Lớp 5

Tả quê hương em mùa nước ngập

Đề bài: Tả quê hương em mùa nước ngập

ta que huong em mua nuoc ngap

Phần 1: Dàn ý tả quê hương em mùa nước ngập

Xem chi tiết Dàn ý tả quê hương em mùa nước ngập tại đây

Phần 2: Bài văn mẫuTả quê hương em mùa nước ngập

Tả quê hương em mùa nước ngập, bài mẫu số 1:

Mỗi mùa của thiên nhiên đất trời lại mang đến những cảnh sắc khác nhau cho quê hương của em, có mùa đặc trưng bởi mùi lúa chín, lại có mùa đặc trưng bởi cánh đồng xanh rì bất tận, nhưng ấn tượng nhất đối với em chính là mùa nước ngập ở quê. Quê hương em chính là khúc ruột miền trung của đất nước, là nơi hứng chịu nhiều bão nhất, vào mùa bão cũng chính là mùa cả làng quê ngập trong biển nước. Sau một đêm mưa bão, nước từ khắp nơi và sông suối đổ về, ngôi làng nằm trên mảnh đất trũng đã bị nước bao trùm, bủa vây khắp xung quanh. Chỉ sau một đêm bốn bề đã là biển nước, dòng nước đục ngầu kéo theo vô số cây cối hoa màu và rác rưởi. Chẳng còn thấy đường ở đâu, nhà nào cũng ngập nửa mét đến hơn mét, từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy những mái nhà đỏ giữa cánh đồng nước mênh mông. Cây cối hoa màu và cả gia súc chăn nuôi cũng ngập trong nước, người dân đi lại rất khó khăn, mọi sinh hoạt đều đảo lộn, học sinh phải nghỉ học vì trường cũng ngập. Chờ nước rút cũng phải mất 1-2 ngày, sau khi nước rút người dân lại bắt tay vào dọn dẹp, vệ sinh và bắt đầu những vụ mùa mới. Sống chung với lũ và ngập lụt người dân quê em luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau đối phó và khắc phục ngập lụt.

Tả quê hương em mùa nước ngập, bài mẫu số 2:

Nếu như mùa hè ở quê mang lại nhiều hương sắc của hoa thơm trái ngọt và những tiếng cười rộn vang của lũ trẻ thả diều trên khắp đồng quê, thì những trận mưa to, bão lũ trong hè lại có thể gây ra những thiệt hại, thất thoát và đau thương bởi nước ngập. Năm ấy cả tỉnh Thái Bình chung cảnh trời mưa to và kéo dài suốt nhiều ngày, nước cứ dâng lên mà không kịp thoát nên đã dẫn đến tình trạng cả làng quê ngập trong biển nước. Toàn bộ những cánh đồng chẳng còn màu cỏ cây mà là màu nước trắng xoá, đường xá và nhà cửa đều ngập trong nước, nhà nào xây ở nơi cao ráo thì nước chỉ vào một ít còn nhà nào ở nơi trũng thấp thì ngập đến đầu gối phải dọn đến nhà khác ở nhờ. Gà, lợn, trâu, bò và nhiều gia súc khác được mọi người sơ tán đưa lên chỗ cao, nhiều đoạn đường nước ngập sâu phải dùng thuyền bơi qua. Nước về thì nhanh mà rút thì lâu, cảnh ngập lụt cứ tiếp diễn phải đến 2-3 ngày, trong những ngày đó học sinh chẳng có trường lớp để học, cũng phải phụ giúp gia đình khắc phục hậu quả của ngập lụt. Từ một vùng quê trù phú, hoa màu tốt tươi, sau trận ngập đã trở thành vùng tiêu điều, và hoang vu, ai nhìn cũng không khỏi ái ngại, xót xa. Thời tiết khí hậu ngày càng diễn biến thất thường, khắc nghiệt, để hạn chế những thiên tai chính chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường.

Tả quê hương em mùa nước ngập, bài mẫu số 3:

Ở quê hương em, nhắc đến mùa nước ngập chính là nhắc đến mùa bão lũ, dòng nước của cơn mưa trong bão gây ra lũ lụt trên khắp làng quê. Dải đất miền Trung nơi quê hương em luôn phải hứng chịu nhiều cơn bão từ lớn đến nhỏ, mỗi mùa bão về người dân không khỏi lo lắng cho nơi ở, hoa màu và trang trại của mình. Bởi khi mưa to, kéo dài nhiều ngày làm cho lượng nước sông suối dồn về, dòng nước chảy xiết cuốn bật cả rễ cây, nhà cửa và vét sạch hoa màu. Lúa gần đến kỳ được thu hoạch cũng bị nhấn chìm trong nước, những ao tôm, ao cá mất trắng, cây trái hoa quả vì mưa ngập úng mà thất thu. Dòng nước hung dữ không chỉ gây thiệt hại về của mà con về người, nhiều người rơi vào dòng nước cũng bị cuốn trôi theo, nước chảy đến đâu là chỗ ấy tan tác, ngập trong nước lũ. Nhiều nơi nước lũ về trong đêm không kịp sơ tán vật nuôi đành chịu cảnh nhìn đàn vật nuôi bị dòng nước cướp đi, hệ thống đường điện hư hại nghiêm trọng, trạm điện phải ngắt điện bởi nhiều cột điện đổ gãy dây điện chìm trong nước rất nguy hiểm cho người dân. Nhiều gia đình nhà ngập phải leo lên mái nhà ngồi chờ viện trợ hoặc đội cứu hộ đi thuyền đến chở đi, cả làng quê rơi vào cảnh màn trời, mất ăn mất ngủ và đối mặt với nhiều dịch bệnh bùng phát, vẻ mặt ai cũng đầy lo lắng.

Chẳng ai muốn nhìn thấy cảnh tượng cả một vùng quê trắng xóa trong biển nước, rồi của cải và con người theo dòng nước trôi đi, nhưng điều đó phụ thuộc lớn vào suy nghĩ và hành động của chúng ta, bởi có bảo vệ môi trường chúng ta mới bảo vệ được bình yên cuộc sống của mình.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button