Đề bài: Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó
I. Dàn ý Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu bài thơ: Tức cảnh Pác Pó” là một bài thơ được viết nên với một tâm hồn và cốt cách đẹp của Bác Hồ, đó là một bức tranh đời sống của người cách mạng đầy lạc quan, vui vẻ.
2. Thân bài
– Cuộc sống thiếu thốn trăm bề:
+ Nơi ở: hang Pác Pó
+ Bữa ăn đạm bạc, đơn sơ
+ Điều kiện làm việc thiếu thốn
→ Giọng hóm hỉnh, bông đùa, tinh thần thoải mái, ung dung trong điều kiện khó khăn, vất vả nhất của Bác…(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ýPhân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh đầy đủ tại đây.
II. Bài văn mẫuPhân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh
1.Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó, mẫu số 1 (Chuẩn)
Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ toàn tài của dân tộc Việt Nam. Suốt cả chặng đường dài ra đi tìm đường cứu nước, Người đã đi qua nhiều nơi, làm nhiều nghề khác nhau. Ba mươi năm sau, mùa xuân năm 1941, Người trở về quê hương và nơi đầu tiên Người đặt chân đến là Cao Bằng. Kể từ đấy, Người sống, làm việc tại hang Pác Bó (Cao Bằng), trực tiếp tham gia chỉ đạo kháng chiến. Cũng tại nơi đây, Người đã sáng tác ra nhiều tác phẩm đặc sắc và bài thơ “Tức cảnh Pác Pó” là một trong số những tác phẩm như thế.
Trước hết, ba câu thơ mở đầu bài thơ như đã vẽ lên trong lòng người đọc cuộc sống sinh hoạt và làm việc thường ngày của Bác nơi hang Pác Pó. Câu thơ đầu tiên đã khái quát một cách rõ nét về cuộc sống sinh hoạt thường nhật mỗi ngày của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Với phép đối chuẩn chỉnh và độc đáo “sáng” – “tối”, “ra” – “vào” câu thơ đã cho thấy nhịp sống thường nhật, cứ thế đều đặn lặp đi lặp lại mỗi ngày của Bác trong những ngày sống ở hang Pác Pó. Cùng với đó, câu thơ cũng cho thấy nơi sống và làm việc chủ yếu của Bác mỗi ngày đó chính là “hang” và “bờ suối”. Mỗi ngày, cứ thế, Bác ra suối để làm việc và vào hang để nghỉ ngơi, sinh hoạt sau một ngày làm việc. Như vậy, có thể thấy, câu thơ đầu tiên đã giúp chúng ta cảm nhận rõ cuộc sống hằng ngày của Bác, tuy có khó khăn, thiếu thốn song ở Bác, chúng ta vẫn thấy luôn hiện lên sự ung dung, quy củ và luôn hòa mình với thiên nhiên.
Những bàiPhân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó hay nhất
Không chỉ tái hiện lại cuộc sống thường nhật, câu thơ thứ hai còn thể hiện rõ nét chuyện ăn uống giản dị của Bác.
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
“Cháo bẹ”, “rau măng” là những món ăn chính trong bữa cơm hằng ngày của Bác. Dẫu bữa ăn chỉ có thế, đạm bạc và thiếu thốn nhưng tinh thần của Người thật khiến chúng ta ngưỡng mộ – “vẫn sẵn sàng”. Dường như, với mình, Bác xem việc ăn những món ăn dân dã, đời thường ấy là một thú vui, là sự thích nghi và vượt lên trên sự khó khăn, thiếu thốn của hoàn cảnh. Nhưng có lẽ, hơn tất cả, ẩn sau đó chính là tư thế chủ động, tinh thần lạc quan, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ của Bác.
Và nếu như hai câu thơ mở đầu đã thể hiện rõ nét cuộc sống thường ngày của Bác thì câu thơ thứ ba cho người đọc thấy được những công việc hằng ngày Bác làm.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.
Với từ láy “chông chênh” giàu sức gợi được đặt sau danh từ “bàn đá” đã cho thấy điều kiện làm việc tạm bợ, thiếu thốn của Bác. Không chỉ làm việc ở nơi bàn đá mà hơn thế còn là “bàn đá chông chênh” nó tạo cảm giác bấp bênh, không bằng phẳng, không vững vàng và vì vậy càng khắc sâu thêm sự khó khăn. Thế nhưng, dẫu khó khăn như thế nào đi nữa, Bác vẫn ngồi đấy, kiên trì với công việc “dịch sử Đảng” của mình – công việc với ý nghĩa to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tất cả những điều đó đã cho thấy sự tập trung cao độ, sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ của Bác vì sự nghiệp cách mạng, vì cuộc chiến vĩ đại của nhân dân ta.
Để rồi, sau tất cả, vị lãnh tụ toàn tài ấy có những cảm nhận thật sâu sắc về cuộc đời hoạt động cách mạng.
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã phải trải qua bao khó khăn, gian nan và vất vả nhưng có lẽ với Bác, được mang lại hạnh phúc, bình yên cho nhân dân, độc lập cho đất nước là niềm hạnh phúc lớn lao, thiêng liêng nhất. Phải chăng vì thế mà với Bác cuộc đời cách mạng ấy thật là “sang”, thật giàu có biết bao. Từ “sang” như nhãn tự của bài thơ, từ đó làm bật lên phong thái ung dung, tinh thần lạc quan và cả sự vững vàng, niềm tin vào cách mạng Việt Nam.
Tóm lại, bài thơ “Tức cảnh Pác Pó” với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cùng ngôn từ, hình ảnh thơ giản dị, tự nhiên và giọng thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh đã thể hiện một cách rõ nét phong thái ung dung, tinh thần lạc quan, tư thế của động của Bác trên con đường hoạt động cách mạng. Đối với Bác, được hoạt động cách mạng, được mang lại hạnh phúc, tự cho cho nhân dân, đất nước là niềm hạnh phúc lớn lao và là sự giàu có tuyệt vời nhất.
2. Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó, mẫu số 2 (Chuẩn):
Một ngày xuân năm 1941, “Trắng rừng biên giới nở hoa mơ” lãnh tụ cách mạng – anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, sau 30 năm trời buôn ba tìm đường cứu nước, cuối cùng cũng quay trở về Việt Nam để trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến chống Pháp. Người chọn Pác Bó (Cao Bằng) làm căn cứ địa kháng chiến, biến nơi đây trở thành cái cội nguồn của cách mạng nước nhà. Hồ Chí Minh có một sự nghiệp chính trị vẻ vang, đồng thời cũng có một sự nghiệp văn chương đồ sộ, có thể nói rằng đời cách mạng của Người luôn song hành với đời sống văn chương. Văn chương là vũ khí đấu tranh, là khôi giáp bảo vệ, đồng thời cũng là thú vui tao nhã lúc rảnh rang, những khía cạnh ấy có sự gắn bó mật thiết vô cùng. Thế nên trong những ngày sống và làm việc tại Pác Bó, dẫu hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn đủ đường, cách mạng nước ta còn non trẻ lại phải chống chọi với cả một đế quốc to lớn nhưng Bác giữ cho mình một tinh thần lạc quan, yêu đời, phong thái ung dung. Tác phẩm Tức cảnh Pác Bó ra đời trong hoàn cảnh ấy chính là minh chứng cho tấm lòng yêu, gắn bó tha thiết với thiên nhiên Pác Bó và tấm lòng sâu nặng với “Cuộc đời cách mạng thật là sang” của Người.
Ở hai câu thơ đầu tiên Bác đã tái hiện lại hoàn cảnh sống và sinh hoạt của mình tại Pác Bó với giọng thơ tự nhiên, ngôn ngữ giản dị:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng đã sẵn sàng”
Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn thế nhưng đúng với phong cách thơ tứ tuyệt, lời ít ý nhiều mà không gian sinh hoạt và làm việc của Bác đã được gợi mở một cách rõ ràng. Các hình ảnh “bờ suối”, “hang” vốn là những hình ảnh khá xa lạ đối với chúng ta hiện nay, thế nhưng với Bác đó là những hình ảnh gắn bó, gần gũi và thân thuộc nhất. Cuộc sống của Bác bắt đầu với việc buổi sáng ra suối tắm giặt, sau đó làm việc luôn bên bờ suối, đến khi tối đến thì hang chính là nhà, là nơi để Bác nghỉ ngơi, dưỡng sức sau một ngày dài vất vả. Phải nói rằng đó là một cuộc sống không dễ dàng gì, nhưng Hồ Chí Minh lại không cho là vậy, trước hoàn cảnh vất vả, Người lại học cách thích nghi, sống chan hòa với thiên nhiên. Điều đó được chứng minh bởi nhịp thơ 4/3, cùng với 2 vế tiểu đối “sáng ra bờ suối/tối vào hang” gợi cho người đọc sự nhịp nhàng, nề nếp của cuộc sống sinh hoạt, nhân vật trữ tình trong hoàn cảnh ấy có một phong thái ung dung nhẹ nhàng, lưng gánh bao nhiêu trọng trách, nhưng tâm hồn vẫn rất thảnh thơi, coi nhẹ sự gian khổ của đời cách mạng.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó để thấy được hoàn cảnh sống và thái độ lạc quan của Bác
Không chỉ về điều kiện sinh hoạt, mà ngay cả thức ăn đồ uống ở nơi núi rừng Pác Bó cũng rất thiếu thốn, quanh năm Người chỉ ăn “cháo bẹ, rau măng” làm no bụng. Đó là thứ thức ăn nhạt vị, lại không có mấy chất dinh dưỡng, ăn nhiều có lẽ cũng có phần không chịu được. Nhưng khi vào thơ của Hồ Chủ tịch, thái độ của Người với hai thứ “cháo bẹ, rau măng” không khỏi khiến người ta thêm kính trọng. Bác viết “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”, mấy chữ “vẫn sẵn sàng” có nhiều điều cần phải phân tích. Thứ nhất nó nói lên tâm thế của Hồ Chủ tịch khi đứng trước điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, dẫu có phải ăn bắp, ăn măng trường kỳ, nhưng Người chưa từng chê bai, bởi Người hiểu rõ gian khó của nước nhà, nhân dân không có cơm ăn, thì Người ăn cháo bẹ rau măng cũng chẳng có gì mà than vãn. Hồ Chí Minh khi đứng trước hai thức ấy, vẫn sẵn sàng ăn một cách vui vẻ, ngon lành, thậm chí thấy đó là một cái thú của người làm cách mạng, sống ở rừng thì ăn sản vật của rừng núi, chan hòa với thiên nhiên, còn gì quý hóa hơn thế nữa. Một ý thứ hai nữ về mấy chữ “vẫn sẵn sàng”, đây cũng có thể được xem là lời khen kín đáo của Bác về sự dồi dào măng, bắp của căn cứ địa Pác Bó, thế nên làm cách mạng ở đây người chiến sĩ chẳng bao giờ lo đói, bởi lúc nào cũng có sẵn bắp, sẵn măng cho Người ăn thoải mái.
Có thể thấy Hồ Chí Minh sống chan hòa, gắn bó với thiên nhiên, với cuộc sống đạm bạc như vậy rất có phong vị của các bậc hiền nhân thời xưa, có thể ví với Nguyễn Trãi, hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, bởi đức tính thanh cao, giản dị, rất biết thưởng thức cái thú với hoa lá, cỏ cây. Nhưng Người không giống như các bậc hiền triết thời xưa, thích tìm chốn hoang vu, không người để tận hưởng cuộc sống an nhàn không màng thế sự, xa lánh cuộc đời, hay ôm nỗi đau bất đắc chí mà trốn tránh thế nhân,… Người sống với với tư cách là một người chiến sĩ cách mạng hết lòng vì Tổ quốc, ý thức trách nhiệm với dân tộc khiến Người luôn luôn cố gắng, chính vì vậy trong các hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn thì tâm hồn lạc quan và phong thái ung dung biết thưởng thức đã giúp Người khuây khỏa, ý chí chiến đấu từ đó lại càng trở nên mạnh mẽ. Tâm hồn chiến sĩ và tâm hồn nghệ sĩ hòa vào làm một càng khiến cho sự nghiệp cách mạng của Người thêm vẻ vang, rực rỡ. Và hai câu thơ tiếp theo đã cho thấy tấm lòng tha thiết của Người đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại:
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Sống giữa cảnh đơn sơ, giản dị, nhiều vất vả, khó khăn thì tấm lòng sâu nặng với cách mạng của Hồ Chí Minh càng được bộc lộ rõ ràng. Hình ảnh “bàn đá chông chênh” không chỉ cho chúng ta thấy được hoàn cảnh làm việc thiếu thốn, khó khăn, mà nó còn mang đến cho người đọc những cảm giác không vững vàng, có nhiều thiếu hụt, điều đó gợi ra tình thế của cách mạng Việt Nam những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đảng ta mới thành lập, còn non trẻ, lực lượng quân đội còn yếu kém, thiếu thốn mọi mặt cả về cơ sở vật chất lẫn lương thực thực phẩm. Chúng ta chỉ có nhiều nhất là tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, và lòng căm thù giặc sâu sắc. Bấy nhiêu ấy khiến người đứng đầu trực tiếp chỉ huy cách mạng là Hồ Chủ tịch có nhiều lo lắng. Thế nhưng người chiến sĩ cách mạng, người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam ta có lúc nào nao núng? Người vẫn một lòng “dịch sử Đảng”, một lòng lãnh đạo nhân dân ta tiến về phía trước bằng toàn bộ khối óc và thân thể, luôn vững vàng tư tưởng, kiên trì trong tranh đấu, chưa một phút nào buông lỏng. Và dẫu có nhiều khó khăn chồng chất, từ điều kiện sống cá nhân, đến điều kiện cách mạng của dân tộc, nhưng tấm lòng Hồ Chí Minh giữa núi rừng Tây Bắc dành cho cách mạng vẫn luôn sáng rõ và tươi đẹp “Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Người ý thức rằng, mình sinh ra là để làm cách mạng, để đóng góp một phần công sức giành lại nền độc lập của dân tộc mà mấy trăm năm nay cha ông đã đổ máu xương để gìn giữ. Với Hồ Chí Minh, chẳng sự nghiệp nào, chẳng lý tưởng nào lúc này “sang” hơn lý tưởng cách mạng, lý tưởng cứu quốc nữa. Người ca ngợi cách mạng, đồng thời cũng thể hiện lòng tự hào, tấm lòng tha thiết không đổi với cách mạng của một người chiến sĩ cộng sản, một nhà trí thức tiến bộ, một nghệ sĩ có tâm hồn thanh cao, giản dị. Như vậy có thể thấy rằng trái ngược với “bàn đá chông chênh” đầy thiếu thốn, thì với Bác “cuộc đời cách mạng thật là sang”, thật đầy đủ, thật giàu có. Có sung túc, giàu có ấy nó ngự trị ở trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng, Người giàu có nhất là lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, và tinh thần lạc quan, yêu đời, gắn bó tha thiết với thiên nhiên. Có thể thấy những dòng thơ đầu là phong thái ung dung, đủng đỉnh, thì đến câu thơ cuối chính là tiếng cười hóm hỉnh, tươi vui của Bác, vượt lên trên tất cả gian khó, vang vọng khắp núi rừng.
Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ hay và sâu sắc của Bác trong quá trình hoạt động cách mạng tại Việt Nam. Với giọng thơ vui tươi, lạc quan, ngôn ngữ giản dị, ở đó ta không chỉ thấy hiện lên một Hồ Chí Minh với phong thái ung dung, tự tại, sống chan hòa với thiên nhiên, mà còn thấy hình ảnh một chiến sĩ cách mạng hết lòng vì Tổ quốc, với lý tưởng cách mạng sâu sắc, cùng một tâm hồn thanh cao, giản dị vô cùng.
3. Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó, mẫu số 3:
Nếu nơi đất người Bác phải sống trong gông cùm, khổ lao thì khi trở về quê hương, Bác được là chính mình, được tự do với cuộc sống và lý tưởng cách mạng của mình. Trải qua hết tất thảy những gian nan, khó nhọc, thời gian đã tôi luyện nên người chiến sĩ ấy những phẩm chất cao đẹp mà ít ai có được. Bài thơ ” Tức cảnh Pác Pó” là một bài thơ được viết nên với một tâm hồn và cốt cách đẹp của người nghệ sĩ ấy, đó là một bức tranh đời sống của người cách mạng đầy lạc quan, vui vẻ.
” Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng đã sẵn sàng”
Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nơi ở cũng không được thoải mái, tù túng. Các từ ngữ “sáng ra-tối vào” diễn tả hoạt động thường xuyên, diễn ra hàng ngày như một nhịp điệu, thói quen. Trong hang tối hoang vu không khiến Người sợ hãi, chốn suối nguồn Bác thật gần gũi với thiên nhiên. Bữa cơm nghèo với thức ăn thật đạm bạc, bình dân “cháo bẹ- rau măng”, hai từ ” sẵn sàng” gợi sự đủ đầy, không thiếu thốn. Giọng thơ hóm hỉnh, bông đùa, cái nghèo, cái khó dường như được xua tan đi mà thay vào đó là sự hài lòng, thoải mái, ung dụng và thú vị với những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và công việc của chính mình. Dường như, ở Bác vẫn luôn là một con người với cảm quan tin yêu, lòng tha thiết với thiên nhiên, xem thiên nhiên là tri kỉ bởi vậy mà trong hoàn cảnh nào Người cũng thích nghi được.
” Bàn ghế chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sáng”
Bài văn Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Điều kiện làm việc cũng thật khó khăn, bàn ghế “chông chênh” tạo thế không vững vàng, chắc chắn, song Bác vẫn tập trung miệt mài với công việc cao cả của cuộc đời mình “dịch sử Đảng”. Một tâm thế vô cùng vững vàng, bản lĩnh trong Bác, vật chất tầm thường không làm cho ý chí bị lung lay. Câu thơ như khắc hoạ hình ảnh bức chân dung của Người cách mạng đang ngồi bên bàn làm việc giữa núi rừng hoang sơ, trầm ngâm nghĩ suy về vận mệnh dân tộc, về con đường cứu nước cứ dân thật uy nghi và lớn lao biết bao. Cuối bài thơ là lời khẳng định sắt son về cuộc đời cách mạng, trong niềm tin của Người, không một thời khắc nào là không lo nghĩ cho dân tộc, bởi vậy mà với Bác, lý tưởng cách mạng là lý tưởng” sang” nhất.
Khép lại bốn dòng thơ, ta thấy lòng mình như lắng lại. Bác Hồ, một còn người với lối sống thanh cao, bình dị, một còn người suốt đời mình cống hiến cho dân tộc, một con người với niềm thương nhân dân thiết tha khiến ta không khỏi cảm phục. Càng trong thiếu thốn càng ánh lên tinh thần lạc quan vô bờ trong tâm hồn Bác, càng trong gian nan, càng thấy nghị lực phi thường của người cách mạng.
Với những hình ảnh bình dị, ngôn ngữ nhẹ nhàng, tự nhiên, giọng điệu vui tươi hóm hỉnh, Bác đã viết nên những vần thơ đẹp và gợi lên bao xúc cảm trong lòng người thưởng thức. Ở Người, ta học được bao điều đẹp đẽ về những lẽ sống cao đẹp trong cuộc đời.
——————HẾT——————-
Tức cảnh Pác Pó là bài thơ đặc sắc của Hồ Chí Minh được sáng tác trong những ngày Bác làm cách mạng tại Pác Pó, Cao Bằng, tìm hiểu về bài thơ, các em có thể tìm đọc thêm:Cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó, Hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ Tức cảnh Pác Bó, Bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh