Đề bài: Nghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ
Nghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ
I. Dàn ýNghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ (Chuẩn)
1. Mở bài
– Dẫn ra một vài câu ca dao tục ngữ rồi đi vào vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài
a. Định nghĩa:
– Đó là ý thức của con người về những việc, những hành động mình cần phải làm và được người khác kỳ vọng, mà trong bài viết này chính là trách nhiệm với cha mẹ, bao gồm sự yêu thương, chăm sóc và lòng biết ơn.
b. Vì sao ta phải có trách nhiệm đối với cha mẹ?
– Cha mẹ là người đã sinh ra ta, cho ta sinh mạng, mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, nhan sắc, chịu bao cực khổ để nuôi nấng ta thành người. Cha đã hy sinh cả cuộc đời, làm lụng vất vả để cho ta một cuộc sống đầy đủ vật chất. Tuy chịu nhiều vất vả nhưng cha mẹ chưa bao giờ ca thán lấy nửa lời.
– Không chỉ sinh ra ta, nuôi lớn ta thành người, mà chính cha mẹ là người cho ta một cuộc đời tốt đẹp, bao dung ta hết lần này đến lần khác. Cho dù cả thế giới có bỏ rơi bạn nhưng cha mẹ thì không bao giờ.
– Cha mẹ là người duy nhất hy sinh tất cả vì chúng ta, ước muốn duy nhất của họ là cho chúng ta một cuộc đời tốt đẹp (lấy ví dụ nhân vật Lão Hạc).
– Cha mẹ là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục chúng ta thành người, cho chúng ý thức về thế giới, nâng bước ta vào đời.
c. Trách nhiệm của con cái:
– Khi cha mẹ còn trẻ khỏe, chúng ta có trách nhiệm khiến cha mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc, không phải phiền lòng. Luôn luôn rèn luyện tu dưỡng đạo đức, học tập chăm chỉ để khiến cha mẹ yên tâm, có trách nhiệm giúp cha mẹ san sẻ gánh nặng.
– Khi cha mẹ già yếu thì có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của cha mẹ, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ, nếu cha mẹ ốm đau thì phải tận tình chăm sóc, đưa đi thăm khám không quản nắng mưa.
– Khi cha mẹ đã già yếu, đầu óc không minh mẫn thì ta lại càng phải ân cần hơn nữa, không được làm cha mẹ cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cái, phải dốc hết lòng yêu thương, chăm sóc.
– Khi cha mẹ chẳng may qua đời, thì phận là con cái phải có trách nhiệm lo liệu tang lễ, hậu sự cho thật chu đáo, tỏ rõ tấm lòng đau xót, tiếc thương, hằng năm cúng giỗ, lễ tết cũng nhất định phải tươm tất đầy đủ.
d. Phê phán một số những bất cập trong xã hội hiện tại:
– Nhẫn tâm bỏ rơi cha mẹ, không thăm hỏi chăm sóc, đối xử lạnh lùng với cha mẹ.
– Có kẻ còn ác tâm hành hạ, đánh đập cha mẹ già.
– Mải miết lao theo những cuộc vui của bản thân mà không để tâm đến cha mẹ già mong ngóng từng ngày.
=> Khi cha mẹ đã mất đi rồi thì có hối hận cũng đã muộn màng.
3. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ cá nhân.
II. Bài văn mẫuNghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ (Chuẩn)
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha”, “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Đây đều là những câu ca dao, tục ngữ mà ông cha ta bao đời nay vẫn luôn căn dặn, nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ. Tôi vẫn nhớ có ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng cả. Khi bạn cảm thấy nó dễ dàng, nhất định là đang có người thay bạn gánh vác cái phần không dễ dàng ấy”. Và đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, đang còn vô âu vô lo như chúng ta, dĩ nhiên rằng cuộc sống của chúng ta thật tươi đẹp, có đôi lúc chúng ta khao khát trở thành người lớn biết bao. Thế nhưng chúng ta chẳng thể mường tượng được rằng những người lớn như bố mẹ đang phải gánh trên vai biết bao nhiêu gánh nặng, biết bao nhiêu nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền, bao gồm cả tương lai của con cái nào là học đại học nào, rồi thì cả chuyện kết hôn, thậm chí kiêm luôn cả phần chăm cháu. Có lẽ kể từ khi làm cha mẹ họ chưa từng có ngày nào được thoải mái sống chỉ sống cho bản thân mình. Cha mẹ đã hy sinh nhiều như thế, tôi bỗng nghĩ đến một vấn đề rất đáng quan tâm đó là: “Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ”.
Chưa làm cha, làm mẹ thì chưa thấm hết những nỗi vất vả mà cha mẹ ta đã gánh vác trong suốt nhiều năm trời, thế nên thông qua bài viết này tôi muốn giúp các bạn phần nào hiểu rõ được những gì mà các bậc cha mẹ đã hy sinh cho con cái của mình, từ đó mọi người có thể biết mình nên đối xử và có trách nhiệm gì với cha mẹ hôm nay và mai sau. Vậy trách nhiệm là gì? Đó là ý thức của con người về những việc, những hành động mình cần phải làm và được người khác kỳ vọng, mà trong bài viết này chính là trách nhiệm với cha mẹ, bao gồm sự yêu thương, chăm sóc và lòng biết ơn. Vậy vì sao chúng ta phải có trách nhiệm với cha mẹ, tôi xin được nêu ra những lý do sau đây.
Cha mẹ là người có công sinh thành nên chúng ta, mẹ đã thai nghén đủ 9 tháng 10 ngày rồi lại chịu biết bao nhiêu khổ cực để đưa chúng ta đến với thế giới. Phải nói rằng đối với riêng bản thân tôi, người vĩ đại nhất trên thế giới này chính là những người mẹ, để sinh một đứa con họ đã phải chịu biết bao khổ sở, những cơn ốm nghén hành hạ, những lần đứa con bé bỏng quẫy đạp trong bụng, những lần chân bị chuột rút đau không nói nên lời. Mang thai là mẹ phải chấp nhận từ bỏ tuổi xuân, từ bỏ đi cái nhan sắc với thân hình mảnh dẻ đã từng một thời được biết bao người mến mộ trong đó có cả bố. Mẹ chấp nhận từ một người phụ nữ dịu dàng, ngăn nắp, lúc nào cũng thơm tho sạch sẽ để biến thành một bà mẹ bỉm sữa, đầu bù tóc rối, hai mắt thâm quầng, mất ngủ liên tục vì trông cho con được giấc ngủ tròn vành. Không chỉ thế, khoảnh khắc vượt cạn của người phụ nữ là đáng nhớ và mỗi một đứa con đều phải biết thật rõ mẹ nó đã đau đớn đến độ nào. Nếu mẹ sinh thường thì cũng quằn quại, hét đến khản cổ cả ngày trời, nếu mẹ sinh mổ thì ôi chao cũng chẳng bớt đi bao nhiêu đau đớn, mũi thuốc tê chích vào tủy sống khiến mẹ ứa nước mắt, vết mổ khiến mẹ đến thở thôi cũng là một vấn đề, rồi bao nhiêu năm tháng sau này mỗi khi trái gió trở trời lưng mẹ lại đau. Thế nhưng các bạn thấy đấy, chẳng bao giờ mẹ than vãn rằng ngày đó mẹ đã đau đớn như thế nào, mà chỉ nghe mẹ kể về niềm hạnh phúc khi được bế con trên tay. Còn bố, biết bao đêm ròng bố đã cùng mẹ chăm con, ai bảo rằng cha không hy sinh nhiều bằng mẹ, nếu mẹ ngày ngày chăm bẵm con khôn lớn, thì bố lại phải bước ra ngoài kia để gánh lấy gió bão cuộc đời, đem về cho con một cuộc sống tốt đẹp, có thêm con bố phải lao động vất vả hơn, cật lực hơn không chỉ vì con của hôm nay mà còn vì con của 20 năm sau nữa, khi con lớn khôn, khi con lập gia đình, cha đã nghĩ ra biết bao thứ phải lo lắng. Thế đấy, có đi hết cuộc đời ta cũng chẳng bao giờ đi hết lời ru của mẹ, chẳng đếm hết được nỗi vất vả của cha là vậy.
Cha mẹ không chỉ sinh ra ta, nuôi lớn ta thành người, mà chính cha mẹ là người cho ta một cuộc đời tốt đẹp, bao dung ta hết lần này đến lần khác. Cho dù cả thế giới có bỏ rơi bạn nhưng cha mẹ thì không bao giờ, như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Đối với người làm cha mẹ dù con có 80 tuổi đầu thì trong mắt họ đứa con này vẫn là một đứa trẻ, một đứa trẻ cần họ chở che, chăm sóc.
Trong cuộc đời này chẳng có ai hy sinh cho chúng ta, yêu thương chúng ta nhiều hơn cha mẹ cả, họ luôn muốn dành cho chúng ta sự đãi ngộ và điều kiện sống tốt nhất. Tôi đã từng đọc nhiều bài báo nói về những người cha, người mẹ nhịn ăn nhịn mặc, chắt bóp từng đồng từng hào để tiết kiệm gửi tiền lên cho con ăn học, với mong muốn con thành tài đỗ đạt. Cái lúc ấy họ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện là sau này con khôn lớn sẽ báo đáp mình như thế nào, mà đơn giản là tình yêu thương vô bờ bến của bậc làm phụ mẫu khiến họ chấp nhận hy sinh hết tất cả vì con. Điều ấy thể hiện rất rõ trong một tác phẩm văn học mà nếu như ai yêu văn học Việt Nam đều có thể nhận ra, ấy là nhân vật Lão Hạc, một phận đời khốn khổ, điển hình cho tầng lớp nông dân trước cách mạng. Vì thương con, nên cố làm lụng để tiết kiệm tiền cho con, rồi chẳng may đổ bệnh, tiền bạc đội nón ra đi gần hết, cuối cùng ông lão gửi lại tiền cho bạn nhờ chuyển cho con trai, còn bản thân mình thì tự tử chết, bởi sợ sẽ ăn phạm vào tiền của con. Thế mới thấy tấm lòng của cha mẹ, đến mạng sống họ cũng vì con mà hy sinh.
Cha mẹ không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng, hy sinh cho chúng ta mà còn có công lớn nhất trong việc giáo dục chúng ta thành người. Từ một đứa trẻ còn bế trên tay, qua đôi bàn tay dìu dắt của cha mẹ, 10 tháng ta đã chập chững những bước đi đầu đời, qua những lời ngọt ngào âu yếm, hơn một năm ta đã biết bập bẹ cất lên tiếng “cha”, tiếng “mẹ” đầu tiên. Cứ như thế, cha dạy ta tập đọc, mẹ dạy ta tập viết, cả cha và mẹ dạy ta những quy tắc ứng xử, những điều căn bản như câu chào, lời thưa, dạy ta cả cách ăn uống, cách làm việc nhà, dạy ta từ cách cầm cái thìa, cái đũa cho đến dạy ta tư cách làm người, cách đối nhân xử thế,… Có thể nói rằng gia đình chính là môi trường giáo dục căn bản và quan trọng nhất giúp định hình tính cách và phẩm chất của một con người, mà cha và mẹ là những người thầy, người cô tuyệt vời nhất, tận tụy và tâm huyết nhất trên đời.
Như vậy với bấy nhiêu lý do thôi cũng đủ để chúng ta hiểu rằng bản thân phải có trách nhiệm vô cùng to lớn đối với cha mẹ, để báo đáp công ơn, sự hy sinh cao cả mà cha mẹ đã dành cho chúng ta cả nửa đời người. Mỗi chúng ta đều phải lấy chữ “Hiếu” làm đầu, coi nó là kim chỉ nam cho cuộc sống, bởi nếu đối xử với cha mẹ còn chưa nên thì đừng bao giờ nghĩ đến việc có thể thành công ngoài xã hội. Khi cha mẹ còn trẻ khỏe, chúng ta có trách nhiệm khiến cha mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc, không phải phiền lòng vì những chuyện nhỏ nhặt của bản thân. Luôn luôn rèn luyện tu dưỡng đạo đức, học tập chăm chỉ để khiến cha mẹ yên tâm, có trách nhiệm giúp cha mẹ san sẻ gánh nặng, tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Khi cha mẹ già yếu thì có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của cha mẹ, thường xuyên thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ, nếu cha mẹ ốm đau thì phải tận tình chăm sóc, đưa đi thăm khám không quản nắng mưa. Khi cha mẹ đã già yếu, đầu óc không minh mẫn thì ta lại càng phải ân cần hơn nữa, không được làm cha mẹ cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cái, phải dốc hết lòng yêu thương, chăm sóc. Khi cha mẹ chẳng may qua đời, thì phận là con cái phải có trách nhiệm lo liệu tang lễ, hậu sự cho thật chu đáo, tỏ rõ tấm lòng đau xót, tiếc thương, hằng năm cúng giỗ, lễ tết cũng nhất định phải tươm tất đầy đủ. Trách nhiệm của người làm con không chỉ dừng lại ở khi cha mẹ còn tại thế, mà còn kéo dài mãi về sau này khi cha mẹ đã không còn nữa, thể hiện lòng hiếu đạo và sự biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Nói tóm lại cha mẹ đối với con cái như thế nào, thì phận làm con lại càng phải ý thức sâu sắc và có trách nhiệm đền đáp công ơn ấy một cách ân cần và tử tế.
Trách nhiệm của con cái tuy vậy nhưng cũng chẳng bao giờ sánh được bằng công ơn của cha mẹ, thế mà vẫn có một số con người vô ơn, vô trách nhiệm với chính cha mẹ của mình. Được cha mẹ hết lòng nuôi lớn thế rồi như một con chim đã đủ lông đủ cánh cứ thế lao đi trong nỗi buồn bã của cha mẹ, họ quên đi sự hy sinh của cha mẹ, không buồn hỏi han, chăm sóc, mặc kệ cha mẹ già sống trong cô đơn buồn tủi. Thậm chí có những con người nhẫn tâm bỏ đói, đánh đập cả cha mẹ, thậm chí là ra tay sát hại, thứ con như thế đâu còn là con người nữa. Chỉ khổ cho kiếp làm cha mẹ, cả đời hy sinh vất vả thế nhưng đứa con mà họ nuôi nấng lại trở thành những kẻ vô ơn, bất hiếu. Rồi cũng có những đứa con có lẽ khi còn trẻ họ chẳng nhận ra rằng cha mẹ đã gánh thay họ biết bao khó khăn, họ cứ lao vào những cuộc vui, theo đuổi những những lý tưởng cao xa. Họ cứ mải miết chạy giữa cuộc đời mà không hề nhận ra rằng cha mẹ đuổi theo họ ngần ấy năm cũng đã đến lúc đôi chân run rẩy, đôi mắt mờ dần rồi để khuất mất bóng đứa con của mình. Chỉ đến khi cha mẹ họ mất đi, những con người ấy mới giật mình, mới hoảng hốt nhận ra bản thân giờ đã thực sự trở thành kẻ mồ côi, lúc này đây họ mới thấy đau đớn, thấy hối tiếc vì chưa chăm sóc được cho cha mẹ ngày nào thì cũng đã vĩnh viễn là muộn rồi.
Nói tóm lại, bản thân mỗi chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với các đấng sinh thành, biết yêu thương, trân trọng và gắn bó gia đình. Bởi đó là nơi duy nhất luôn chào đón ta lúc ta mệt mỏi hay gục ngã, cũng là nơi duy nhất có những con người vĩ đại đã cho ta cả cuộc đời, luôn chờ đón ta trở về trong vòng tay yêu thương. Hãy sống là người có trách nhiệm khi còn có thể, bởi mỗi con người chỉ có một lần sống, đừng khiến bản thân phải hối hận và cha mẹ phải đau lòng nhé các bạn.
———————-HẾT———————–
Trên đây là nội dung bàiNghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, để củng cố thêm kiến thức và kĩ năng viết văn nghị luận, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 10 khác như:Nghị luận Suy nghĩ về tình bạn, Nghị luận xã hội về tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta, Nghị luận xã hội về môi trường biển qua hiện tượng cá chết hàng loạt, Nghị luận xã hội Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.