Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu trong bài Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định: “Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dạt dào ở chốn non nước lặng lẽ này”.
Phân tích khổ thơ đầu trong bài Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định
I. Dàn ý Phân tích khổ thơ đầu trong bài Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định
1. Mở bài
* Giới thiệu về Xuân Diệu và lời nhận định:
– Xuân Diệu là một trong những nhà thơ nổi bật nhất trong phong trào thơ mới, được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới” (Hoài Thanh).
– Thơ ông mang một vẻ đẹp tươi mới, thiết tha, rạo rực và nồng nàn, đó là cái vẻ hiện đại trong thơ Pháp.
– Có nhận định cho rằng: “Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dạt dào ở chốn non nước lặng lẽ này”, điều đó có lẽ được thể hiện một cách rõ ràng nhất trong khổ thơ đầu của bài thơ Vội vàng.
2. Thân bài
* Bốn dòng thơ đầu “Tôi muốn…bay đi”: Nguồn sống rất đỗi dạt dào, rất đỗi ngông cuồng và đầy khao khát của Xuân Diệu.
– Muốn “tắt nắng”, “buộc gió” để lưu lại những gì tươi đẹp nhất của mùa xuân.
– Nhịp thơ khá nhanh, với cấu trúc điệp ngữ quen thuộc “Tôi muốn…cho…”, hai cái tôi trữ tình của tác giả dần được bộc lộ và phối hợp với nhau một cách hài hòa.
+ Cái tôi mạnh mẽ, có chút ngông cuồng, có chút táo bạo khi muốn điều khiển tạo hóa.
+ Cái tôi rất đỗi ngây thơ, hồn nhiên tựa một đứa trẻ đang khẩn thiết cầu xin trước quyền năng vô hạn của tạo hóa…(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ý Phân tích khổ thơ đầu trong bài Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định đầy đủ tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích khổ thơ đầu trong bài Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định
Phải nói rằng phong trào thơ Mới những năm 1932-1941, dù chỉ bùng nổ mạnh mẽ trong một khoảng thời gian gần 10 năm, thế nhưng nó đã để lại cho nền văn học Việt Nam hiện đại nhiều những tác phẩm có giá trị, đi cùng với đó là những tên tuổi lớn có sức ảnh hưởng sâu sắc đến cả nền thơ ca Việt Nam lúc bấy giờ. Một trong những nhà thơ nổi bật nhất phải kể đến Xuân Diệu, người được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Thơ của ông không âu sầu, ảo não như Huy Cận, không điên cuồng, kỳ dị như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, cũng không quê mùa như Nguyễn Bính, mà trái lại thơ ông mang một vẻ đẹp tươi mới, thiết tha, rạo rực và nồng nàn, đó là cái vẻ hiện đại trong thơ Pháp, kết hợp với vẻ đẹp niềm tin yêu cuộc sống trong chính tâm hồn một thanh niên Việt Nam, rất đỗi trong sáng và dạt dào xúc cảm. Có nhận định cho rằng: “Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dạt dào ở chốn non nước lặng lẽ này”, điều đó có lẽ được thể hiện một cách rõ ràng nhất trong khổ thơ đầu của bài thơ Vội vàng, bài thơ đã làm nên tên tuổi của Xuân Diệu trước một rừng các nhà thơ mới tài năng cùng thời.
