Đề bài: Nhân vật Nhĩ và những suy nghĩ về cuộc đời, con người trong truyện ngắn Bến quê
Bài văn mẫu Nhân vật Nhĩ và những suy nghĩ về cuộc đời, con người trong truyện ngắn Bến quê
Bài làm:
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là nhắc đến một nhà văn có nhiều tìm tòi, đổi mới về tư tưởng và nghệ thuật trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông luôn “khao khát đi tìm hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người” để từ đó đề cao các giá trị nhân văn trong cuộc sống. Truyện ngắn Bến quê của ông được viết và in vào năm 1985, đã thể hiện những chiêm nghiệm của nhà văn về cuộc sống con người và những giá trị đích thực quý giá nhất. Trong tác phẩm, nhân vật Nhĩ được ông đặt trong một hoàn cảnh thật nghịch lý, ngặt nghèo, từ đó Nguyễn Minh Châu để nhân vật bộc lộ những cảm nhận và suy nghĩ sâu sắc về gia đình, về cuộc đời và về quê hương.
Nhĩ vốn là người từng được đi đây đi đó khắp nơi trên trái đất “đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào”.Anh từng được ngắm nhìn nhiều vẻ đẹp mới lạ và lôi cuốn. Nếu nhận xét theo lẽ thường, ta thấy anh được coi như một người thành đạt, làm được nhiều việc lớn lao, và rất đáng khâm phục. Thế rồi khi anh mắc phải chứng bệnh nan y đến nỗi phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự chăm sóc của vợ con, và cả những đứa trẻ hàng xóm tốt bụng. Nhĩ phải “thu hết tàn lực lết dần, lết dần trên chiếc phản gỗ. Nhấc mình ra được bên ngoài phiến nệm nằm, anh tưởng mình vừa bay được nửa vòng trái đất”. Đây quả thật là một tình huống ngặt nghèo mà nhà văn đã đặt nhân vật vào.Đó cũng là để nhân vật có dịp nhìn lại đoạn đời mình đã đi qua, và suy ngẫm về những điều được mất.Trong văn học, có không ít nhà văn đặt nhân vật của mình vào trong hoàn cảnh hiểm nghèo, giáp ranh giữa sự sống cái chết, thường là để làm toát lên tình yêu cuộc sống và sự vươn lên với khát vọng cháy bỏng để vượt qua nghịch cảnh. Nhà văn O Hen-ri với truyện “Chiếc lá cuối cùng”, hay nhà văn Giắc Lân-đơn với “Tình yêu cuộc sống” đều khai thác tình huống truyện theo hướng này. Nhưng với Nhĩ, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chọn cách phát triển câu chuyện hoàn toàn khác: Nhĩ đối mặt với cái chết là để nhận ra những điều chiêm nghiệm về cuộc sống, mà con người khó nhận ra nếu chưa từng trải.
Khi tác giả miêu tả tâm trạng Nhĩ trong những ngày nằm trên giường bệnh, ta thấy anh vốn có một năng lực quan sát tinh tế và một tâm hồn nhạy cảm. Đầu tiên, Nguyễn Minh Châu thể hiện những cảm nhận mới mẻ về thiên nhiên lúc lập thu của Nhĩ. Cảnh tượng thiên nhiên mà Nhĩ ngắm nhìn không phải là xa lạ gì với anh. Bởi đó là cảnh tượng ngay trước ngôi nhà nhỏ bên sông của anh.Có lẽ anh đã nhiều lần nhìn thấy những cảnh tượng này, nhưng khi ấy, anh lại hững hờ mà không phát hiện ra vẻ đẹp của chúng. Khi đau ốm, Nhĩ chẳng thể bị chi phối bởi những phù hoa của cuộc sống, hay những hào quang của thành đạt, thì cuộc đời lại cho anh cơ hội để cảm nhận phong cảnh:”Vòm trời như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, nơi một vùng phù sa lâu đời của sông Hồng đang phô ra trước khuôn cửa sổ gian gác nhà Nhĩ những màu sắc thân thuộc quá như da thịt…”. Ngòi bút tả cảnh của Nguyễn Minh Châu được thể hiện qua cái nhìn của Nhĩ trong khoảnh khắc này sao mà da diết quá, nó chan chứa một niềm yêu mến thiết tha với những điều bình dị