Đề bài: Phân tích nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt của Nam Cao
Phân tích nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt của Nam Cao
I. Dàn ý Phân tích nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt của Nam Cao (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu Nam Cao và tác phẩm Đôi mắt.
– Giới thiệu nhân vật Hoàng.
2. Thân bài
a. Ý nghĩa nhan đề:
– Khái quát nên tư tưởng chủ đạo của cả truyện ngắn, đó là cách nhìn nhận cuộc sống của mỗi con người.
b. Lối sống và tính cách của Hoàng trước cách mạng:
– Gia đình Hoàng vốn giàu có và sống một cuộc đời rất phong lưu, sung túc.
– Hoàng dưỡng cho mình những sở thích có vẻ tao nhã và xã xỉ:
+ Đọc tiểu thuyết Trung Quốc, toàn chọn những bộ truyện kinh điển thâm sâu khó lường ví như Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc hay Thủy Hử,…
+ Thích nuôi chó, là giống chó Đức, bệ vệ và dữ dằn cũng gần y như chủ của nó.
– Không phải là một tay vừa hắn cũng là một tay “chợ đen” có mánh lới.
– Hoàng là một tay rất hay “đá” bạn, anh ta làm vậy chỉ bởi con quỷ ích kỷ trong người không cho phép bất kỳ một kẻ nào có tài văn chương vượt mặt anh ta, hoặc là có mối quan hệ tốt đẹp với những người ghét anh ta.
– Cứng đầu và bảo thủ mặc định cho mình cái quyền được “bỏ rơi” người khác, chứ chẳng đời nào tin là họ đang rời bỏ và xa lánh ông.
=> Hoàng trở thành kẻ bị cả giới văn sĩ Hà Nội khinh ghét.
c. Lối sống và tính cách Hoàng sau cách mạng, khi đã sơ tản về nông thôn:
– Tự nhận là mình “theo kháng chiến”, nhưng thực tế rằng đó là một cuộc chạy loạn, sơ tán của Hoàng về miền quê để trốn khỏi bom đạn.
– Nói bản thân theo cách mạng, ủng hộ cách mạng, nhưng hình như văn sĩ Hoàng vẫn ôm khư khư lấy cái lòng ghen tị và ấm ức của mình:
+ Làm ra một hành động thật đáng khinh ghét, thậm chí là đê tiện, chửi những đồng nghiệp của mình, những người vốn hiền lành, trước nay chưa từng giao du động chạm gì với anh, chỉ vì họ có tên và được tuyên dương trên tờ báo giải phóng quốc gia.
+ “hằn học gi mỉa họ là những nhà văn vô sản và cho họ là một bọn khố rách áo ôm đã đến ngày mả phát, ăn mặc và tẩm bổ hết cả phần thiên hạ”.
=> Hoàng chẳng hề thay đổi gì cả, vẫn là con người cũ, đố kỵ và hèn mọn.
– Hoàng vẫn giữ cho mình lối sống phong lưu, nhàn nhã, anh lại nuôi một con chó dữ khác, vẫn thích đọc tiểu thuyết. Đó là một lối sống lành mạnh, nhưng có lẽ trong cái thời cả nước chung tay kháng chiến thì nó thực là lạc lõng và xa lạ.
– Mời Độ đến nhà chơi chỉ vì muốn tìm một người có vẻ hiền lành và có thể thể hiểu được những gì anh ta đang phải chịu đựng.
+ Hoàng thật ích kỷ, đã từng lạnh nhạt với bạn, nay đến lúc bức bối lại dễ dàng gọi người ta đến chỉ để nghe mình kể khổ, kể những điều chán ghét mà chẳng bao giờ thèm quan tâm xem bạn có muốn nghe không, hay có cái nhìn như thế nào.
+ Kém nhạy cảm trước tâm tình của người khác.
– Trong cách nói của Hoàng về người dân quê, anh đã tỏ ra một ý rất gay gắt, rất miệt thị, anh dùng cái nhìn của một kẻ tự phụ, cho mình là học nhiều, lắm chữ, để phán xét và khinh bạc họ như những người thuộc tầng lớp trên thượng đẳng.
