Đề bài: Phân tích yếu tố thần kỳ trong truyện Tấm Cám
Phân tích yếu tố thần kỳ trong truyện Tấm Cám
I. Dàn ý Phân tích yếu tố thần kỳ trong truyện Tấm Cám (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về truyện Tấm Cám.
2. Thân bài:
a. Tóm tắt truyện Tấm Cám và ý nghĩa của yếu tố thần kì:
– Tấm mồ côi mẹ, sống với dì ghẻ, em gái, nhưng bị đày đoạ, áp bức.
– Tấm được Bụt hiện lên cứu giúp và trở thành hoàng hậu.
– Nàng bị mẹ con Cám hại chết hết lần này tới lần khác, nhưng cuối cùng nàng cũng trở về và được hưởng hạnh phúc.
– Ý nghĩa: thể hiện ước mơ công bằng công lý của người dân, giải quyết xung đột, trừng trị cái ác, giúp đỡ cái thiện.
b. Yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám:
– Ông Bụt và những phép màu:
+ Khi Tấm mất giỏ tép, ông Bụt tặng Tấm cá bống
+ Tấm mất cá bống, ông Bụt hiện lên và an ủi, dặn dò Tấm làm tho
+ Khi Tấm bị bắt nhặt thóc và không được đi trẩy hội: Ông Bụt bảo đàn chim sẻ giúp Tấm và cho Tấm quần áo đẹp đi hội.
+ Ông Bụt là hiện thân của những phép màu, giúp Tấm qua những lúc khó khăn, thực hiện giấc mơ hạnh phúc.
– Những lần Tấm hoá thân:
+ Lần 1: Chim vàng anh, lần 2: cây xoan đào, lần 3: khung cửi, lần 4: quả thị rồi cuối cùng được trở lại thành người.
+ Thể hiện sức sống mãnh liệt của Tấm, đạo lý luân hồi, sự phản kháng của người tốt.
c. Vai trò của yếu tố thần kì:
– Giúp câu chuyện trở nên ly kỳ, hấp dẫn.
– Giúp giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong truyện.
– Thể hiện ước mơ của cha ông và đạo lý muôn đời: cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.
3. Kết bài:
– Khẳng định ý nghĩa của yếu tố thần kì.
II. Bài văn mẫu Phân tích yếu tố thần kỳ trong truyện Tấm Cám (Chuẩn)
Những câu chuyện cổ tích luôn làm cho ta thích thú, say mê và đắm chìm vào trong thế giới đó. Nào là Sọ Dừa, Cây tre trăm đốt, Sự tích hoa đại, … Trong những câu chuyện đó, mỗi khi những người tốt gặp khó khăn đều có những ông bụt, những bà tiên hiện ra giúp đỡ họ. Đó là yếu tố thần kì không thể nào thiếu trong những câu chuyện cổ tích dân gian. Và truyện cổ tích Tấm Cám cũng không ngoại lệ. Yếu tố thần kì trong Tấm Cám đã giúp chúng ta hiểu hơn về những mong ước được gửi gắm của người xưa.
Câu chuyện Tấm Cám kể về Tấm – một người con gái xinh đẹp, nết na, hiền dịu lại chăm chỉ, cần cù. Mẹ mất sớm, cha cưới thêm vợ, Tấm phải ở chung cùng với dì ghẻ và người em gái cùng cha khác mẹ tên là Cám. Không bao lâu sau, cha Tấm mất, Tấm sống cùng dì ghẻ và em gái. Nếu như Cám vừa lười biếng lại được mẹ hết mực nuông chiều thì ngược lại, Tấm phải một mình làm hết tất cả công việc trong gia đình. Trong một lần đi bắt tép, Cám đã lừa Tấm trút hết giỏ tép của Tấm, Tấm ấm ức, tủi thân nhưng chỉ biết khóc. Chính lúc đó, ông Bụt đã hiện lên và cho Tấm một con cá bống. Sau này, cá bống bị dì ghẻ giết thịt, còn Tấm thì bị hai mẹ con mụ chèn ép không cho đi xem hội. Nhưng với sự giúp đỡ của ông Bụt, Tấm đã có được quần áo mới đi trẩy hội và trở thành hoàng hậu của vua. Tưởng chừng như nàng sẽ hạnh phúc, viên mãn nhưng trong một lần về nhà giỗ bố, dì ghẻ đã lừa Tấm trò lên ngọn cau và khiến nàng ngã chết, còn Cám thay chị vào cung làm hoàng hậu. Thế nhưng, Tấm không chết, nàng biến đổi thành chim vàng anh, thành cây xoan đào, thành khung cửi, thành quả thị rồi trở lại bên cạnh nhà vua và sống hạnh phúc. Còn mẹ con Cám độc ác đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng.