Từ những dòng thơ đầu tiên người ta đã thấy một nguồn sống rất đỗi dạt dào, rất đỗi ngông cuồng và đầy khao khát của Xuân Diệu.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Trong một cái nắng, cái gió vốn vẫn bình đạm tuần hoàn theo sự chảy trôi của dòng thời gian thì bỗng nhiên nảy ra một người thi sĩ giữa đời với cái khao khát vừa hồn nhiên và có chút ngông cuồng, muốn “tắt nắng” để giữ lại cái màu nhàn nhạt ấm áp của trời xuân mà ông cho là đẹp nhất, muốn “buộc gió”để lưu lại chút hương thơm của những đóa hoa xuân kiều diễm đang độ khoe sắc. Và cuối cùng kết lại, dù là màu nắng hay hương gió thì đó cũng đều là những thứ đẹp đẽ nhất của mùa xuân, mùa xuân của thiên nhiên hay mùa xuân trong chính tâm hồn thi sĩ. Đôi lúc ta nghĩ có lẽ cái tôi trữ tình của Xuân Diệu cũng đang khao khát níu giữ những vẻ đẹp xuân sắc trong tâm hồn mình như chính những khát khao níu giữ màu nắng, hương gió ngoài kia chăng? Có thể nói hồn thơ Xuân Diệu là một hồn thơ cháy bỏng, rạo rực và cũng rất đỗi nhạy cảm, ông ý thức một cách sâu sắc quy luật của tạo hóa, chính vì thế nên những khao khát của ông thường mãnh liệt và đầy nhiệt huyết. Đọc bốn dòng thơ đầu, ta cảm nhận được một nhịp thơ khá nhanh, với cấu trúc điệp ngữ quen thuộc “Tôi muốn…cho…”, hai cái tôi trữ tình của tác giả dần được bộc lộ và phối hợp với nhau một cách hài hòa, một bên là cái tôi mạnh mẽ, có chút ngông cuồng, có chút táo bạo khi muốn điều khiển tạo hóa, một bên lại là cái tôi rất đỗi ngây thơ, hồn nhiên tựa một đứa trẻ đang khẩn thiết cầu xin trước quyền năng vô hạn của tạo hóa. Nhưng cuối cùng mục đích chính của Xuân Diệu vẫn là được giữ lại những cái gì đẹp nhất, tinh tế nhất của cuộc đời, đó là nắng vàng, đó là hoa cỏ thơm ngát và có thể rộng hơn nữa chính là mùa xuân thiên nhiên và cả mùa xuân của cuộc đời.
Trong bảy câu thơ tiếp theo cái nguồn sống dạt dào từ trong chính tâm hồn thi sĩ đã phủ lên trên tất cả mọi cảnh sắc thiên nhiên, hồn Xuân Diệu là một mùa xuân đẹp, nên đôi mắt người thi sĩ nhìn ở đâu cũng thấy mùa xuân đang ngự trị, cũng thấy tình yêu đang ngập tràn phơi phới.
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Bức tranh thiên nhiên mùa xuân hiện ra thật rực rỡ, tươi đẹp, với cách sử dụng điệp cấu trúc “này đây…của…”, khiến các câu thơ và cảnh vật dường như có một sự kết nối chặt chẽ với nhau, âm điệu của bài thơ cũng trở nên mềm mại, linh hoạt và sống động như chính tâm hồn thi sĩ vậy. Điều làm nên sự đặc biệt và hấp dẫn trong thơ Xuân Diệu không chỉ đến từ câu chữ mà còn nằm ở cách cảm nhận của nhà thơ, ông không chỉ cảm nhận mùa xuân tình yêu bằng mỗi đôi mắt, mà dường như ông dùng cả thân thể, khai mở tất cả các giác quan, dùng con tim chân thành mà cảm nhận. Thế nên tình yêu, niềm khao khát mãnh liệt và nguồn sống dạt dào trong ông luôn được thể hiện trong thơ một cách đặc sắc và nồng nàn, bức tranh thiên nhiên của Xuân Diệu cũng rất chân thực, đọc thơ mà tưởng như cả mùa xuân đang tản mát xung quanh. Ví như câu “Của ong bướm