+ Anh cho rằng những người dân quê chỉ biết tiết kiệm, dè xẻn lại tọc mạch và lắm chuyện nhiêu khê, mặc định gán cho họ cái tội “đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện.
+ Với những người nông dân theo cách mạng anh cũng chẳng tỏ được thái độ tôn trọng, vui vẻ mà một người “theo kháng chiến” nên có, trong miệng anh họ toàn là “thằng chủ tịch”, “ông ủy ban”, “bố tự vệ”, “các ông thanh niên”, “các bà phụ nữ”,…
+ Cho rằng những người nông dân làm cách mạng lắm lối hạch sánh, nhiều giấy tờ, thủ tục, thích tuyên truyền, ngố tàu, dốt nát,…
=> Hoàng không chịu hiểu và cũng không muốn hiểu căn nguyên cho những việc ấy, sự ích kỷ, thiếu nhân ái, thậm chí thiếu hiểu biết của Hoàng đã khiến Hoàng có cái nhìn thật gay gắt và phiến diện về người nông dân làm cách mạng.
– Và khi không hòa nhập được với xã hội, anh lựa chọn cách sống khép mình, bế quan tỏa cảng với bà vợ chỉ biết hùa theo chồng, và chơi với mấy kẻ trưởng giả hết thời ưa tổ tôm.
– Hoàng lãnh đạm và thơ ơ với cách mạng, chấp nhận làm kẻ “phản động”, không chịu làm bất cứ điều gì cho kháng chiến.
– Đối với cụ Hồ, Hoàng lại có một thái độ sùng bái quá mức, khiến anh mất lòng tin vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của giai cấp vô sản công nhân, nông dân.
– Hoàng chỉ sống theo ý thích của mình, chẳng thèm quan tâm xem ông bạn của mình là Độ có ý muốn nghe tiếp câu chuyện, có ưng chơi tổ tôm hay có thích mớ tiểu thuyết Trung Quốc của ông hay không, mà chỉ một mực dẫn bạn đi. Ông cũng chẳng thèm tiếp thu ý kiến của Độ về những người nông dân làm kháng chiến.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt của Nam Cao (Chuẩn)
Nam Cao cùng với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Kim Lân, Tô Hoài đều là những cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại nước ta cả trước và sau cách mạng tháng Tám. Nếu như trước cách mạng người ta dễ dàng bắt gặp giọng văn đầy lạnh lùng, đau đớn và bế tắc của Nam Cao thông qua bi kịch của anh canh điền Chí Phèo bị tha hóa, hay bi kịch trái lương tâm của văn sĩ Hộ, và điểm chung là các nhân vật hầu như đều không tìm được lối thoát cho riêng mình. Bởi chính bản thân tác giả cũng đứng trong tình cảnh thấy hiện thực xã hội tàn khốc nhưng không thể và không biết phải thay đổi chúng như thế nào. Thì đến sau cách mạng tháng 8 thành công, người ta đã nhận rõ được sự đổi thay trong ngòi bút của Nam Cao, không còn lạnh lùng, không còn gay gắt đớn đau, mà thay vào đó là một chất văn chương ấm áp, bình thản và ẩn chứa nhiều suy tư triết lý với những vấn đề của xã hội. Đôi mắt chính là một trong những tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất biểu thị sự biến chuyển trong tư tưởng của nhà văn Nam Cao. Thông qua cách xây dựng hai nhân vật trái ngược nhau là văn sĩ Hoàng và văn sĩ Độ, tác giả đã cho người đọc những bài học, những triết lý sâu sắc về cách nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt là nhân vật văn sĩ Hoàng đã để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm, nhân vật này được xây dựng cách đây 60 năm thế nhưng cho đến ngày hôm nay nó vẫn còn xuất hiện rất nhiều trong xã hội hiện đại, và thậm chí ở bất kỳ một xã hội nào người ta cũng có thể gặp kiểu nhân vật như thế.
