Lớp 8

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Bác qua bài thơ Ngắm trăng

cam nhan ve dep tam hon bac qua bai tho ngam trang

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Bác qua bài thơ Ngắm trăng

I. Dàn ýCảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Bác qua bài thơ Ngắm trăng (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta và là một thi sĩ lớn.
– “Nhật ký trong tù” là tập nhật ký bằng thơ của Người.
– Bài thơ “Ngắm trăng” trong tập thơ cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh.

2. Thân bài:

a. Hoàn cảnh sáng tác:
– Sáng tác vào những năm 1942 lúc Người bị bắt bớ và tù đày tại Trung Quốc.
– Trong ngục, Người đã sáng tác tập “Nhật kí trong tù” bằng chữ Hán với 133 bài thơ, phần lớn là thơ tứ tuyệt.
– Bài thơ “Ngắm trăng” ra đời trong hoàn cảnh ấy.

b. Tâm hồn thi sĩ và tình yêu thiên nhiên say mê của Bác:

– Hoàn cảnh: “Ngục trung vô tửu diệc vô hoa”:
+ Rượu và hoa là hai thứ để tăng tính thi vị cho việc ngắm trắng.
+ Nhưng Người đang bị tù đày trong ngục, vậy nên không thể có rượu và hoa để thưởng trăng như thi nhân.
+ Lời thơ bật ra rất tự nhiên như một lời kể.
+ Từ “diệc”- cũng: làm tăng thêm sự thiếu thốn của người tù.

– Câu hỏi đầy trăn trở: “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”:
+ Câu thơ được hoà trộn bởi các vần bằng trắc tạo nên gợi ra vẻ xốn xang của thi nhân.
+ Là người yêu thiên nhiên nên Người không muốn bỏ lỡ cảnh đẹp này, vậy nên Người mới bối rối tự hỏi lòng.

– Cuộc vượt ngục tinh thần để giao hoà với thiên nhiên: “Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt/ Nguyệt tòng song khích khán thi gia”:
+ Các phép đối “nhân – nguyệt”, “hướng – tòng” liên tiếp: thể hiện sự giao hoà giữa người và trăng.
+ Thi nhân ngắm trăng, trăng cũng qua khe cửa ngắm nhà thơ.
+ Song sắt ở giữa cũng không cản nổi một tâm hồn yêu thiên nhiên đang hoà mình vào ánh trăng.

– Bài thơ là tình yêu thiên nhiên hết sức mãnh liệt của Hồ Chí Minh, dù trong ngục tối, Người vẫn hướng về ánh trăng và thưởng thức nó trọn vẹn.
=> Tâm hồn yêu thiên nhiên, giao hoà tuyệt đối với thiên nhiên.

c. Phong thái ung dung và tinh thần lạc quan của Người trong chốn lao tù tối tăm:
– Trong ngục tù thiếu thốn nhưng Hồ Chí Minh chỉ coi đó là bình thường, đương nhiên.
– Giữa lao tù nhưng Người không hề kêu than, oán trách mà luôn hướng về cái đẹp.
– Trong ngục tù nhưng Người vẫn có thể tạo cho mình cảm hứng để thưởng trăng.
=> Ngục tù chỉ có thể tù đày thân thể của Bác, không thể giam giữ được tinh thần Bác.

d. Đánh giá nội dung, nghệ thuật:

– Nội dung: Bài thơ đã cho thấy:
+ Tâm hồn thi sĩ và tình yêu thiên nhiên mãnh liệt của Bác Hồ.
+ Tinh thần lạc quan, ung dung trước mọi hoàn cảnh của người chiến sĩ cách mạng.

– Nghệ thuật:
+ Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.
+ Hình ảnh thơ sinh động, ngôn từ hàm súc.

3. Kết bài:

– Đây là bài thơ khẳng định tâm hồn cao đẹp của Người.

II. Bài văn mẫuCảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Bác qua bài thơ Ngắm trăng (Chuẩn)

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc ta, đồng thời Người cũng là một thi sĩ rất đỗi tài hoa với những vần thơ hay, sâu sắc. Bài thơ “Ngắm trăng” – “Vọng nguyệt”, đã cho ta thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn của Người.

Vào tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh từ Pác Bó, Cao Bằng sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế. Thế nhưng khi tới thị trấn Túc Vinh, Trung Quốc, Bác lại bị bắt bớ và giam giữ bởi chính quyền địa phương nơi đây. Bác đã phải chịu tù đày hơn một năm ròng, bị giải tới gần 30 nhà lao ở 13 huyện tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc. Trong những ngày tháng đó, Người đã viết lên tập thơ “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ bằng chữ Hán, chủ yếu là thơ tứ tuyệt để nói lên hoàn cảnh tù đày của mình. Đồng thời “Nhật ký trong tù” cũng cho ta thấy một tâm hồn cao đẹp, một ý chí cách mạng phi thường và một tài năng thơ ca tuyệt vời. Bài thơ “Ngắm trăng” cũng được sáng tác trong hoàn cảnh ấy, khi Bác đang trong tù và nhìn thấy ánh trăng soi rọi qua khung cửa sổ nhỏ.

Bài thơ “Ngắm trăng” tuy được viết trong hoàn cảnh tù đày thế nhưng đọc bài thơ người ta có thể thấy một người thi sĩ với tâm hồn yêu thiên nhiên. Trăng vốn là tri kỉ của thi nhân, là nguồn cảm hứng vô tận cho họ, và Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ. Người yêu trăng vô cùng vậy nên khi bắt gặp ánh trăng soi tỏ ngoài khung cửa, Người cũng tự nhiên mà thốt lên:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa”
(Trong tù không rượu cũng không hoa)

Thi nhân xưa khi thưởng trăng bao giờ cũng có rượu có hoa bên cạnh. Bởi rượu và hoa làm trăng trở nên thi vị và con người cũng không còn cô đơn dưới ánh trăng ấy. Thế nhưng mở đầu bài thơ của mình, Hồ Chí Minh lại kể rằng “không rượu cũng không hoa” bởi Người đang bị giam cầm trong ngục thất. Từ “diệc”(cũng) được đặt ở giữa câu thơ khiến cho ta cảm thấy sự thiếu thốn đến vô cùng của người tù cách mạng. Thế nhưng câu thơ lại như một lời kể bật ra rất thản nhiên, không hề có một chút kêu ca, bực bội hoàn cảnh hiện tại. Người hoàn toàn bình thản đón nhận nó như một lẽ đương nhiên.

Câu thơ thứ hai cất lên thể hiện rõ sự băn khoăn của nhà thơ trước cảnh đẹp:

“Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”
(Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)

Câu thơ được hoà trộn bởi nhịp bằng trắc liên hồi, đều đặn của các vần thơ cho thấy một tâm trạng xốn xang khó tả của thi nhân. Là một con người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp thì ắt hẳn trước khung cảnh trăng sáng như đêm nay làm sao mà Bác muốn bỏ lỡ cơ chứ. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn này, trong ngục tù này thì làm sao có thể thưởng trăng một cách trọn vẹn, vậy nên Người mới bối rối, mới tiếc nuối, mới tự hỏi lòng.

Thế nhưng với một tình yêu thiên nhiên mãnh liệt và say mê đã giúp Người chiến thắng được hoàn cảnh. Không được hòa mình trong trong ánh trăng ấy, Người đã chọn cách ngắm trăng rất đặc biệt – thực hiện một cuộc “vượt ngục tinh thần”:

“Nhân hướng song tiền hướng minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”

(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)

