Lớp 6

Cảm nghĩ của em sau khi học xong truyện cười Lợn cưới áo mới

Đề bài: Cảm nghĩ của em sau khi học xong truyện cười Lợn cưới áo mới

cam nghi cua em sau khi hoc xong truyen cuoi lon cuoi ao moi

3 bài văn mẫu Cảm nghĩ của em sau khi học xong truyện cười Lợn cưới áo mới

1. Cảm nghĩ của em sau khi học xong truyện cười Lợn cưới áo mới, mẫu số 1:

Kho tàng truyện cười, truyện ngụ ngôn của Việt Nam vô cùng phong phú, đã đem lại cho người đọc những tiếng cười bổ ích, những bài học sâu sắc về cuộc sống con người trong thời kỳ xưa.

Truyện cười “Lợn cưới áo mới” là những tiếng cười mỉa mai châm biếm thói hay khoe, háo danh, hay thích thể hiện mình của một số người trong xã hội.

“Lợn cưới áo mới” kể về một chàng trai sắp lấy vợ và có con lợn cưới nhưng chẳng may nó bị sổng chuồng chạy mất anh ta hớt hơ hớt hải đi tìm lợn.

Đáng lý ra trong tình huống nguy cấp này anh ta phải tập trung chuyện tìm được chú lợn của mình nhưng do tính hay khoe của nên đi đâu gặp ai anh ta cũng trình bày vô cùng dài dòng về con lợn cưới. Mục đích là muốn khoe với mọi người rằng mình sắp cưới vợ và có lợn cưới.

Nhưng vỏ quýt dày cho móng tay nhọn. Anh chàng này gặp đúng đối thủ có anh này cũng mắc tính hay khoe của. Nhân tiện anh ta mới mua được chiếc áo mới nên hãnh diện đi khắp đầu làng cuối xóm để khoe. Nhưng ai cũng tránh anh ta như tránh tà vì biết tính anh hay khoe của nên không muốn tiếp chuyện.

Nhân dịp gặp được anh mất lợn cưới. Khi anh chàng mất lợn cưới trình bày về việc con lợn cưới của mình bị sổng chuồng thì anh chàng có chiếc áo mới nhân tiện cũng khoe luôn bằng một câu nói bất hủ chẳng ăn nhập gì vào câu chuyện của anh chàng mất lợn cưới rằng “Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này không có con lợn nào chạy qua”

Truyện cười “Lợn cưới áo mới”mượn câu chuyện để phê phán thói hỡm hĩnh hay khoe của của những người háo danh, thích thể hiện mình trước đám đông, trước mặt người khác, tưởng như thế là hay nhưng thực chất chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi

Thông qua câu chuyện ông bà ta muốn nhắn nhủ con cháu mình phải biết sống khiêm nhường, không phải cái gì cũng đem khoe cho thiên hạ biết.

2. Cảm nghĩ của em sau khi học xong truyện cười Lợn cưới áo mới, mẫu số 2:

Kho tàng truyện người Việt Nam luôn khiến cho người đọc vừa cười vừa ngẫm nghĩ ra biết bao nhiêu điều hay ý lạ mà cha ông ta muốn gửi gắm trong đó. Truyện cười “Lợn cưới áo mới” là một câu chuyện thú vị như vậy. Câu chuyện chế giễu những người có tính hay khoe của, nhưng trò khoe của này lại làm trò cười cho mọi người xung quanh mình.

“Lợn cưới áo mới” không có nhiều tính tiết hấp dẫn, gay cấn nhưng nhờ yếu tố gây cười đã khiến cho người đọc ấn tượng và rút ra được nhiều bài học cho bản thân mình. Câu chuyện kể về cuộc tranh luận của hai người có tính hay khoe của gặp phải nhau. Một người khoe con lợn cưới mới xổng chuồng và một người khoe cái áo mới may. Tuy nhiên cuộc tranh cãi không đi đến hồi kết vì tính khoe của của hai anh không ai chịu thiệt thòi hơn ai.

Có một anh chàng sắp làm đám cưới thì con lợn “cưới” bị xổng chuồng. Đáng nhẽ ra trong lúc tình huống nguy cấp và bận rộn như thế này, chuyện tìm lợn không cần thiết phải làm rùm beng lên. Nhưng anh chàng này lại mượn tình cảnh này để “tìm lợn”, nhưng thực ra là để khoe khoang có con lợn “cưới”.

