Lớp 6

Tả hình ảnh quê hương trong đêm rằm Trung Thu

Đề bài: Tả hình ảnh quê hương trong đêm rằm Trung Thu

ta hinh anh que huong trong dem ram trung thu

Tả hình ảnh quê hương trong đêm rằm Trung Thu

I. Dàn ýTả hình ảnh quê hương trong đêm rằm Trung Thu (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu về ngày rằm Trung thu ở quê hương em.

2. Thân bài

a. Tả không khí, quang cảnh quê hương ngày rằm Trung thu:
– Thời tiết ngày rằm Trung thu: ban ngày trời có nắng nhẹ, đến tối có trăng thanh gió mát
– Khắp đường phố bày bán đèn lồng trung thu: đèn cá chép, đèn ông sao, đèn lồng,…
– Trăng trong đêm rằm rất tròn, sáng và gần, trăng lên muộn nhưng lại sáng tỏ hơn hẳn mọi ngày.

b. Tả các hoạt động diễn ra ở quê em đêm rằm Trung thu:
– Trung thu quê em có hoạt động cắm trại tại sân vận động của xã.
– Nhà nhà đều sắm những mâm ngũ quả để phá cỗ trông trăng.
– Các hoạt động văn nghệ vui đêm rằm Trung thu diễn ra rất sôi động và náo nhiệt.
– Em cùng các bạn nhỏ rước đèn khắp xóm làng rồi về nhà quây quần bên nhau phá cỗ liên hoan.

3. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ về hình ảnh quê hương em trong đêm rằm Trung thu.

II. Bài văn mẫuTả hình ảnh quê hương trong đêm rằm Trung Thu

1. Tả hình ảnh quê hương trong đêm rằm Trung Thu, mẫu 1 (Chuẩn)

Ngày rằm tháng tám khác hẳn so với ngày rằm của các tháng khác trong năm bởi đó là tết Trung thu. Đây là dịp mà mà em mong chờ nhất.

Ngày rằm Trung thu đẹp nhất là khi có trăng lên. Năm nào cũng như vậy, dù ban ngày trời có âm u hay có mưa lất phất thì đến tối bầu trời vẫn quang đãng để chờ trăng lên. Em thích ngắm trăng vào đêm Trung thu bởi trăng lúc này đẹp lắm, vừa to, vừa tròn lại thật gần. Dường như có thể nhìn thấy bóng dáng cây đa và chú cuội đang ngồi trên đó nhìn xuống nhân gian.

Ngày rằm Trung thu ở mỗi nơi mỗi khác do đặc trưng phong tục tập quán vùng miền và địa phương. Ở quê em, cứ đến tết Trung thu, người dân náo nức sắm sửa, chuẩn bị. Có nhà sẽ ăn cỗ thật to và đầy đủ con cháu, có nhà chỉ kịp sắm mâm hoa quả bánh kẹo để cúng đêm rằm sau đó phá cỗ trông trăng.

Gia đình em năm nào cũng có mặt đông đủ các thành viên, mọi người gác lại công việc để trở về bên gia đình, cùng nhau tâm sự, trò chuyện. Em cùng anh chị em và các bạn đi rước đèn. Đứa thì cầm đèn lồng cá chép thật to, đứa lại có đèn ông sao năm cánh nhiều màu sắc. Những ánh đèn làm sáng rực khắp đường làng ngõ xóm, đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng trẻ con vui đùa rộn vang tiếng cười. Đến tối, khi trăng đã lên cao trên đỉnh đầu, em thấy bố mẹ cùng ông bà mang mâm hoa quả bánh kẹo ra ngoài sân thắp hương rồi gọi con cháu vào phá cỗ.

Ngồi bên nhau phá cỗ, ăn bánh kẹo và uống nước chè nhìn ngắm cảnh quê hương thanh bình thật không còn gì tuyệt vời hơn. Em yêu lắm vẻ đẹp đó của quê hương trong ngày rằm Trung thu.

2. Tả hình ảnh quê hương trong đêm rằm Trung Thu, mẫu 2 (Chuẩn)

Ở quê hương nơi các bạn sinh sống có ngày rằm Trung thu như thế nào? Ở quê hương em, Trung thu rất đặc biệt, mang ý nghĩa quan trọng không kém ngày tết Nguyên đán.

Trung thu trên quê hương em bắt đầu từ giữa tháng bảy. Đó là lúc các thôn xóm chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, tập diễu hành để cùng biểu diễn trên sân vận động xã ngày rằm Trung thu. Bên cạnh các chương trình múa hát văn nghệ thì hoạt động cắm trại là hoạt động được mong chờ nhất. Mỗi thôn sẽ tự chuẩn bị một chiếc cổng trại đẹp và rực rỡ nhất để mang lên cắm tại sân vận động của xã. Buổi tối trước đêm rằm Trung thu sẽ là lúc mọi người được vui chơi tại sân vận động, vừa được ngắm và tham quan những chiếc cổng trại sáng đèn lung linh vừa được tham gia các trò chơi, ăn các món ăn vặt.

Mọi người từ người lớn đến trẻ em đều vui như đi trẩy hội. Những chiếc đèn lồng đủ sắc màu làm cho không gian càng trở nên nhộn nhịp và náo nhiệt. Dưới ánh trăng dịu hiền mọi người đã có một ngày rằm Trung thu vui vẻ và ý nghĩa. Sau khi hết chương trình văn nghệ, mọi người đều trở về nhà để phá cỗ trông trăng cùng người thân trong gia đình.

Những đêm rằm Trung thu em thường muốn thức muộn hơn, ngồi lặng im bên cửa sổ rồi ngắm nhìn ánh trăng. Trăng rằm thật đẹp, thật bình yên và trầm lặng như chính vẻ đẹp của quê hương em. Nếu có dịp em sẽ mời các bạn của em cùng về quê em chơi vào ngày rằm Trung thu.

3. Tả hình ảnh quê hương trong đêm rằm Trung Thu, mẫu 3 (Chuẩn)

Mỗi năm đến tết Trung thu em với bà nội đều tự làm đèn ông sao. Bà nội làm đèn ông sao rất đẹp, vừa làm cho con cháu lại vừa bán cho mọi người. Nhớ đến tết Trung thu là em nhớ về khung cảnh bình yên, sum vầy trên quê hương thân yêu.

Khác với những ngày thường, tết Trung thu khiến em và gia đình đều bận rộn hơn. Chúng em được nghỉ học vào ngày rằm Trung thu, vì thế buổi sáng em cùng mẹ đi chợ. Mẹ mua thức ăn để làm một mâm cơm thắp hương tổ tiên, còn mua thêm bánh kẹo, hoa quả để thắp hương trăng rằm. Em đi cùng mẹ vào chợ, trong chợ bày bán nhiều loại đèn lồng rất đẹp. Ở đây có những đèn lồng hình con vật rất ngộ nghĩnh và đáng yêu nhưng em vẫn thích đèn ông sao nhất. Em xin mẹ mua một chiếc đèn và mẹ đã mua cho em. Em vui sướng cầm đèn trên tay và nóng lòng chờ đến tối để cùng các bạn đi rước đèn quanh xóm.

Buổi tối, nhà em ăn cơm từ rất sớm, chốc chốc em lại ra sân nhìn lên bầu trời, mong ngóng sự xuất hiện của ông trăng. Đúng vậy, ngày rằm Trung thu còn gì vui nếu thiếu đi ông trăng sáng. Đến hơn 8 giờ ông trăng mới bắt đầu nhô lên, vầng trăng tròn vành vạnh, to và sáng. Ánh sáng chiếu trên cây, in bóng xuống sân rõ mồn một, em và các bạn đi chơi trong đường làng mà ánh trăng chiếu sáng như ban ngày. Đi tới nhà văn hóa của thôn chúng em được xếp hàng và ngồi ngay ngắn dưới sân khấu. Trên sân khấu là các nhân vật chị Hằng, chú Cuội và người dẫn chương trình. Chúng em được tặng quà là vở viết và bút, lại còn được phát bánh kẹo. Sau đó, đêm hội còn có nhiều tiết mục múa, hát, đóng kịch rất vui.

Em luôn tiếc nuối mỗi khi kết thúc ngày rằm Trung thu. Em tự nhắc nhở mình phải chăm chỉ học hành để mùa Trung thu năm sau được nhận nhiều quà hơn.

——————-HẾT——————

Trong khi viết bài văn tả cảnh, các em cần tập trung miêu tả cảnh vật kết hợp với tả sự việc. Để kết hợp một cách hài hoà các yếu tố này trong bài văn tả cảnh các em hãy cùng tham khảo một số bài văn sau: Tả cảnh đường phố vào giờ tan tầm, Tả một ngày mùa đông mưa phùn, giá rét, Tả cảnh nhộn nhịp của một công trường xây dựng, Tả một buổi lao động tập thể mà em tham gia.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button