế, câu nói “điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” của nhà văn Nguyễn Khải còn hàm chứa một bài học về việc con người cần rèn luyện sự mạnh mẽ, dũng cảm trước những chông gai, thử thách trong cuộc đời. Sự sống là điều con người muốn duy trì, cũng như hạnh phúc là điều ai ai cũng muốn đạt tới. Tuy nhiên, nếu không trải qua những gian nan, thử thách, hy sinh, mất mát, con người sẽ không thể đạt được những điều đó.

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button