Đề bài: Phân tích phần cuối của bản Tuyên ngôn độc lập
Phân tích phần cuối của bản Tuyên ngôn độc lập
I. Dàn ý Phân tích phần cuối của bản Tuyên ngôn độc lập (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và phần cuối tác phẩm.
2. Thân bài
– Hồ Chủ tịch đưa ra lời tuyên ngôn mạnh mẽ về quyền được độc lập, được đứng lên làm chủ vận mệnh đất nước của dân tộc
=> Kết cấu trùng điệp, ngữ điệu dồn dập, xúc động và tâm huyết đã thể hiện khát khao cháy bỏng, mạnh mẽ.
– Thoát ly hoàn toàn khỏi ách thống trị của Pháp rằng “Bởi thế cho nên chúng tôi, …, xóa bỏ tất cả các đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
+ Khẳng định mạnh mẽ sự độc lập về chính trị của đất nước ta, cũng như bác bỏ hoàn toàn những mưu đồ chính trị phi lý và Pháp đã áp đặt lên đất nước ta suốt mấy mươi năm trời.
+ Mở ra cho nhân dân ta, Tổ quốc ta một tương lai mới, một con đường mới, độc lập tự cường.
– Đặt tên mới cho nước ta là “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, càng khẳng định mạnh mẽ thêm tinh thần tự cường, độc lập quyết tâm gây dựng một đất nước mới tươi đẹp và phát triển trong tương lai.
– Kết thúc bản tuyên ngôn Hồ Chủ tịch đã thay mặt nhân dân cả nước khẳng định lại một lần nữa nền độc lập tự do của dân tộc “Nước Việt Nam … giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
+ Khẳng định tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, đồng thời cũng là tấm lòng yêu chuộng hòa bình, trân quý nền tự do, độc lập.
+ Là lời cảnh cáo mạnh mẽ tới tất cả những kẻ đang có mưu đồ cướp nước, một lần nữa muốn đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của cha ông để vơ vét, tàn hại Tổ quốc ta.
+ Cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết chống giặc và chung tay xây dựng một đất nước vững mạnh sánh ngang cùng với các cường quốc năm châu, trên cơ sở nền tảng của một đất nước non trẻ, mới thành lập.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Phân tích phần cuối của bản Tuyên ngôn độc lập (Chuẩn)
Tuyên Ngôn độc lập là một tác phẩm có giá trị lịch sử và chính trị vô cùng to lớn, mở ra một kỷ nguyên mới trong vận mệnh của dân tộc, một kỷ nguyên độc lập, tự do, nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức trong tương lai. Tác phẩm thể hiện niềm tự hào, mong ước tha thiết về một đất nước hoàn toàn độc lập, cũng như sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam ta, sẵn sàng hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước.
Nói đến Hồ Chí Minh tức là đang nói đến một định nghĩa rộng rãi nhất của hai tiếng “con người”, Người đã phấn đấu nỗ lực và hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Ngay cả với sự nghiệp văn thơ của mình, Hồ Chí Minh cũng khéo léo xem đó là một vũ khí chiến đấu lợi hại, có sức mạnh to lớn để phục vụ cho sự nghiệp chính trị, quân sự cao cả của mình. Trong số vô vàn các tác phẩm của mình bao gồm cả thơ, văn chính luận, truyện ngắn, ký sự,… thì Tuyên ngôn độc lập được xem là tác phẩm để đời, kinh điển không chỉ có giá trị về mặt văn học và hơn hết chính là những giá trị lịch sử, chính trị sâu sắc, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong vận mệnh của dân tộc Việt Nam ta. Đặc biệt ở phần kết của tác phẩm lời tuyên ngôn sắc bén, mạnh mẽ đã khẳng định một nền độc lập mới hoàn toàn của nước Việt Nam ta sau hơn 80 năm giời nô lệ, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập và tràn đầy hy vọng cho dân tộc.
