Bình bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) của Nguyễn Khuyến

Đề bài: Bình bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) của Nguyễn Khuyến

binh bai tho thu dieu cau ca mua thu cua nguyen khuyen

2 bài văn mẫu Bình bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) của Nguyễn Khuyến

1. Bình bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) của Nguyễn Khuyến, mẫu 1:

Đi câu là một cái thú thanh tao của các bậc trí giả. Có bậc hiền nhân có tài, bất đắc chi đi câu để chờ thời. Ngồi trên bờ ai mà nghĩ đến chuyện năm châu bốn biển, nghĩ đến thế sự đảo điên. “Cá ăn đứt nhợ vểnh râu ngồi bờ” (có người còn dùng lưỡi câu thẳng như Khương Tử Nha – Trung Quốc). Có bậc đại nhân vác cần đi câu để hương thú nhàn tản, hòa hợp với thiên nhiên, suy tư trong trạng thái thư giãn. Nguyễn Khuyến đi câu theo kiểu này. Ông đã mở hết các giác quan để cảm nhận mùa thu, cũng là mùa câu của xứ Bắc. Như những đứa trẻ trong xóm, ông câu cá cũng chăm chú, cũng hồi hộp, cũng say mê. Kết quả của cuộc chơi ấy là ông đã được một bài thơ “Thu điếu” vào loại kiệt tác của nền vãn học nước nhà:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

1 binh bai tho thu dieu cau ca mua thu cua nguyen khuyen

Bài văn mẫu Bình về bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) hay nhất

Hình ảnh mùa thu hiện lên trong bài thơ với một không gian hẹp ở chốn làng quê của tác giả, trong một cái ao nhỏ với chiếc thuyền câu nhẹ thênh thênh:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Cái tôi trữ tình lặn phía sau ngôn từ. Cảm giác của thi nhân thì hiện lên sắc sảo và tinh tế. Mùa thu đã vào chiều sâu, “ao thu lạnh lẽo” với mặt nước “trong veo” rất muốn nhìn, ao thu như là chiếc gương tròn của làng quê. Làng Bùi của nhà thơ là đồng chiêm trũng rất nhiều ao, ao nhỏ. Ao nhỏ thì thuyền câu cũng nhỏ theo “bé tẻo teo”, vần eo là thử vận hiểm hóc, vậy mà câu thơ trôi chảy tự nhiên như không, như không có chút gì là kĩ xảo cả.

Thuyền câu đã hiện ra đấy mà người câu đâu chẳng thấy. Cũng chưa thấy cần thấy nhợ gì cả. Người đi câu còn mải mê với trời nước của mùa thu:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng, trước gió khẽ đưa vèo.

Ao thu không còn tĩnh lặng nữa mà đã nổi sóng với hai thanh trắc ở đầu câu (sóng biếc) và hai thanh trắc ở cuối câu (gợn tí). Sóng nhỏ vì ao nhỏ, lại là trong chỗ khuất. Gió nhẹ, gió heo may mùa thu. Sóng lại có màu sắc, “sóng biếc” thật đẹp. Ngòi bút của tác giả tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Hai câu thực đối rất chỉnh “sóng biếc” đối với “lá vàng”, đều là màu sắc đặc trưng của mùa thu. “Hơi gợn tí” đối với “khẽ đưa vèo”, vận động của chiều dọc tương xứng với vận động của chiều ngang thật tài tình.

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Nhà thơ đã thả hồn theo chiếc lá vàng “khẽ đưa vèo” trên mặt ao trong veo. Cái màu vàng của mùa thu mà bao nhiêu thi nhân đã ngợi ca:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
(Lưu Trọng Lư)

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.
(Bích Khê)

Và đây là chiếc lá vàng của Nguyễn Khuyến trong bài thơ “Thu điếu” dưới ánh mắt của Xuân Diệu: “Cái thú vị của bài Thu Điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi…”. Lời bình của Xuân Diệu thật là tâm đắc.

Nhà thơ mở không gian lên chiều cao tạo nên không khí khoáng đạt và không gian được mở rộng nên bức tranh “Thu điếu” thêm đường nét, thêm màu sắc:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Màu da trời “xanh ngắt” thật là đẹp, màu xanh xao mà tha thiết. Trong màu “xanh ngắt” có cái thăm thẳm của chiều cao. Mây không trôi mà “lơ lửng” những áng mây trắng “lơ lửng” trên bầu trời “xanh ngắt” thật là thanh bình. Rồi tác giả lại trở về cận cảnh với hình ảnh của làng quê. “Ngõ trúc quanh co”, đường làng quanh co thân thuộc với bóng tre trùm mát rượi. Nhưng bao giờ trong thơ Nguyễn Khuyến tre cũng nói là trúc, “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu” (Thu vịnh), “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Nguyễn Khuyến thích cái hình thể loại cây chí khí ấy “Trúc dầu cháy đốt ngay vẫn thẳng”. Những nét trúc thẳng đối lập với những nét quanh co của đường làng thật là gợi cảm. Trời lạnh, đường quê vắng vẻ, “khách váng teo”. Bức tranh thu đượm buồn. Các thi sĩ thích miêu tả cảnh thu trong tĩnh lặng, đẹp, nhưng buồn. Sau Nguyễn Khuyến, nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu cũng viết:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò
(Đây mùa thu tới)

Bài thơ kết thúc với hình ảnh của người đi câu như một nét tự họa:

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Nhà thơ thu mình lại “tựa gối ôm cần”, dường như để tương xứng với khung ao nhỏ, với chiếc thuyền “bé tẻo teo”. Người đi câu đang đắm chìm trong suy tư thì một cử động đã làm cho nhà thơ sực tỉnh:

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Ba chữ “đ” (đâu, đớp, dộng) miêu tả một chút xao động trong làn ao và rất nhiều xao động trong lòng thật là tài tình.

Có ý kiến cho rằng cử chỉ đi câu của Nguyễn Khuyến giống với Khương Tử Nha và nhà bình luận đó hết lời ngợi ca cả hai ông. Không! Nguyễn Khuyến đâu có còn chờ thời. Nhà thơ chỉ muôn tan hòa vào thiên nhiên, vào non nước. Toàn bộ hình tượng thơ “Thu điếu” đã sửa soạn cho thái độ này. Khung cảnh hẹp, làn ao nhỏ, chiếc thuyền “bé tẻo teo”. Nhà thơ thu mình lại “tựa gối ôm cần” hòa điệu với thiên nhiên, tan hòa với non nước. Thế thì làm sao thái độ đi câu của Nguyễn Khuyên lại giống với thái độ đi câu của Khương Tử Nha được? Còn đồng tình với ai đó là chuyện riêng. Tôi đồng tình với Nguvễn Khuyến.

Trong chùm thơ bài viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến, nếu được chọn một bài thì đó là bài “Thu điếu”. Bài thơ “Thu điếu” là kiệt tác trong nền thơ cổ điển nước nhà. Bức tranh mùa thu được miêu tả bằng những hòa sắc tinh tế, những đường nét gợi cảm. Nhạc điệu cũng độc đáo. vần gieo hiểm hóc mà tự nhiên, hồn nhiên. Theo Xuân Diệu, cả bài thơ không còn lép chữ nào. Thật là một nghệ sĩ cao tay. Cái tình của nhà thơ cũng theo kịp cái tài. Cái tình của nhà thơ đối với quê hương làng cảnh, với non sông đất nước thấm trong mỗi chữ mỗi lời làm xúc động hết thảy mỗi tâm hồn Việt Nam.

——————– HẾT BÀI 1 ———————

Trên đây là phần Bình bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) bài tiếp theo, các em chuẩn bị trả lời câu hỏi SGK, Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài thơ Câu cá mùa thu và cùng với phần Hãy phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ độc đáo qua bài Câu cá mùa thu để học tốt môn Ngữ Văn lớp 11 hơn.

2. Bình bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, mẫu 2:

Mùa thu đã thú vị. Mùa thu ngồi câu cá lại càng thú bị hơn. Huống chi, mùa thua lại được ngồi câu cá giữa vùng phong cảnh quen thuộc của quê hương. Niềm thú vị ấy đã trở thành cảm hứng cho một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Khuyến, bài Thu điếu.

Thu điếu là một trong chùm ba bài thơ mùa thu của Nguyễn Khuyến rất nổi tiếng xưa nay. Tuy nhan đề là “Mùa thu câu cá” nhưng bài thơ không lấy việc câu cá làm chính mà lấy mùa thu làm chính. Việc câu cá chẳng qua là cái cớ, cái hoàn cảnh, cái chỗ để nói về mùa thu, để thưởng thức mùa thu mà thôi. Mùa thu, nhất là mùa thu ở làng quê, vốn đẹp, nhưng mùa thu, cảnh thu ngắm từ vị trí người câu cá, thưởng thức từ tâm trạng người ngồi câu cá, lại có cái đẹp, cái thú riêng. Cho nênm cái khác nhau, cái phong phú riêng của Thu điếu so với Thu ẩm hay Thu vịnh chính là từ đó.

Mở đầu theo thông lệ của thơ Đường, Nguyễn Khuyến giới thiệu và hạn định khái quát nơi phát sinh cảm hứng với câu phá đề:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Nơi ấy là “ao thu” . Địa điểm là: ao; thời gian; thu; thời gian không phải một ngày, một buổi nào, mà là cả một mùa: mùa thu. Hai từ “ao” và “thu” không tách rời nhau mà kết thành một ngữ ” ao thu”, một thứ ao riêng, chỉ đến mùa thu mới xuất hiện, hoặc chỉ đến mùa thu mới có những nét ấy, những vẻ ấy, những tính chất ấy. Trong cảm xúc ban đầu của Nguyễn Khuyến, ao thu được phát hiện nhờ hai tính chất: “lạnh lẽo” và “nước trong veo”. Đó là cảm nhận bỗng khiến cho lòng nhà thơ trà trề cảm hứng.

binh bai tho thu dieu cau ca mua thu cua nguyen khuyen 1

Hướng dẫn Bình về bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến

Nhưng “lạnh lẽo” đâu phải là tính chất riêng của “ao thu”; sang đông ao còn lạnh lẽo hơn kia mà! Có thể như vậy thật, nhưng ở đây không phải là chuyện lạnh hay không lạnh, lạnh nhiều hay lạnh ít. Ở đây là chuyện cảm xúc. Sau một mùa hạ nóng nực kéo dài, cái lạnh lẽo của mùa thu thật đáng để cảm xúc hơn là một cái lạnh này sang một cái lạnh khác, dẫu có lạnh hơn. Vả lại, ngoài cái lạnh, ao thu còn có “nước trong veo”. Ao lạnh, nước yên, nước trong đến tận đáy. Trong đến độ “trong veo”, tức là đạt đến độ cao nhất của sự trong, từ “veo” với vần “eo” tiếp sau từ “trong” gợi lên một lời cảm thán, một niềm thích thú, một tiếng reo nhỏ kéo dài. Trời phải lặng gió, bầu trời cũng phải thật trong, nước mới có thể “trong veo” như thế. Câu thơ đầu, dẫu chưa tả trời, cũng đã cho ta thấy trời. Trước mắt ta, một khoảng không giann trong sáng và tĩnh lặng vô cùng.

Mở ra với từ “ao”, bài thơ của Nguyễn Khuyến thật đã bắt đầu không theo sách vở chút nào. Lẽ ra khong phải là ao, mà là hồ như Tây Hồ, Động Đình hồ… hoặc bến như bến Tân Hoài, bến Cô Tô, bến Phong Kiều… hoặc sông như sông Hoàng Hà, sông Dương Tử… chẳng hạn. Các nhà thơ xưa, trước kia cũng thời Nguyễn Khuyến vẫn làm thế mà!. Có làm như thế mới là nhà thơ cổ, nhà thơ có học, nhà thơ cao khiết. Nhưng không, Nguyễn Khuyến đã chọn cái ao làm chỗ xuất phát cho cảm hứng. Ao là một nét thường gặp ở vùng quê nhà thơ, vùng quê Việt Nam. Nói đến ao là động đến một cái gì rất thân quen, rất thân mật, rất bình dị trong cuộc sống dân tộc. Nguyễn Khuyến đã chọn nó, chọn cái ao, vì sao? Vì tâm hồn ông là thế, thân mật, chân thành, bình dị, gắn bó với dân tộc.

Thế là với một câu thơ, Nguyễn Khuyến đã đóng khung cảm xúc của mình với một bức tranh mùa thu trong Thu điếu là phong cảnh Việt Nam giản dị mà gợi cảm biết bao:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo.
Trên cái nền ấy là hình ảnh người câu cá:
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Người ngồi câu cá không ngồi xuống đất, bên bờ ao như thói thường những nguoifw đi câu cáo ao, nhất là những người câu cá “ngiệp dư”, mà ngồi trên “một chiếc thuyền câu”. Ngồi trên thuyền, trong trường hợp này, có lợi thế hơn. Ngồi trên bờ thì tầm nhìn bị giới hạn chỉ có một phía; ngồi trên thuyền xa bờ thì có thể thấy nhiều phía hơn, rộng hơn. Nhưng, đưa một chiếc thuyền câu lên mặt ao, tác giả cũng đặt mình trước nguy cơ: sự thiếu cân bằng của bức tranh. Từ “ao” vốn gợi lên một khoảng không gian nhỏ. Chiếc thuyền lại có thể lớn, không khéo thì phá vỡ mất vẻ xinh xắn, bé nhỏ, thanh tú của bức tranh mùa thu trong Thu điếu. Rất tỉnh táo và tinh tế trong chữ nghĩa, tiếp théo “chiếc thuyền câu”, nhà thơ có ngay mấy từ “bé tẻo teo”. Không phải “nhỏ” mà là “bé”, nghiac là rất nhỏ trong sự nhỏ, đã bé lại “bé tẻo teo”, sự nhỏ càng được thu đến thật nhỏ, nhỏ tưởng có thể cầm lấy được trong tay, nhỏ và xinh xắn, nhẹ nhàng như món đồ chơi. Thế là bức tranh vẫn giữ được sự cân đối hài hòa. Mà bức tranh cũng rất thực nữa: trên mặt cái ao nhỏ của làng quê, nổi lên một chiếc thuyền câu nhỏ, có lẽ đó là một chiếc thuyền nan, thường được gọi là “thuyền thúng” rất phổ biến ở vùng quê miền Bắc, vừa vặn cho một người ngồi. Thật mà cứ như mơ, mơ mà rất thật! Cả không gian như co lại trong cái lạnh mùa thu.

Nhờ ngồi trên một chiếc thuyền câu như thế, giữa một cái ao như thế, nhà thơ đã nhận ra nhiều vẻ của mùa thu:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng màu xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Trong bốn câu thơ trên, ở hai câu thực là cảnh gần, ở hai câu luận là cảnh xa. Cảnh gần thì có “sóng biếc gợn” và “lá vàng đưa”; sóng biếc gợn thành hình, lá vàng đưa thành tiếng, nhưng cả tiếng và hình đều cực nhỏ, cuối hai câu thơ, nổi lên hai từ đối nhau: “tí”, “vèo”, một từ nói lên sự cực nhỏ của hình khối, một từ diễn tả sự cực nhỏ của âm thanh. Vẻ tĩnh lặng của mùa thu cứ tăng dần qua từng cấp độ: hơi gợn – tí, khẽ đưa – vèo. Hơn nữa qua âm thanh, nguoifw đọc còn nhận dạng được chiếc lá đang đưa: gió nhẹ, mà khiến được lá “sẽ đưa vèo”; chiếc lá ấy phải nhẹ, nhỏ, dài, thon nhọn; chắc không thể là lá gì khác ngoài lá tre, lá trúc. Không gian động mà tĩnh, có âm thanh mà vẫn vô thanh. Cái sóng ấy, cái tiếng lá bay ấy, chỉ như xao động lên, âm vang lên trong cõi lòng nhà thơ, một cõi lòng lạnh lẽo, trong treo, tĩnh lặng như làng quê, như mùa thu… ở hai câu luận, cảnh thu như xa hơn một chút, cảnh bên ngoài giới hạn của ao thu, nhưng vẫn được nhìn từ ao thu, phía trên là bầu trời mùa thu, trước mặt là làng xóm mùa thu. Trời thu xanh, xóm làng thì vắng vẻ. Nguyễn Khuyến rất yêu cái màu của trời thu: xanh ngắt. Trong cả ba bài thơ mùa thu của nhà thơ, da trời đều có màu xanh ấy:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắ
(Thu điếu)

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao
(Thu vịnh)

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
(Thu ẩm)

Trong cảm xúc của Nguyễn Khuyến, cái màu xanh ngắt là màu xanh ở vẻ đặc trưng đầy khơi gợi của trời thu. Xanh ngắt là màu xanh ở độ tinh khiết tuyệt đối, không hề pha lẫn, không hề chắp nối. Nhưng để nhận ra màu xanh ấy của bầu trời, cảm nhận được vẻ đẹp của nó, bên dưới nói phải có lơ lửng một tầng mây. Tầng mây không phải là để phủ, để che, mà để làm rõ trời xanh ngắt. Nhà thơ Yên Đỗ quả là tinh tế!

Nhìn về làng xóm, mùa thu đến, cảnh vốn đã vắng lại càng vắng thêm ra vì ngõ trúc quanh co. Người đi lại đã ít, nếu có bóng người nào trong ngõ thì cũng bị quanh co ấy che khuất, cho nên cái vắng vẻ ở đây thành ra tuyệt đối “vắng teo”.

