Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích Trao duyên
Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích Trao duyên
1.Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích Trao duyên,mẫu số 1:
Đại thi hào Nguyễn Du – một nhà thơ lớn của dân tộc ta, ông đã để lại cho đời nhiều kiệt tác xuất sắc. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến “Truyện Kiều” hay còn có tên là ” Đoạn trường tân thanh”. Tác phẩm đã có những đóng góp rất lớn cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đến với đoạn trích ” Trao duyên”, ta thấy được diễn biến tâm trạng đầy nội tâm của Kiều trước khi phải gả mình cho người khác để tỏ chữ hiếu.
Tám câu thơ đầu, Thúy Kiều có lời nói với em về nỗi bất hạnh của nàng.Vì gia đình cũng như chữ hiếu cứu cha, nàng phải phụ tình chàng Kim để ra đi nhưng nàng cũng không thể từ bỏ được tình yêu ấy. Nàng không thể nào quên đi tình yêu tốt đẹp giữa hai người. Thúy Kiều nói từng câu đau đứt ruột với Vân:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Trong lễ nghi thời xưa, chỉ có người dưới lạy người trên, phải xin thưa lễ phép rõ ràng. Nhưng ngay từ lời nói đầu tiên, Kiều đã đảo lộn trật tự lễ nghi đó bằng việc mời Vân ngồi lên và nàng xin thưa chuyện. Kiều đã hạ mình xuống thấp dưới em bởi Kiều sẽ là người chịu ơn Vân. Kiều nói “Cậy em” chứ không phải “nhờ em” chữ ” cậy” đó để thấy rằng nàng tin tưởng em mình tuyệt đối và một phần đẩy Vân vào thế không thể chối từ. Sau đó, Kiều nói đến mối tình dang dở của mình với chàng Kim:
” Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”
Nàng nói đến lí do vì sao mối tình của mình phải chấm dứt chính vì gia đình gặp chuyện nên ” giữa đường đứt gánh”. Giờ đây, tình yêu của hai người đã đứt gánh không thể chắp nối lại được. Kiều chỉ còn cách trao duyên lại cho em để trả nghĩa cho Kim Trọng. Từ “mặc em” là Thúy Kiều phó mặc cho em quyết định nhưng nàng cũng rất thông minh khi khiến Vân phải suy nghĩ lại.
Sau khi Kiều hồi tưởng về mối tình đẹp của nàng với chàng Kim, Kiều đã có những lời lẽ thuyết phục Vân:
” Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non”
Thúy Kiều cho rằng, ngày xuân cuộc đời em vẫn còn dài để có thể trả nghĩa và chung sống với chàng Kim thay chị. Còn Kiều đã nghĩ đến điều không may mắn của mình. Nàng cho rằng, khi nàng bán mình chuộc cha thì cuộc đời nàng từ đây cũng chấm dứt. Nàng mong Vân hãy xót tình máu mủ, tình chị em mà bằng lòng. Nàng đã tưởng tượng đến cái chết để mong được sự thương cảm ở Thúy Vân và khẳng định ước nguyện cuối cùng của mình chỉ là trả nghĩa cho chàng Kim. Kiều đã mang tâm trạng đau đớn, xót xa khi trao duyên lại cho em.
Bài vănPhân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích Trao duyên
Sau đó, Kiều trao lại những kỉ vật tình yêu giữa nàng và Kim Trọng cho em đó là: Chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền. Kiều trao lại nhưng cũng là để ngắm lại những kỉ vật minh chứng cho tình yêu trong sáng giữa hai người. Kiều đã có lời dặn với em:
” Duyên này thì giữ vật này của chung”
“Duyên này” chính là mối nhân duyên giữa Kiều và Kim nhưng “vật này của chung” chính là giờ đây những món vật này còn là của Vân. Tâm trạng của Kiều đầy mâu thuẫn khi trước đó nàng nài em đồng ý nhưng khi trao những kỉ vật thì nàng cũng đau lòng, xót xa, nuối tiếc. Nàng bắt đầu nghĩ đến cái chết “xót người mệnh bạc”, “mất người”. Nàng bắt đầu nghĩ đến cái chết:
” Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy soi tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”
Những câu thơ cho thấy sự tưởng tượng của Kiều về tương lai vô vọng, tuyệt vọng. Nàng nghĩ đến cái chết và mong em nhớ đến mình. Dứt tình với Kim Trọng, Kiều như chết đi một phần, tương lai mù mịt của nàng phía trước khiến nàng ngày càng buồn bã hơn.
