Lớp 8

Chứng minh lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua Hịch tướng sĩ

Đề bài: Chứng minh lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua Hịch tướng sĩ

chung minh long yeu nuoc cua tran quoc tuan qua hich tuong si

Chứng minh lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua Hịch tướng sĩ

Bài làm:

Từ bao đời nay, nước ta trải qua mấy ngàn năm văn hiến lịch sử, đó là những năm tháng đầy máu và nước mắt của cha ông. Mảnh đất màu mỡ này đã biết bao lần chịu sự giày xéo của vó ngựa phương Bắc, chịu bao lần bom đạn của thực dân đế quốc. Thế nhưng dân tộc ta vẫn tồn tại, đó chính là bởi vì truyền thống yêu nước sâu sắc, đã thành máu thịt của nhân dân không bao giờ có thể phai mờ. Tấm lòng yêu nước ấy cũng được thể hiện trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, vị công thần, vị tướng tài bậc nhất với tấm lòng yêu nước thương dân sắt son vô cùng.

Trước hết, Trần Quốc Tuấn quay ngược dòng lịch sử nhắc về những sự kiện, những con người trung nghĩa, dũng cảm khi xưa đã hi sinh thân mình phò tá, tương cứu chủ tướng của mình như thế nào. Này thì Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, Thân Khoái, Kính Đức, Cảo Khanh toàn là những bậc anh hùng tận trung tận tụy, được người đời và chủ tướng quý trọng. Trần Quốc Tuấn khơi lại chuyện cũ như vậy chỉ nhằm nhấn mạnh một điều: “Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước đời nào không có?”. Thức tỉnh binh lính rằng nếu cứ rụt rè xó cửa, vướng bận nữ nhi thường tình thì sao có thể lưu danh sử sách muôn đời, sao có thể báo đáp ân tình đất nước cho được. Đó là một câu hỏi khiến con người ta phải trăn trở suy nghĩ, đánh mạnh vào tâm hồn của từng người đang nghe bài hịch, quả thật là một đòn tâm lý xuất sắc của Trần Quốc Tuấn. Như chưa đủ sức thuyết phục, ông lại kể thêm chuyện Tống, Nguyên cũng có những bậc trung thần tận tụy như Nguyễn Văn Lập, Xích Tu Tư giúp chủ soái của mình giết giặc anh dũng, chẳng nề hà ngại khó, sợ chết bao giờ thế nên các nước ấy mới giữ được nền độc lập đến nay và càng trở nên vững mạnh. Công lao của các vị ấy còn được nhân dân để ơn đến muôn đời sau không hết.

Quay trở về với thực tại Đại Việt ta, đất nước đang trong cảnh loạn lạc, lầm lạc, Trần Quốc Tuấn thể hiện lòng căm ghét giặc qua những câu: “Ngó thấy sứ giặc nghênh ngang đi lại ngoài đường uốn lưỡi cú diều mà sỉ nhục triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Trong mắt Trần Quốc Tuấn, bọn giặc dã chỉ xứng ngang với loài ác thú diều hâu, là loài gia súc hèn kém như dê, chó, điều đó vừa thể hiện sự khinh thường vừa là nỗi căm giận của tác giả khi chúng ngang nhiên tổn hại đến quốc thể, đến triều đình. Căm ghét hơn nữa là bọn giặc còn tham lam vơ vét của cải, bỏ đầy túi riêng chẳng khác nào loài hổ đói không diệt thì là hậu họa khôn lường về sau. Trần Quốc Tuấn đã có tầm nhìn xa trông rộng, đoán biết trước được âm mưu đê tiện của kẻ thù và vận mệnh của dân tộc nếu không có cách giải quyết triệt để.

Nỗi căm ghét tận cùng ấy càng làm cho tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn thêm sôi sục, thêm day dứt tâm can “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt” đó là nỗi đau, nỗi lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Chỉ trằn trọc một nỗi hận không thể sớm ngày “xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù” cho hả giận. Lòng yêu quê hương đất nước, tấm lòng thương dân sâu sắc khiến ông cam nguyện phơi thân ngoài nội cỏ, xác bọc trong da ngựa nơi sa trường cũng không màng. Bởi được hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc là niềm vinh dự, tự hào biết mấy, sao có thể vì sợ hãi mà nép nơi xó cửa nhìn giặc dữ giày xéo lên mảnh đất quê hương, nơi ông chôn rau cắt rốn. Tấm lòng trung trinh, yêu nước của vị tướng kiêu hùng thật đáng ngưỡng mộ và trân quý biết bao nhiêu.

Chính tấm lòng yêu nước sâu sắc và lòng quyết tâm dẹp giặc đã khiến ông viết ra bài hịch với lời lẽ thật chân thành tha thiết và gần gũi như thế. Bởi “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, thế nên muốn thắng quân thù trước hết phải có binh lính, phải có sĩ khí bừng bừng một lòng giết giặc thì mới nên chuyện. Ông bình thường là tướng quân cao trên vạn người nhưng không vì thế mà kiêu ngạo, ngược lại hết lòng yêu thương quân lính của mình, đối đãi rất tử tế, cho cơm ăn áo mặc đầy đủ, thăng quan tiến chức công bằng, ra sa trường thì kề vai chiến đấu, ngày thái bình thì lại uống rượu chuyện trò hết sức gần gũi thân thiết. Nhưng ông cũng hết sức phê phán lối sống bàng quan của binh lính, thấy nước mất tới nơi mà vẫn bình chân như vại, chẳng biết lo nghĩ, thấy chủ nhục cũng mặc kệ, đó là bất trung, bất nghĩa đến nhường nào. Ông phê phán thói sống ăn chơi, an nhàn thích chọi gà, đánh bạc, quanh quẩn ruộng vườn, quấn quýt vợ con, hoặc ham kiếm tiền, săn bắn mà chẳng lo nghĩ đến việc binh, việc nước, để tiếng hát, hương rượu mụ mị đầu óc quên việc gươm đao của nhà binh. Trần Quốc Tuấn lại tiếp tục thức tỉnh binh lính của mình bằng những hậu quả của việc bàng quan, lơ là việc nhà binh, việc nước bằng việc cảnh báo những nguy cơ đang ập đến, người thân vợ con bị bắt bớ, bổng lộc, đất đai bị mất hết, xã tắc tổ tông, mộ phần gia tiên bị vó ngựa giày xéo. Lúc ấy, nỗi nhục mất nước, tan nhà để đâu cho hết, lúc ấy phải muôn đời mang danh đánh mất nước vào tay giặc, phải chịu kiếp nô lệ. Thiết nghĩa bấy nhiêu thôi cũng đã đủ đánh thức lòng quyết tâm diệt giặc thù của toàn bộ binh lính.

Nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn chưa dừng lại ở đó, sau những lời khích lệ cái tinh thần yêu nước, thù giặc của binh lính ông tiếp tục có những lời lẽ hết sức chân thành để động viên binh sĩ của mình. “Đặt mồi lửa vào dưới đống củi”, “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”, ý muốn nói phải biết lo trước cái lo của người, những việc chưa xảy ra, phải đề phòng cảnh giác trong mọi trường hợp, đừng thấy an yên mà tưởng thái bình. Nhằm khuyên nhủ binh sĩ chăm lo tập dượt, sao cho ai ai cũng giỏi giang, lúc ấy chẳng sợ gì địch mạnh, giặc đến thì sẵn sàng bước ra chiến trường giết giặc thể hiện sự anh dũng, lòng trung với tổ quốc của người con Đại Việt. Tổ quốc có an yên thì mới có thái ấp, bổng lộc, vợ con được hưởng sung sướng, đời đời được nhân dân nhớ ơn mà tôn thờ, để danh thơm muôn đời cho con cháu. Trần Quốc Tuấn dùng hết tâm huyết và tài lược của bản thân để thành cuốn Binh thư yếu lược cho binh sĩ học tập, rèn luyện với một mong ước duy nhất ai ai cũng thông thuộc binh pháp, đủ sức, đủ trí dũng ra sa trường dẹp giặc, rửa mối nhục thù cho dân tộc, cho tổ quốc.

Tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn thật sâu sắc và đáng khâm phục. Tuy là quan võ nhưng lại có tài văn chương, lời lẽ xác đáng, có sức thuyết phục cao, nghe bài hịch mà tưởng như lòng yêu nước chân thành, tha thiết của ông đang lan truyền trong trái tim của từng binh sĩ, thức tỉnh quân lính ra khỏi cơn mộng mị, khơi gợi được lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của mỗi con người, khiến không ai có thể chối từ được. Tựu chung lại ông chỉ có một mong muốn làm sau cho nước nhà được độc lập, nhân dân được sống trong cảnh thái bình mà thôi.

———————HẾT————————

Tác phẩm Hịch tướng sĩ là một trong số những sáng tác của Trần Quốc Tuấn, đây cũng là tác phẩm nổi bật trong chương trình ngữ văn lớp 8. Bên cạnh bài làm văn Chứng minh lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua Hịch tướng sĩ, học sinh và giáo viên tham khảo các bài làm văn mẫu như Phân tích lòng yêu nước, căm thù giặc qua Hịch tướng sĩ, Cảm nhận về tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ, Suy nghĩ về tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua văn bản Hịch tướng sĩ hay cả những phần Soạn bài Hịch tướng sĩ.

Nguyễn Thị Hương Thủy

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện đang tham gia giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường THPT Chu Văn An. Cô có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt những thành tích cao và đặt chân vào các trường đại học danh tiếng. Cô gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp: giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi do thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia giảng dạy đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia.
Back to top button