Đọc lên chúng ta đã thấy được chi tiết gây cười ờ đây. Không nhất thiết phải nói là “lợn cưới”, chỉ cần nói “lợn” là đủ nhưng anh chàng cứ cố nhấn mạnh yếu tố “cưới” ở đây để khoe của, khoe con lợn của mình. Tuy nhiên anh chàng này lại gặp ngay “đối thủ” khoe khoang cũng ngang cơ mình.

Nhân cơ hội anh kia khoe của thì anh này cũng khoe cái ‘áo mới”. Việc nhấn mạnh “áo mới” ở đây lại là sự khéo léo của người kể chuyện dân gian. Câu đối thoại “Từ khi tôi mặc cái áo mới này tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả”.

Tính khoe của của anh anh chàng này đã bắt gặp nhau. Với lối nói quá, nói cường điệu của cha ông ta đã tạo nên một tình huống hài hước nhưng mang ý nghĩa châm biếm, mỉa mai sâu cay.

Lời lẽ và cử chỉ của nhân vật chỉ hướng đến mục đích khoe của, khoe của một cách vô duyên và quá lộ liễu. Cách khoe của này không ngờ lại gây cười cho người trong thiên hạ.

Và cũng chính cuộc đối đầu không phân rõ thắng bại giữa người khoe “áo mới” và người khoe “lợn cưới” đã khiến cho người đọc không kìm nổi tiếng cười. Thông thường người ta khoe tiền bạc, của cải, học vấn…nhưng đằng này hai anh chàng này lại khoe những thứ quá tầm thường, nhỏ nhặt, không đáng để “khoe”. Sự khoe khang lộ liễu này đã dẫn đến tiếng cười cho người đọc.

Truyện cười “Lợn cưới áo mới” mượn tình huống hài hước, khoe của của hai người đàn ông để phản ánh và chế giễu những người có lối sống khoe khoang một cách quá trớn, khoe không có điểm dừng và không khéo léo. Tiếng cười trong dân gian thường nhẹ nhàng nhưng lại có ý nghĩa sâu cay đối với chúng ta.

Bài học để lại của truyện cười “lợn cưới áo mới” chính là khuyên con người ta nên có lối sống khiêm tốn hơn để không ngừng hoàn thiện bản thân mình. Tránh để người khác nhìn vào đó mà “cười” lại mình. Đây là điều không đáng có.

3. Cảm nghĩ của em sau khi học xong truyện cười Lợn cưới áo mới, mẫu số 3:

Truyện cười là một thể loại truyện tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam, thông qua việc sáng tạo ra những câu chuyện cười, những tình tiết gây cười, ông cha ta luôn có một thông điệp, quan niệm nào đó muốn truyền tải lại cho người đời sau. Thông qua sự châm biếm là hiện thực được chỉ ra sắc nét, tiếng cười trong những câu chuyện này chính là phương tiện để đả kích những thói hư, tật xấu trong xã hội. Vì vậy mà những câu chuyện dân gian tuy được sáng tác bởi lực lượng lao động dân gian, lưu truyền chủ yếu thông qua phương thức truyền miệng nhưng lại có độ hàm súc cao, chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một trong những tác phẩm truyện cười tiêu biểu, đó chính là “Lợn cưới áo mới”.

“Lợn cưới áo mới” là câu chuyện đả kích về một tính xấu của con người, đó là sự khoe khoang, khoác lác. Những tình huống hài hước trong câu chuyện được các tác giả dân gian xây dựng rất khéo léo, tình tiết được đẩy lên cao trào khi tiếng cười ròn rã nhất. Tuy nhiên, sau tiếng cười ấy là một bài học, một triết lí được truyền tải, nhằm tác động vào sự nhận thức, vào lối sống của con người. Truyện “Lợn cưới áo mới” kể về một người đàn ông có tính hay khoe của. Mua một chiếc áo mới, anh ta mặc ngay, và vì muốn nhận được lời khen ngợi, sự trầm trồ ngưỡng mộ của những người hàng xóm mà anh ta đứng ra giữa cửa, đợi có ai đi qua thì người ta sẽ khen.

Mở đầu câu chuyện ta đã thấy vô cùng hài hước, người đàn ông trong câu chuyện đã là một người trưởng thành, nhưng lại có một tính cách rất trẻ con, đó là muốn nhận được những lời khen ngợi của mọi người. Nhưng đen đủi thay cho anh ta, vì đứng từ sáng đến tận chiều nhưng không thấy ai hỏi thăm hay đả động gì đến chiếc áo cả. Ta cũng có thể thấy anh ta khá là kiên nhẫn, bởi không nề hà thời gian hay sự mệt mỏi, vì mục đích của mình mà anh ta vô cùng quyết tâm. Sự kiên nhẫn ấy đáng quý nhưng mục đích của anh ta lại rất nực cười, thậm chí thành lố bịch, người đọc sẽ cảm thấy khó hiểu rằng vì sao chỉ vì một lời khen xáo rỗng mà anh ta chấp nhận hi sinh thời gian, và công sức một cách mù quáng như vậy. Tính khoe khoang của anh ta không dừng lại ở sự trẻ con nữa mà thành một hành động đáng chê cười, đả kích. Vì không được ai khen mà anh ta trở nên tức tối, bực bộ.

Tuy nhiên, “trời không phụ lòng người”, công lao đứng từ sáng đến giờ của anh ta cũng có dịp để thể hiện. Vì đúng lúc đang bực bội nhất thì có một người chạy đến, tuy nhiên, vấn đề cần nói ở đây, đó là một người cũng có tính khoe khoang y chang anh chàng này. Tình tiết gây cười của câu chuyện được đẩy lên cao trào khi hai người đàn ông này nói chuyện với nhau. Người đàn ông kia tỏ ra hớt hải chạy đến hỏi anh chàng này : “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?”. Lời hỏi han sẽ rất bình thường nếu như anh ta không cố tình nhấn mạnh từ “lợn cưới”. Con lợn thì ai cũng biết, nhưng lợn cưới thì thật kì quặc, nó “đậm” mùi khoe khoang, chẳng là nhà của người đàn ông này đang có công việc, vì vậy mà việc hỏi con lợn cưới chỉ là hình thức màu mè bên ngoài. Còn mục đích chính là khoe hôm nay nhà tôi có việc, có tổ chức ăn uống rất linh đình.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, ta có thể thấy hai anh chàng khoe khoang đều gặp đúng đối thủ, đúng là “vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn”. Người đàn ông chạy đi tìm lợn hỏi với giọng điệu vô cùng hồ hởi, câu trả lời anh t among muốn nhận được nhất lúc này là sự hỏi thăm về con lợn cưới. Nhưng, đối thủ của anh ta lại không phải là người bình thường, anh ta trả lời nhưng cũng không giống với câu trả lời mà người đàn ông tìm lợn muốn nghe: “Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này, chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!”. Nghe qua, câu trả lời đáp ứng được câu hỏi nhưng ai cũng có thể phát hiện ra mục đích của anh chàng kia cũng không phải trả lời mà là khoe về chiếc áo của mình.

Ta thấy, những người hay khoe khoang lại rất thích chơi chữ, họ dùng những hình ảnh để người khác phải xuýt xoa về mình và nhà mình, không nói trực tiếp có lẽ vì ngại và cố tỏ ra lời khoe khoang ấy chỉ là sự vô tình. Tuy nhiên, những hành động, lời nói này thật ngây thơ, chỉ vì một lời khen xáo rỗng mà những người đàn ông này sẵn sàng dựng lên một vở kịch, mà anh ta là đạo diễn, cũng kiêm luôn người viết kịch bản và diễn viên chính. Hành động họ cho là rất nghiêm túc, rất sống động nhưng ai cũng đều nhận ra được mục đích cuối cùng của họ, vì vậy mà tạo ra được những tình huống hài hước.

Câu chuyện cười “Lợn cưới áo mới” đã thông qua việc xây dựng hình ảnh hai anh chàng khoe khoang, khoác lác, các tác giả dân gian đã trực tiếp chế giễu, phê phán những người có tính khoe khoang một cách thái quá, lố bịch. Đây là một tính xấu của con người trong xã hội, cần được sửa chữa và chấn chỉnh. Đây cũng là một bài học cho những người đời sau nhận thức và rút kinh nghiệm.

—————-HẾT——————

Trên đây là phần Cảm nghĩ của em sau khi học xong truyện cười Lợn cưới áo mới để có thêm kiến thức trả lời, làm tập làm văn, các em có thể tham khảo thêm phần Soạn bài Lợn cưới, áo mới và cùng với phần Soạn bài Sự tích Hồ Gươm nữa nhé.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button