này đây tuần tháng mật”, trước hết ta thấy được sự vui vầy, rộn rã của ong bướm, sau đó lại cảm nhận được cả vị ngọt thật thanh khiết, thơm dịu của mật ong. Đến câu “Này đây hoa của đồng nội xanh rì” ta lại thấy như bản thân mình đang ở giữa một đồng cỏ xanh ngắt, điểm trên đó là những đóa hoa rực rỡ, đang ra sức tỏa hương thơm theo làn gió mát lạnh tuyệt vời. Rồi hình ảnh “lá của cành tơ phơ phất”, ta lại thấy một cái gì đó rất gợi cảm, lãng mạn, đó là sự mềm mại đầy sức sống của một cành non mới trổ, của một tâm hồn ưa tự do khoáng hoạt, sẵn sàng hòa mình vào với cơn gió lả lơi, quyến rũ. Sự sống không chỉ dừng lại ở đôi mắt, vị giác và khướu giác người thi sĩ mà nó còn là ở đôi tai nhạy bén, bắt kịp “khúc tình si” của loài yến anh xinh đẹp, mới giọng hót thật làm say hồn người . Giữa một trời xuân tươi đẹp như thế, ánh sáng là thứ chẳng thể nào thiếu được, và trong mắt Xuân Diệu, thứ ánh sáng đẹp nhất chính là ánh ban mai buổi sáng sớm len lỏi qua rèm mi của người thiếu nữ, rồi vương lại trên khuôn mặt son trẻ mịn màng của người con gái đương độ tuổi xuân thì. Bức tranh thiên nhiên của Xuân Diệu với đầy đủ thanh, sắc, hương, vị tựa như một bữa tiệc tuyệt vời đang vẫy gọi con người ta nhập tiệc hưởng thụ thỏa thích trước khi tiệc tàn. Từ cái cách nhìn nhận cuộc sống và thiên nhiên, ta bỗng nhận ra rằng Xuân Diệu có một quan điểm sống rất mới mẻ, luôn hướng về cuộc sống, hướng về những cái đẹp đang hiển thị nơi trần gian, gần gũi, luôn nắm bắt những vẻ đẹp thực tế, chứ không mơ mộng một cuộc sống thần tiên khoáng đạt ở chốn mây cao, biển vắng, xa rời thế sự hay hoài niệm về những gì đã cũ. Cái Xuân Diệu muốn đó là được sống hết mình cho tuổi trẻ, sống hết mình trong cuộc sống vốn tươi đẹp này, ông gắn bó với thiên nhiên, với con người trần thế, xem đó là cuộc sống lý tưởng mà ông hằng khao khát. Vậy nên nếu nói Xuân Diệu là một nhà văn lãng mạn và thực tế một cách nồng nhiệt có lẽ cũng chẳng có gì là sai.
Nếu nhắc đến thơ Xuân Diệu mà chỉ nhắc đến bức tranh thiên nhiên được miêu tả một cách tuyệt vời, đẹp đẽ thì đó là một thiếu sót lớn, bởi đặc trưng thơ của Xuân Diệu lúc nào cũng gắn liền với cả vẻ đẹp của tình yêu. Tình yêu trong thơ Xuân Diệu luôn lồng ghép trong từng câu chữ, từng cảnh sắc và được gợi ra một cách khá tinh tế, dịu dàng. Trong bức tranh thiên nhiên mùa xuân nếu đọc một lần ai cũng ngỡ nó chỉ đơn thuần là những cảnh sắc thường thấy, thế nhưng đọc kỹ mới hiểu được mỗi cảnh, mỗi một sự vật dường như đều có cặp có đôi cả, chúng đều đang đắm say với tình yêu của riêng mình. Ví như ong bướm thì đang hạnh phúc chất ngất trong “tuần tháng mật” ngọt ngào, những đóa hoa thơm ngát cũng có một nửa của mình là những thảm cỏ trong “đồng nội xanh rì”, lá thì cũng đã có cành, có gió ngày ngày bầu bạn vui đùa, chim yến, chim anh cũng đang ngày ngày hót cho nhau nghe từng “khúc tình si”. Còn tâm hồn thi sĩ thì sao? Thi sĩ cũng có một niềm tương tư với thiếu nữ khép hờ đôi mắt trong nắng sớm ban mai, cũng có tình