Lớp 8

Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc

Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc

phan tich gia tri nhan dao trong truyen ngan lao hac

4 bài văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc

I. Dàn ý Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu chung về nhà văn Nam Cao, quan điểm sáng tác của tác giả, đặc biệt là tinh thần nhân đạo trong những tác phẩm của ôn và tác phẩm lão Hạc.

2. Thân bài

– Sự đồng cảm của tác giả đối với những nhân vật nghèo khổ, khó khăn. Trong đó có lão Hạc
– Sự khám phá của tác giả về cuộc đời và số phận của những con người nghèo khó…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiếtPhân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc tại đây.

II. Bài văn mẫuPhân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc

1. Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc, mẫu 1:

Nhắc đến Nam Cao là nhắc đến cây bút truyện ngắn hiện thực xuất sắc đẩu thế kỉ XX của văn học Việt Nam. Qua các tác phẩm viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nam Cao đã bộc lộ một cái nhìn nhân đạo, đầy yêu thương, trân trọng về những người đồng bào lao khổ của mình. Tư tưởng ấy cũng được thể hiện sâu sắc qua truyện ngắn Lão Hạc .

Giá trị nhân đạo của tác phẩm trước hết được khẳng định qua tấm lòng đồng cảm của nhà văn đối với những số phận bất hạnh của các nhân vật trong tác phẩm. Những con người trong tác phẩm này đều là nạn nhân của xã hội phong kiến nửa thực dân. Họ phải gồng mình chống lại nạn đói, những hủ tục phong kiến,… Và mỗi người lại có những nỗi khổ riêng. Nhân vật chính, lão Hạc, là một người có hoàn cảnh vô cùng bi đát. Vợ mất sớm, đứa con trai duy nhất bỏ đi cao su. Một mình lão phải đối mặt với tuổi già, bệnh tật, cái đói và sự cô đơn. Nhà văn hay chính là nhân vật ông giáo trong tác phẩm đã không nén được những lời thương cảm: “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”. Con trai lão Hạc cũng là một người đáng thương. Vì nhà nghèo, anh không lấy được người con gái mình yêu. Phẫn chí, anh bỏ làng đi cao su, cái đất cao su “đi dễ khó về”, “khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Anh rời cha già luôn mấy năm, thiên truyện khép lại nhưng hình bóng anh người đọc cũng chưa được mục kích, câu hỏi về số phận của anh đành rơi vào câm lặng… Ông giáo, một nhân vật có uy tín ở làng, trong thời buổi ấy cũng túng thiếu dặt dẹo, đang sống cái đời “sống mòn”, “rỉ ra, mốc lên”. Có thể nói, “Lão Hạc” đã thể hiện lòng thương, sự đồng cảm với tất thảy những lớp người bần cùng trong xã hội Việt Nam khi ấy.

Nhưng sống trong nghèo đói mà không bị cái bần hàn bài mòn nhân phẩm, đó là một đặc điểm đáng quý của người nông dân Việt Nam. Và một biểu hiện quan trọng khác của giá trị nhân đạo trong tác phẩm là nhà văn đã biết khám phá để nâng niu trân trọng và ngợi ca phẩm chất ngời sáng trong tâm hồn những người đồng bào lao khổ của mình.

Các nhân vật trong “Lão Hạc” hầu hết đều là những người giàu tình thương. Tình phụ tử ở nhân vật lão Hạc đặc biệt cảm động. Dù rất đau lòng nhưng lão chấp nhận nỗi cô đơn hờn tủi, đồng ý để con trai ra đi theo chí hướng của mình. Con đi rồi, lão chỉ còn con chó Vàng làm bạn. Lão Hạc yêu con chó Vàng đến độ gọi nó là “cậu” Vàng, ăn gì cũng cho nó ăn cùng, cho nó ăn ra bát như người… Có điều đó không đơn giản bởi lão là người yêu động vật. Hãy nghe lời tâm sự của lão với ông giáo: con chó ấy là của cháu nó để lại. Vậy là lão Hạc yêu con Vàng phần lớn bởi đó là kỉ vật duy nhất do con để lại. Lão đã dồn toàn bộ tình cha cho con chó ấy. Khi bán con Vàng, “lão khóc như con nít”, “mắt ầng ậng nước”…. Không chỉ vậy, lão thậm chí còn chấp nhận cái chết để giữ đất cho con. Cái đói rượt lão gần đến đường cùng. Vẫn còn một lối nhỏ khác là bán mảnh vườn để lấy tiền ăn nhưng lão nghĩ rằng: đó là mảnh vườn của mẹ cháu để lại cho cháu… Và lão chọn cái chết chứ nhất quyết không bán đất của con. Con trai lão Hạc vì phẫn chí mà đi cao su nhưng trước khi đi vẫn để lại cho cha ba đồng bạc. Cả ông giáo, dẫu gia đình vẫn bữa đói bữa no nhưng luôn cố gắng giúp đỡ, cưu mang người hàng xóm bất hạnh…

