Lớp 5

Tả chiếc bảng đen ở lớp em

Đề bài: Em hãy tả chiếc bảng đen ở lớp em

ta chiec bang den o lop em

I. Dàn ý tả chiếc bảng đen ở lớp em

1. Mở bài

Giới thiệu về chiếc bảng đen

2. Thân bài

– Vị trí của chiếc bảng đen trong lớp học: trên bục giảng, chính giữa lớp học
– Miêu tả hình dáng, kích thước của chiếc bảng: hình chữ nhật, chiều ngang, chiều cao,…
– Miêu tả các đặc điểm của chiếc bảng:
+ Màu sắc
+ Bề mặt bảng… (Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Tả chiếc bảng đen ở lớp em tại đây

II. Bài văn mẫu Tả chiếc bảng đen ở lớp em

1. Tả chiếc bảng đen ở lớp em, mẫu số 1:

Trong lớp học thân yêu của em, có một “người anh cả” luôn đồng hành cùng cô giáo mang lại những bài giảng thật hay và bổ ích cho chúng em, đó chính là chiếc bảng đen.

Đi từ cửa ra vào của lớp học sẽ bắt gặp ngay hình ảnh của chiếc bảng đen, nó đứng sừng sững và uy nghiêm trên bục giảng, được gắn trên tường ở khu vực chính giữa, vị trí đó tập trung toàn bộ sự quan sát của học sinh, dù ngồi ở vị trí nào trong lớp cũng nhìn rõ bảng. Chiếc bảng có hình chữ nhật, kích thước khá lớn với chiều ngang khoảng 4 mét và chiều cao khoảng 2 mét, độ rộng rất thuận lợi cho việc giảng dạy, học tập của cô giáo và học sinh. Mỗi khi cô giáo giao bài tập cho những bạn lên bảng thì chiếc bảng đủ chỗ cho 4 – 5 bạn cùng nhau đứng trên đó viết vào bảng. Phấn trắng in trên nền bảng màu đen rất rõ nét, bề mặt bảng nhẵn mịn làm cho từng nét chữ đều và đẹp, ngoài ra trên bảng còn in mờ những dòng kẻ giống như dòng kẻ trên vở ô li giúp cho học sinh tập viết dễ dàng. Viết trên bảng đen của lớp em cảm thấy rất dễ viết và chữ cũng đẹp hơn rất nhiều so với chiếc bảng nhựa nhỏ của học sinh.

Hàng ngày lớp đều phân công từng bàn trực nhật, sau mỗi tiết học chiếc bảng đen được lau chùi sạch sẽ bằng giẻ lau bảng, chờ cho khô rồi lại bước vào tiết học tiếp theo, cả lớp em ai cũng yêu quý, trân trọng và gìn giữ chiếc bảng này.

2. Tả chiếc bảng đen ở lớp em, mẫu số 2:

Một đồ dùng không thể thiếu trong mỗi lớp học và là người bạn gắn bó thân thiết với các thế hệ học sinh, đó chính là chiếc bảng đen.

Ngay từ những ngày đầu tiên đến trường, những tiết học đầu tiên của người học sinh, chúng em đã được làm quen với chiếc bảng này. Gọi là bảng đen vì chiếc bảng có màu đen đặc trưng, một màu đen bóng như màn đêm, toàn bộ mặt bảng, các cạnh viền của bảng hoàn toàn là màu đen. Chiếc bảng có hình chữ nhật dài với cạnh chiều dài trên dưới khoảng 3 mét và cạnh chiều rộng hai bên bảng khoảng 1,5 mét, bề dày bảng được gắn vào tường bê tông chỉ khoảng 5cm. Bảng đen dùng để viết nên trên bề mặt bảng là một mặt phẳng nhẵn nhụi, phẳng lì giúp cho việc đi phấn được trơn tru, bên cạnh đó mặt bảng còn được thiết kế có các ô vuông nhỏ đều nhau nhằm giúp cho việc viết chữ hay kẻ, vẽ hình trên bảng được thẳng hàng, dễ dàng và đều đẹp hơn. Chiếc bảng đen là dụng cụ quan trọng nhất trong các bài giảng của cô giáo, nó giống như một chiếc tivi lớn chiếu cho cả lớp cùng xem, chính vì vậy nó được đặt trên khu vực chính giữa của bục giảng.

Nếu thiếu đi chiếc bảng đen, giáo viên chỉ nói chứ không viết thì việc giảng dạy và học tập đều không đạt được hiệu quả cao, bảng đen có vai trò rất quan trọng chính vì vậy trong quá trình học tập chúng ta phải bảo vệ và gìn giữ chiếc bảng này.

3. Tả chiếc bảng đen ở lớp em, mẫu số 3:

Lần đầu tiên em đặt chân bước vào một lớp học, đã có vô vàn thứ mới mẻ và lạ lẫm thu hút em, từ thầy cô, bạn bè và bàn ghế, những ô cửa sổ. Trong số đó em có ấn tượng nhất chính là chiếc bảng đen.

Bước vào lớp, em nhìn lên bục giảng, chiếc bảng đen được đặc cách vị trí ưu tiên vừa là trung tâm lại chiếm diện tích lớn nhất trên bục giảng, dù không có ý định nhìn bảng đen vẫn bị hình ảnh của nó va vào mắt. Cũng bởi nó quá “to xác”, tính từ chân lên đến đầu bảng phải cao đến 1,5 mét, còn từ bên trái sang bên phải chiếc bảng còn dài gấp đôi, phải gần 3 mét, lại thêm toàn thân là một màu đen tuyền khiến cho sự gây chú ý của nó càng tăng lên. Nhìn từ xa chiếc bảng đen chỉ đơn thuần là một màu đen nhưng khi đến gần và nhất là khi đứng trên bảng viết em mới nhận thấy trên mặt bảng có những dòng kẻ 5 li trên khắp bảng, những dòng kẻ này giúp cho việc viết chữ trên bảng được đều, đẹp và thẳng hàng, dễ dàng như viết trên một quyển vở ô li vậy, tránh việc viết chữ lên dốc xuống dốc, chữ to chữ bé. Đưa tay sờ vào mặt bảng, em cảm thấy rất mịn không một chút gồ ghề hay một vết lõm nhỏ, mặt bảng còn có một lớp từ bởi các cô giáo thường gắn tranh ảnh lên bảng bằng những chiếc nam châm, đặt tranh lên bảng rồi đặt bốn góc bốn chiếc nam châm là bức tranh đã được gắn chặt trên bảng.

Có thể nói, chiếc bảng đen chính là một người giáo viên phụ, truyền tải hết các kiến thức từ giáo viên cho học sinh, với ý nghĩa quan trọng đó, chiếc bảng luôn được các thế hệ học sinh yêu quý, gìn giữ cẩn thận.

————————-HẾT————————–

Bên cạnh bài Tả chiếc bảng đen ở lớp em, tại Thuthuat.TH Văn Thủy các em có thể tìm thêm rất nhiều bài văn mẫu tả đồ dùng học tập hay, đặc sắc như: Tả bộ bàn ghế em ngồi học ở lớp, Tả cái bút máy em đang dùng, Tả cái hộp bút của em, Tả chiếc thước kẻ của em.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button