Đề bài: Phân tích nhân vật Mị Châu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy và trình bày quan điểm của anh chị về nhân vật này.
Phân tích nhân vật Mị Châu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy
I. Dàn ý Phân tích nhân vật Mị Châu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu-Trọng Thủy.
– Giới thiệu nhân vật Mị Châu.
2. Thân bài
a. Xuất thân, hoàn cảnh:
– Mị Châu là con gái duy nhất của An Dương Vương.
– Từ nhỏ cuộc sống của nàng vốn dĩ đã sung sướng, được bảo bọc và nhận đủ tình yêu thương cưng chiều của vua cha.
– Được gả cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà, kẻ mới trước đây đã dẫn quân sang với ý đồ xâm lược u Lạc, nhưng thất bại.
b. Tội nhân của bi kịch mất nước:
– Bản tính ngây thơ, không thấu hiểu sự đời cũng như thờ ơ với lợi ích của quốc gia dân tộc, say đắm trong tình yêu, hạnh phúc với người chồng mới cưới là Trọng Thủy. Sự phục tùng và nghe lời chồng trở thành lưỡi dao giết chết nàng và cả đất nước, thành một mối họa mà nàng không thể tưởng tượng được.
+ Không ý thức được sự lợi hại của nỏ thần và tầm quan trọng của nó với sự tồn vong của đất nước, dễ dàng lén lấy nó đem ra cho chồng mình là Trọng Thủy xem trộm mà không một chút nghi ngờ hay đề phòng.
+ Không nhận ra sự đáng ngờ khi Trọng Thủy xin về nước thăm cha và sự kỳ lạ trong lời nói của chàng ta rằng “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ, ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng lấy gì làm dấu?”.
=> Ẩn ý về một cuộc xung đột sắp xảy ra giữa hai nước.
+ Khi Mị Châu phải theo vua cha chạy trốn trên một con ngựa, tình cảnh thảm hại vô cùng, Mị Châu lại vẫn tin tưởng Trọng Thủy một mặt theo vua cha chạy trốn, một mặt rải áo lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo, phản bội chính cha mình trong vô thức.
– Cuối cùng với tất cả những ngu muội và tội lỗi tày đình của mình, Mị Châu đã phải trả một cái giá quá đắt, nước mất, nhà tan, tình thân chấm hết, nàng đã chết dưới lưỡi kiếm của cha để đền tội, nhưng vẫn mãi mãi ôm trong mình nỗi oán hận và day dứt khôn nguôi.
b. Nạn nhân của bi kịch tình yêu:
– Mị Châu một lòng si mê và dành hết tình yêu cả đời mình cho Trọng Thủy, một tình yêu thuần nhất và chung thủy, không hề vụ lợi hay suy tính thiệt hơn, hết lòng tin tưởng và dâng toàn bộ trái tim cho Trọng Thủy mà chưa một lần suy nghĩ cho bản thân hay suy nghĩ cho quốc gia dân tộc.
+ Nàng ngây thơ tin tưởng vào tình yêu của mình và đồng thời cũng nghĩ rằng Trọng Thủy cũng dành cho mình những tình cảm trong sáng và sâu sắc hệt như nàng đối với hắn.
+ Yêu cầu xem nỏ thần, hay thỏa thuận việc tìm lại nhau lỡ như loạn lạc, đối với Mị Châu lại trở thành việc bình thường và nghiễm nhiên giữa các cặp vợ chồng ân ái.
+ Chuyện áo lông ngỗng, là nỗ lực của Mị Châu để bảo vệ mối duyên tơ, chứ nào đâu nghĩ đến cảnh diệt quốc và bi kịch những ngày sau vì sự mù quáng, tin tưởng của mình.
=> Cuối cùng đáp lại nàng đó chính là sự lừa dối và phản bội đầy đau đớn của Trọng Thủy, nàng bị đẩy vào bi kịch phản quốc, bi kịch phản bội vua cha và phải chịu cái chết đầy đau đớn và tội lỗi, chết mà vẫn còn mang nhiều uất hận ngàn năm khó rửa sạch.
– Nhận được tình yêu của Trọng Thủy, nhưng đó lại là một tình yêu mang đầy tội lỗi, đau thương, bản thân Mị Châu sẽ chẳng bao giờ còn có thể chấp nhận được nữa, lòng nàng chỉ còn lại sự thù hận, chán ghét và tuyệt vọng.
– Nàng chết đi máu nhỏ thành ngọc trai, một sự hóa thân không toàn thể hiện thái độ nghiêm khắc của nhân dân ta về những lỗi lầm không thể vãn hồi của nàng Mị Châu, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự cảm thông thấu hiểu cho những bi kịch mà nàng phải gánh chịu.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận.
II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Mị Châu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy (Chuẩn)
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, đã từng xuất hiện những tích, những con người thần thánh khiến biết bao thế hệ tôn thờ như Thánh Gióng, Sơn Tinh, thế như cũng có những truyền thuyết, những câu chuyện đầy đau thương, bi kịch, không chỉ để lại cho người đọc nhiều băn khoăn, trăn trở mà đó còn là những bài học sâu sắc và quý giá mà cha ông ta từ thuở xa xưa muốn con cháu không bao giờ được quên. Truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu – Trọng Thủy chính là một trong số ấy. Ba nhân vật chính mỗi người đều có những sai lầm, những ngu muội ích kỷ riêng, người thì đắc thắng, quên đề phòng, kẻ tin người, mê muội trong tình yêu, kẻ lại ác tâm dối gạt lợi dụng tình yêu và niềm tin của người khác. Mỗi nhân vật đều có những khía cạnh tính cách và tâm hồn đáng khai thác và tìm hiểu, trong đó nhân vật Mị Châu chính là một nhân vật có nhiều nét đặc sắc đồng thời cũng để lại cho nhân thế nhiều bài học sâu sắc, trong đó đặc biệt nhất là bài học về việc cân bằng giữa tình cảm cá nhân và lợi ích dân tộc.
Mị Châu là con gái duy nhất của An Dương Vương, từ nhỏ cuộc sống của nàng vốn dĩ đã sung sướng, được bảo bọc và nhận đủ tình yêu thương cưng chiều của vua cha. Nhưng có lẽ An Dương Vương đã quá chủ quan, lơ là hoặc là thật sự tự tin vào tài cán bảo vệ đất nước thế nên người đã bỏ qua việc chỉ dạy cho Mị Châu những bài học về trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, đặc biệt nàng lại còn là một công chúa. Vua cha vì sự tự tin và kiêu ngạo của mình đã dễ dàng gả con gái cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà, kẻ mới trước đây đã dẫn quân sang với ý đồ xâm lược u Lạc, nhưng thất bại, mà không một chút mảy may nghi ngờ về sự lợi hại trong ấy. Cho đến bây giờ người ta vẫn không thể lý giải được, tại sao đường đường là một vị vua anh minh lỗi lạc như An Dương Vương mà lại cũng có những lúc hồ đồ, thiếu sáng suốt đến bực ấy, gả con gái yêu của mình cho con trai của kẻ thù và cuối cùng chính tay đẩy nàng, mình và cả đất nước vào bi kịch diệt vong không lối thoát. Có thể nói rằng, bi kịch của Mị Châu đều bắt nguồn từ người cha của mình, nàng không có lỗi gì trong việc trở thành vợ của Trọng Thủy, thậm chí ngay lúc đó nàng còn là người có công bình ổn và tham gia vào mối quan hệ “hòa bình” giữa hai quốc gia. Thế nhưng sau tất cả nàng vẫn phải chấp nhận cái danh tội nhân của bi kịch mất nước. Cuộc sống được bảo bọc, yêu thương và chăm sóc đã dưỡng ra một nàng công chúa ngây thơ, không thấu hiểu sự đời cũng như thờ ơ với lợi ích của quốc gia dân tộc, mà thay vào đó là sự say đắm trong tình yêu, hạnh phúc với người chồng mới cưới là Trọng Thủy. Thú thật rằng, quan niệm xuất giá tòng phu, lấy chồng thì phải theo chồng vốn dĩ đã có từ bao đời nay, kể từ khi con người chuyển từ chế độ Mẫu hệ sang Phụ hệ và trở thành một quy tắc bất thành văn ăn sâu vào bản tính của nhiều người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên bản thân Mị Châu lại là một công chúa, cái sự phục tùng và nghe lời chồng