Sau khi đã nêu ra được cơ sở pháp lý đậm tính nhân văn là chân lý của thời đại, thông qua việc dẫn chứng từ hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, cùng với cơ sở thực tiễn, vạch trần bộ mặt xảo trá và tàn độc của thực dân Pháp trên đất nước ta, khẳng định quá trình nhân dân ta đứng lên đấu tranh để giành lại quyền tự chủ từ tay Nhật, chứ không phải Pháp. Điều đó đã đủ cơ sở, đủ căn cứ để Hồ Chủ tịch đưa ra lời tuyên ngôn mạnh mẽ về quyền được độc lập, được đứng lên làm chủ vận mệnh đất nước của dân tộc. Rằng “Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc ấy phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Từng câu từng chữ, từng lời với kết cấu trùng điệp, ngữ điệu dồn dập, xúc động và tâm huyết đã thể hiện khát khao cháy bỏng, mạnh mẽ về một mong ước lớn lao mà cả đời Người theo đuổi ấy là mang lại cho dân tộc một nền tự do, độc lập. Thêm vào đó có thể nhận thấy một điểm chung của phần kết tác phẩm ấy chính là lời lẽ hùng hồn, xúc tích thể hiện sự tự tin, hùng cường, của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng anh hùng, gan góc, dám đương đầu với thực dân, phát xít, quyết giữ lấy từng tấc đất mà cha ông mấy ngàn năm gìn giữ, gây dựng. Bên cạnh việc khẳng định nền độc lập, tự do mà Bác hàng tâm huyết bấy lâu, bản tuyên ngôn còn nhấn mạnh và đặc biệt lưu ý những điểm sáng rất quan trọng trong việc thoát ly hoàn toàn khỏi ách thống trị của Pháp rằng “Bởi thế cho nên chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân tộc Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết hiệp ước mà Pháp đã ký về Việt Nam, xóa bỏ tất cả các đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Lời tuyên bố đã khẳng định mạnh mẽ sự độc lập về chính trị của đất nước ta, cũng như bác bỏ hoàn toàn những mưu đồ chính trị phi lý và Pháp đã áp đặt lên đất nước ta suốt mấy mươi năm trời, mở ra cho nhân dân ta, Tổ quốc ta một tương lai mới, một con đường mới, độc lập tự cường, thoát khỏi cái luận điệu “bảo hộ”, “khai sáng” xảo trá mà bọn thực dân đã vạch ra để lừa bịp nhân dân và dư luận thế giới. Dẫu biết rằng, việc tự khẳng định độc lập và yêu cầu thế giới công nhận sự độc lập của một quốc gia bé nhỏ là điều vô cùng khó khăn, tuy nhiên với ngòi bút sắc bén và hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, không chỉ nêu ra chân lý thời đại mà còn vạch trần được sự gian ác, xảo trá của đế quốc, cũng như những nỗ lực đấu tranh mạnh mẽ kéo dài trong suốt gần một thế kỷ với biết bao xương máu của nhân dân ta, thì lời khẳng định tuyên bố này lại trở nên hết sức hợp lý và thuyết phục, dễ dàng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các dân tộc anh em trên thế giới. Bên cạnh đó một đất nước “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, cũng cần có một khởi đầu mới bắt nguồn từ cái tên mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong phần kết của tác phẩm là “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, càng khẳng định mạnh mẽ thêm tinh thần tự cường, độc lập quyết tâm gây dựng một đất nước mới tươi đẹp và phát triển trong tương lai.
Kết thúc bản tuyên ngôn Hồ Chủ tịch đã thay mặt nhân dân cả nước khẳng định lại một lần nữa nền độc lập tự do của dân tộc, cũng như những quyết tâm bảo vệ, giữ gìn nền độc lập quý giá ấy bằng mọi giá “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Khẳng định tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, đồng thời cũng là tấm lòng yêu chuộng hòa bình, trân quý nền tự do, độc lập đã giành về bằng xương máu của cha ông. Lời tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là lời chung của toàn thể dân tộc Việt Nam vào thời điểm ấy, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, mà còn là lời cảnh cáo mạnh mẽ tới tất cả những kẻ đang có mưu đồ cướp nước, một lần nữa muốn đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của cha ông để vơ vét, tàn hại Tổ quốc ta. Đồng thời đây cũng là những lời tâm huyết cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết chống giặc và chung tay xây dựng một đất nước vững mạnh sánh ngang cùng với các cường quốc năm châu, trên cơ sở nền tảng của một đất nước non trẻ, mới thành lập.
Tuyên Ngôn độc lập là một tác phẩm có giá trị lịch sử và chính trị vô cùng to lớn, mở ra một kỷ nguyên mới trong vận mệnh của dân tộc, một kỷ nguyên độc lập, tự do, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức trong tương lai. Khẳng định niềm tự hào, mong ước tha thiết về một đất nước hoàn toàn độc lập, cũng như sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam ta, sẵn sàng hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước.
——————————HẾT—————————–
Trên đây chúng tôi đã cùng các em tìm hiểu và phân tích về nội dung chính của phần kết bản Tuyên Ngôn độc lập, để có vốn kiến thức vững chắc về tác phẩm, mời các em tham khảo thêm một số bài viết Phân tích bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chứng minh tính chính luận mẫu mực trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, Sức hấp dẫn và thuyết phục trong bản Tuyên ngôn độc lập, Giá trị lịch sử và chất chính luận trong Tuyên ngôn độc lập.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)