Câu chuyện Tấm Cám chắc hẳn được dựng lên từ chất liệu hiện thực xã hội, phản ánh những mâu thuẫn, những xung đột trong xã hội đương thời. Và có lẽ những người dân nghèo thấp cổ bé họng đã không thể giải quyết nó trong hiện thực nên họ đã nhờ yếu tố thần kỳ, những thế lực siêu nhiên để giải quyết những xung đột đó. Trong truyện Tấm Cám, ta thấy vô số lần ông Bụt xuất hiện giải cứu cho Tấm, giúp Tấm vượt qua những khó khăn. Đó chính là yếu tố thần kì thể hiện ước mơ của những người dân nghèo về một cuộc sống công bằng, công lý, cái ác phải bị trừng trị, cái thiện sẽ được giúp đỡ và chiến thắng, đúng với đạo lý ở đời “thiện giả thiện lai, ác giả ác báo”.
Trong truyện Tấm Cám, yếu tố thần kì được phát triển theo mạch truyện. Và hơn thế không thể thiếu hình ảnh của những thế lực siêu nhiên như ông bụt, bà tiên, … Họ là đại diện cho một thế giới phép màu kì diệu và cũng là đại diện cho công lí và tinh thần nhân đạo của nhân dân. Ông Bụt xuất hiện trong Tấm Cám với những phép màu để mang cho nàng những điều tốt lành, hạnh phúc.
Lần đầu tiên khi ông Bụt xuất hiện là khi Tấm bị Cám bắt nạt, lừa nàng gột đầu mà trút hết giỏ tép của nàng vào giỏ của mình. Tấm tủi thân, ấm ức vô cùng nhưng ngoài khóc ra, nàng chẳng biết làm gì hết. Thế nhưng, ông Bụt đã hiện lên, ban cho nàng một con cá bống để làm bạn. Điều mà Bụt ban cho nàng chỉ là một con cá nhỏ bé nhưng lại là người bạn để nàng tâm sự, an ủi mỗi khi chịu cảnh ức hiếp từ mẹ con Cám. Đây cũng là một ước mong của những người dân nghèo, họ mong muốn được sẻ chia, được an ủi khi gặp những chuyện buồn phiền, áp bức. Lần thứ hai Bụt hiện lên là khi Tấm bị mụ dì ghẻ và Cám ăn mất con cá bống của mình. Nàng cũng chỉ biết khóc trong đau khổ, tủi thân, Bụt hiện lên và chỉ nàng đi tìm xương cá và chôn chúng dưới bốn chân giường. Lần thứ ba Bụt xuất hiện là khi Tấm bị mụ dì ghẻ bắt nhặt thóc và nàng không có quần áo đẹp để đi dự hội. Bụt đã hiện lên ban cho Tấm quần áo đẹp, ban cho Tấm đôi giày xinh xắn. Để rồi chính đôi giày ấy đã khiến nàng được trở thành hoàng hậu, thoát khỏi sự đày đọa của mụ dì ghẻ độc ác. Nếu không nhờ nó, có lẽ Tấm mãi mãi chỉ là một cô gái tội nghiệp, sống trong sự áp bức, đày đọa từ người mẹ kế và đứa em gái xấu xa.
Sự xuất hiện của Bụt – yếu tố thần kì trong phần này là sự hiện thân của thần tiên, mang tới cho người tốt những điều tốt đẹp, giúp họ vượt qua khó khăn. Sự xuất hiện của yếu tố thần kì là sự minh chứng cho lòng mong ước của người dân nghèo về một cuộc sống hạnh phúc, thoát khỏi những kìm kẹp, áp bức, được trở nên hạnh phúc và ấm no. Nó cũng là biểu hiện cho khát vọng của con người trước hiện thực bi thảm và bế tắc, không có đường lui, họ chỉ đành đặt hi vọng vào những thế lực siêu nhiên để mong được an ủi, được giải thoát.
Nếu như những lần đầu tiên, Tấm phải nhờ đến Bụt hiện ra để giúp đỡ thì ở những lần sau này, Tấm đã tự mình biến thân để vùng lên thật mạnh mẽ. Lần đầu tiên bị hại chết, Tấm biến thành chim vàng anh bay về cung cấm, ở bên cạnh nhà vua. Lần thứ hai, nàng biến thành cây xoan đào, lần thứ ba thì thành khung cửi, lần thứ tư biến thành quả thị và cuối cùng biến trở lại thành nàng Tấm dịu dàng, nết na. Những lần biến thân của nàng không chỉ nói lên sức sống mãnh liệt của Tấm, đạo lý về luân hồi theo nhà Phật mà còn để nói lên ý thức phản kháng mãnh liệt đang bùng cháy trong con người nàng. Sau mỗi lần Tấm chết đi sống lại, cái bất công lại càng thêm phần xấu xa, thêm phần độc ác thì Tấm lại càng phản kháng mạnh mẽ hơn nữa và cuối cùng, nàng chiến thắng, mặc dù chiến thắng này có sự góp công của yếu tố thần kì. Có thể nói, cuộc đấu tranh của Tấm với mẹ con Cám là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, là cuộc đấu tranh, giải quyết xung đột giữa những giai cấp trong xã hội phong kiến xưa. Và sự phản kháng của Tấm cùng với yếu tố thần kì là để minh chứng cho ước mơ của người xưa rằng cái ác, cái xấu sẽ vĩnh viễn thất bại trước cái thiện. Đúng như đạo lý của dân tộc ta từ xưa tới nay: “Ở hiền thì sẽ gặp lành”.
Như vậy có thể thấy, yếu tố thần kì có một vai trò rất quan trọng trong những câu chuyện cổ tích. Nó không chỉ giúp cho mạch truyện trở nên mạch lạc, hấp dẫn hơn mà còn giúp giải quyết mọi xung đột trong truyện một cách hết sức hợp lý. Xã hội xưa có nhiều bất công mà người dân không thể giải thoát trong hiện thực, chính vì thế, yếu tố thần kì còn là phương tiện thể hiện ước mơ công bằng công lý của nhân dân, rằng người tốt sẽ được hưởng ấm no, hạnh phúc, chiến thắng trước cái ác, đúng như quy luật nhân quả từ ngàn đời nay của dân tộc ta.
Yếu tố thần kì chính là nét đặc sắc nhất trong các câu chuyện cổ tích. Nếu một câu chuyện cổ tích thiếu đi nó thì chắc hẳn nó sẽ không thể trở thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Yếu tố thần kì trong truyện cổ tích Tấm Cám đã một phần nào đó thể hiện khát vọng công lý của người xưa về một xã hội công bằng, ấm no, hạnh phúc.
————-HẾT————-
Câu chuyện Tấm Cám là truyện dân gian chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc. Khám phá những đặc sắc nội dung cũng như giá trị của câu chuyện, bên cạnh bài Phân tích yếu tố thần kì trong truyện Tấm Cám trên đây, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu khác như: Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám, Phân tích cuộc đấu tranh thiện – ác trong Tấm Cám, Phân tích các hình thức biến hoá của Tấm trong truyện Tấm Cám, Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám tại Thuthuat.Taimienphi.vn.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)