Với nhan đề “Đôi mắt”, tác giả cũng đã đủ khái quát nên tư tưởng chủ đạo của cả truyện ngắn, đó là cách nhìn nhận cuộc sống của mỗi con người, đôi mắt là một hình tượng biểu trưng, thực tế rằng đôi mắt chỉ có chức năng thu thập hình ảnh truyền về cho đại não, và đại não sẽ xử lý nó theo cách mà nó muốn. Đồng thời bản thân lý trí và nhận thức của con người cũng điều khiển để khiến đôi mắt chỉ trông thấy những gì mà chúng ta muốn thấy, còn những thứ khác dẫu có bày ngay ra trước mặt mà bản thân con người từ chối hiểu thì cũng vĩnh viễn chỉ là vô hình. Như vậy rõ ràng “đôi mắt” là một hình tượng ẩn dụ về cách nhìn nhận vấn đề, mỗi con người có một đôi mắt tức là có cách nhìn nhận, thấu hiểu vấn đề khác nhau và dĩ nhiên rằng nó cũng đem đến nhiều những khía cạnh khác nhau, tạo thành một tổng thể xã hội có sự đa dạng không chỉ về sinh học mà còn là về tư tưởng.
Nhân vật Hoàng là nhân vật trung tâm của tác phẩm, được xây dựng trên góc nhìn của tác giả và văn sĩ Độ. Thực tế rằng nếu đọc tác phẩm, người ta sẽ chẳng thể ưa nổi một kẻ nói nhiều, thích chê bai và kệch cỡm như thế, nhưng ở một góc độ nào đó có lẽ những suy nghĩ của Hoàng lại cũng có lý. Căn bản mọi chuyện đều xuất phát từ cách sống và môi trường sống của nhân vật này. Trước hết dạo sơ về ngoại hình của Hoàng, “bước khệnh khạng, thong thả, bởi vì người khí béo quá, vừa bước vừa bơi hai cánh tay kềnh khệnh ra hai bên, những khối thịt ở bên dưới nách kềnh ra và trông tủn ngủn như ngắn quá”. Đó là dáng vẻ của một con người nhàn nhã, sung sướng, lại cũng có vài phần khí chất của kẻ sang trọng, vốn trước nay chỉ sống sung sướng và nhìn đời bằng nửa con mắt. Kể ra cũng đúng bởi trước cách mạng tháng tám, gia đình Hoàng vốn giàu có và sống một cuộc đời rất phong lưu, sung túc. Hoàng dưỡng cho mình những sở thích có vẻ tao nhã và xã xỉ, khác hẳn với những ông nhà văn cùng thời, nào là đọc tiểu thuyết Trung Quốc, toàn chọn những bộ truyện kinh điển thâm sâu khó lường ví như Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc hay Thủy Hử,… Trong ấy có cơ man nào là các vị anh hùng, bao nhiêu là những sự kiện mà ngẫm mãi người ta mới thấy sao nó hay và ghê gớm thế, và Hoàng lại đặc biệt ngưỡng mộ, yêu thích nhân vật Tào Tháo, một kẻ được coi là “gian hùng” mà xưa nay người ta vẫn thường tranh cãi trong biết bao nhiêu cuôc luận. Không chỉ đọc sách Hoàng cũng thích nuôi chó, là giống chó Đức, bệ vệ và dữ dằn cũng gần y như chủ của nó. Hoàng yêu động vật, phải không? Điều đó thì không ai biết, người ta chỉ biết rằng con chó ấy ngay cả giữa “cái hồi đói khủng khiếp mà có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình”, nó cũng chẳng bị bỏ đói bữa nào, nó vẫn chén thịt bò no nê. Thế mà nó lại chết về ăn phải miếng thịt người ươn hoặc chăng là hít phải khí tử