Giáo Dục

Thuyết minh về vẻ đẹp của người chiến sĩ và người nghệ sĩ trong thơ Nguyễn Trãi

Đề bài: Thuyết minh về vẻ đẹp của người chiến sĩ và người nghệ sĩ trong thơ Nguyễn Trãi

thuyet minh ve ve dep cua nguoi chien si va nguoi nghe si trong tho nguyen trai

Thuyết minh về vẻ đẹp của người chiến sĩ và người nghệ sĩ trong thơ Nguyễn Trãi

I. Dàn ý Thuyết minh về vẻ đẹp của người chiến sĩ và người nghệ sĩ trong thơ Nguyễn Trãi

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả và vấn đề cần thuyết minh.

2. Thân bài:

a. Vẻ đẹp của người chiến sĩ:
– Lý tưởng của người anh hùng, vẻ đẹp của người chiến sĩ là sự hòa quyện giữa tư tưởng nhân nghĩa và tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc.
– Lý tưởng ấy lúc nào cũng cuồn cuộn, sôi nổi mãnh liệt trong nhiều bài thơ của Nguyễn Trãi:
+ Thuật hứng “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”,
+ Tự thán ta lại thấy được những phẩm chất, ý chí hiên ngang của một người anh hùng có sức chiến đấu mạnh mẽ với cặp câu “Vườn quỳnh dầu chim kêu hót/Cõi trần có trúc đứng ngăn”.
+ Tấm lòng yêu nước thương dân thể hiện trong mong ước đất nước được thái bình thịnh trị trong Cảnh ngày hè:”Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
– Vẻ đẹp của người anh hùng thể hiện thông qua cách Nguyễn Trãi hình dung, định nghĩa về người quân tử với những phẩm chất tốt đẹp.

b. Vẻ đẹp của một người nghệ sĩ, một con người trần thế:
– Trong thơ của mình tác giả đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu của con người, mạnh dạn thể hiện cả những nỗi đau cá nhân khi đứng trước nghịch cảnh éo le của đất nước.- Khi đứng trước nỗi đau của cá nhân “Bui một lòng người cực hiểm thay”, ông cũng thẳng thắn thể hiện khao khát về sự hoàn thiện nhân cách con người, ai ai cũng tốt đẹp và ước mơ về một xã hội thái bình thịnh trị giống như tích cũ của vua Nghiêu, vua Thuấn.
– Tình yêu thiên nhiên ta có thể thấy rất rõ điều đó trong các bài thơ Cảnh ngày hè, Côn Sơn ca, Tự thuật – bài 31, Ngôn chí – bài 8, 10 11, 20. Cảm xúc chính trong các bài thơ này là những cảm nhận nồng nàn, tinh tế về vẻ đẹp bình dị gần gũi của thiên nhiên, cùng với lối sống, chan hòa, gắn bó với thiên nhiên, mang đến một cảm giác thanh tao, cao khiết của người nghệ sĩ.
– Trong thơ Nguyễn Trãi còn có những tác phẩm nói về tình cảm giữa con người với con người:
+Tình quân – thần, tình phụ – tử: “Quân thân chưa báo lòng canh cánh/Tình phụ cơm trời áo cha” ­- Ngôn chí bài 7.
+ Tình bạn, lòng bạn: “Lòng bạn trăng vằng vặc cao” – Bảo kính cảnh giới bài 40, “Nọ nào biết được lòng tri kỷ/Vảng non tây nguyệt một vừng” – Bảo kính cảnh giới bài 34.
+ Tình yêu đôi lứa “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi/Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu” – Bảo kính cảnh giới bài 26, “Tình thư một bức phong còn kín/Gió nơi đâu, gượng mở xem” – Ba tiêu.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về vẻ đẹp của người chiến sĩ và người nghệ sĩ trong thơ Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc và tài hoa, người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, được xếp vào là một trong những bậc công thần lập ra triều đại nhà Lê Sơ. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa cử, quan tước, gia thế hiển hách, thế nhưng lại gặp đúng lúc đất nước có nhiều biến động, chính vì thế cuộc đời của ông từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc đã phải trải qua nhiều những biến cố và mất mát lớn, bi thảm nhất là thảm án Lệ Chi viên kết thúc một cuộc đời tài năng, lỗi lạc, hết lòng yêu nước thương dân. Bên cạnh lĩnh vực chính trị, quân sự, những đóng góp cho đất nước, cùng những câu chuyện bi kịch đời tư, thì Nguyễn Trãi vẫn được biết đến nhiều hơn cả ở tài văn chương của mình, đặc biệt là thơ ca của ông vẫn luôn được người đời sau tán tụng, khen ngợi khi chúng ẩn chứa những vẻ đẹp của một người chiến sĩ yêu nước và một người nghệ sĩ tài hoa.