Tám câu thơ cuối, Kiều gửi đến lời mình đến chàng Kim. Nàng nói đến thực tại bây giờ “trâm gãy gương tan” đó là sự tan vỡ của tình yêu giữa hai người. Những thành ngữ “hoa trôi lỡ làng”, ” phận bạc như vôi” để thấy sự bẽ bàng, tan vỡ, trôi nổi của số phận đưa đẩy Kiều. Đầu đoạn thơ, nàng lạy Thúy Vân thì đến cuối đoạn, Kiều lạy người yêu:
” Trăm nghìn gửi lạy tình quân”
Cái lạy của Kiều thể hiện tâm trạng đau đớn, hối lỗi của nàng với người mình yêu. Một lạy không đủ mà “trăm nghìn” để thấy được sự cầu xin tha lỗi của nàng. Nàng cất lên tiếng gọi:
” Ôi Kim lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Kiều đã phụ tình Kim Trọng từ đây để có thể báo hiếu với cha mẹ. Thật xót xa, đáng thương cho tình yêu của hai người.
Nguyễn Du rất tài tình khi xây dựng diễn biến tâm trạng của Kiều từ khi trao duyên cho em đến những lời từ biệt chàng Kim. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, Nguyễn Du quả thật bậc thầy trong việc miêu tả nội tâm nhân vật.
2.Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích Trao duyên,mẫu số 2:
“Vừng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song”.
Đó là khung cảnh diễn ra cuộc thề nguyền của Thúy Kiều và Kim Trọng. Tình yêu của hai người lãng mạn là thế, hai người đã cùng nhau đính ước “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” vậy mà giờ đây “trâm gãy bình tan”, vì muốn giữ cho trọn vẹn lời thề ấy mà nàng phải trao duyên lại cho người em gái là Thúy Vân.
Tâm trạng và những cảm xúc của nàng khi trao duyên được thể hiện qua các lời thoại với Thúy Vân, Kim Trọng và cả lời độc thoại với chính mình:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”
Chúng ta thường dùng những lời nói và cử chỉ trang trọng đối với những người bề trên nhưng trong cuộc trao duyên này, Thúy Kiều lại dùng những hành động ấy đối với em gái của mình. Không phải là “nhờ em”, “xin em” mà là “cậy em”. Thúy Kiều thật khéo léo và tinh tế khi sử dụng từ “cậy”. “Cậy” có nghĩa là tin tưởng và mong muốn Thúy Vân giúp đỡ vì ngoài cô ra không ai có thể giúp được Thúy Kiều. Và đặt trong hoàn cảnh của Thúy Vân thì cô chỉ có thể “chịu lời”, chấp nhận chịu sự thua thiệt. Hơn ai hết, Thúy Kiều là người thấu hiểu điều này vì chính nàng đã khiến Vân rơi vào tình huống khó xử. Còn về phía Thúy Vân, cô không thể từ chối vì Thúy Kiều đã “lạy” và “thưa” với mình rất trang trọng.
Những bàiPhân tích diễn biến tâm trạng của Kiều trong đoạn trích Trao duyên hay nhất
Sau khi mời Thúy Vân “ngồi lên”, Thúy Kiều đã thuật lại câu chuyện tình yêu của mình với Kim Trọng để Thúy Vân được tỏ tường. Nàng bồi hồi nhớ lại những cảm xúc của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” (Thế Lữ). Tình yêu của hai người nảy sinh ngay từ khi họ mới gặp gỡ rồi tình yêu ấy trở nên sâu đậm hơn khi họ trao nhau chiếc quạt và cùng uống chén rượu thề nguyền.Tai ương ập đến, Thúy Kiều không thể chọn cả chữ hiếu và chữ tình nên nàng đã hi sinh tình cảm cá nhân với chàng Kim để báo đáp công ơn của cha mẹ. Những lời tâm sự của nàng như lời hối thúc, nài nỉ Thúy Vân sẽ nhận lời:
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.
Thúy Kiều và Thúy Vân là chị em ruột thịt, nay Kiều hi sinh vì gia đình, muốn nhờ cậy Vân chút việc chẳng lẽ cô có thể hững hờ không giúp.Hơn nữa, tuổi trẻ của Thúy Vân còn dài nhưng tuổi trẻ của Thúy Kiều thì coi như đã hết. Những lời giãi bày của Thúy Kiều chứa bao xót xa của con người tài hoa bạc mệnh. Nàng sẽ vui mừng biết mấy khi Thúy Vân và Kim Trọng thành đôi. Dù cho nàng ở chốn cõi âm “cách mặt khuất lời” thì cũng sẽ “ngậm cười”, “thơm lây” với niềm hạnh phúc lứa đôi của Thúy Vân và Kim Trọng. Nàng sẽ chúc cho hai người được hạnh phúc. Bao nhiêu lời lẽ của Thúy Kiều nói ra là bấy nhiêu sự đau đớn, chua xót. Nàng trao lại cho Vân những kỉ vật ghi dấu tình yêu của mình và chàng Kim như “chiếc vành”, “bức tờ mây”, “phím đàn” và “mảnh hương nguyền”. Dốc lòng chúc phúc cho Thúy Vân và Kim Trọng nhưng nàng cũng đau xót đến tột cùng khi những kỉ vật tình yêu của hai người từ nay sẽ trở thành “của chung”. Nàng chỉ xin Vân “rưới xin giọt nước cho người thác oan”.Có ai không đau đớn khi nghĩ đến cái chết của bản thân mình. Thúy Kiều cũng vậy, nàng không khỏi xót xa khi tự độc thoại với bản thân:
“Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”.
Có lẽ nỗi đau đã lên đến tột cùng, có lẽ không ai có thể thấu hiểu nỗi đau ấy nên Thúy Kiều mới tự đối thoại với chính mình để vơi đi những nỗi niềm còn đau đáu. Kể làm sao hết những ân tình, ái ân mà hai người đã có. Những kỉ niệm về đêm thề nguyền đính ước vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức của Thúy Kiều. Chúng ta như đang nghe thấy tiếng nấc nghẹn ngào và những dòng lệ chứa chan nỗi buồn bi thương của nàng. Mối tình với Kim Trọng không thành, nàng nhắn gửi với người tình quân:
“Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”
Với nỗi đau đớn đến xé lòng, Thúy Kiều “gửi lạy” Kim Trọng “trăm nghìn” cái nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ để đền đáp tình cảm của chàng. Bao nhiêu tình yêu, nàng đã dành hết cho Kim Trọng nhưng hẹn ước không thành, nàng coi mình trở thành kẻ thất hứa, kẻ phụ bạc. Dù có cất tiếng than thân trách phận “phận bạc như vôi” thì nàng cũng không thể thay đổi được điều gì, nàng chỉ còn cách chấp nhận sự dập vùi của số phận. Và lời cuối cùng nàng muốn gửi tới chàng Kim cũng là lời tạ lỗi:
“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
Tiếng từ biệt ấy tha thiết và đau đớn làm sao.Lời thề còn mang nặng, cõi lòng cũng không yên khi bản thân mình là kẻ thất hứa.Tiếng gọi “tình quân”, “Kim lang” chứa bao tình nghĩa. Nàng không đổ lỗi cho số phận hay bất kì ai cả mà nàng cất tiếng oán trách bản thân đầy ai oán. Hành động ấy đã cho thấy đức tính hi sinh của Thúy Kiều .Nàng quên đi nỗi đau của thực tại để mong muốn người mình yêu được hạnh phúc. Sự hi sinh vì tình yêu thật cao cả biết nhường nào.
Sự kết hợp những lời đối thoại và độc thoại đã khắc họa tính cách và tâm trạng của Thúy Kiều một cách sinh động, rõ nét.Những lời thoại ấy đã thể hiện tâm trạng vô cùng đau xót, tiếc thương cho mối tình đã tan vỡ. Đồng thời qua đó bạn đọc cũng thấy được sự am hiểu tâm lí nhân vật, con người của bậc đại thi hào dân tộc.
——————-HẾT——————–
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em 2 bài văn mẫu Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên, để củng cố kiến thức tác phẩm, các em không nên bỏ qua:Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên, Nghị luận văn học đoạn trích Trao duyên, Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên, Phân tích đoạn trích Trao duyên.