thi nhiều quá, tội nghiệp. Nhưng để được cái sung túc, ấm no giữa cái thời mà người chết như ngả rạ, xác chồng chất đầy đồng không ai chôn ấy, thì Hoàng cũng không phải là một tay vừa, cái việc viết văn, viết báo thời ấy chắc chẳng kiếm được mấy xu, vì người ta còn lo kiếm ăn chứ ai hơi đâu mà đọc văn với chả chương. Có chăng Hoàng vẫn phong lưu là bởi ngoài là một văn sĩ thanh tao, hắn cũng là một tay “chợ đen” có mánh lới. Nhưng có vẻ ở trong giới nhà văn chẳng có mấy người ưa gì Hoàng, ngoại trừ văn sĩ Độ vẫn còn băn khoăn tại sao người ta lại ghét Hoàng đến thế, mà vẫn lui tới hỏi thăm, nhưng cho đến khi bị Hoàng lạnh nhạt, anh mới vỡ ra biết bao sự thật trong lòng. Hoàng là một tay rất hay “đá” bạn, anh ta làm vậy chỉ bởi con quỷ ích kỷ trong người không cho phép bất kỳ một kẻ nào có tài văn chương vượt mặt anh ta, hoặc là có mối quan hệ tốt đẹp với những người ghét anh ta. Và thế là Hoàng chẳng còn chơi thân được với ai nữa, bởi rõ ràng cả cái giới văn sĩ Hà Nội này ghét anh ta nhiều vô kể. Thú thực bị một hai người ghét thì chẳng sao, thế nhưng bị cả một cộng đồng yêu văn ghét thì hẳn là Hoàng đã sống không phải với nhiều người lắm. Người ta ghét bởi lòng ích kỷ, hẹp hòi, sự xấu xa trong tâm tính của Hoàng chứ chẳng phải vì ghen tị với cảnh phong lưu sung túc của anh. Thế nhưng Hoàng là một kẻ có vẻ cứng đầu và bảo thủ, bởi lẽ thực tế cuộc sống của ông ta tốt hơn nhiều so với đám văn sĩ kia, không có họ ông vẫn sống tốt và bản thân ông cũng mặc định cho mình cái quyền được “bỏ rơi” người khác, chứ chẳng đời nào tin là họ đang rời bỏ và xa lánh ông.
Kháng chiến bùng nổ, hầu hết văn sĩ cùng thời đầu đi theo làm cách mạng, Hoàng cũng không cho phép mình được thua kém cũng vơ lấy cái mác “theo kháng chiến”, nhưng thực tế rằng, Hà Nội tổng khởi nghĩa, toàn dân sơ tán, thế nên Hoàng cũng buộc phải rời bỏ nơi phố thị đèn hoa chạy về miền quê ngoại ô, để tránh khỏi cái ác liệt của bom đạn, thứ có thể tước đoạt mạng sống của anh bất cứ lúc nào. Nói bản thân theo cách mạng, ủng hộ cách mạng, nhưng hình như văn sĩ Hoàng vẫn ôm khư khư lấy cái lòng ghen tị và ấm ức của mình vì tài năng hạn hẹp, vì chẳng có công lao để được lên báo tuyên dương. Thế nên anh đã làm ra một hành động thật đáng khinh ghét, thậm chí là đê tiện, chửi những đồng nghiệp của mình, những người vốn hiền lành, trước nay chưa từng giao du động chạm gì với anh, chỉ vì họ có tên và được tuyên dương trên tờ báo giải phóng quốc gia. Thậm chí “hằn học gi mỉa họ là những nhà văn vô sản và cho họ là một bọn khố rách áo ôm đã đến ngày mả phát, ăn mặc và tẩm bổ hết cả phần thiên hạ”. Đấy chính là cái lòng “theo kháng chiến” của một kẻ ích kỷ và đáng khinh. Mà theo lời của văn sĩ Độ, Hoàng chẳng hề thay đổi gì cả, vẫn là con người cũ, đố kỵ và hèn mọn.
Cho đến khi chạy loạn về miền nông thôn, Hoàng vẫn giữ cho mình lối sống phong lưu, nhàn nhã, anh lại nuôi một con chó dữ khác, vẫn thích đọc tiểu thuyết và nơi anh sống quả thực lý tưởng và tao nhã, nhà cửa sạch sẽ, có sân vườn hoa cỏ, còn gì thú hơn cho một văn sĩ nữa. Đó là một lối sống lành mạnh, nhưng có lẽ trong cái thời cả nước chung tay kháng chiến thì nó thực là lạc lõng và xa lạ, Hoàng tự nhận bản thân theo kháng chiến, thế nhưng tất cả những gì anh làm ấy là múa bút chửi những kẻ hơn mình và sống hưởng thụ, thờ ơ với cách mạng. Có vẻ cái đẹp của cảnh vật hay sự đổi mới của đất nước vĩnh viễn chẳng thể làm đổi khác tầm nhìn và nhận thức của Hoàng về cuộc đời. Lý do gì mà Hoàng lại xởi lởi viết thư mời Độ đến nhà chơi, đọc mãi đến cuối tác phẩm người ta cũng vỡ lẽ ra rằng, thực tế Hoàng ở nơi thôn dã không thể hòa nhập được với mọi người. Anh ta uất ức, khó chịu và anh ta muốn tìm một người có vẻ hiền lành và có thể thể hiểu được những gì anh ta sắp trình bày tới đây. Độ chính là người như thế. Ngẫm Hoàng thật ích kỷ, đã từng lạnh nhạt với bạn, nay đến lúc bức bối lại dễ dàng gọi người ta đến chỉ để nghe mình kể khổ, kể những điều chán ghét mà chẳng bao giờ thèm quan tâm xem bạn có muốn nghe không, hay có cái nhìn như thế nào. Rõ là kệch cỡm, khi suốt cả buổi chơi người ta chỉ thấy Hoàng nói còn Độ thì đáp lại một cách lạnh nhạt, thú thực đôi lúc độc giả vẫn tự hỏi, sao một nhà văn lại kém nhạy cảm trước tâm tình của người khác như thế, thảo nào ông ta chẳng có tác phẩm nào đáng được hoan nghênh. Cái thời buổi người ta gắng hòa nhập và cuộc sống để tìm tòi cái đẹp, thì ông này lại tự khép lòng mình lại, sống đúng trong cái tầm nhìn và tâm hồn đúng bằng một nắm tay.
Trong cách nói của Hoàng về người dân quê, anh đã tỏ ra một ý rất gay gắt, rất miệt thị, anh dùng cái nhìn của một kẻ tự phụ, cho mình là học nhiều, lắm chữ, để phán xét và khinh bạc họ như những người thuộc tầng lớp trên thượng đẳng. Anh cho rằng những người dân quê chỉ biết tiết kiệm, dè xẻn lại tọc mạch và lắm chuyện nhiêu khê, mặc định gán cho họ cái tội “đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện”, trong khi thực tế anh chưa một ngày nào chịu mở lòng tử tế để tìm hiểu về họ. Với những người nông dân theo cách mạng anh cũng chẳng tỏ được thái độ tôn trọng, vui vẻ mà một người “theo kháng chiến” nên có, không biết anh ganh ghét vì họ ít học nhưng làm chức vụ cao, hay là anh khinh rẻ vì họ dốt nát mà trong miệng anh họ toàn là “thằng chủ tịch”, “ông ủy ban”, “bố tự vệ”, “các ông thanh niên”, “các bà phụ nữ”,… Nghe ý tứ chẳng mấy tốt đẹp gì cho cam. Với sự trúc trắc và nhiều bước giấy tờ trong kiểm tra, Hoàng đã mặc định đó là một sự phiền toái, một sự ngố tàu, kỳ quặc và dốt nát của đám ít chữ thích nói chuyện chính trị. Thế nhưng anh chẳng bao giờ chịu hiểu rằng, đất nước mới thắng lợi, nhà nước còn non yếu, phàm làm chuyện gì cũng phải cẩn thận và chặt chẽ, không thì cái nền hòa bình vừa giành lại được sau mấy mươi năm tranh đấu sẽ dễ dàng trở thành bong bóng xà phòng ngay, chứ nào được ngon nghẻ để cho anh có cớ mà chê trách như bây giờ. Hoàng không chịu hiểu và cũng không muốn hiểu căn nguyên cho những việc ấy, sự ích kỷ, thiếu nhân ái, thậm chí thiếu hiểu biết của Hoàng đã khiến Hoàng có cái nhìn thật gay gắt và phiến diện về người nông dân làm cách mạng. Xét trong một khía cạnh nào đó, rõ ràng là Hoàng đang ghen tỵ, đang tức tối vì bản thân anh chẳng được làm “thằng chủ tịch”, “ông ủy ban”, chẳng có một vai trò gì đáng kể ngoài cái sự chạy loạn lấy tiếng “theo kháng chiến” của mình, thế nên anh buộc phải che giấu nó bằng việc chỉ trích, khinh bỉ, “nhìn người, nhìn đời từ một phía”. Và khi không hòa nhập được với xã hội, anh lựa chọn cách sống khép mình, bế quan tỏa cảng với bà vợ chỉ biết hùa theo chồng, và chơi với mấy kẻ trưởng giả hết thời ưa tổ tôm như “một ông tuần phu về hưu, một ông đốc học bị thải hồi vì một vụ hiếp học trò, một cụ phán già trước đây chuyên môn sống về nghề lo kiện”. Rõ ràng Hoàng chơi với họ nhưng cũng lại chẳng ưa gì họ, Hoàng sống một lối sống lật lọng và kỳ quặc đến thế. Không chỉ vậy, Hoàng lãnh đạm và thơ ơ với cách mạng, anh không thích làm cách mạng với những kẻ anh cho là cặn bã, dốt nát, ít chữ, lắm giáo điều, thích tuyên truyền, thế nên anh chấp nhận làm kẻ “phản động”, không chịu làm bất cứ điều gì cho kháng chiến. Đối với cụ Hồ, Hoàng lại có một thái độ sùng bái quá mức, dẫu rằng quả thực Hồ Chí Minh đúng là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, chỉ có điều cái sự thần tượng kinh người ấy của Hoàng khiến anh mất lòng tin vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của giai cấp vô sản công nhân, nông dân, của những con người ít chữ, cùng khổ, trong khi đó chính họ là người đã làm nên chiến thắng cho đất nước. Có thể thấy rằng bản thân Hoàng chỉ nhìn đúng một hướng, đúng một sự việc, thậm chí chưa bao giờ có ý định suy nghĩ lại về vấn đề mình tâm đắc. Sự cố chấp và bảo thủ của anh nó quá đáng đến mức anh chỉ sùng bái một hình tượng Hồ Chí Minh vĩ đại, kiến thức uyên thâm, người lãnh đạo cách mạng, nhưng chưa từng tìm hiểu tư tưởng của người, tuyên ngôn của Người, ý chí của Người, thành thử anh mới có những phát ngôn phiến diện về giai cấp nông dân như thế. Hoàng chỉ sống theo ý thích của mình, chẳng thèm quan tâm xem ông bạn của mình là Độ có ý muốn nghe tiếp câu chuyện, có ưng chơi tổ tôm hay có thích mớ tiểu thuyết Trung Quốc của ông hay không, mà chỉ một mực dẫn bạn đi. Ông cũng chẳng thèm tiếp thu ý kiến của Độ về những người nông dân làm kháng chiến. Có lẽ rằng việc ham thú những cái cao xa thần kỳ, uy vũ như trong các tiểu thuyết kinh điển đã làm Hoàng mất đi cái nhận thức thật sự về cuộc đời, mất hẳn cái sự thích nghi vốn có ở động vật từ hình thái sinh học đến ý thức. Cách mạng là đổi mới, nhưng Hoàng vẫn cũ như cái thời trước Cách mạng.
Thông qua truyện ngắn Đôi mắt người ta không chỉ nhận thấy được hiện trạng nông thôn Việt Nam sau cách mạng, mà còn thấy được một bộ phận những con người cổ hủ, lạc hậu luôn sống với những định kiến, với lòng ích kỷ cá nhân, từ chối hòa nhập vào xã hội mới. Điều gì đã khiến họ bất mãn, khiến họ sống tách biệt và vẫn mãi bế tắc trong tư tưởng của mình như vậy, trong khi đất nước đã độc lập, đời sống nhân dân ngày một đổi mới? Đó chỉ có thể là do cách nhìn nhận cuộc sống và sự thích nghi của mỗi cá nhân, nếu sống mà chỉ nhìn một cách phiến diện bằng đôi mắt bực tức, vị kỷ, thì làm gì thấy được hạnh phúc, thấy được cuộc đời tươi sáng đang mở ra. Tác phẩm của Nam Cao không chỉ mở ra một triết lý mới “thức tỉnh” nhiều văn nghệ sĩ cùng thời mà còn là một bài học sâu sắc, đáng chiêm nghiệm cho nhiều thế hệ con người mai sau, về cách nhìn nhận cuộc sống.
———————HẾT———————–
Đôi mắt là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nam Cao viết sau cách mạng tháng Tám, bên cạnh đó, để thấy được tài năng và 2 nguồn đề tài chính trong sáng tác của Nam Cao, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, Phân tích nhân vật Chí Phèo, Hãy phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên, Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)