trở thành lưỡi dao giết chết nàng và cả đất nước, thành một mối họa mà nàng không thể tưởng tượng được. Dẫu bản thân Mị Châu không tham gia quốc sự, chỉ phụ trách việc sống trong nhung lụa và hưởng thụ thế nhưng không lẽ nào nàng không biết được sự lợi hại của nỏ thần và tầm quan trọng của nó với sự tồn vong của đất nước? Ấy thế mà nàng công chúa ngây thơ đã dễ dàng lén lấy nó đem ra cho chồng mình là Trọng Thủy xem trộm mà không một chút nghi ngờ hay đề phòng. Hành động vô phép này của nàng quả thực là một sự ngu muội khó chấp nhận, nàng chỉ biết đến việc Trọng Thủy là chồng mình, mà không hề nghĩ đến Trọng Thủy với cha chồng đồng thời cũng là kẻ thù dạo trước, là kẻ vẫn thường nhăm nhe xâm lược đất nước mình để mà đề phòng. Lấy trộm nỏ thần cho chồng xem lại là một chuyện, đến cả cái việc đáng ngờ khi Trọng Thủy xin về nước thăm cha mà Mị Châu cũng vẫn không hề nhận thức được sự kỳ lạ trong lời nói của chàng ta rằng “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ, ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng lấy gì làm dấu?”. Nếu tỉnh táo và chịu suy nghĩ thấu đáo, thì rõ ràng người ta đã nhận ra được ẩn ý về một cuộc xung đột sắp xảy ra giữa hai nước. Thế nhưng không, Mị Châu trẻ dại và quá chìm đắm trong tình yêu cũng như nỗi buồn sắp ly biệt đã không đủ tỉnh táo để nhận ra được điều đơn giản ấy, mà vẫn một mực đợi chờ Trọng Thủy trở về. Và chồng nàng cũng trở về thật, tuy nhân là trở về với một cuộc xâm lược tàn khốc, biến đất nước vốn đang yên bình thành một mảnh hỗn loạn, nhân dân lầm than. Mị Châu phải theo vua cha chạy trốn trên một con ngựa, tình cảnh thảm hại vô cùng, ấy vậy mà người ta vẫn không hiểu nổi rốt cuộc vì nguyên do gì mà Mị Châu lại vẫn tin tưởng Trọng Thủy đến thế, khi mà bi kịch mất nước đã diễn ra ngay trước mặt. Nàng ta một mặt theo vua cha chạy trốn, một mặt rải áo lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo, một sự ngu muội và phản bội chính cha mình trong vô thức. Cuối cùng với tất cả những ngu muội và tội lỗi tày đình của mình, Mị Châu đã phải trả một cái giá quá đắt, nước mất, nhà tan, tình thân chấm hết, nàng đã chết dưới lưỡi kiếm của cha để đền tội, nhưng vẫn mãi mãi ôm trong mình nỗi oán hận và day dứt khôn nguôi.
Nhưng bên cạnh bi kịch tội nhân phản quốc, thì Mị Châu cũng phải gánh chịu một bi kịch khác ấy chính là bi kịch trong tình yêu. Như đã nói, Mị Châu sống mười mấy năm trong bảo bọc, nhung gấm sau lại được gả cho Trọng Thủy, hoàng tử của nước láng giềng. Truyện không nói nhiều về nhân vật Trọng Thủy, thế nhưng đoán chắc rằng đây cũng là một người tài hoa, diện mạo sáng sủa và có lẽ cũng biết cách yêu thương thế nên nàng Mị Châu mới có thể một lòng si mê và dành hết tình yêu cả đời mình cho hắn như thế. Tình yêu của Mị Châu là tình yêu thuần nhất và chung thủy, không hề vụ lợi hay suy tính thiệt hơn, nàng giống như một con chiên hết lòng phục đạo, hết lòng tin tưởng và dâng toàn bộ trái tim cho Trọng Thủy mà chưa một lần suy nghĩ cho bản thân hay suy nghĩ cho quốc gia dân tộc. Thú thật rằng, đối với một cô gái còn gì hạnh phúc sung sướng hơn khi được sống trong cảnh yên bình ấm êm bên cạnh chồng, bên cạnh cha mà không phải mảy may lo nghĩ điều gì. Sự che chở ấy quả thực là bảo vật của thế gian. Nàng ngây thơ tin tưởng vào tình yêu của mình và đồng thời cũng nghĩ rằng Trọng Thủy cũng dành cho mình những tình cảm trong sáng và sâu sắc hệt như nàng đối với hắn. Thế nên với những yêu cầu xem nỏ thần, hay thỏa thuận việc tìm lại nhau lỡ như loạn lạc, đối với Mị Châu lại trở thành việc bình thường và nghiễm nhiên giữa các cặp vợ chồng ân ái. Nàng nghĩ rằng vợ chồng với nhau thì chẳng thiết gì mà phải giữ bí mật, nàng hy vọng rằng việc cho Trọng Thủy xem nỏ thần, chính là thể hiện thành ý và tình yêu sâu sắc của nàng dành cho hắn, để từ đó tình cảm vợ chồng càng thêm thắm thiết, bền chặt. Còn chuyện áo lông ngỗng, lúc ấy Mị Châu nghe đến việc Trọng Thủy về thăm cha, lại nghĩ đến cảnh phải xa cách một khoảng thời gian lâu, cũng như những chuyện bất trắc khiến lòng người con gái vốn yếu mềm và có nhiều tình yêu này trở nên yếu đuối. Nàng không còn nghĩ được gì ngoài nỗi buồn ly biệt, thế nên Mị Châu chỉ hòng tìm cách làm sao để bảo vệ mối duyên tơ, chứ nào đâu nghĩ đến cảnh diệt quốc và bi kịch những ngày sau vì sự mù quáng, tin tưởng của mình. Cuối cùng đáp lại nàng đó chính là sự lừa dối và phản bội đầy đau đớn của Trọng Thủy, người nàng hết mực tin yêu. Chính tay chồng nàng đã đẩy nàng vào bi kịch phản quốc, bi kịch phản bội vua cha và phải chịu cái chết đầy đau đớn và tội lỗi, chết mà vẫn còn mang nhiều uất hận ngàn năm khó rửa sạch. Khi ấy, Trọng Thủy đuổi được tới nơi, hắn hối hận và đau đớn vì cái chết của người vợ yêu quý, người con gái một đời dành tình yêu cho hắn. Cuối cùng Mị Châu cũng nhận được tình yêu của Trọng Thủy, nhưng đó lại là một tình yêu mang đầy tội lỗi, đau thương, bản thân Mị Châu sẽ chẳng bao giờ còn có thể chấp nhận được nữa, lòng nàng chỉ còn lại sự thù hận, chán ghét và tuyệt vọng. Nàng chết đi máu nhỏ thành ngọc trai, một sự hóa thân không toàn diện vừa là sự trừng phạt, cũng lại là sự thương xót cho một kiếp hồng nhan lắm truân chuyên, đau đớn. Thể hiện thái độ nghiêm khắc của nhân dân ta về những lỗi lầm không thể vãn hồi của nàng Mị Châu, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự cảm thông thấu hiểu cho những bi kịch mà nàng phải gánh chịu chỉ vì sự ngây thơ, tin tưởng quá đỗi vào tình yêu.
Mị Châu đáng thương hay đáng trách? Chúng ta và hậu thế về sau vĩnh viễn không bao giờ có thể trả lời được câu hỏi này. Nàng đáng trách khi đã không đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, lại chỉ biết ích kỷ nghĩ đến tình yêu một cách mù quáng và thiếu sáng suốt dẫn đến kết cục không thể nào đau thương hơn – nước mất, nhà tan. Nhưng nàng cũng là một nhân vật đáng thương, phải gánh chịu bi kịch tình yêu đầy đau đớn, cái chết ghê gớm và nỗi oan ức ngàn đời không thể rửa sạch. Câu chuyện và bi kịch của Mị Châu chính là một bài học lớn cho mỗi con người chúng ta, khuyên răn rằng sống trên đời phải biết cân nhắc lợi hại giữa lợi ích chung và riêng, giữa tình thân và tình yêu, đừng để mọi chuyện đi quá xa rồi rơi vào kết cục không thể vãn hồi.
———————HẾT———————
Mị Châu đáng thương hay đáng trách? đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều khi đánh giá về nhân vật này. Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em bài phân tích, đánh giá khách quan về nhân vật Mị Châu. Để có những cảm nhận, đánh giá khách quan về nhân vật này, các em có thể tìm hiểu thêm về truyền thuyết thông qua một số bài văn mẫu liên quan như: Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ, Phân tích nhân vật An Dương Vương, Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thuỷ, Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ.
Bản quyền bài viết thuộc trường trung học phổ thông Sóc Trăng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Thành Phố Sóc Trăng (thptsoctrang.edu.vn)