Vua Lê Thánh Tông trong bài thơ Minh lương (Vua sáng tôi hiền) đã từng ca ngợi văn chương của Nguyễn Trãi rằng “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, dịch ra có nghĩa rằng “Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng”, tức ngụ ý để khen văn chương của Nguyễn Trãi thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp, lời hay, ý rộng soi sáng tâm hồn người đọc, chứ cốt không phải là để khen nhân cách của Nguyễn Trãi như nhiều người lầm tưởng. Nhận được lời khen vàng ngọc của bậc minh quân, cũng như những nhận định nghiên cứu thời nay về mảng thơ trữ tình của Nguyễn Trãi, ta thấy rất rõ rằng trong thơ ông luôn hiện diện rất rõ hai vẻ đẹp chính ấy là vẻ đẹp của người chiến sĩ yêu nước, thương dân và vẻ đẹp của một người nghệ sĩ tài hoa có tâm hồn phong phú. Sở dĩ có được một vẻ đẹp kết hợp độc đáo như thế, cốt là nằm ở chỗ Nguyễn Trãi so với những nhà thơ cùng thời trong quá khứ đã có nhiều những biến chuyển trong tư tưởng. Ông được xem là hiện tượng kết tinh cho văn học thời Lý – Trần đồng thời cũng mở đường cho một giai đoạn văn học mới, khi bắt đầu tự có ý thức bản thân là một nhà thơ dưới tư cách là một tác giả – nghệ sĩ, khác so với các văn nhân thời xưa chỉ giới hạn tư cách thơ văn của mình trong phạm vi một tác giả – nhà nho. Có nghĩa rằng Nguyễn Trãi sáng tác không chỉ đơn thuần là phục vụ cho tấm lòng chiến sĩ, lý tưởng anh hùng thời cuộc như nhiều những nhà thơ khác, mà thêm vào đó Nguyễn Trãi sáng tác còn lồng ghép thêm các yếu tố tình cảm cá nhân, bộc lộ được cái “tôi”, cái tâm hồn riêng của một người nghệ sĩ, với những xúc cảm mơi, sự rung động trước cảnh sắc thiên nhiên, trước những mối quan hệ thời cuộc. Và thơ ông có sự kết hợp giữa sức chiến đấu, khẳng định lòng yêu nước thương dân với lại vẻ đẹp tâm hồn, thú vui thường thức của một nghệ sĩ tài hoa. Có thể nói rằng thơ Nguyễn Trãi là sự kết hợp hài hòa giữa một người anh hùng vĩ đại và một con người trần thế.

Thứ nhất khi nói về vẻ đẹp của người chiến sĩ, người anh hùng vĩ đại trong thơ ca Nguyễn Trãi mà tiêu biểu là ở hai tập thơ Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập. Lý tưởng của người anh hùng, vẻ đẹp của người chiến sĩ là sự hòa quyện giữa tư tưởng nhân nghĩa và tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Bản thân Nguyễn Trãi trong thơ thường Tiên ưu niệm”, “tiên ưu chí” tức lo trước nỗi lo của thiên hạ, giống như quan niệm của nhiều nhà nho đương thời, tuy nhiên có một điểm khác biệt là ông không bao giờ nhắc đến “hậu lạc” tức là vui sau niềm vui của thiên hạ. Điều ấy chính tỏ một tấm lòng rộng lớn bao la, biết lo nghĩ cho nhân dân. Lý tưởng ấy lúc nào cũng cuồn cuộn, sôi nổi mãnh liệt trong nhiều bài thơ của Nguyễn Trãi ví như trong Thuật hứng “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”, hay trong Tự thán ta lại thấy được những phẩm chất, ý chí hiên ngang của một người anh hùng có sức chiến đấu mạnh mẽ với cặp câu “Vườn quỳnh dầu chim kêu hót/Cõi trần có trúc đứng ngăn”. Hoặc tấm lòng yêu nước thương dân thể hiện trong mong ước đất nước được thái bình thịnh trị trong Cảnh ngày hè “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Thêm vào đó vẻ đẹp của người anh hùng còn được thể hiện thông qua cách Nguyễn Trãi hình dung, định nghĩa về người quân tử với những phẩm chất tốt đẹp như dáng đứng cứng cỏi ngay thẳng của cây trúc, vẻ thanh tao, trong trắng của cây mai, sức sống khỏe khoắn của cây tùng. Đồng thời đó cũng chính là những vẻ đẹp đang ngự trị trong tâm hồn của Nguyễn Trãi, được thể hiện thông qua một số bài thơ lấy các loài cây tùng, trúc, mai làm chủ đề. Và càng đáng quý hơn Nguyễn Trãi không cốt đề cao, tán tụng vẻ đẹp ấy cho riêng bản thân mình mà theo quan niệm của ông nó là để phục vụ cho nhân dân cho đất nước, phục vụ cho lý tưởng cứu đời, trợ dân, thể hiện rất rõ trong bài Tùng với câu “Dành còn để trợ dân này”.

