Giáo Dục

Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm

Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm

nghi luan xa hoi 200 chu ban ve tiet kiem

Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm

I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Lối sống tiết kiệm

2. Thân bài

– Giải thích:
+ “Tiết kiệm” là việc sử dụng, chi tiêu một cách hợp lí, phù hợp, đúng mục đích mà không gây lãng phí tài nguyên hay những giá trị vật chất.
+ Người có lối sống tiết kiệm sẽ biết cách chi tiêu hợp lí, có kế hoạch nhằm giảm thiểu tối đa những chi phí không cần thiết mà vẫn đạt được hiệu quả công việc như mong muốn.

– Ý nghĩa của lối sống tiết kiệm:
+ Tiết kiệm không chỉ giúp con người sử dụng một cách hợp lí mà còn đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững.
+ Tiết kiệm giúp cho con người tích lũy được nguồn lực kinh tế, vật chất để đảm bảo cho tương lai.
+ Giúp con người sống bình dị, khiêm tốn, không phô trương hay xa đà vào những thú vui xa xỉ, tốn kém.
+ Tiết kiệm còn thể hiện sự tôn trọng của con người với thành quả của bản thân và mọi người xung quanh.
+ Tiết kiệm không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

– Phản đề:
+ Có rất nhiều người theo đuổi lối sống hưởng lạc, vung phí tiền bạc vào những thú vui tiêu khiển trong khi điều kiện kinh tế có hạn.
+ Cần phân biệt được tiết kiệm với việc chi tiêu khắt khe, ki bo kẹt xỉn.

– Bài học:
+ Phát huy lối sống tiết kiệm từ những hành động nhỏ nhất: hãy chi tiêu tiền bạc cho hợp lí, tắt điện khi ra khỏi phòng, vặn chặt van nước khi không sử dụng…
+ Sống giản dị, rèn luyện tính tiết kiệm, tránh xa những thú vui tiêu khiển và lối sống đua đòi lãng phí.
+ Trong học tập cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập để tránh lãng phí thời gian.

3. Kết bài

Rút ra kết luận chung

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm 

1. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm, mẫu 1 (Chuẩn)

Ông bà ta có câu “Tiết kiệm là quốc sách”, câu nói đã thể hiện được vai trò của việc tiết kiệm trong cuộc sống, đó là lối sống đúng đắn, là quốc sách hàng đầu giúp mỗi con người, mỗi quốc gia tích lũy nguồn lực, tiềm năng để phát triển. Tiết kiệm là việc sử dụng, chi tiêu một cách hợp lí, phù hợp, đúng mục đích mà không gây lãng phí tài nguyên hay những giá trị vật chất. Tiết kiệm không chỉ giúp con người sử dụng một cách hợp lí mà còn đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững. Chẳng hạn như khi chi tiêu tiền bạc, nếu chúng ta không biết tiết chế, tiêu sài vung phí, không có kế hoạch cụ thể sẽ làm cho nguồn tài chính bị cạn kiệt, chẳng mấy chốc sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Việc lãng phí còn có thể gây ra những bất lợi cho tương lai, lãng phí tiền bạc sẽ đẩy chúng ta vào sự bị động, khốn cùng khi không may gặp phải những rủi ro như tai nạn, bệnh tật,…Lãng phí tài nguyên thiên nhiên có thể khiến cho nguồn tài nguyên cạn kiệt, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta sau này. Tiết kiệm giúp cho con người tích lũy được nguồn lực kinh tế, vật chất để đảm bảo cho tương lai. Hơn nữa, tiết kiệm còn giúp con người sống bình dị, khiêm tốn, không phô trương hay xa đà vào những thú vui xa xỉ, tốn kém. Trong thực tế cũng có rất nhiều người theo đuổi lối sống hưởng lạc, vung phí tiền bạc vào những thú vui tiêu khiển trong khi điều kiện kinh tế có hạn. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt được tiết kiệm với việc chi tiêu khắt khe, ki bo kẹt xỉn. Tiết kiệm giúp cho việc chi tiêu, sử dụng hợp lí, nó khác hoàn toàn với việc tính toán chi li từng đồng của những người có tính ki bo, kẹt xỉn. Chúng ta- thế hệ tương lai của đất nước cần phát huy lối sống tiết kiệm từ những hành động nhỏ nhất: hãy chi tiêu tiền bạc cho hợp lí, tắt điện khi ra khỏi phòng, vặn chặt van nước khi không sử dụng,…Hãy sống tiết kiệm để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

2. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm, mẫu 2 (Chuẩn)

Tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp của người Việt Nam ta, sống tiết kiệm là không lãng phí, mọi hoạt động sử dụng đều phù hợp, đúng mục đích. Tiết kiệm giúp chúng ta làm chủ được cuộc sống, công việc, tích lũy được nguồn lực về vật chất, kinh tế cho tương lai. Ngược lại, nếu không biết tiết kiệm thì mọi tiền bạc, vật chất sẽ đổ sông đổ bể bởi “Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.” (Hồ Chí Minh). Tiết kiệm không chỉ là một đức tính cần có mà còn là một lối sống có văn hóa, đạo đức. Để làm ra của cải, những giá trị tốt đẹp chúng ta phải đánh đổi rất nhiều thứ, đó là thời gian, mồ hôi, công sức và cả những kì vọng. Bởi vậy, việc sử dụng tiết kiệm, đúng cách thể hiện sự trân trọng thành quả mà bản thân hay người khác làm ra. Người có lối sống tiết kiệm sẽ biết cách chi tiêu hợp lí, có kế hoạch nhằm giảm thiểu tối đa những chi phí không cần thiết mà vẫn đạt được hiệu quả công việc như mong muốn. Tiết kiệm không có nghĩa là sống kham khổ hay chi tiêu quá khắt khe, tính toán. Tiết kiệm là việc cân đối việc chi tiêu, sử dụng ở mức phù hợp, đáp ứng được những điều kiện cần thiết của hoàn cảnh, nó khác với việc khắt khe, tính toán từng đồng. Thực hành lối sống tiết kiệm theo lời dạy của ông cha “Tiết kiệm là quốc sách”, mỗi học sinh chúng ta cần sống giản dị, rèn luyện tính tiết kiệm, tránh xa những thú vui tiêu khiển và lối sống đua đòi lãng phí. Trong học tập cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập để tránh lãng phí thời gian. Hãy học cách tiết kiệm từ hôm nay hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng cuộc sống, xây dựng đất nước.

3. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm, mẫu 3 (Chuẩn)

Cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn bởi nỗ lực lao động và sự cố gắng không ngừng nghỉ. Để đảm bảo cho một cuộc sống bền vững, lâu dài thì con người ta còn cần tiết kiệm. Tiết kiệm là việc sử dụng những giá trị vật chất (tiền bạc, của cải, tài nguyên..) và tinh thần (thời gian, sức lao động) một cách đúng mức, không lãng phí vào những việc vô bổ. Tiết kiệm là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta, trong những ngày tháng kháng chiến trường kì, nhờ có tiết kiệm mà chúng ta có thể tích lũy được thóc gạo, quân lương, tiết kiệm cả viện trợ của nước ngoài để làm nên chiến thắng lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu. Tiết kiệm còn được coi là quốc sách hàng đầu bởi nó mang đến lợi ích cho con người, xã hội, chuẩn bị được nguồn lực vật chất, tinh thần phong phú cho cuộc sống trong tương lai. Người có lối sống tiết kiệm sẽ làm chủ được cuộc sống của mình bởi họ biết chi tiêu hợp lí, biết lên kế hoạch cho những công việc, dự định, bởi vậy mà họ nhận được sự yêu mến, kính trọng của những người xung quanh. Tiết kiệm còn thể hiện sự tôn trọng của con người với thành quả của bản thân và mọi người xung quanh. Tiết kiệm không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Ngay từ bây giờ mỗi chúng ta hãy rèn luyện lối sống tiết kiệm bởi đó là lối sống lành mạnh, văn minh.

————–HẾT————–

Bên cạnh tiết kiệm, người Việt Nam ta còn rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc sống, Nghị luận xã hội 200 chữ về ý thức tôn trọng lẽ phải, Nghị luận xã hội 200 chữ về sự tử tế, Nghị luận xã hội 200 chữ về sự cao thượng.

Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button