Đề bài: Em hãyPhân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du
Phân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
I. Dàn ý Phân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Chuẩn)
1. Mở bài
– Truyện Kiều là một kiệt tác kinh điển của nền văn học Việt Nam với tư tưởng nhân đạo và hiện thực sâu sắc qua ngòi bút tài năng của đại thi hào Nguyễn Du.
– Một trong những trích đoạn khởi đầu cho những bất hạnh xuyên suốt cuộc đời Kiều ấy là trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều.
2. Thân bài
* Vị trí, nội dung đoạn trích:
– Nằm ở phần đầu của phần Gia biến và lưu lạc.
– Nội dung chính là tâm trạng đau khổ tủi nhục của Thúy Kiều khi bán mình cho Mã Giám Sinh để có tiền chuộc cha và em.
* Hai nỗi đau chồng chất trong lòng Kiều:
– “Nỗi mình”: Nỗi đau tình đầu tan vỡ, phải trao duyên cho em, đồng thời bản thân phải bán mình làm lẽ.
– “Nỗi nhà”: Nỗi đau gia đình tan nát, tai họa ập xuống quá bất ngờ khiến Kiều khó có thể chấp nhận và gánh vác…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều tại đây.
II. Bài văn mẫuPhân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Chuẩn)
Đại thi hào Nguyễn Du có cuộc đời gắn bó sâu sắc với nhiều biến động lịch sử trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, khi mà triều đại phong kiến nước ta đang lâm vào những khủng hoảng trầm trọng. Ông từng sống và làm quan dưới triều Nguyễn, với tài học rộng, am hiểu văn hóa dân tộc, lại có dịp đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều nỗi bất hạnh và hiện thực cuộc sống của nhân dân. Chính những điều đó đã khơi nguồn cảm hứng cho Nguyễn Du sáng tạo ra Truyện Kiều dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm là chủ nghĩa hiện thực và nhân đạo sâu sắc, cảm thông cho số phận bất hạnh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, thông qua nhân vật Thúy Kiều – một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, nhưng cuộc đời lắm gian truân, đau khổ. Một trong những trích đoạn khởi đầu những bất hạnh xuyên suốt cuộc đời Kiều ấy là trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều.
Đoạn trích nằm ở đầu phần Gia biến và lưu lạc, lúc này đây cha và em trai của Thúy Kiều đều đã bị bắt giam phải có tiền chuộc mới được thả ra, nhưng khốn nỗi nhà nàng đã chẳng còn tài sản gì đáng giá. Kiều là con cả nên phải gánh vác cả gia đình, nàng quyết định bán mình làm vợ lẽ cho người khác để chuộc cha và em, làm tròn đạo hiếu. Qua mai mối có người tên Mã Giám Sinh tìm đến vấn danh.
Kẻ tìm đến mua Kiều xem chừng cũng chẳng phải phường tốt lành, tuổi đã ngoài bốn mươi, mày râu nhẵn nhụi, dẫn theo một đám đầy tớ tìm đến, đến nơi chẳng hỏi, chẳng thưa lập tức “ngồi tót sỗ sàng” như phường chợ búa, vội vàng giục Kiều ra cho mình xem mặt. Mã Giám Sinh rõ ràng đã thể hiện ra hắn là một con người thiếu khuôn phép, lại háo sắc chắc chắn vì nghe danh nhan sắc mỹ miều của Kiều nên mới nhân dịp này tìm đến, nhằm kiếm được một mối hời. Thấy kẻ đến không lề lối như vậy Kiều ở trong nhà càng thêm đớn đau vừa đau nỗi đau nhà, lại vừa tự xót thương cho phận mình bạc bẽo.
