Lớp 8

Phân tích nhân vật Cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc

Đề bài: Phân tích nhân vật Cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc

phan tich nhan vat cau vang trong truyen ngan lao hac

Phân tích nhân vật Cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc

I. Dàn ýPhân tích nhân vật Cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu về tác phẩm “Lão Hạc” và nhân vật cậu Vàng

2. Thân bài:

a. Nội dung tác phẩm:
– Lão Hạc là người nông dân nghèo, vợ chết sớm, con trai vì không có tiền nên phẫn chí đi đồn điền cao su.
– Lão Hạc sống một mình cùng với chú chó mà lão đặt tên là Cậu Vàng
– Cuối cùng, khi đã không kiếm được ăn nữa, lão đã quyết định bán cậu Vàng rồi tự tử bằng bả chó.

b. Nguồn gốc cậu Vàng:
– Là do con trai của lão mua về “định khi nào cưới thì giết thịt”
– Thế nhưng, con trai lão lại bỏ đi, để lại cho lão cậu Vàng nương tựa vào nhau.

c. Ý nghĩa của cậu Vàng với lão Hạc:
– Là một tài sản có giá trị kinh tế.
– Cậu Vàng như một đứa con, đứa cháu đối với lão Hạc
+ Lão luôn cưng nựng cậu Vàng, gọi nó là cậu
+ Lão mắng yêu nó, có gì ăn cũng chia cho nó.
– Cậu Vàng là sợi dây gắn kết giữa lão và con trai.

d. Kết cục:
– Lão Hạc bán cậu Vàng trong nước mắt và ân hận, trả cậu về đúng với giá trị của mình.

3. Kết bài:

– Cậu Vàng giúp Nam Cao khắc họa rõ chân dung của lão Hạc.

II. Bài văn mẫuPhân tích nhân vật Cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc (Chuẩn)

Ai đã từng đọc những tác phẩm của nhà văn Nam Cao hẳn không thể nào quên hình ảnh của một lão nông hiền lành, chất phác mang tên lão Hạc. Và một nhân vật đã góp phần giúp nhà văn Nam Cao thể hiện thành công hình ảnh, những diễn biến tâm lý phức tạp của lão Hạc cũng như làm nên thành công của tác phẩm, đó là hình ảnh của cậu Vàng – chú chó của lão Hạc.

Lão Hạc là câu chuyện kể về một người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Đó là một người đàn ông nghèo khổ, vợ chết sớm, chỉ có duy nhất một đứa con trai. Nhưng đứa con trai ấy phẫn chí vì nhà nghèo, không có tiền cưới vợ đã quyết chí viết đơn đi đồn điền cao su, bỏ lại người cha già ở lại quê hương cùng một con chó nhỏ bầu bạn. Cuối cùng, người cha già ấy biết mình không thể bòn kiếm được gì ăn để sống nữa, ông đã quyết tâm tự tử bằng bả chó vì không muốn động tới cái mảnh vườn để lại cho đứa con trai.

Nếu đọc câu chuyện về Bấc – chú chó trong Tiếng gọi nơi hoang dã, người ta có thể nhận ra nó là trung tâm của câu chuyện. Còn trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao, cậu Vàng không hề có một vai diễn nhưng lại đóng vai trò quan trọng nhất, làm nổi bật nhân cách của một người cha già, một người nông dân nghèo nhưng giàu lòng tự trọng. Nguồn gốc của cậu Vàng đó là con chó được con trai lão Hạc mua về, “định lúc cưới vợ thì giết thịt”. Thế nhưng vì cảnh đời nghèo, không thể cưới vợ, anh đã quyết chí bỏ đi, để lại cậu Vàng cho người cha già. Một người một chó nương tựa vào nhau, bầu bạn với nhau giữa cuộc đời nghèo khó.

Nếu với những người khác, những con vật nuôi chỉ là những thú nuôi, những con vật vô tri, thì với lão Hạc, cậu Vàng lại có những ý nghĩa quan trọng với cuộc đời nhọc nhằn của lão.

Đầu tiên đó là ý nghĩa về giá trị kinh tế, là thứ tài sản có thể bán đi để lấy tiền trang trải cuộc sống hoặc để làm thực phẩm, thức ăn trong nhà. Thế nhưng, với lão Hạc, cậu Vàng không chỉ là một con vật nuôi trong nhà mà nó còn là thành viên trong gia đình của lão, gắn bó với lão. Chẳng vậy mà bao lần, lão bảo với ông giáo rằng “có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!”. Nhưng ông giáo chưa lần nào tin lời lão, bởi “câu ấy nhàm rồi”, “lão nói là nói cho có đấy thôi, chẳng bao giờ lão bán đâu”. Bởi chẳng ai lại có thể bán đi người duy nhất bầu bạn với mình, là người thân trân quý của mình. Nam Cao cũng thật dụng ý khi đặt ra sự so sánh giữa những quyển sách quý báu của một nhà trí thức với con chó của lão Hạc. Nếu những quyển sách cổ ấy có giá trị to lớn đến nhường nào với ông giáo thì cậu Vàng với lão Hạc cũng có giá trị tương tự như thế!

Hơn thế, đối với lão Hạc, cậu Vàng như một đứa con, một người cháu, là mối dây gắn kết duy nhất còn sót lại giữa lão và đứa con trai xa cách. Chẳng vậy mà ông âu yếm gọi nó bằng cái tên “cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự”. Chỉ cái tên thôi, người ta cũng nghe ra được sự quý trọng, sự yêu thương con chó ấy của lão Hạc đến nhường nào! Bao nhiêu yêu thương, mong nhớ với đứa con trai, lão dành cả cho nó. Lão chăm chút, cưu mang nó, cưng nựng nó “À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!… Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết… Ông để cậu Vàng ông nuôi…” như thể đó là đứa cháu nội của mình. “Lão ăn gì cũng chia cho nó” rồi “cho nó ăn trong một cái bát như một nhà giàu”. Lão còn “lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó”. Quả thực, ở đây không có ranh giới giữa con người và động vật cũng không có ranh giới giữa chủ và vật nuôi, lão đối với nó như một đứa vé, một con người thực thụ. Và cũng chính cậu Vàng là người đã xua đi những tủi hờn, những cô đơn tuổi già của lão Hạc.

Thế nhưng, vòng xoáy nghiệt ngã của đói nghèo đã xoay vần cuộc đời lão Hạc buộc lão phải dứt bỏ tình cảm yêu thương đối với cậu Vàng. Lão đã buộc lòng phải trả cậu Vàng về đúng với địa vị của nó trong xã hội. Vậy nhưng, đối với lão, đó lại là một thứ tội lỗi không gì có thể tha thứ khi lão lừa nó, bán nó đi trong sự tin tưởng, trung thành của nó “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Đó là những giọt nước mắt chua xót, tủi hờn của một người nông dân chất phác khi đã buộc phải nhẫn tâm lừa chú chó của mình.

Câu chuyện khép lại, cậu Vàng chưa từng một lần xuất hiện, thế nhưng dường như ai cũng có thể cảm nhận được hình ảnh của chú. Một chú chó trung thành, lương thiện như chính vị chủ nhân của mình. Chính cậu Vàng đã giúp Nam Cao khắc họa rõ nét chân dung tự nhiên, đẹp đẽ nhất của lão Hạc và cũng giúp người đọc chúng ta hiểu rõ những triết lí về số phận khổ đau của con người.

——————HẾT—————–

Cuộc đời của mỗi người không giống nhau. Cuộc đời của mỗi chú chó cũng vậy. Nhưng đối với cậu Vàng, nó đã sống một cuộc đời khá trọn vẹn, bởi nó được sống trong vòng tay yêu thương, trân trọng của lão Hạc. Vậy lão Hạc là người như thế nào? Cùng tìm hiểu qua các bài viết khác như Phân tích truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, Phân tích nhân vật ông Giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, Cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, Vẻ đẹp con người của lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button