yêu đầy nồng nhiệt với thiên nhiên tươi đẹp, với cuộc đời tràn ngập ánh sáng. Cuộc đời ông có lẽ là cả một vườn yêu, mỗi sáng sớm thức giấc đối với ông đều thật tuyệt vời tựa như “thần Vui hằng gõ cửa”. Tình yêu ấy của Xuân Diệu mãnh liệt nồng nàn đến mức, ông cảm thấy tháng giêng, tháng của mùa xuân không những đẹp mà còn “ngon”, đó là vị ngon trong tâm hồn, đâu phải cứ ăn thì mới biết ngon. Với Xuân Diệu, một người thi sĩ tài năng, với một trái tim nhạy cảm thì ngon thực sự phải đến từ tình yêu cháy bỏng, nồng nhiệt với thiên nhiên, với cuộc sống. Sự chuyển đổi cảm giác tinh tế biến cái trừu tượng là tháng giêng thành một thứ thực tế như “cặp môi gần” của cô gái trẻ, đã khái quát toàn bộ cái vẻ đẹp mơn mởn, xuân sắc vô ngần của mùa xuân trong cảm nhận của người thi sĩ.
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Xuân Diệu chẳng cố giấu cái niềm hạnh phúc, niềm vui sướng của mình trong thơ làm gì ông giãi bày hẳn ra rằng “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:”, khiến độc giả tự hỏi, cớ sao đang trong cái nhịp thơ rất trôi chảy nhịp nhàng như vậy, lại có lúc khiến nhà thơ phải ngập ngừng, ngắt đôi cái nhịp hạnh phúc của mình lại như vậy. Hóa ra Xuân Diệu đã sớm ý thức được cái quy luật khắt khe của tạo hóa, ý thức được sự chảy trôi liên tục của thời gian. Mùa xuân tươi đẹp ấy, dẫu có đẹp nữa thì cũng chẳng thể đi ngược lại với quy luật của tạo hóa, xuân đến rồi xuân lại phải đi để nhường chỗ cho hạ, thu, đông tuần hoàn. Chính vì nỗi sợ mùa xuân sẽ nhanh chóng vụt mất, nên Xuân Diệu mới có cảm giác nhớ nhung, nuối tiếc xuân ngay chính giữa mùa xuân như vậy. Có lẽ rằng Xuân Diệu đang cố bước thật nhanh để chiến thắng bước đi của thời gian, để nắm giữ từng chút, từng chút một mùa xuân của thiên nhiên, cũng chính là mùa xuân của cuộc đời.
Thơ của Xuân Diệu lúc nào cũng vậy rất giàu xúc cảm, rất nồng nàn, đắm say và tha thiết một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mãnh liệt, ông luôn bị ám ảnh bởi thời gian, từng bước đi của thời gian đều làm cho người thi sĩ ấy sợ hãi, chính vì vậy tình yêu của ông lại càng trở nên mạnh mẽ, sâu sắc hơn. Đọc thơ Xuân Diệu là luôn tìm thấy một nguồn cảm hứng, một nguồn sống dạt dào mới mẻ, không trùng lặp với bất kỳ một tác giả nào khác, bởi vẻ đẹp mà ông nhận định nằm ở trong chính cái chốn non nước lặng lẽ này, chứ không phải nơi thần tiên, cực lạc mà con người vẫn thường mộng ước xa xôi.
—————-HẾT—————
Qua bài phân tích trên đây, chúng ta có thể thấy rằng Xuân Diệu dành một tình yêu tha thiết, mãnh liệt cho cuộc đời, cho sự sống trần thế và tình yêu này được nhà thơ truyền tải đầy cảm xúc trong những tác phẩm của mình. Tìm hiểu thêm về bài thơ Vội vàng, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, Phân tích quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu, Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng, Triết lí nhân sinh trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)
Muchas gracias. ?Como puedo iniciar sesion?