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”
Nguyễn Du vẫn sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng cổ điển quen thuộc để miêu tả nội tâm đớn đau của Thúy Kiều. Ở đây Thúy Kiều mang hai nỗi đau, “nỗi mình” chính là nỗi đau đớn khi mối tình với Kim Trọng buộc phải tan vỡ, là nỗi đau khi phải nhờ em gái nối duyên với chàng Kim thay mình, là nỗi đau khi phải bán thân làm vợ lẽ cho một người đáng tuổi cha chú. Thứ hai “nỗi nhà” chính là sự hoảng hốt, bất lực trước tai họa ập đến với gia đình, khiến một gia đình vốn “êm đềm trướng rủ màn che” nay cha, em thì chịu tù tội, Kiều thì phải bán thân mình lấy tiền chuộc. Với hai nỗi đau chất chồng như thế, đối với cô gái mới mười mấy tuổi như Thúy Kiều là những nỗi đau quá lớn vượt ngoài sức chịu đựng, dù cho nàng có tài trí đến mức nào thì xét cho cùng đôi vai nàng quá bé nhỏ để có thể gánh vác hết những biến cố khôn lường ấy. Để miêu tả sâu sắc nỗi bất hạnh của Kiều, Nguyễn Du đã đưa vào hình ảnh “lệ hoa”, từ trong gian phòng của nàng ra tới phòng khách dẫu chỉ có mấy bước chân thôi, thế nhưng gót chân ngọc cất một bước, thì hàng lệ cũng theo đó mà tuôn ra. Kiều bước đi trong tâm trạng uất ức, xấu hổ và nhục nhã khôn cùng, cớ sao một cô gái như nàng nay lại chẳng khác gì món đồ, phải rời khỏi khuê phòng để cho kể sỗ sàng kia xem xét. Có lẽ phải trong hoàn cảnh của Kiều người ta mới có thể cảm nhận được nỗi đau một bước chân nặng tựa ngàn cân là như thế nào.
“Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.”
Kiều vốn dĩ chẳng gặp gỡ người lạ mặt bao giờ, thế mà hôm nay phải chấp nhận tủi nhục gặp một kẻ nàng còn chưa từng nghe danh, hơn nữa kẻ đó lại có phong thái tiểu nhân, thiếu lễ độ, điều này là đả kích lớn đối với Kiều. Bởi nàng vẫn đinh ninh rằng người nàng sắp gặp mặt chính là chồng tương lai của mình mà không hề biết rằng sau đó chính là bi kịch to lớn đang chờ đợi nàng. Kiều mang tâm trạng vừa đau đớn, vừa uất ức, đến khi gặp mặt thì lại mang nỗi “ngượng ngùng dợn gió e sương”, ngượng ngùng ở đây không phải là tâm trạng của thiếu nữ khi gặp người khác giới, mà đó là nỗi xấu hổ, nhục nhã, là nỗi hoang mang, dao động như sóng lớn trong lòng nàng Kiều tội nghiệp. Kiều đang trong tâm trạng đau đớn nhưng vẻ đẹp tuyệt sắc của nàng vẫn được Nguyễn Du ước lệ thầm kín bằng những tạo vật thiên nhiên như “hoa”, “cúc” rồi cả “mai” cốt làm sao miêu tả rõ nhất tâm trạng của một giai nhân mỹ miều trong nỗi đớn đau tột cùng cuộc đời người. Đến đây thôi, Kiều coi như đời nàng đã hết, đành chỉ biết buông trôi theo số phận, nào làm thơ, nào đánh đàn “Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”, nàng cũng đã chết lặng, bởi nỗi nhục nhã, nỗi đau đớn đoạn đã khiến nàng như chai lì cảm xúc. Thế nên nếu đã chấp nhận bán thân, thì sao còn có thể giữ khuôn giữ phép, đành mặt dày mày dạn khoe tài, ngã giá cũng có khác chi đâu phường ca kỹ tầm thường. Thân phận Kiều, cũng như thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa thật đớn đau và tủi hổ biết bao nhiêu, cái sắc, cái tài cũng chẳng thể cứu vớt Kiều khỏi bể khổ, thậm chí nó còn khiến nàng càng thêm nhiều nỗi bất hạnh, thương đau.
Qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Nguyễn Du đã xuất sắc dùng những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng, bút pháp ước lệ cổ điển, câu từ chọn lọc chau chuốt nhằm khắc họa rõ nét nội tâm nhân vật Kiều trước những biến cố to lớn của cuộc đời. Đó là nỗi đớn đau cho thân phận bạc mệnh, là nỗi nhục nhã, tự trọng của Kiều trong cảnh bán thân chuộc cha. Qua đó ta thấy được những tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du trong tác phẩm, đó là nỗi xót thương cho thân phận tài hoa bạc mệnh của nàng Kiều, mở rộng ra chính là nỗi thương cảm cho số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc cổ hủ.
——————HẾT—————-
Để củng cố kiến thức bài học và rèn luyện kĩ năng viết bài, bên cạnh bài Phân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, các em có thể tìm đọc thêm:Bình giảng về đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Suy nghĩ về thân phận Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du, Phân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh.