Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi
Phát biểu cảm nghĩ về bài Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi
I. Dàn ýPhát biểu cảm nghĩ về bài Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu đoạn trích Sông nước Cà Mau.
2. Thân bài:
– Cảm nhận chung về vẻ đẹp cảnh quan vùng sông nước:
+ Đây là một vùng đất vô cùng rộng lớn, mênh mông có sông ngòi, kênh rạch bủa giăng chi chít như mạng nhện.
+ Màu xanh của nước, của mây trời, của cây cối tạo nên một vẻ đẹp xanh trong, bất tận khôn cùng.
+ Âm thanh rì rào, bất tận của ngàn cây, của sóng và gió tạo nên một không gian rất đỗi nên thơ, vừa yên bình lại vừa sôi động.
– Cảm nhận về vẻ đẹp của kênh rạch, dòng sông Năm Căn và rừng đước hai bên bờ:
+ Những con kênh chạy dọc với những cái tên mới mẻ: rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía…
+ Cách lí giải tên gọi thú vị.
+ Dòng sông Năm Căn, một dòng sông mang nét đẹp riêng, độc đáo mà chẳng nơi nào có thể có được.
+ Hình ảnh những dũng sĩ “đước” hai bên bờ thật dũng mãnh, kiên cường mà oai vệ
– Cảm nhận về vẻ đẹp của chợ Năm Căn:
+ Một không gian đông vui, nhộn nhịp, tấp nập như hiện ra trước mắt ta.
+ Những con thuyền chở đầy những loại hàng hóa, đa dạng và phong phú, mọi người cùng mua bán, trao đổi thật vui vẻ biết bao.
+ Cái thú vị hơn cả của chợ Năm Căn có lẽ là cách họp chợ.
3. Kết bài:
– Khái quát giá trị nghệ thuật.
– Khẳng định cảm xúc cá nhân dành cho tác phẩm.
II. Bài văn mẫuPhát biểu cảm nghĩ về bài Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi (Chuẩn)
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
Cà Mau được biết đến không chỉ là mảnh đất tận cùng trên dải đất hình chữ S mà còn nổi tiếng với vẻ đẹp bình dị, gần gũi của thiên nhiên và con người vùng sông nước. Vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ qua từng lời văn bình dị mà mộc mạc của Đoàn Giỏi qua bút kí “Đất rừng phương Nam”. Đoạn trích “Sông nước Cà Mau” là một trong những trích đoạn hay nhất của tác phẩm..
Tác giả đã miêu tả cảnh quan thiên nhiên vùng sông nước vùng Cà Mau bằng cảm quan đầy tinh tế với cách viết chi tiết và vô cùng tỉ mỉ. Từ những ấn tượng chung nhất về thiên nhiên nơi đây đến việc giới thiệu và miêu tả về hệ thống các kênh rạch, dòng sông và cảnh vật hai bên bờ của của sông Năm Căn. Sau cùng chính là niềm vui và sự tấp nập của những phiên chợ Năm Căn trên sông nước. Với cách viết theo trình tự logic, tự nhiên, hợp lý ấy, những hình ảnh về thiên nhiên và con người nơi đây được nhà văn tái hiện như một thước phim đầy ấn tượng.
Mở đầu thước phim là đoạn văn giới thiệu về những cảm xúc, ấn tượng ban đầu của người viết về thiên nhiên Cà Mau. Nhà văn đã khái quát chung về vẻ đẹp trù phú qua việc cảm nhận bằng thị giác và thính giác cảnh quan trước mắt. Đây là một vùng đất vô cùng rộng lớn, mênh mông có “sông ngòi, kênh rạch bủa giăng chi chít như mạng nhện”. Màu xanh của nước, của mây trời, của cây cối tạo nên một vẻ đẹp xanh trong, bất tận khôn cùng “trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, xung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá tạo nên cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu”.
Màu xanh ấy hòa cùng âm thanh rì rào, bất tận của ngàn cây, của sóng và gió tạo nên một không gian rất đỗi nên thơ, vừa yên bình lại vừa sôi động. “Đó là tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối…”. Khúc nhạc du dương của ngàn cây lá, của sóng, của gió ấy như thôi miên, làm say mê tâm hồn nhạy cảm, vốn dễ rung động của người nghệ sĩ. Thôi thúc hành trình khám phá của bước chân kẻ lữ khách giang hồ.
Em càng thích thú hơn khi được cùng tác giả chiêm ngưỡng cảnh sắc Cà Mau qua cảnh kênh rạch vùng sông nước chốn này. Những con kênh chạy dọc với những cái tên mới mẻ, vừa lạ lẫm lại thú vị biết bao: rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía… Qua cách đặt tên cùng những cách lý giải thú vị các tên gọi ta mới thấy được thiên nhiên hoang dã, phong phú và gần gũi với con người như thế nào. Dường như, người lao động nơi đây với thiên nhiên là một, họ sống rất gần gũi, gắn bó với từng dòng kênh, con rạch, từng ngọn cỏ, lá cây. Cách đặt tên kênh, tên rạch như minh chứng cho điều ấy. Người dân bình dị, chất phác đặt tên cho kênh rạch, đất đai không phải bằng những danh từ mĩ miều, hoa lệ mà căn cứ vào đặc điểm riêng của từng chốn rồi gọi thành tên. Những tên gọi đơn giản mà dễ nhớ, dễ thuộc ấy chứa biết bao ân tình của người gắn bó, chở che.
Yêu nhất có lẽ là dòng sông Năm Căn, một dòng sông mang nét đẹp riêng, độc đáo mà chẳng nơi nào có thể có được: Năm Căn rộng lớn, hùng vĩ, vừa thơ mộng lại vừa hoang dại. “Con sông mênh mông rộng lớn hàng ngàn thước, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên, hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận…”. Và hình ảnh những dũng sĩ “đước” hai bên bờ thật dũng mãnh, kiên cường mà oai vệ” Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ… loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.” Những cánh rừng dựng lên cao ngất, rừng được ví như dãy trường thành chở che và bảo vệ cho con người, bảo vệ cuộc sống ấm êm, bình yên của dân lành. Đó còn là vẻ đẹp của một khu rừng nguyên sinh hoang sơ, huyền bí, thu hút, là nguồn sống vô tận của bao loài sinh vật cư ngụ.
Đoạn cuối thước phim, tác giả đưa chúng ta đến với vùng chợ Nổi Năm Căn. Một không gian đông vui, nhộn nhịp, tấp nập như hiện ra trước mắt ta, ai nấy đều bận rộn với công việc, với chuyện bán buôn của mình. Những con thuyền chở đầy những loại hàng hóa, đa dạng và phong phú, mọi người cùng mua bán, trao đổi thật vui vẻ biết bao. Cái thú vị hơn cả của chợ Năm Căn có lẽ là cách họp chợ. Không khí nhộn nhịp, tấp nập của khu chợ diễn ra ngay trên sông nước. Hàng hóa được bày bán trên thuyền, bè, người dân có thể không cần ra khỏi thuyền nhưng vẫn mua đủ những vật dụng cần thiết. Người từ nhiều nơi đổ về vùng chợ nổi, không gian ngập tràn những màu sắc rực rỡ, đa dạng của hàng hóa, trang phục, của tiếng nói các dân tộc Hoa, Miên,…
Dọc theo dòng Năm Căn, tác giả Đoàn Giỏi đã đưa người đọc vào hành trình cảm nhận, khám phá cảnh sắc độc đáo của vùng sông nước Cà Mau. Qua ngòi bút tác giả, mỗi nơi con thuyền lướt qua đều vô cùng đẹp đẽ, thú vị. Những cảnh sắc qua mỗi trang văn đều rất đỗi chân thực, thôi thúc những ai từng đọc cái khao khát được đặt chất đến vùng cực Nam của Tổ quốc để tận hưởng và cảm nhận tất thảy vẻ đẹp nơi đây.
—————-HẾT—————
Các em vừa tham khảo bài viết phát biểu cảm nghĩ về bài Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi. Qua bài viết,các em nắm được những nét nổi bật, độc đáo và vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên nơi đây. Hy vọng bài viết hữu ích này sẽ giúp các em học tập tốt hơn. Ngoài ra,các em tham khảo thêm Phân tích văn bản Sông nước Cà Mau, Sơ đồ tư duy Sông nước Cà Mau, Cảm nhận của em về vùng Cà Mau qua bài Sông nước Cà Mau, Nghệ thuật miêu tả phong cảnh qua Sông nước Cà Mau và Vượt thác.