Sống trong cái đói, cái nghèo nhưng không bị sự bần hàn làm cho quay quắt, hèn mọn, điều đáng quý nhất ở người nông dân Việt Nam trước Cách mạng là lòng tự trọng sáng ngời trong nhân phẩm. Lão Hạc thà nhịn đói chứ không chịu ăn không dù chỉ là củ khoai củ sắn của hàng xóm. Lão đã có thể bán vườn lấy tiền chống chọi với cái đói nhưng lão không làm vậy vì nhất quyết không ăn vào của con. Lão cũng có thể chọn con đường như Binh Tư đi đánh bả chó lấy cái ăn. Và lão không hề làm vậy. Con người ấy, đến lúc chết vẫn còn lo mình làm phiền hàng xóm nên dành dụm gửi gắm ông giáo tiền làm ma. Cảm động hơn cả là nỗi lòng quặn thắt của lão sau cái chết của con Vàng. Lão dằn vặt bởi nghĩ mình “đã đi lừa một con chó”. Lão Hạc ơi! Ẩn bên trong cái hình hài gầy gò, già nua của lão là một tâm hồn cao thượng và đáng trân trọng biết bao nhiêu!

Đồng cảm với số phận của người lao động, đặc biệt là người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, đồng thời ngợi ca những phẩm chất cao quý của họ là những biểu hiện quan trọng của giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao. Viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, giọng văn Nam Cao lạnh lùng, bàng quan nhưng ẩn sâu trong đó là một tình thương sâu sắc và mãnh liệt.

2. Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc, mẫu 2:

Nhắc đến truyện ngắn Lão Hạc, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930-1945, người ta nghĩ ngay đến nhân vật cùng tên, một điển hình của người nông dân nước ta trước Cách mạng tháng Tám mà quên mất một hình tượng cũng hết sức thành công khác trong truyện: Nhân vật “tôi”-ông giáo. Có thể nói, dù không phải là nhân vật chính, xuất hiện với vai trò là người kể chuyện, hiện lên chỉ với vài nét ngắn gọn qua lời kể của chính mình nhưng nhân vật ông giáo “tôi” là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao, mang nhiều giá trị nghệ thuật, trong có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

Đúng như nhận định của Trần Đăng Suyền, “Nam Cao là nhà văn lớn nhất của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945” (trong bài viết Nam Cao-nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn). Ông đến với chủ nghĩa hiện thực phê phán khá muộn, khi trên văn đàn đã có những cây bút đại thụ với nhiều đỉnh cao không dễ gì vượt qua như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… Thế nhưng bằng sự ý thức sâu sắc về quan điểm nghệ thuật của mình, Nam Cao đã “biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa). Với cách đi của riêng mình, Nam Cao đã sáng tạo nên những điển hình nghệ thuật bất hủ trong văn xuôi hiện thực Việt Nam. Ngày nay, những Chí Phèo, Thị Nở, dì Hảo, lão Hạc… không chỉ còn là nhân vật trong trang sách nữa mà đã bước ra cuộc đời, in đậm dấu ấn trong đời sống văn học dân tộc.

Trong truyện ngắn Lão Hạc, bên cạnh nhân vật chính là một điển hình xuất sắc về người nông dân Việt Nam trước 1945, nhân vật ông giáo tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng lại mang nhiều giá trị hiện thực rõ nét. Đây là nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp trí thức tiểu tư sản nước ta trước Cách mạng, cụ thể là những người dạy học mà tác giả gọi là những “giáo khổ trường tư”. Không được khắc họa đậm nét như anh giáo Thứ trong tiểu thuyết Sống mòn, nhưng qua một ông giáo “tôi” trong truyện ngắn Lão Hạc, ta bắt gặp nhiều ông giáo khác ở nước ta trước năm 1945. Đó là những trí thức nghèo khổ, sống lay lắt bằng đồng lương ít ỏi ở các trường tư. Cuộc sống họ cũng chẳng hơn gì cuộc sống của người nông dân, cũng bấp bênh, túng quẫn và bế tắc. Trong truyện, gia đình ông giáo thường xuyên rơi vào cảnh “cùng đường đất sinh nhai”, con cái nheo nhóc, bệnh tật liên miên, vợ “khổ quá rồi” đến nỗi “cái bản tính tốt” của thị “bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”. Cũng như văn sĩ Hộ trong Đời thừa, văn sĩ Điền trong Giăng sáng, ông giáo “tôi” trong Lão Hạc cũng phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” (Trần Tế Xương). Đây chính là cuộc sống của trí thức tiểu tư sản nói chung, người làm nghề dạy học nói riêng ở nước ta trước năm 1945 mà nhân vật ông giáo “tôi” là một người tiêu biểu.

Trong hoàn cảnh đời sống chật vật, túng thiếu, quẫn quanh ấy, các nhân vật trí thức của Nam Cao thường rơi vào bi kịch giữa lí tưởng cao đẹp và hiện thực khốn cùng trói buộc, giữa khát vọng lớn lao với chuyện áo cơm ghì sát đất. Ông giáo trong Lão Hạc là một tiêu biểu cho bi kịch này của những “giáo khổ trường tư” nước ta trước Cách mạng. Ông giáo “tôi” cũng từng có “một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng”, một thời mà “mỗi lần mở một quyển ra, chưa kịp đọc dòng nào, tôi đã thấy bừng lên trong lòng tôi như một rạng đông, cái hình ảnh tuổi hai mươi trong trẻo, biết yêu và biết ghét”. Nhưng “một trận ốm thập tử nhất sinh đã đem y về, trả cho đất chôn nhau cắt rốn” (Sống mòn), và rồi sau nhiều lần “cùng đất sinh nhai”, con cái ốm đau nheo nhóc, vợ “khổ quá rồi”, những ước mơ, hoài bão của thời trai trẻ ấy chỉ còn trong “cái kỉ niệm của một thời”, đã ngủ yên trong kí ức và sau này chưa một lần ông giáo nhắc lại. Có thể nói, dù không được tác giả khắc họa đậm nét như bi kịch “một kẻ vô ích, một người thừa” giằng xé trong nội tâm của các Điền, Hộ, Thứ,… nhưng qua những gì ông giáo nghĩ về “những quyển sách rất nâng niu”, về “một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng”, về cuộc sống bấp bênh, nghèo túng hiện tại, ta hiểu ở nhân vật này cũng có những nỗi khổ khó nói ra. Trong Sống mòn, Nam Cao khẳng định: “Đau đớn thay những kiếp sống muốn khao khát lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất”. Hay như trong Đời thừa, ông viết: “Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khao khát làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt”. Đó chính là nỗi đau của những trí thức tiểu tư sản làm nghề dạy học ở nước ta trước 1945 mà anh giáo Thứ, ông giáo “tôi” là những điển hình.

Không chỉ là “nhà văn hiện thực xuất sắc”, Nam Cao còn là “nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn”. Và “cái góc, nền tảng vững chắc của chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao là chủ nghĩa nhân đạo” (Trần Đăng Suyền, tài liệu đã dẫn), bởi hơn ai hết, ông ý thức được rất rõ giá trị chân chính của “một tác phẩm thật giá trị” là giá trị nhân đạo của nó. Trong Đời thừa, nhà văn viết: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần hơn”. Quả thực, Nam Cao đã làm được những gì ông quan niệm. Giữa lằn ranh mong manh của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên, nhà văn đã không bị chao đảo, nghiêng lệch về chí tuyến bên kia bởi ông đứng vững chắc trên nền tảng chủ nghĩa nhân đạo. Nam Cao là “nhà văn của những người khốn khổ, tủi nhục nhất trong xã hội thực dân – phong kiến”.