Bên cạnh vẻ đẹp của người chiến sĩ với lý tưởng giúp nước cứu đời đẹp đẽ, tư tưởng nhân nghĩa sâu sắc, thì hiện diện trong thơ Nguyễn Trãi còn là vẻ đẹp của một người nghệ sĩ, một con người trần thế, khi cái nghệ sĩ đã góp phần chi phối thơ ca, tạo nên những ấn tượng riêng trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi. Trong thơ của mình tác giả đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu của con người, mạnh dạn thể hiện cả những nỗi đau cá nhân khi đứng trước nghịch cảnh éo le của đất nước. của dân tộc “Phượng những tiếc cao diều hãy lượn/Hoa thường hay héo cỏ thường tươi” – Tự thuật. Khi đứng trước nỗi đau của cá nhân “Bui một lòng người cực hiểm thay”, ông cũng thẳng thắn thể hiện khao khát về sự hoàn thiện nhân cách con người, ai ai cũng tốt đẹp và ước mơ về một xã hội thái bình thịnh trị giống như tích cũ của vua Nghiêu, vua Thuấn. Con người trần thế, chất nghệ sĩ của Nguyễn Trãi càng bộc lộ rõ nét thông qua cách tác giả cảm nhận và dành tình cảm cho thiên nhiên, đất nước, con người và cuộc sống. Trước hết về tình yêu thiên nhiên ta có thể thấy rất rõ điều đó trong các bài thơ Cảnh ngày hè, Côn Sơn ca, Tự thuật – bài 31, Ngôn chí – bài 8, 10 11, 20. Cảm xúc chính trong các bài thơ này là những cảm nhận nồng nàn, tinh tế về vẻ đẹp bình dị gần gũi của thiên nhiên, cùng với lối sống, chan hòa, gắn bó với thiên nhiên, mang đến một cảm giác thanh tao, cao khiết của người nghệ sĩ.

Trong thơ Nguyễn Trãi còn có những tác phẩm nói về tình cảm giữa con người với con người ví như tình quân – thần, tình phụ – tử “Quân thân chưa báo lòng canh cánh/Tình phụ cơm trời áo cha” ­- Ngôn chí bài 7. Hoặc có những bài nói về tình bạn, lòng bạn như: “Lòng bạn trăng vằng vặc cao” – Bảo kính cảnh giới bài 40, “Nọ nào biết được lòng tri kỷ/Vảng non tây nguyệt một vừng” – Bảo kính cảnh giới bài 34. Hoặc cũng có những bài về tình yêu đôi lứa “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi/Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu” – Bảo kính cảnh giới bài 26, “Tình thư một bức phong còn kín/Gió nơi đâu, gượng mở xem” – Ba tiêu.

Có thể nói rằng sự xuất hiện của thiên tài văn học Nguyễn Trãi đã đem đến cho nền văn học trung đại Việt Nam những thành tựu mới, những nhận thức mới về văn chương, đặc biệt là tư tưởng chủ đạo trong thơ ca. Giờ đây người thi sĩ sáng tác thơ ca không chỉ gói gọn trong tư cách của một nhà Nho mà thêm vào đó họ có thể liên tục bộc lộ những cảm xúc cá nhân thông qua tư cách của một người nghệ sĩ, làm phong phú thêm cho tác phẩm của mình bằng cách đi vào khai thác những vẻ đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống đời thường, thiên nhiên, con người mà người đời còn chưa nhìn thấy. Nguyễn Trãi đã làm rất tốt điều này khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa tâm hồn chiến sĩ với lý tưởng cao đẹp và tâm hồn nghệ sĩ tài hoa trong các tác phẩm thơ của mình, để lại cho hậu thế một kho tàng văn chương đáng kinh ngạc và ngưỡng mộ.

Bài viết là những hiểu biết sơ lược về sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Trãi ở hai khía cạnh người chiến sĩ yêu nước và người nghệ sĩ tài hoa. Để tìm hiểu thêm các tác phẩm của nhà thơ mời các em tham khảo các bài viết Thuyết minh về nhà thơ Nguyễn Trãi, Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Phân tích bài thơ Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi, Phân tích tác phẩm Bình Ngô đại cáo.

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button