Đề bài: Phân tích nhân vật Lý thông trong truyện Thạch Sanh
Phân tích nhân vật Lý thông trong truyện Thạch Sanh
I. Dàn ýPhân tích nhân vật Lý thông trong truyện Thạch Sanh (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về truyện cổ tích Thạch Sanh và nhân vật Lí Thông
2. Thân bài
– Nguồn gốc nhân vật: Là một anh bán rượu, sống cùng với người mẹ già.
– Tính cách:
+ Lí Thông hiện lên là một kẻ tính toán, vụ lợi. Lợi dụng việc kết nghĩa anh em với Thạch Sanh để làm giàu cho bản thân.
+ Giả dối, vô lương tâm, vì tiền bạc, vật chất mà hắn ta sẵn sàng lợi dụng lòng tin, chà đạp lên tình cảm chân thành của người khác.
+ Lí Thông là một kẻ độc ác, nham hiểm:
· Lừa Thạch Sanh đi thế mạng cho mình
· Cướp chiến công giết chằn tinh, bắn đại bàng cứu công chúa
· Lấy đá lấp kín cửa hang để hãm hại Thạch Sanh
+ Lời nói giả nhân giả nghĩa, hành động độc ác, nhẫn tâm.
=> Lí Thông là một kẻ xấu xa, tính cách lươn lẹo, xảo quyệt. Hắn còn là kẻ tham lam, ích kỉ, vì vinh hoa phú quý mà sẵn sàng làm hại đến tính mạng của người khác.
– Kết cục:
+ Âm mưu nham hiểm bị phát hiện → Cách chức, đuổi về quê
+ Bị sét đánh và biến thành bọ hung
=> Hình phạt thích đáng cho kẻ độc ác, xảo quyệt.
– Bài học: Những kẻ làm việc sẽ phải chịu trừng phạt thích đáng
3. Kết bài
Cảm nhận chung
II. Bài văn mẫuPhân tích nhân vật Lý thông trong truyện Thạch Sanh (Chuẩn)
Truyện cổ tích là sản phẩm của trí tuệ dân gian, thông qua những nhân vật, chi tiết thần kì, hấp dẫn tác giả dân gian còn gửi gắm vào đó những quan niệm, bài học sâu sắc về cuộc đời, về cách đối nhân xử thế. Một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi nhất có thể kể đến là Thạch Sanh. Truyện kể về người dũng sĩ Thạch Sanh đã vượt qua bao thử thách để giành lấy hạnh phúc. Bên cạnh một Thạch Sanh dũng cảm, tài năng, tình nghĩa là một Lí Thông mưu mô, tàn nhẫn, sẵn sàng lừa dối, hãm hại người khác vì lợi ích của bản thân. Sự xuất hiện của Lí Thông không chỉ đẩy câu chuyện lên cao trào mà còn làm nổi bật vẻ đẹp, tài trí của Thạch Sanh, là minh chứng sống động cho quan niệm “Gieo gió gặp bão”, “ác giả ác báo” của nhân dân ta.
Nếu Thạch Sanh là nhân vật đại diện cho cái thiện, những điều tốt đẹp thì Lí Thông lại là điển hình của các ác, cái xấu trong xã hội. Sự đối lập của hai nhân vật được thể hiện trực tiếp thông qua tính cách và những hành động.
Trước hết, Lí Thông hiện lên là một kẻ giả dối, vụ lợi. Trong một lần đi bán rượu, hắn ta tình cờ gặp được Thạch Sanh, thấy chàng cao lớn, khỏe mạnh nên hắn ta đã nảy ra ý định kết nghĩa anh em để lợi dụng Thạch Sanh làm giàu cho mẹ con hắn: “Người này khỏe như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu”. Nếu Thạch Sanh thật thà, chất phác, trọng tình nghĩa thì Lí Thông lại là một kẻ giả dối, vô lương tâm, vì tiền bạc, vật chất mà hắn ta sẵn sàng lợi dụng lòng tin, chà đạp lên tình cảm chân thành của người khác, mọi lời nói, hành động của hắn ta đều được tính toán kĩ càng.
Không dừng lại ở đấy, khi lòng tham và sự ích kỉ bị đẩy lên cao độ, Lí Thông lại trở thành một kẻ máu lạnh, độc ác. Khi đến phiên mình nộp mạng cho Chằn tinh, hắn ta nghĩ cách đẩy Thạch Sanh đi thế mạng cho mình. Hắn dùng những lời lẽ ngon ngọt để lừa Thạch Sanh đi canh miếu hộ mình, thực chất là đẩy Thạch Sanh đến con đường chết “Đêm nay, đến phiên anh canh miếu thờ, ngặt vì dở cất mẻ rượu, em chịu khó thay anh, đến sáng thì về”. Hắn sẵn sàng đẩy một con người đến chỗ chết mà không chút mảy may áy náy. Đáng giận hơn là khi Thạch Sanh sống sót trở về mang theo chiến công là đầu chằn tinh, Lí Thông một lần nữa bộc lộ sự lươn lẹo, nham hiểm khi nói dối để lừa gạt Thạch Sanh, bản thân thì mang đầu Chằn tinh đi lĩnh thưởng: “Con trăn ấy là của vua nuôi đã lâu. Nay em giết nó, tất không khỏi bị tội chết. Thôi, bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn ngay đi. Có chuyện gì để anh ở nhà lo liệu”.
Khi công chúa bị đại bàng bắt đi, Thạch Sanh thấy được nên đã dùng cung tên bắn bị thương con chim ác, theo dấu máu đến hang đại bàng mà cứu được công chúa. Lòng dạ ác độc của Lí Thông một lần nữa được bộc lộ khi hắn lừa Thạch Sanh xuống hang, sau khi cứu được công chúa lên thì hắn nhẫn tâm dùng đá lấp kín cửa hang. Lí Thông đã lợi dụng lòng tin của Thạch Sanh hết lần này đến lần khác, vì lợi ích của bản thân mà hắn ta sẵn sàng đẩy người luôn coi hắn như anh em vào con đường chết. Có thể nói tác giả dân gian đã rất khéo léo khi xây dựng nhân vật Lí Thông. Tội ác của hắn tăng tiến qua từng tình huống cụ thể, từ việc lợi dụng sức mạnh của Thạch Sanh để trục lợi đến lừa Thạch Sanh thế mạng, cướp đi công trạng một cách trắng trợn. Không những thế, hắn còn độc ác đến mức âm mưu giết chết Thạch Sanh để “bịt đầu mối”. Qua những lời nói giả nhân giả nghĩa cùng những hành động độc ác, nhẫn tâm có thể thấy Lí Thông là một kẻ xấu xa, tính cách lươn lẹo, xảo quyệt. Hắn còn là kẻ tham lam, ích kỉ, vì vinh hoa phú quý mà sẵn sàng làm hại đến tính mạng của người khác.
Cuối cùng, mọi tội ác của Lí Thông đều phải trả giá khi những âm mưu nham hiểm của hắn bị phát hiện. Hắn bị cách chức, mất hết những vinh hoa bổng lộc mà hắn đã đánh đổi bằng sự độc ác và nhẫn tâm, buộc phải trở về quê làm anh bán rượu như xưa. Thế nhưng “ác giả ác báo”, trên đường về quê, hắn đã bị ông trời trừng phạt khi bị sét đánh trúng và biến thành con bọ hung.
Kết cục của Lí Thông chính là bài học cho việc “gieo gió gặp bão”, những kẻ độc ác, vì lòng tham mà gây ra những đau khổ cho người khác cuối cùng sẽ bị trừng phạt thích đáng. Truyện Thạch Sanh không chỉ khuyên nhủ con người ta cần sống thật thà, lương thiện mà còn thể hiện niềm tin của nhân dân về công lí, đạo đức, lẽ phải.
——————HẾT——————-
Thạch Sanh là câu chuyện nổi tiếng trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Tìm hiểu về chàng Thạch Sanh dũng cảm và khám phá những bài học sâu sắc được gửi gắm trong câu chuyện, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nhân vật Thạch Sanh, Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh, Kể lại truyện Thạch Sanh bằng lời kể của Lý Thông, Cảm nhận về truyện cổ tích Thạch Sanh.