Viết về từng người trong họ, ông “đều bộc lộ tấm lòng của một con người đau đời và thương đời da diết”, bởi “Nam Cao yêu thương những con người bị cuộc đời đày đoạ” (Trần Đăng Suyền). Tác phẩm Nam Cao “càng thử thách càng ngời sáng”, có địa vị quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc, có lẽ trước hết bởi ở giá trị nhân đạo mà chúng mang trong mình.

3. Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc, mẫu 3:

Lịch sử 4000 năm chống lại thiên tai và chống giặc ngoại xâm đã tạo cho con người Việt Nam những đức tính quí báu như sự bền bỉ, kiên trì, lòng dũng cảm nhưng điều làm nên cốt cách, nét bao quát hơn cả đó chính là tinh thần nhân đạo. Nhân đạo là truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nhân đạo hiểu theo nghĩa hẹp là lòng yêu thương giữa con người với con người. Nhân đạo hiểu theo nghĩa rộng được biểu hiện cụ thể trong các tác phẩm văn học ở các nội dung như: Lên án tội ác của các thế lực chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của con người; Bày tỏ thái độ cảm thông, tình cảm xót thương với nỗi bất hạnh của con người; Ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, trong sáng của tâm hồn con người; Thể hiện ước mơ, khát vọng về một XH công bằng, bác ái, tôn trọng phẩm giá và hạnh phúc của con người.

Đối với truyện ngắn sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán 1930 – 1945 thì chủ đề nhân đạo càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Có thể nói: hiện thực đất nước thực dân nửa phong kiến khi ấy là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán như Nam Cao khai thác triệt để và đạt đến độ bậc thầy khi phản ánh cuộc đời, số phận bi thảm của người nông dân; về tình người, tình cha con; để từ đó lên tiếng cảm thông và bênh vực quyền sống của con người. Truyện ngắn “Lão Hạc” – Một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật Lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao ám ảnh khi nghĩ về số phận con người, số phận người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.

Nhà văn Biêlinxki nói: Nhân đạo là tình yêu thương mênh mông của con người. Bản thân nhà văn Nam Cao cũng đã từng khẳng định một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm ” phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình….Nó làm cho người gần người hơn”. Như vậy, trong quan niệm của Nam Cao, chủ nghĩa nhân đạo được đặt ra như một yêu cầu tất yếu đối với những tác phẩm. Bới thế, trong truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao đã tái hiện lại một cách chân thực cảnh sống cơ cực, bế tắc, đầy bi kịch của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với một tấm lòng thương cảm sâu sắc. Ngòi bút hiện thực dường như lạnh lùng của nhà văn đã nhìn sâu vào ngõ ngách cuộc đời lão Hạc.

“Lão Hạc” trước hết là một câu chuyện cảm động, day dứt về một lão nông dân nghèo khốn khổ. Vợ chết, nhà nghèo không đủ tiền lo cưới vợ cho con nên anh con trai đã phẫn chí mà bỏ đi phu đồn điền cao su. Lão sống cuộc sống cô đơn thui thủi một mình. Gia tài chỉ có ba sào vườn, một túp lều và con chó Vàng làm bạn. Lão sống bế tắc, mòn mỏi trong hy vọng mỏng manh, bị cái đói dồn đuổi, không lối thoát, tủi nhục như một kiếp chó. “Lão làm thuê kiếm ăn. Hoa lợi của khu vườn được bao nhiêu, lão để riêng ra. Lão chắc mẩm thế nào đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc”. Nhưng rồi lão ốm. “Một trận đúng hai tháng mười tám ngày…đã không làm ra được một xu, lại còn thuốc, lại còn ăn..”. Rồi còn chuyện “làng mất vé sợi, lão mất việc làm thuê”. Rồi bão, “hoa màu bị phá sạch. Gạo thì cứ kém mãi đi..”.Lão rơi vào cảnh “đói deo đói dắt…”. Và rồi lão đành phải quyết định bán chó.

