Lớp 10

Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều từ đầu đến Vật này của chung

Đề bài: Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều từ đầu đến Vật này của chung

phan tich doan trich trao duyen trong truyen kieu tu dau den vat nay cua chung

Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều từ đầu đến Vật này của chung

Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều từ đầu đến Vật này của chung

Để làm tròn bổn phận của một người con, Thúy Kiều đã lựa chọn chữ hiếu. Nàng quyết định hi sinh tình yêu đôi lứa để bán mình chuộc cha và em.Biết bản thân sẽ không giữ được trọn vẹn chữ tình với Kim Trọng nên nàng đã trao duyên lại cho người em gái.Mười bốn câu đầu của đoạn trích “Trao duyên” đã thể hiện ước muốn Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho chàng Kim của Thúy Kiều.

Khi yêu, ai cũng mong sẽ được hạnh phúc và có một kết thúc tốt đẹp với người mình yêu. Thúy Kiều cũng vậy nhưng vì hoàn cảnh bất đắc dĩ mà nàng đành phải trao duyên lại cho Thúy Vân:

“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Lời thề nguyền bên nhau khi xưa của Thúy Kiều và Kim Trọng đã không thể thực hiện, nàng đã lỡ hẹn với chàng Kim nên trong trường hợp này nàng không thể có cách xử sự khác được. Gửi gắm lại mối tình duyên cho em gái cũng là gửi gắm lại tình yêu thủy chung, son sắt cho Kim Trọng. Lời thỉnh cầu của nàng rất đỗi chân thành, nó như chứa đựng tất cả tình yêu mà nàng dành cho người mình yêu. “Cậy”, “chịu lời”, “lạy”, “thưa” đều là những từ ngữ mang sắc thái trang trọng, thiêng liêng thường dùng trong ngôn ngữ của bậc bề dưới đối với những người có vai vế cao hơn mình. Đó không phải là cách giao tiếp bình thường giữa hai chị em mà đó là hành động của một người hàm ơn đối với một người làm ơn.Thúy Kiều lại sử dụng các từ ngữ ấy để thuyết phục em gái đồng thời cách nói như vậy khiến Thúy Vân không thể chối từ khi người chị mình cần sự giúp đỡ. Nguyễn Du đã rất tinh tế khi sử dụng từ “cậy” bởi “cậy”có nghĩa là giúp đỡ chứ không phải là nhờ vả.Hơn nữa từ “cậy” thể hiện sự tin tưởng, thân thiết giữa những người ruột thịt.Ngoài Thúy Vân ra không ai có thể thay Kiều giữ lời thề nguyền với Kim Trọng. Thay vì dùng từ nhận lời, tác giả lại dùng từ”chịu lời” vừa mang tính nài nỉ, nhờ vả vừa mang tính ép buộc bởi đặt vào hoàn cảnh của Thúy Vân thì Thúy Vân chỉ có “chịu lời” chứ không thể nhận lời. Thúy Vân chưa hề biết gì về mối tình của Thúy Kiều và Kim Trọng nay Thúy Kiều lại nhờ Vân nối duyên với chàng Kim nên nàng rất bất ngờ nhưng lại không thể từ chối.

Trao duyên là công việc hệ trọng nên ngôn từ, hành động, cách thức trao duyên cũng trịnh trọng.Thúy Kiều mời Thúy Vân “ngồi lên” để nhận cái lạy của mình rồi mới thưa chuyện.Đó là cái lạy của lòng biết ơn, đồng cảm, thấu hiểu với sự hi sinh của Thúy Vân bởi Thúy Vân sẽ vì lời cậy nhờ của chị mà chấp nhận lấy một người không có tình cảm với mình.Liệu rằng Thuý Vân có cảm thấy không được tôn trọng, cảm thấy mình là người thay thế?Hiểu được hoàn cảnh, tình thế khó xử của em nên Thúy Kiều đã dùng những lời lẽ tế nhị và thái độ khẩn khoản với mục đích thuyết phục em chấp nhận lời thỉnh cầu của mình.

Để Thúy Vân hiểu rõ hơn về câu chuyện tình yêu của mình, Thúy Kiều đã tâm sự rằng:

“Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”.

Tình duyên giữa Kiều và Kim Trọng đang diễn ra tốt đẹp thì tai họa bỗng ập đến bất ngờ. Bị thằng bán tơ vu oan, Vương ông và Vương Quan bị bắt, phải chịu tra tấn dã man.Để cứu cha và em trai khỏi những đòn roi của bọn sai nha, Thúy Kiều đã bán mình lấy tiền đút lót, hối lộ cho bọn chúng. Chuyện tình bị đứt gánh giữa đường nên Thúy Kiều tha thiết muốn Thúy Vân “chắp mối tơ thừa” để giữ tấm lòng thủy chung, sự nghĩa tình với Kim Trọng. “Mặc em” là để cho em tự quyết định, em có thể giúp hoặc không giúp nhưng thực chất là ép buộc em giúp đỡ mình. Sự đau đớn, quằn quại của Thúy Kiều về mối tình dang dở đã thấm vào từng câu chữ thuyết phục Thúy Vân.Từ “mặc em” lại thêm một lần nữa khẳng định lời nhờ cậy của Thúy Kiều như lời nài ép, bắt buộc phải nhận lời chứ không thể có cách lựa chọn nào khác.Biết rằng Thúy Vân phải chịu nhiều thiệt thòi khi phải “chắp mối tơ thừa” nên Thúy Kiều đã trải hết lòng mình để mong em thấu hiểu. “Kể từ khi gặp chàng Kim” trong tiết thanh minh, giữa hai người đã nảy sinh tình cảm. Vì tình yêu, Kiều đã phá bỏ những lễ nghi của xã hội phong kiến để “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” sang nhà Kim Trọng để cùng thề nguyền. Hai người đã tặng nhau chiếc quạt để ngỏ ý hẹn ước chuyện trăm năm, uống rượu thề nguyền để nguyện lòng chung thủy. Chỉ qua hai hình ảnh “quạt ước”, “chén thề” cũng đủ cho thấy tình yêu của hai người sâu sắc, thắm thiết đến nhường nào.

Có lẽ cặp đôi này sẽ nên duyên vợ chồng nếu không gặp phải sóng gió, tai vạ “bất kì” này. Mối quan hệ giữa hiếu và tình luôn khiến con người rơi vào những tình huống khó xử. Họ không biết phải xử sự như thế nào để “Hiếu tình hai lẽ khôn bề vẹn hai”. Nguyễn Du đã khéo léo đề cập đến chữ hiếu và chữ tình mà sự khắt khe của những lễ giáo phong kiến khiến buộc con người phải lựa chọn một trong hai. Là bậc con cái thì phải sống có hiếu với cha mẹ, đó là nguyên tắc và cũng là một phạm trù đạo đức của Nho giáo. Việc hi sinh các lợi ích, quyền lợi cá nhân để làm tròn chữ hiếu cũng là điều dễ hiểu và nên làm.

Tha thiết mong Thúy Vân giúp đỡ mình, Thúy Kiều đã nhắc tới tuổi xuân, “tình máu mủ” để Vân nhận lời:

“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.

Bán mình cho Mã Giám Sinh đồng nghĩa với việc Thúy Kiều biết những ngày tháng thanh xuân, tự do của mình không còn nữa.Nhưng Thúy Vân thì khác, cô vẫn còn tuổi trẻ, còn thời gian.Không chỉ vậy, Thúy Kiều còn nhắc đến tình máu mủ ruột thịt để tăng tính thuyết phục trong lời nói. Thúy Vân có thể từ chối lời nhờ vả ấy vì cô không có tình cảm gì với Kim Trọng, người Kim Trọng yêu là Thúy Kiều nhưng chẳng lẽ Thuý Vân không nể tình chị em mà thay chị giữ trọn nghĩa tình với chàng Kim. Các thành ngữ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối” là những thành ngữ quen thuộc trong dân gian nhằm chỉ việc Thúy Kiều sẽ mỉm cười vui vẻ nơi cửu tuyền nếu như Thuý Vân nhận lời giúp mình. Dù sau này có trở thành một linh hồn nơi chín suối thì nàng cũng không quên ơn của em gái.

Phải trao lại kỉ vật tình yêu cùng mối tơ duyên của mình, Thúy Kiều không khỏi đau đớn:

“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung”

“Chiếc vành” là “cái vòng, xuyến đeo tay”, “tờ mây” là “tờ giấy có trang trí hình mây ghi lời thề nguyền của hai người, cũng có thể là thư từ giữa hai người”. Thúy Kiều đem gửi hết lại cho em gái. Từ nay trở về sau, những vật này là kỉ vật chung của ba người. Kỉ vật đã trao nhưng mối tơ duyên của Thúy Kiều và Kim Trọng thì nàng xin được giữ lại làm của riêng bởi từ sâu thẳm trong trái tim nàng vẫn còn rất nhiều tình cảm với Kim Trọng. Con người bạc mệnh ấy đau xót biết nhường nào khi những gì là của riêng giữa hai người nay lại trở thành “của chung”. Gặp gỡ và nảy sinh tình yêu với Kim Trọng được xem là cái duyên nhưng bây giờ tình yêu ấy không thể tiếp tục vun vén được nữa.Nàng nuối tiếc cho sự lỡ làng của mình, nuối tiếc mối nhân duyên với chàng Kim nhưng nàng không thể làm khác được.Tâm trạng giằng xé ấy của Kiều đã được Nguyễn Du lột tả trong suốt buổi trao duyên cho Thúy Vân.

Mười bốn câu thơ đầu của đoạn trích “Trao duyên” là những lời nhắn gửi, cậy nhờ chân thành, tha thiết của Thúy Kiều với mong muốn Thúy Vân sẽ thay mình tiếp tục mối tình với chàng Kim. Bao nhiêu đau đớn, xót xa của Kiều được dồn nén vào những từng câu chữ của bậc thầy ngôn ngữ Nguyễn Du. Sự tinh tế, khéo léo của ông được thể hiện qua cách dùng từ, cách sử dụng các thành ngữ, nhịp thơ đã tạo nên sự thành công cho đoạn thơ này.

—————-HẾT——————-

Bài thơ Trao duyên là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Du được trích trong tác phẩm Truyện Kiều. Ngoài bài làm văn Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều từ đầu đến Vật này của chung, học sinh và giáo viên có thể tham khảo thêm các bài làm văn mẫu khác như Phân tích đoạn trích Trao duyên, Hãy phân tích đoạn thơ từ câu “Dù em nên vợ nên chồng” đến hết đoạn Trao duyên, Cảm nhận của em về 12 câu thơ đầu trong đoạn trích Trao duyên, Trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên, hay cả phần Soạn văn lớp 10 – Trao duyên trích Truyện Kiều, các bạn cùng tham khảo chi tiết và ứng dụng cho nhu cầu học tập của mình tốt nhất nhé.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button