Lớp 12

Trình bày cảm nhận về cái chết oan khuất của Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

Đề bài: Trình bày cảm nhận về cái chết oan khuất của Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

trinh bay cam nhan ve cai chet oan khuat cua lor ca trong bai tho dan ghi ta cua lor ca

Dàn ý, bài văn mẫu Trình bày cảm nhận về cái chết oan khuất của Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

Bài làm:

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, không thể không nhắc tới nhà thơ Thanh Thảo – một trong những nhà thơ trẻ nổi bật trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông luôn phản ánh những mảng màu khác nhau của đời sống và nổi bật trong trường phái thơ tượng trưng siêu thực. Thanh Thảo luôn khát khao sáng tạo để tìm kiếm sự mới lạ trong nghệ thuật của chính mình. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” là một trong những tác phẩm tiêu biểu và nổi bật cho thấy tài năng đó của ông. Đặc biệt, bài thơ đã xây dựng nên được hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca với cái chết oan khuất của mình, để lại cho dân tộc niềm tiếc thương vô hạn.

Hình tượng Lor-ca đi xuyên suốt bài thơ và là trung tâm của tác phẩm. Thanh Thảo đã tái hiện lại cái chết đầy bất ngờ của Lor-ca khiến triệu triệu trái tim người dân Tây Ban Nha phải kinh hoàng, xót xa, nuối tiếc. Một cái chết đầy oan nghiệt, bi thương mà hào hùng. Khoác lên mình chiếc áo của Tổ quốc thân yêu, Lor-ca như một vị võ sĩ ra trận trên chiến trường đấu tranh chống lại chế độ phát xít đang lăm le, đấu tranh cho tự do, dân chủ và cho cả những đổi mới của nghệ thuật nước nhà. Ông đã dũng cảm, kiên cường ra trận trong tư thế hiên ngang, đơn độc:

“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Li-la-li-la-li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trênh yên ngựa mỏi mòn”

Thời điểm bi phẫn và căm hờn, đau thương nhất là khi quân phát xít độc tài giết chết Lor-ca và vứt xác của ông xuống giếng nhằm mục đích phi tang. Một hiện thực tàn bạo, phũ phàng và đầy nhẫn tâm của kẻ thù:

“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du

tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”

Cái chết của Lor-ca đã để lại niềm tiếc nuối vô bờ cho nhân dân. Cái chết ấy đã giết chết sự tự do, yêu đời, tinh thần chiến đấu của người nghệ sĩ. Song, hình ảnh của Lor-ca vẫn luôn bất tử với non sông, dân tộc:

” không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt

li-la-li-la-li-la…”

Tiếng đàn tượng trưng cho nghệ thuật, cho vẻ đẹp của tinh thần mà mãi mãi quân thù không thể giết chết được. Nó trở thành sức sống vĩnh cửu, mãi mãi lưu truyền khắc ghi trong lòng dân tộc như những cây cỏ mọc hoang kia, mãi bất diệt, dù khó khăn vẫn xanh tươi. Cái chết của Lor-ca khiến bao người xót thương rơi lệ, sống vững vàng hơn để tiếp nối những ước muốn của ông, tiếp nối hành trình đổi mới nghệ thuật còn dang dở của nhà văn tài ba Tây Ban Nha. Tiếp nối tình yêu thiết tha, mãnh liệt, khát khao cách tân của ông để vươn tới những chân trời mới của sự sáng tạo. Bởi nghệ thuật là phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.

Tiếng đàn “li-la-li-la-li-la…” như một khúc ngân da diết gửi đến Lor-ca lời tri âm sâu sắc, gửi đến nhà thơ của thế giới niềm cảm thông, khâm phục và kính trọng tài năng và nhân cách vĩ đại của ông.

————– Hết —————

Đàn ghi ta của Lorca là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Để có thêm kiến thức về tác phẩm, bên cạnh bài Trình bày cảm nhận về cái chết oan khuất của Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, các bạn có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, Phân tích và bình giá chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm đàn ghi ta của Lorca, Phân tích hình tượng nhân vật Lorca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo, Phân tích giá trị nghệ thuật trong hai khổ thơ trong bài Đàn ghi-ta của Lor-ca: “Tây Ban Nha… ròng ròng máu chảy”.

 

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button