quanh anh. Thị giác của Nhĩ cảm nhận những sắc màu tuyệt đẹp của thiên nhiên quê hương, anh thấy “Hoa bằng lăng cuối mùa trở nên đậm sắc hơn” và “sông Hồng một màu đỏ nhạt”. Sắc tím, sắc đỏ ấy khiến cho bức tranh phong cảnh quanh nhân vật Nhĩ trở nên sinh động, đẹp thi vị, dù nó vô cùng bình dị trong cuộc sống. Phải chăng qua tâm sự và xúc cảm của Nhĩ, nhà văn muốn nói với người đọc rằng: những gì giản dị nhất, đôi khi lại là những điều thiêng liêng, quý giá, là những vẻ đẹp không đâu sánh được. Nơi chốn quê hương hóa ra lại là nơi chốn đẹp hơn tất cả mọi nơi khác mà anh từng đặt chân đến. Ta phát hiện ra niềm yêu quê hương da diết trong cõi lòng của Nhĩ, người đàn ông từng trải, và đang đi đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Bên cạnh việc Nhĩ khám phá ra vẻ đẹp quê hương, nhân vật này còn được tác giả đặt trong những nhận thức về gia đình, đặc biệt là về người vợ thân thương của anh. Có thể nói, Nguyễn Minh Châu để cho Nhĩ cảm nhận về Liên, vợ anh một cách hết sức giản dị. Những tình cảm đẹp nhất của anh đối với vợ được kể bằng một giọng văn chậm rãi, buồn buồn. Nó thể hiện ở cử chỉ của Liên “Chị đưa những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve chồng, rồi an ủi: – Anh cứ yên tâm. Vất vả, tốn kém đến bao nhiêu em với các con cũng chăm lo cho anh được”. Nó cũng thể hiện ở việc anh phát hiện ra vợ mặc chiếc áo vá vai, niềm thương cảm có phần ân hận dâng trào trong lòng Nhĩ. Người đọc cảm nhận được rằng, Nhĩ cũng là người đàn ông giàu yêu thương, có tình có nghĩa, nhưng có lẽ, anh cũng đã từng hững hờ mà không nhận ra sự thầm lặng hi sinh của vợ trong những ngày anh còn “đi khắp đó đây”. Đó phải chăng là sự chùng chình, vòng vèo trong cuộc sống của con người, họ phải đi một vòng rất dài để chạm đến những giá trị đích thực của đời sống, để rồi, khi nằm liệt vì bệnh tật, Nhĩ xót xa nghĩ rằng: “Nhĩ thấy thương Liên. Cả đời chị đã vì anh mà khổ.Anh thương chị lắm nhưng chẳng biết nói sao”.Điều an ủi nhất cho Nhĩ và cho người đọc, đó là trong những ngày tháng cuối đời, anh tìm thấy nơi nương tựa ở mái ấm gia đình, nơi mà vợ con anh ân cần săn sóc cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ. Đó cũng là nơi những đứa bé hàng xóm đáng yêu luôn sẵn sàng giúp đỡ anh khi anh cần: “cả bọn cùng giúp Nhĩ nằm ra ngoài tấm nệm. Chúng giúp anh đặt một bàn tay lên bậu cửa sổ và chèn một đống gối sau lưng. Anh thấy hạnh phúc và càng yêu hơn lũ trẻ”.Có lẽ đối với Nhĩ, những ân tình đó khiến cho anh thấm thía hơn về giá trị của gia đình, của mảnh đất quê hương. Anh nhận thức được những tình cảm thiêng liêng mà mình có được ở nơi này. Cũng như anh cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của cái bãi bồi bên kia sông quê anh…
Nhờ đâu, Nhĩ có thể nhận thức sâu xa những điều đó? Ngòi bút miêu tả tâm lý tài hoa của Nguyễn Minh Châu đã lý giải thật sâu sắc.Bởi Nhĩ có một cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của người sắp từ giã cõi đời. Anh đã thấm thía sự quý báu của những gì quen thuộc, gần gũi mà thiêng liêng ngay trước mặt mình, mà có thể trước đây, Nhĩ đã vô tình hờ hững, không để ý. Và khi ngộ ra điền này, thì điều ham muốn cuối cùng của anh là được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông.
Tại sao Nhĩ lại có khát khao đó? Điều này có ý nghĩa gì? Phải chăng nó chính là sự thể hiện những suy ngẫm về đời người, về cuộc sống.
Ta có thể thấy ước muốn đó chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường mà sâu xa của cuộc sống, những giá trị thường bị người ta lãng quên, nhất là khi người ta còn trẻ tuổi. Sự thức tỉnh này chỉ đến với con người có sự từng trải. Mà với Nhĩ thi đó là lúc anh nằm trên giường bệnh, sống những ngày cuối đời, nên sự thức tỉnh của anh có xen vào một niềm ân hận và xót xa, bởi anh khó mà nắm bắt được những điều đã trôi qua, cũng như việc anh khao khát nhưng không bao giờ đặt chân lên bãi bồi bên kia sông được nữa.
Nhà văn để cho Nhĩ trao cái khát khao ấy cho đứa con trai của anh thay cha mà thực hiện: “Bây giờ con sang bên kia sông hộ bố”, người con trai miễn cưỡng nhận lời vì không hiểu rõ ước muốn của cha mình, nhưng rồi cậu lại sa vào trò chơi phá cờ thế, để lỡ mất chuyến đò qua bên kia sông. Nhĩ khó mà trách con trai anh, vì bản thân anh cũng từng bị lôi cuốn bởi trò chơi ấy, những điều mà con anh đang làm, anh cũng từng trải qua. Nhìn thấy việc ấy, Nhĩ nhận ra rằng: “con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo quanh co”, để rồi người ta có thể để vụt mất những điều ý nghĩa và đẹp đẽ,mà có thể không lấy lại được. Mà cuộc sống và số phận con người chứa đầy những nghịch lý ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn, để lại những nuối tiếc cho chúng ta.
Những ý nghĩa triết lý của câu chuyện thật cảm động và sâu sắc, nhưng không phải ai cũng hiểu hết được.Sự vòng vèo, chùng chình của mỗi một con người dường như là tất yếu, để rồi họ có thể bỏ lỡ những điều quý giá của mình, của cuộc sống. Khi cảm thấy được giá trị của cuộc đời, Nhĩ lại đang trải qua những phút giây ngắn ngủi còn lại của anh. Nên anh khẩn thiết muốn truyền đạt trải nghiệm của mình cho con trai, cho tất cả những người còn có cơ hội để sống và nắm bắt chân lý. Khi nhìn thấy người con trai bỏ lỡ chuyến đò, “anh cố thu nhặt hết chút sức lực cuối cùng để đu mình nhô người ra ngoài,giơ một cánh tay làm ra vẻ ra hiệu cho một người nào ngoài đó”. Cái ra hiệu đó muốn nói nên rằng: Hãy trân trọng những gì thân thương bên ta, hãy biết rằng quê hương là đẹp nhất, và gia đình là nơi thân thương nhất của mỗi chúng ta, hãy trân trọng và vun đắp khi còn có thể…
Có thể nói Nguyễn Minh Châu đã bộc lộ một ngòi bút miêu tả tâm lý cực kỳ tinh tế khi thể hiện những nội dung trên đây. Đời sống nội tâm của nhân vật Nhĩ và diễn biến tâm trạng anh bộc lộ ra khá sâu sắc. Tác giả còn chọn lọc nhiều chi tiết hay, mang ý nghĩa biểu tượng như hình ảnh bãi bồi, hình ảnh những bông hoa bằng lăng, hay là tiếng những tảng đá đổ ụp vào trong giấc ngủ của Nhĩ… Từ đó, Bến quê xứng đáng trở thành thiên truyện ngắn xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam, đem lại rất nhiều ý nghĩa triết lý nhân văn về con người và cuộc đời.
Đọc xong truyện ngắn Bến quê, và nghĩ về nhân vật Nhĩ, người đọc không khỏi bâng khuâng, xót xa trước những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc về con người và về cuộc đời của anh. Truyện đã thức tỉnh chúng ta rằng phải biết trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình thường mà quý giá của gia đình, của quê hương.Bởi vì con người dù có đi khắp năm châu bốn bể, quê hương và gia đình vẫn là nơi nương tựa vững chắc nhất, là nơi giúp chúng ta hiểu rõ và hiểu sâu tình thương yêu, đức hi sinh, sự ấm áp của nơi chôn nhau cắt rốn.
—————-HẾT——————
Truyện ngắn Bến quê là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Minh Châu, ngoài bài làm văn Nhân vật Nhĩ và những suy nghĩ về cuộc đời, con người trong truyện ngắn Bến quê, học sinh và giáo viên thường làm các bài văn như Cảm nhận truyện ngắn Bến quê, Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề Bến quê trong truyện ngắn Bến quê, Phân tích truyện Bến Quê, Những cảm nhận về truyện Bến quê hay cả phần Kể lại truyện Bến quê, Soạn bài Bến quê, Ngữ Văn 9.