Ngay sau khi Bộ công bố chính thức phương án thi THPT Quốc gia 2017, PGS.Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: Trắc nghiệm khách quan được ứng dụng ở rất nhiều nước và tất cả các lĩnh vực từ Toán đến Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Chuyển thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn học trong năm 2017 thực chất là một cuộc cách mạng trong đánh giá để thực hiện Nghị quyết 29, phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay khi kiểm tra, đánh giá trên máy tính và online dần phổ biến trong kỷ nguyên số.
Ở Việt Nam, trắc nghiệm khách quan cũng không hề mới vì đã được sử dụng từ trước giải phóng ở miền Nam. Sau đó áp dụng cho kỳ thi 3 chung từ 2006 với các môn Anh, Lý, Hóa, Sinh.
Và điều này cũng được Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhắc trong buổi họp báo, thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới.
Thứ trưởng Ga nhấn mạnh: “Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi trắc nghiệm khách quan được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học.
Trong các các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất.
Do vậy, hình thức thi trắc nghiệm khách quan hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh”
Tổng hợp