Cả bốn câu thơ tả cảnh, tuy có dáng, có hình, có màu sắc, có âm thanh, nhưng khi đọc lên, từ nào cũng gợi ta phải đọc se sẽ. Tất cả đều chỉ như một làn gió nhẹ, một hơi thở nhẹ của mùa thu. Đọc xong cả bốn câu thơ, người đọc hơi thấy lạ: bài thơ về chuyện câu cá mà không dành một câu nào, thậm chí, từ nào nói chuyện câu cá. Ồ! Nhưng mà có đấy thôi, nếu không đang ở vị trí ngồi câu cá, cái tư thế đang ngồi câu cá, làm sao lại cảm nhận được mùa thu, cảnh thu như thế? Hẳn đây chính là chỗ “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ này.

Bài thơ cho đến đây, đã hết sáu câu, vẫn chưa thấy xuất hiện con người. Đến hai câu cuối của bài thơ, con người chính là tác giả bài thơ mới xuất hiện. Sự xuất hiện này tạo lên cho bài thơ điều gì bất ngờ không? Bất ngờ thì có bất ngờ, nhưng bức tranh trời nước mùa thu thì không vì thế mà thay đổi. Vẫn cái vắng vẻ, tĩnh lặng ấy, vẫn cái bất động và vô thanh ấy, lần này thì có rút lại thêm một bực nữa:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được.

Ngồi câu cá mà ngồi ở tư thế đó thì có thể ngồi yên suốt một buổi, suốt một ngày. Tư thế “tựa gối ôm cần” một phần vì tiết thu, giữa “ao thu lạnh lẽo”, ngồi “co ro” thế cho bớt lạnh, nhưng một phần còn bởi lòng nguoifw câu cá, ngồi như thế để có thể ngồi được lâu, mà trầm tư, mà thưởng thức, mà hòa cái trong trẻo, cái cô đơn của lòng mình vào cái tĩnh lặng và trong treo của mùa thu. Tưởng chừng người câu cá đã quên mất việc đến đây để ngồi câu cá. Thật ra thì vẫn nhớ đấy chứ, nhớ nên biết là mình ngồi câu đã lẫu mà chưa có cá: Lâu chẳng được. Có điều, chờ mà không băn khoăn, không sốt ruột. Mục đích ngồi câu đâu phải để có cá. Hình như người ngồi câu đang chờ một điều gì đó nữa mà chính mình cũng không rõ. Thế rồi:

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Mấy tiếng đâu đớp động cùng một âm đầu hữu thanh làm rung động cả câu thơ. Cái rung động ấy khẽ đến nỗi như có mà lại như không. Cá có thể cắn câu mà cũng có thể không. Nhưng cần gì, riêng cái rung động mơ hồ ấy cũng đã đáng quý rồi, cái rung động ấy khiến cả không gian mùa thu như ngừng lắng lại, hồn nguoifw cũng ngừng lắng lại. Thật là một câu kết lạ lùng, kết lại mà mở ra, kết lại mà gợi tới bao nhiêu điều liên tưởng.

Điều gì khiến bài thơ thu điếu của Nguyễn Khuyến mở thành một bài thơ bất hũ? Sự điêu luyện của nhà thơ trong việc sử dụng tiếng nói dân tộc, một thứ tiếng Việt uyển chuyển, phong phú, đạt đến mức tuyệt đối trong sáng và tinh tế ư? Vẻ đẹp giản dị, thực sự của mùa thu Việt Nam. Của làng quê Việt Nam ư? Tất cả đều đúng. Nhưng có điều này rất quan trọng: ấy là trong Thu điếu, ta nhận ra vẻ đẹp của tâm hồn: trong sáng và bình dị, tinh tế và chân thành, rất gắn bó với những gì thuộc về quê hương và dân tộc. Đọc Thu điếu, ta hiểu và tự hào thêm về làng quê và đất nước Việt Nam, yêu cái tình người đậm đà của con người Việt Nam.

——————— HẾT ———————-

Thông qua việc Bình giảng bài thơ câu cá mùa thu, bình giảng bài thơ thu điếu của Nguyễn Khuyến, các em đã có thể cảm nhận rõ nét cảnh sắc mùa thu cùng nỗi buồn man mác của nhà thơ về thời thế, vận khí đất nước. Bên cạnh bài Thu điếu, chương trình Ngữ văn lớp 11 còn rất nhiều bài văn mẫu hay, nổi tiếng mà các em cần lưu tâm nhưPhân tích đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh,Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương,Phân tích bài thơ Thương vợ để làm nổi bật tâm sự mang nỗi niềm thế sự của tác giả,Phân tích cái tôi ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ qua bài thơ Bài ca ngất ngưởng,…

Back to top button