Đề bài: Phân tích nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Phân tích nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
I. Dàn ý Phân tích nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao: Ông Giáo là một người từng trải với những suy nghĩ và trăn trở về cuộc đời và số phận con người. Ông Giáo là hiện thân của cái đẹp, là tư tưởng lỗi lạc nhưng sinh nhầm thời thế.
2. Thân bài
– Giới thiệu vài nét về nhân vật ông Giáo
– Phân tích các nét đẹp của ông Giáo được thể hiện của hành động, suy nghĩ đối với người xung quanh:
+ Là người đáng mến nhưng cũng đáng thương…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ýPhân tích nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao tại đây.
I. Bài văn mẫuPhân tích nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao (Chuẩn)
Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng như chúng ta mơ ước, có những chuyện trên đời xảy ra vô lý, có những bất hạnh chẳng biết từ đâu bỗng chốc ập đến đè bẹp cuộc đời con người. Đôi khi chúng ta có thể thấu hiểu, cảm thông và lý giải được nguyên nhân của những thứ đang diễn ra trước mắt thế nhưng rồi lại bất lực nhìn trong vô vọng vì sức người có hạn, đến bản thân mình còn đang phải chịu sự chà đạp của cuộc đời thì làm sao đủ sức để thay đổi cuộc đời người khác. Trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao chúng ta đã thấy một hình ảnh ông Giáo rất lương thiện và cao quý, là một người từng trải với những suy nghĩ và trăn trở về cuộc đời và số phận con người. Ông Giáo là hiện thân của cái đẹp, là tư tưởng lỗi lạc nhưng sinh nhầm thời thế.
Ông Giáo trong tác phẩm đóng vai trò là người kể chuyện, là nhân vật mà Nam Cao trực tiếp đặt mình vào đó để thổ lộ và giãi bày những tâm tư của lòng mình. Là một người có lòng yêu sách hơn cả, cuộc đời của ông gắn bó khăng khít với sách thế nhưng sau cùng vùi hoàn cảnh đẩy đưa khiến ông phải bán những đứa con tinh thần của mình để chạy vạy cho cuộc sống, để chữa bệnh cho đứa con tội nghiệp của mình.
Cùng sống và chịu đựng những đớn đau dày vò từ cuộc sống nên ông Giáo thấu hiểu và dễ đồng cảm với những người xung quanh. Ông nhận ra được vẻ đẹp cao quý nơi con người Lão Hạc, mặc cho hoàn cảnh sống của mình cũng đang đói khổ đến khốn đốn nhưng ông vẫn không ngần ngại đưa tay ra giúp đỡ Lão Hạc hết mức có thể. Ông Giáo lo sợ hoàn cảnh sống khốn khó sẽ khiến cho lão Hạc đánh mất đi vẻ đẹp của mình nhưng ông cũng không biết làm cách nào để giải quyết cho vấn đề của lão cũng như giải thoát cho cuộc đời mình, sau cùng đó cũng chỉ là những trăn trở suy nghĩ mà chẳng có cách nào cứu chữa.
Ông còn nhận ra vẻ đẹp ẩn sâu trong mỗi người, ai cũng có những câu chuyện, ai cũng có những nỗi khổ riêng của họ, không có người xấu xa chỉ có những con người bị khuất phục bởi hoàn cảnh. Cuộc đời dài đằng đẵng sống để mà lo cho cuộc đời mình thôi đã mỏi mệt lắm rồi vậy nên con người ta không còn tâm trí để suy nghĩ cho người khác nữa vậy nên họ trở nên ích kỉ, nhưng tất cả đều có nguyên nhân của nó. Và ông đã thấu hiểu quy luật cuộc sống nên càng biết trân trọng và thương yêu những người xung quanh mình hơn, ông không trách hay phán xét bất kỳ một ai mà chỉ tự đặt mình vào vị trí của họ để rồi suy nghĩ mà cảm thông, ông không chỉ sống cho mình mà còn lo nghĩ cho cả cuộc sống của người khác.
Khác hẳn với ông Giáo thì vợ ông lại là một người tiêu cực hay có những suy nghĩ lầm lạc về người khác, thế nhưng ông không trách cũng không giận mà ông chỉ thấy buồn, ông sẵn sàng tha thứ cho người khác để hiểu rõ hơn về bản thân họ, để cùng sẻ chia và cảm thông. Thế nhưng con người đầy lạc quan và triết lý ấy lại có lúc lo sợ người khác đánh mất bản chất tốt đẹp của họ để rồi trăn trở đau lòng. Đó là khi ông Giáo biết tin Lão Hạc, người mà ông vô cùng nể phục và tôn trọng xin Binh tư bả chó, thoạt đầu ông buồn và thất vọng về bản chất con người, rằng cái đẹp, cái cao quý của con người có thể bị mất đi nếu như con người ta rơi vào cảnh bần cùng, sau cùng thì những thì tươi đẹp sẽ bị vấy bẩn mà không cách nào cứu vãn được. Tưởng rằng như đã tuyệt vọng và mất niềm tin vào đạo đức của con người thế nhưng sau đó ông lại nhận ra được việc làm đầy nghĩa khí của lão Hạc, lão thà tự tay kết liễu cái mạng già thoi thóp kia chứ nhất quyết không chịu vứt đi lòng tự trọng của mình, nhất quyết không đầu hàng số phận. Con người nhỏ bé là thế nhưng lại kiên cường và rắn rỏi đến không ngờ, và điều đó làm cho ông Giáo phải thốt lên đầy thán phục.
Cuộc sống nhân sinh đầy rẫy những đau thương và khốn khổ và không phải ai cũng giữ được tỉnh táo và cái nhìn lạc quan đối với cuộc đời mỏi mệt này, vậy nên có thể nói ông Giáo là một trong số những người hiếm hoi đủ tỉnh táo để nhìn nhận thế giới, nhìn nhận cuộc đời đúng đắn theo cách của mình.
——————-HẾT———————-
Khám phá những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Lão Hạc, bên cạnh bàiPhân tích nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, các em có thể tham khảo thêm:Vẻ đẹp con người của lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao, Tình cảnh của người nông dân qua truyện ngắn Lão Hạc, Phân tích bi kịch của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, Suy nghĩ của em về truyện ngắn Lão Hạc.