Con chó Vàng đối với lão không chỉ là con vật nuôi ( định bụng lúc cưới thằng con sẽ thịt), nó chẳng những là tài sản (lão lẩm bẩm quy ra tiền) mà còn là kỷ vật của đứa con trai, một mối dây liên lạc lạ lùng giữa lão với đứa con vắng mặt. Song điều đặc biệt hơn nó được xem như là một thành viên trong gia đình lão. Nó cho ta thấy một nhu cầu rất tự nhiên của lão là được làm cha, được làm ông nội. Vì thế bao tình cảm chất chứa trong lòng, lão dồn tất cả cho con vật. Song cuộc đời thật trớ trêu, thậm chí thật tàn ác, tình thế buộc lão phải bán nó đi. Và bán chó, lão rơi vào bi kịch. Lão đau đớn, giằng xé tâm can. “Lão cố làm ra vui vẻ…trong lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước… Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu máo như con nít. Lão hu hu khóc…”. Lão coi đó là sự lừa gạt, một sự phản phúc ghê gớm. Có thể nói: Bán chó vì lão tuyệt vọng, vì không thể chờ con trai; bán chó là việc không thể không làm, nhưng bán chó là lão tự thiêu cháy một phần cuộc đời mình.

Nhà văn Nam Cao đã đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm của người nhà quê để khám phá những phẩm chất tốt đẹp ẩn giấu bên trong cái vẻ ngoài lam lũ tầm thường. Một lão Hạc “mình hạc xương mai” ít học, quẩn quanh trong cái làng quê bé nhỏ ấy lại là một nhân cách cao đẹp tuyệt vời. Đặt lão Hạc cạnh Binh Tư, cạnh Chí Phèo mới càng thấy hết được tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ đến thanh khiết của lão. Đối với lão, sống dường như chỉ có một nghĩa: sống vì con, hy sinh cả cuộc đời cho con. Có thể nói lão Hạc đã tự thiêu cháy mình để nhường phần sống lại cho con. Hoàn cảnh nghiệt ngã đẩy lão đến một lựa chọn: Muốn sống phải lỗi đạo làm cha, còn muốn trọn đạo làm cha thì phải chết. Và tất nhiên, một người cha yêu thương con, giàu đức hy sinh, nhân hậu giàu lòng tự trọng thì lão đã chọn sự quyên sinh. Vừa để bảo toàn phần người tốt đẹp, để trọn đạo làm cha, để chuộc tội với cậu Vàng lão đã tự chọn cho mình cái chết thê thảm của một con chó – lão tự đánh bả chình mình!

Chẳng những thế trong cuộc sống bế tắc, cũng quẫn ấy, lão Hạc vẫn luôn tự ý thức. Khi nói về gia tài, lão luôn tự xóa mình đi: vườn là của vợ tậu, con chó Vàng là của con trai mua. Khi bán hoa màu ở vườn: lão cũng không tiêu một xu. Khi bán chó: lão đã khóc vì trót lừa một con chó. Bán chó rồi: lão gửi tiền làm ma, bởi không muốn lụy hàng xóm. Lão sống ép xác khổ hạnh. Làm văn tự gửi ông giáo mảnh vườn cho con… Nhà văn Nam Cao phải yêu quý “lão Hạc” lắm mới thể hiện thành công về nhân vật như vậy! Đó cũng là thông điệp, là quan niệm văn chương “Nghệ thuật vị nhân sinh” của nhà văn: Hãy tin tưởng vào nhân phẩm của con người, tin vào thiên lương đẹp đẽ của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. Dù bề ngoài có vè như gàn dở nhưng bên trong họ là triết lý sống vô cùng cao đẹp: Thà chếtchứ không chịu ăn cắp, không làm điều sằng bậy, không để phiền luỵ đến những người xung quanh. “Thà chết trong, còn hơn sống đục”.

Xin cảm ơn nhà văn Nam Cao, nhà văn đã giúp ta nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người nông dân Việt Nam và quan trọng hơn là nhà văn đã đem đến cho ta một niềm tin sâu sắc vào con người, một “đôi mắt” để nhìn đời, nhìn người nhân ái hơn, người hơn!

4. Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc, mẫu 4:

Nam Cao là một nhà văn xuất sắc đầu thế kỷ XX của nước ta. Những tác phẩm của ông đều gắn liền với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, những người dân chân thành mộc mạc, nhưng bị dòng đời xô đẩy đến bước đường cùng không có lối thoát.

Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm hay trong đó Nam Cao đã vô cùng thành công khi dùng tấm lòng nhân hậu của mình để đồng cảm với số phận nhân vật của mình.

Trong tác phẩm Lão Hạc nhân vật của ông xuất hiện là một ông lão khắc khổ. Lão góa vợ từ rất sớm thằng con trai duy nhất bỏ đi làm ở đồn điền cao su. Một nơi nổi tiếng là khổ cực “cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Lão sống một mình cô đơn trong ngôi nhà rách nát trên mảnh vườn ông cha để lại. Lão không có ai bầu bạn, không có người thân nào ngoại trừ con chó Vàng. Nó vừa là người thân, vừa là người bạn tâm giao tri kỷ của lão. Lão thương con chó Vàng vô cùng lão ăn gì thì nó ăn đấy. Lão yêu thương chăm sóc nó như con trai mình vậy. Lão thường tâm sự với nó về con trai mình. Trong từng lời tâm sự của lão đều chứa một nỗi lòng ấp ủ của người cha vô cùng thương con.

Tuy sống cảnh bần hàn nghèo đói, nhưng Lão Hạc lại là người vô cùng đạo đức. Lão không vì nghèo khổ mà để cho nhân phẩm của mình bị ăn mòn, đó chính là cái đáng quý của người nông dân Việt Nam. Đồng thời cũng là sự nhân đạo của tác giả Nam Cao dành cho nhân vật của mình. Những nhân vật khác trong tác phẩm Lão Hạc hầu hết cũng là người có tình nghĩa, giàu lòng thương. Tình phụ tử mà lão dành cho con trai là thứ tình cảm thiêng liêng, đặc biệt nhất đã làm nên tấm bi kịch của cuộc đời lão. Khi gia đình Bá Kiến có âm mưu mua lại mảnh vườn của Lão Hạc để mở rộng vườn nhà mình. Nhưng lão kiên quyết không bán. Lão muốn để dành mảnh vườn cho con trai mình sau này lấy vợ có mảnh đất cắm rùi. Lão có chết đói cũng không bao giờ bán đi mảnh vườn đó.

Không mua được bọn chức tước quyền hành tìm cách ép lão, vu oan cho lão để bắt lão phải gán nợ mảnh đất đổi lấy mạng sống của mình. Người nông dân khốn khổ. Một người cha thương con vô bờ bến, lão thà chết chứ không thể làm mất mảnh đất, thứ tài sản duy nhất lão có thể để dành cho con trai mình. Lão lựa chọn cái chết. Một quyết định cực kỳ nhân văn cao cả, nhưng cũng là kết thúc bị thảm khiến người đọc không thể ngừng rơi nước mắt. Sống trong đói nghèo, những người đàn ông đó không để cho sự nghèo khổ làm cho mình trở nên mất phẩm chất, hèn mọn. Lão luôn ngẩng cao đầu sống lương thiện, chân chính ngay thẳng.

Đến lúc chết lão cũng thể hiện sự chu đáo của mình khi nhất quyết không làm phiền hàng xóm. Lão sang gặp ông giáo Thứ hàng xóm cũng là người có học thức hiểu biết và nhân hậu, người thân tình tâm giao của lão để gửi lại giấy tờ nhà. Một ít tiền lão chắt bóp dành dụm bao năm cho con trai lão lấy vợ. Rồi còn một ít tiền khác lão dặn khi nào lão nằm xuống thì lấy tiền đó làm ma cho lão.Lão không muốn làm phiền hàng xóm, khi lão đã ra đi vì lão biết mọi người đều nghèo khổ khó khăn cả.

Tác giả Nam Cao đã vô cùng thành công khi khắc họa nhân vật lão hạc vô cùng đáng thương nhưng cũng vô cùng cao thượng thể hiện sự nhân văn nhân đạo của tác giả khi đồng cảm với số phận nhân vật của mình.

———————-HẾT—————————-

Bên cạnhPhân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạccác em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác nhưPhân tích cách nhìn người nông dân của Nam Cao qua truyện ngắn Lão Hạc?hay phầnNêu cảm nghĩ nổi bật nhất về truyện ngắn Lão Hạcnhằm củng cố kiến thức của mình.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button