Đề bài: Phân tích hồi IV vở kịch Bắc Sơn để làm nổi bật tính chất bi tráng của nó
Bài văn Phân tích hồi IV vở kịch Bắc Sơn để làm nổi bật tính chất bi tráng của nó
Bài làm:
Kịch Bắc Sơn là một trong những tác phẩm tạo nên tên tuổi của Nguyễn Huy Tưởng. Viết về chủ đề cách mang, vở kịch ca ngợi tinh thần chiến đấu và vai trò của các cán bộ cách mạng trong việc định hướng tư tưởng đấu tranh của nhân dân. Qua đó, tác giả biểu dương tinh thần yêu nước và ý chiến quật cường chiến đấu của quần chúng. Hồi IV của vở kịch là một trong những đoạn nổi bật nhất với tình huống gấp gáp, thể hiện bước ngoặt kịch tính về cả tâm lý nhân vật và diễn biến sự kiện. Tính bi tráng là hơi thở nổi bật của hồi kịch này, được thể hiện qua hình tượng người phụ nữ dân tộc Tày tiêu biểu cho hàng ngàn quần chúng nhân dân đã và đang trên con đường giác ngộ cách mạng.
Tính bi tráng, bi là bi ai, buồn bã, còn tráng là hùng tráng, thể hiện vẻ đẹp lý tưởng. Bi tráng là đau thương, mất mát về một thời quá khứ oai hùng, vừa có tính bi thương, lại không hề kém phần gân guốc, hùng dũng. Trong vở kịch Bắc Sơn, tính bi tráng được thể hiện ở tinh thần cách mạng. bộc lộ qua những nút thắt tâm lý nhân vật và hình tượng nhân vật người phụ nữ đang trên con đường giác ngộ – cô Thơm. Chất anh hùng ca không được miêu tả trực tiếp, nhưng qua những cử chỉ, hành động, lời nói của nhân vật, cái bi tráng được bộc lộ một cách rõ nét và ngày càng có xu hướng tăng tiến.
Hồi năm của vở kịch kể về cảnh Ngọc dẫn Tây truy đuổi hai cán bộ Cách mạng là anh Cửu và giáo Thái. Rơi vào tình huống nguy kịch, hai người chạy trốn vào nhà anh Đốc người quen, ai ngờ lại đúng phải nhà tên Ngọc mới mua được. Cửu rút súng định bắn Thơm, vợ Ngọc vì cho rằng cô cũng là Việt gian nhưng Thái đã kịp ngăn cản vì tin rằng Thơm mang dòng máu yêu nước của cha cô. Đúng lúc ấy, Ngọc ghé qua nhà sau khi đã lùng sục nhà bà Lục bác Chui,… Thơm nhanh trí đẩy hai cán bộ vào buồng và chỉ chỗ trốn, đồng thời tỏ ra bình thản trước mặt Ngọc để hắn không nghi ngờ và nhanh chóng rời đi
Tính bi tráng của vở kịch nằm ở mặt tình huống. Tình huống kịch tính, căng thẳng và hồi hộp. Thơm mang tiếng là vợ Việt gian, nhưng cô lại là người che giấu, bảo vệ cán bộ Cách mạng. Trái với suy nghĩ “Vợ Việt gian thì cũng là Việt gian” của anh Cửu, đứng trước áp lực Ngọc chuẩn bị vào nhà, tiếng chó săn sủa râm ran, tiếng chân người rầm rập, Thơm lo lắng: “Chết nỗi, hai ông bị chúng nó đuổi phải không? Làm thế nào bây giờ?”. Bản thân cô thực sự lo lắng, cố gắng tìm cách giúp đỡ hại cán bộ cách mạng. Bị đẩy vào tình huống nguy cấp, Thơm bộc lộ tính cách quyết liệt, khéo léo và có bước ngoặt tâm lý rõ ràng trên con đường giác ngộ Cách mạng. Lời nói như lời thề: “Tôi không bảo hai ông đâu. Tôi chết thì chết, chứ tôi không bảo hai ông đâu” là đỉnh cao của tính bi tráng về mặt tình huống của vở kịch. Cái bi tráng ở đây là chất anh hùng trong sự cùng khổ, trong tình huống khó khăn ngàn cân treo sợi tóc, những con người một lòng vì Cách mạng đã thể hiện tinh thần quả cảm, không đầu hàng trước khó khăn thử thách. “Có lối thông ra ngoài đấy, khép cửa buồng lại”. khép lại tình huống đầy căng thẳng, kịch tính. Vợ một tên Việt gian sừng sỏ đã che giấu, bảo vệ cán bộ Cách mạng cho thấy, Thơm đã hoàn toàn giác ngộ, thể hiện tấm lòng của nhân dân với đường lối của Đảng.
Tính bi tráng cũng thể hiện ở xung đột giữa Thơm và Ngọc. Trong từng hành động và lời nói, Ngọc dần bộc lộ bản mặt bán nước, một tay sai đắc lực cho bọn Tây. Đêm nào hắn cũng đi lùng bắt cán bộ. Hắn được thưởng rất nhiều tiền từ việc làm bất nhân tính của hắn, hắn mơ hàm cửu phẩm, lúc nào cũng nghĩ đến danh tính: “”Chỉ mình là đen, không có danh phận gì, lép vế trong làng quá!”. NGoài ra, hắn còn đặt điều bôi nhọ anh Thái, phá bỏ hình tượng về anh Thái trong mắt Thơm. Với Thơm, anh Thái là người “bỏ cả cửa nhà đi làm cách mạng”, “cả vùng này, có ai ghét ông ấy đâu!”, như Ngọc lại bịa đặt: “mật thám cho Tây đấy “, lúc thì lại bảo anh Cửu và ông Thái là “hai cái thằng tướng cướp. Bắt được hai thằng ấy thì cũng được vài ngàn đồng”. Chính từ những mâu thuẫn về mặt tư tưởng giữa Thơm và Ngọc như vậy đã gây ra những xung đột tâm lí từ phía Thơm. Khi ông Thái và anh Cửu đang trốn trong buồng nhà Thơm, ở dưới là lí trưởng, bọn tay sai, bọn lính Tây đang lùng sục và cả Ngọc, chồng của Thơm, tình huống này đã thể hiện tính bi tráng điển hình. Ngọc chần chừ trong nhà, nán lại nói chuyện với Thơm, đếm tiền, cười cợt, ngắm vợ, rồi còn thốt lên: “Chắc là nó còn ở đấy, nhất định là nó còn ở đấy!…”. Đứng trước tình huống như vậy, Thơm không tỏ ra sốt ruột dù trong lòng như lửa đốt mà tỏ ra rất nhẹ nhàng, tình cảm, dùng lời nói ngọt ngào:”Mai thì ở nhà mà ngủ cho nó lại sức” thể hiện thái độ ân cần, quan tâm, đồng thời khéo léo thúc đẩy Ngọc đi: “Thế nào có đi không?” lúc nghe tiếng quan gọi. Thơm đóng kịch giỏi hay là vì quá lo lắng cho hai cán bộ mà cô đã dìm nỗi sợ hãi của mình xuống. Qua mắt được tên Việt gian khôn ngoan, mà người đó còn là chồng mình, tác giả đã thể hiện tâm trạng nhân vật đầy tính bi tráng, trong khó khăn, gian khổ nhưng luôn ứng biến kịp thời, lộ rõ chất anh hùng, dũng cảm chảy trong huyết thống.
Tính bi tráng thể hiện rõ nhất qua hình tượng nhân vật Thơm, người phụ nữ hơn sáu chục năm về trước. Vượt qua cảnh ngộ đau thương mất mát, mất cha mẹ, Thơm được con đường cách mạng soi sáng, sẵn sàng hi sinh vì cách mạng. Tinh thần của những nhân vật trong vở kịch giống như tinh thần của những người lính ra trận, sáng chói, quyết tâm. Nhân vật Thơm là một sự thành công của tác giả trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, qua đó thể hiện tính bi tráng của tác phẩm. Trong khổ đau, gian khó, họ vẫn bộc lộ tính thần cao cả, hùng tráng của người con nhân dân trung thực, quả cảm.
Tính bi tráng trong hồi IV vở kịch Bắc Sơn được thể hiện qua nhiều khía cạnh, từ nhân vật đến tình huống. Nói về tính bi tráng trong khuôn khổ Vũ Lăng nói riêng hay chính là toàn thể lãnh thổ Việt Nam, những người chiến sĩ nhân dân dũng cảm, không ngại xả thân vì đất nước. Bằng ngòi bút sắc sảo và cách xây dựng tình huống truyện kịch tính, Nguyễn Huy Tưởng thể hiện sự tin tưởng vào con đường cách mạng – con đường duy nhất để đi tới độc lập dân tộc, đồng thời thể hiện sự thương yêu và trân trọng với những người thật thà, chân phương mà giàu sức sống, giàu lòng quyết chiến quyết thắng.
——————-HẾT——————-
Bắc Sơn là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 9, ngoài bài làm văn Phân tích hồi IV vở kịch Bắc Sơn để làm nổi bật tính chất bi tráng của nó, học sinh và giáo viên tham khảo các bài làm văn mẫu như Tóm tắt vở kịch Bắc Sơn , Cảm nhận về kịch Bắc Sơn, Cảm nhận của em về hồi IV kịch Bắc Sơn hay cả các bài Soạn bài Bắc Sơn trang 159 SGK Ngữ văn 9
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)