– Lê Quang Dũng là thí sinh có điểm số cao thứ 2 trong 4 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế của đoàn Việt Nam, 2 năm liên tiếp đạt giải nhất môn Toán của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Phía sau thành tích ấn tượng ấy, em là một người chân chất, hồn nhiên.
Đội tuyển Toán quốc tế trước ngày đi Brazil. Ảnh: Lê Anh Vinh |
Người mẹ đặc biệt
Mẹ là điều may mắn đầu tiên và lớn lao nhất mà Dũng có được.
Vì những lí do riêng, từ lúc mới 4 tháng tuổi, Dũng lớn lên chỉ với hai mẹ con. Điều riêng biệt này lại là lý do khiến mẹ em trở thành một người đàn bà tháo vát và bản lĩnh, dồn hết yêu thương để nuôi dạy cậu con trai của mình.
Người mẹ, với thu nhập eo hẹp, phải tần tảo ngoài giờ để trang trải cho cuộc sống.
Lặng lẽ giấu đi nước mắt nhọc nhằn đời thường, mẹ đã luôn dõi theo và đồng hành cùng Dũng đến những niềm vui và nỗi buồn dù là nhỏ nhất.
Dũng sớm biết thương mẹ. Ngoài việc siêng năng giúp mẹ như bao cậu bé quê khác, em luôn biết cách để sẻ chia những vất vả thường nhật của mẹ.
Tôi nhận ra điều này từ chính căn nhà Dũng. Tất nhiên là nhà nhỏ, nhưng thật sự ấm cúng: Một mảnh vườn con con nhưng vui mắt với đủ loại rau xanh mơn mởn, đồ đạc trong nhà tất nhiên là không nhiều nhưng thật ngăn nắp và sạch sẽ. Đó là tấm gương phản xạ về các chủ nhân của căn nhà – cả hai mẹ con Dũng.
Nguồn cội và đồng hành của những thành tích mà Dũng đạt được cho đến hôm nay (và tôi tin là sẽ còn tiếp tục nữa) chắc chắn là từ người mẹ này.
Truyền thống quê hương
Làng em nằm kế bên cây cầu Nguyệt Viên, địa danh nổi tiếng là đất học không chỉ ở xứ Thanh. Huyện Hoằng Hóa quê em xưa đã nổi danh là “đất Trạng” bởi số lượng trạng nguyên, bảng nhãn khi xưa, và nay là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và các nhà khoa học…
Điều đam mê nhất của Dũng là đọc sách. Mỗi lần thấy “có quyền”, em lại vòi mẹ mua sách, và không chỉ là sách toán.
Sách cùng với khả năng nhớ rất “khủng” – như các bạn Dũng chia sẻ, khiến Dũng có thể say sưa và mạch lạc kể chuyện về lịch sử thế giới và Việt Nam, về Thành Cát Tư Hãn, về Liên Xô, về các đời Trần, đời Lê…
Dũng cũng có thể mê mẩn với những đồ họa về các mẫu tàu ngầm hiện đại, về các phương pháp nuôi trồng nấm hay chiết ghép cây…
Và đặc biệt, theo gương của các anh chị khóa trước, em là thành viên tham gia rất thường xuyên và tích cực cho báo “Toán học và Tuổi trẻ” – người bạn không thể thiếu của bất kỳ một “học sinh chuyên Toán chính hiệu” nào, và cũng đã có những phần thưởng đáng nể của báo.
Những ngôi trường, thầy cô và bạn bè
Trường “chuyên” cấp hai Nhữ Bá Sỹ không chỉ có tiếng ở huyện Hoằng Hóa về Toán. Trường THPT Chuyên Lam Sơn mà Dũng đang học hôm nay cũng là niềm tự hào của em.
Lê Quang Dũng và thầy giáo Ngô Xuân Ái |
“Em cảm nhận được điều này từ những lần “thi giao lưu”, đến đâu em và các bạn trường mình cũng nhận được sự tôn trọng” – Dũng vui vẻ “khoe”.
“Em may mắn được học ở những ngôi trường này, có những người bạn thật tốt và giỏi. Lớp 12T của em có 5 bạn đã cùng học chuyên cấp hai với nhau, cả 5 bạn cũng đã đạt những thành tích về toán đáng tự hào. Ở đây, em đã gặp được các thầy dạy toán thật sự đam mê, các thầy đã truyền lửa cho em…”.
Nhìn kết quả của Dũng mới thấy kết quả sự nỗ lực không ngừng của em thật xứng đáng. Những năm học tiểu học và THCS, nhiều lần Dũng đạt điểm cao tuyệt đối trong các kì thi học sinh giỏi toán, nằm trong top đầu khi thi vào 10 chuyên Toán – Lam Sơn…
“Mẹ là người luôn khát khao em học tiến bộ, thầy cô luôn chỉ cho em các đích đến” – Dũng chia sẻ.
Khi được hỏi ấn tượng về cậu học trò mà mình hết sức chăm chút, yêu thương, thầy Ngô Xuân Ái trả lời ngắn gọn: “Dũng là người có khát vọng mãnh liệt”.
Theo thầy Ái, đó là khát vọng vượt lên chính mình của một cậu học trò ở vùng quê nghèo xứ Thanh, là khát vọng chinh phục những đỉnh cao thử thách, là khát vọng được sống đến tận cùng niềm say mê toán học.
2 lần có giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia, Dũng cũng là người có điểm số cao nhất trong lần chọn đội tuyển 6 người đi thi IMO 2017.
Tại IMO, Dũng đạt 28 điểm, sau Hoàng Hữu Quốc Huy.
Dũng cho biết những cố gắng trong các cuộc thi của em là “để đạt được ước mơ của mình, để được nhìn thấy mẹ hạnh phúc, để phần nào đền đáp tâm sức cho thầy cô!”.
Xuân Nguyên