Có thể bữa tiệc ngắm trăng của Người không có rượu, không có hoa, nhưng lại có một tâm hồn say mê cái đẹp hơn hết thảy, chỉ cần vậy là đủ cho bữa tiệc này. Những phép đối được Bác sử dụng liên tiếp “nhân – nguyệt”, “hướng – tòng”,… thể hiện sự đồng điệu, giao hoà giữa người và trăng, người và trăng trở thành một đôi bạn tri kỷ. “Nhân” – người hướng ra ngoài cửa sổ ngắm trắng. Đáp lại, “nguyệt” – trăng cũng qua khe cửa mà ngắm lại nhà thơ. Giữa người và trăng cách nhau bởi song sắt nhà tù thế nhưng song cửa sắt ấy lại chẳng thể thắng nổi mối tương giao giữa hai chủ thể đó. Song sắt nhà tù ngăn chặn bước chân của người, thế nhưng chẳng thể chặn nổi một tâm hồn yêu thiên nhiên đang tự do bay bổng với ánh trăng tuyệt đẹp.

Bài thơ đã cho thấy một tâm hồn thi sĩ, yêu thiên nhiên hết mực của Hồ Chí Minh. Dù trong hoàn cảnh tù đày thiếu thốn, thế nhưng, Người vẫn có thể hoà mình vào cùng với ánh trăng và thưởng thức nó một cách trọn vẹn. Với tình yêu thiên nhiên dạt dào của mình thì không một rào cản nào có thể khiến người chiến sĩ cách mạng bỏ lỡ một cảnh sắc tuyệt vời như ánh trăng!

Thế nhưng, ta không chỉ cảm nhận được một tâm hồn thi sĩ, trái tim yêu thiên nhiên hết mực của Bác mà còn cảm nhận được phong thái ung dung, lạc quan dù ở chốn tù đày tối tăm. Nhà tù khiến cho con người ta sợ hãi không chỉ bởi sự thiếu thốn vật chất:

“Gầy đen như quỷ đói
Ghẻ lở mọc đầy thân”

Mà còn là sự nao núng về tinh thần khi bị giam cầm trong một nơi chật hẹp và tối tăm. Thế nhưng ở Hồ Chí Minh, qua bài thơ “Ngắm trăng” của Người, ta cảm thấy ở Bác chứa đựng một sự ung dung, lạc quan trước hoàn cảnh đến lạ thường. Trong ngục, thiếu thốn nhưng Người vẫn chỉ thản nhiên chấp nhận, coi đó là chuyện đương nhiên. Không chỉ vậy, giữa nhà tù hôi hám, bẩn thỉu, Người vẫn luôn hướng về ánh trăng, hướng về vẻ đẹp vĩnh cửu của vũ trụ mà thưởng thức, mà giao hoà như những người tri kỷ. Và hơn thế, ta còn cảm nhận được một tâm hồn tự do hết thảy đang bay bổng, thoát khỏi buồng giam tối tăm này để bay lên cùng ánh trăng tuyệt vời.

Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, là một thể thơ Đường cổ, cùng với chất liệu quen thuộc là ánh trăng. Thế nhưng nó được vẽ lên bởi một tâm hồn yêu thiên nhiên, tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời của Hồ Chí Minh. Nhịp thơ chậm rãi cùng hình ảnh thơ sinh động, hàm súc đã khiến cho ta có thể thấy được tâm hồn cao cả của một người chiến sĩ cách mạng dù trong hoàn cảnh tù đày tăm tối.

Hoài Thanh đã từng nhận xét “thơ Bác đầy trăng”, phải, với Bác, trăng là nguồn cảm hứng vô tận. Thế nhưng, qua bài thơ “Ngắm trăng” ta không chỉ thấy được thiên nhiên đẹp mà đồng thời còn thấy được bức chân dung tinh thần của Hồ Chí Minh. Bài thơ xứng đáng là một thi phẩm để đời của Người.

—————-HẾT—————-

“Nhật ký trong tù” là tập thơ mà bài thơ nào trong đó cũng chứa đựng những ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đặc biệt là bài thơ “Ngắm trăng”. Vậy nên các bài viết tham khảo như: Phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Cảm nhận về bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Phân tích vẻ đẹp của bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, Hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua bài thơ Ngắm trăng sẽ giúp chúng ta càng thêm hiểu rõ về hoàn cảnh ngục tù cũng như tâm hồn của Người trong thời gian bị tù đày tại Trung Quốc.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button