Đề bài: Giải thích về câu tục ngữ Giận cá chém thớt
Giải thích về câu tục ngữ Giận cá chém thớt
I. Dàn ý Giải thích về câu tục ngữ Giận cá chém thớt (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về câu tục ngữ Giận cá chém thớt
2 Thân bài
* Giải thích:
– “Tức giận” là sự nóng nảy, mất bình tĩnh. Thường xuất hiện khi có những việc không may xảy đến, những việc nằm ngoài dự liệu và mong muốn của chúng ta.
– Nếu “cá” là nguồn cơn gây ra sự bức bối, giận dữ thì “thớt” ở đây chính là đối tượng phải hứng chịu cơn giận dữ một cách vô lí, ấm ức.
– “Giận cá chém thớt”: Mang nỗi bực tức do người này gây ra để trút lên một người khác.
→ Câu tục ngữ “Giận cá chém thớt” cũng được ra đời nhằm mục đích lên án hành động trút sự bực dọc của mình lên người khác một cách vô lí.
* Bàn luận về câu tục ngữ:
– Thực trạng:
+ Hành động “Giận cá chém thớt” diễn ra ở rất nhiều người.
+ Khi gặp phải những điều không mong muốn, họ thường có xu hướng “phát tiết” sự không hài lòng ấy ra bên ngoài.
– Hậu quả:
+ Không kiểm soát được cơn tức giận có thể gây ra những hành động nông nổi, thiếu chuẩn mực
+ Gây tổn thương sâu sắc đến những người xung quanh
+ Làm rạn nứt những mối quan hệ.
+ “lan tỏa” thứ năng lượng tiêu cực đến người khác, làm cho tâm trạng của họ trở nên tồi tệ.
– Bài học:
+ Để tránh tình trạng “giận cá chém thớt”, chúng ta cần biết kiểm soát được cơn giận dữ của mình.
+ Khi cơn giận bùng phát, chúng ta đừng cố gắng trút nó ra bên ngoài mà hãy cho mình một phút để suy nghĩ, bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá sự việc.
+ Học cách im lặng khi tức giận.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của câu tục ngữ
II. Bài văn mẫu Giải thích về câu tục ngữ Giận cá chém thớt (Chuẩn)
Khi tức giận nhiều người thường có xu hướng bộc lộ sự giận dữ, không vừa lòng ấy ra bên ngoài. Sự bộc phát ấy có thể giải tỏa tâm lí bức bối, khó chịu bên trong nhưng nó cũng có thể gây tổn thương cho người khác nếu người phải hứng chịu cơn giận dữ không phải nguyên nhân gây ra cơn giận ấy. Bàn về sự giận dữ và xu hướng giải tỏa cơn giận đầy vô lí này, ông cha ta có câu “Giận cá chém thớt”.
Tức giận là trạng thái tâm lí quen thuộc của con người, nó thường xuất hiện khi có những việc không may xảy đến, những việc nằm ngoài dự liệu và mong muốn của chúng ta. Tức giận không xấu nhưng không kiểm soát được cơn tức giận mà gây tổn thương cho người khác thì đó lại là hành động đáng phê phán. Câu tục ngữ “Giận cá chém thớt” cũng được ra đời nhằm mục đích lên án hành động trút giận thiếu đúng đắn đó.
Về nghĩa đen, câu tục ngữ “Giận cá chém thớt” gợi cho chúng ta liên tưởng đến một người làm cá, sau nhiều lần cố gắng căn chỉnh, nhấc dao lên, hạ dao xuống nhưng vẫn không thể chặt được vào người con cá. Thất bại nhiều lần khiến cho người làm cá bực dọc mà trút sự giận dữ của mình lên chiếc thớt vô tội bên dưới. Từ câu chuyện của người làm cá, câu tục ngữ còn gợi liên tưởng sâu xa hơn về cách hành xử của con người khi tức giận. Nếu “cá” là nguồn cơn gây ra sự bức bối, giận dữ thì “thớt” ở đây chính là đối tượng phải hứng chịu cơn giận dữ một cách vô lí, ấm ức.
Hành động “Giận cá chém thớt” diễn ra ở rất nhiều người. Khi gặp phải những điều không mong muốn, họ thường có xu hướng “phát tiết” sự không hài lòng ấy ra bên ngoài. Thế nhưng điều đáng trách là họ lại trút sự bực dọc của mình lên người khác, người không liên quan gì đến cơn bực tức của họ.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như chúng ta mong muốn, có rất nhiều việc xảy đến bất ngờ khiến chúng ta “trở tay không kịp”, thậm chí phá vỡ những dự định, mục tiêu của chúng ta. Những việc không may ấy có thể làm nảy sinh tâm lí tức giận. Bởi vậy có thể nói tức giận là một trạng thái tâm lí quen thuộc của con người, chúng ta không thể ngăn mình tức giận thế nhưng bằng lí trí chúng ta có thể kiểm soát được nó. Việc không kiểm soát được cơn tức giận không chỉ khiến bản thân gây ra những hành động nông nổi, thiếu chuẩn mực mà còn gây tổn thương sâu sắc đến những người vô tội xung quanh mình. Một lời nói giận dữ, một hành động nông nổi khi nóng giận có thể làm rạn nứt một mối quan hệ vốn đang tốt đẹp. Sự nóng giận vô cớ và hành vi bộc phát của một cá nhân có thể “lan tỏa” thứ năng lượng tiêu cực đến người khác, làm cho tâm trạng của họ trở nên tồi tệ.
Để tránh tình trạng “giận cá chém thớt”, chúng ta cần biết kiểm soát được cơn giận dữ của mình. Khi cơn giận bùng phát, chúng ta đừng cố gắng trút nó ra bên ngoài mà hãy cho mình một phút để suy nghĩ, bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá sự việc. Bất cứ việc gì cũng có thể giải quyết nếu lí trí của chúng ta đủ tỉnh táo, sáng suốt. Để kiềm chế cơn tức giận, chúng ta hãy học cách im lặng, im lặng ở đây không phải sự nhu nhược, hèn nhát hay trốn tránh thực tại mà là cách để chúng ta bình tâm, suy nghĩ cho thấu đáo.
Trong cuộc sống chúng ta sẽ không tránh khỏi những cơn tức giận bất chợt, thế nhưng nếu biết kiểm soát và có đủ bình tĩnh để nhìn nhận xử lí, chúng ta không chỉ hóa giải được những cảm xúc tiêu cực mà qua đó còn rèn luyện thêm bản lĩnh sống vững vàng.
—
—————–Tổng kết——————
Nhằm giúp các em rèn luyện kĩ năng viết văn giải thích lớp 7, bên cạnh bài Giải thích về câu tục ngữ Giận cá chém thớt, Thuthuat.Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội còn tuyển chọn và giới thiệu đến các em rất nhiều những bài văn đặc sắc khác như: Giải thích câu tục ngữ Chị ngã em nâng, Giải thích câu nói Lời chào cao hơn mâm cỗ, Giải thích câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của, Giải thích câu tục ngữ Phép vua thua lệ làng.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)