Đề bài: Từ Bàn về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành
Từ bài Bàn về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành
I. Dàn ý Từ bài Bàn về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành (Chuẩn)
1. Mở bài
*Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu nhận định
· Tác giả La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, tác phẩm “Bàn về phép học”
· Mối quan hệ chặt chẽ giữa học với hành
2. Thân bài
· “Học” là gì?: Là quá trình con người tiếp thu kiến thức, trí tuệ, kỹ năng, kinh nghiệm của nhân loại
· Vai trò của việc học: Trau dồi vốn sống, hoàn thiện nhân cách và làm chủ bản thân, tự khẳng định giá trị của mình, góp phần phát triển xã hội
· “Hành” là gì?: Là quá trình thực hành, vận dụng những kiến thức đã được học, những điều đã được biết vào trong công việc, cuộc sống…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Từ bài Bàn về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành tại đây
II. Bài văn mẫu Từ bài Bàn về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành (Chuẩn)
Một trong những mục đích lớn nhất của việc học tập đó chính là phục vụ thiết thực cho cuộc sống của chúng ta, nghĩa là việc học phải gắn liền với cuộc sống, mang lại giá trị cho cuộc sống. Để có thể thực hiện được điều đó, nhất định phải gắn liền học đi đôi với hành, trong bài “Bàn về phép học”, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã khẳng định mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và mật thiết giữa học và hành.
Để nắm rõ được mối quan hệ giữa học và hành, trước tiên ta phải hiểu về hai khái niệm này. “Học” là quá trình con người tiếp thu kiến thức, trí tuệ, kỹ năng, kinh nghiệm của nhân loại, có nhiều phương pháp và cách thức học khác nhau, có thể học trên trường lớp, học qua bạn bè, và học trong đời sống hằng ngày. Việc học có vai trò rất quan trọng đối với con người, có học tập con người mới có tri thức, tri thức quyết định đến sự tồn tại và phát triển của đời sống xã hội. Học giúp cho con người trau dồi vốn sống, hoàn thiện nhân cách và làm chủ bản thân, tự khẳng định giá trị của mình, góp phần phát triển xã hội. Học là một quá trình, không thể học ngày một ngày hai vì kiến thức nhân loại là vô tận, phải học tập không ngừng và phải xây dựng cho mình những phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả.
“Hành” là quá trình thực hành, vận dụng những kiến thức đã được học, những điều đã được biết vào trong công việc, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ như áp dụng công thức hóa học vào sản xuất phân bón cho cây trồng, ứng dụng công nghệ thông tin vào đo đạc và tính toán, học sinh ứng dụng công thức toán học tính diện tích căn nhà của mình… Quá trình thực hành sẽ giúp ta vận dụng được những điều bổ ích đã được học vào công việc làm tăng giá trị, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Hành giúp cho những kiến thức trên giấy trở nên hiện thực hơn, giúp ta nhìn rõ mặt tốt – xấu, đúng – sai của kiến thức khi ra ngoài thực tế. Quá trình thực hành cũng giúp chúng ta va chạm cuộc sống, giàu trải nghiệm và kích thích sự sáng tạo của con người từ đó giúp ta học tập ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn.
Học phải đi đôi với hành, học phải để hành, hai hoạt động này phải gắn liền với nhau, không để tách rời bởi có học mà không có hành thì học cũng vô ích, còn nếu hành mà không có học thì hành sẽ không hiệu quả. Nếu chỉ học lý thuyết mà không chịu áp dụng hoặc không có khả năng ứng dụng vào thực tiễn thì lý thuyết có cao siêu đến mấy cũng chỉ tốn thời gian, công sức của người học, không giúp ích gì cho công việc, cuộc sống. Ngược lại nếu chỉ hành mà không có học thì mọi việc đều không trôi chảy, không đạt hiệu quả, kiến thức mang lại bao điều bổ ích, kinh nghiệm của người đi trước, nếu không học sẽ không biết đến những điều đó. Lý thuyết chính là ánh đèn soi sáng để con người thực hành và đạt kết quả như mong muốn. Ngày nay, bất kì một ngành nghề nào cũng đòi hỏi quá trình học tập, cần có kinh nghiệm, chính vì vậy nếu không vừa học vừa hành, chúng ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Bài văn “Bàn về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã khẳng định cũng như nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc học, hành và mối quan hệ giữa học với hành. Học phải đi đôi với hành, nếu tách rời chúng thì việc học sẽ trở nên vô ích, việc hành sẽ trở nên vô dụng, phương châm này là hoàn toàn đúng đối với mọi cá nhân, cấp độ và thời đại.
———————–HẾT——————–
Để thấy được vai trò to lớn của việc học, bên cạnh bàiTừ bài Bàn về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành trên đây, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như:Nghị luận về Nỗ lực học tập là trách nhiệm của thanh niên, Nghị luận về Học tập tốt, lao động tốt, Nghị luận xã hội về ý thức học tập,Nghị luận về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào.